Thận ứ nước là tình trạng nước tiểu ứ đọng ở bể thận. Vậy thận ứ nước ở trẻ nhỏ có nguy hiểm không? Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Thận ứ nước ở trẻ nhỏ là bệnh lý khi mà nước tiểu bị ứ đọng trong cơ thể. Nếu không được phát hiện sớm và kịp thời điều trị, bệnh có thể chuyển tiến nặng hơn sang suy thận. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về các triệu chứng cũng như cách điều trị và ngăn ngừa căn bệnh này ở trẻ.
Nguyên nhân trẻ mắc thận ứ nước
Thận ứ nước ở trẻ nhỏ là tình trạng bể thận không thể đào thải nước tiểu. Nguyên nhân thường gặp gây ra thận ứ nước là do niệu quản bị hẹp hoặc tắc nghẽn. Đây là một trong những bất thường bẩm sinh của hệ niệu ở trẻ có thể phát sinh từ giai đoạn bào thai như:
Sự bất đối xứng của thành cơ: Nhu động của niệu quản bị ức chế không thể đẩy nước tiểu ra khỏi thận gây tình trạng thận ứ nước ở trẻ nhỏ.
Thiểu sản niệu quản: Sự phát triển và phân chia niệu quản không đầy đủ làm cho các nhu động ở vị trí nối giữa thận và niệu quản bất thường.
Biến dạng niệu quản: Điều này thường là do niệu quản cắm vào bể thận quá cao, ngăn cản việc vận chuyển nước tiểu từ thận xuống niệu quản.
Sự bất thường của mạch máu cực dưới thận: Hiện tượng này khiến niệu quản bị tắc nghẽn và cản trở dòng nước tiểu từ bể thận lưu thông xuống.
Thận xoay và di động quá mức: Gây tắc nghẽn từng hồi.
Hẹp khúc nối bể thận và niệu quản.
Các bất thường bẩm sinh trên nhìn chung đều đưa đến chung một kết quả là sự lưu thông nước tiểu từ bể thận xuống bàng quang bị cản trở, gây nên thận ứ nước.
Bên cạnh những vấn đề về bất thường bẩm sinh của hệ tiết niệu, các nguyên nhân khác gây ra tình trạng thận ứ nước ở trẻ nhỏ còn có thể là:
Sỏi thận: Sỏi lớn chặn ngay vị trí thông giữa bể thận và niệu quản.
Khối u: Các khối u phát triển có thể gây tắc nghẽn ở niệu quản
Cục máu đông/sẹo trong niệu quản: Làm niệu quản bị hẹp, cản trở lưu thông nước tiểu.
Các triệu chứng khi trẻ gặp tình trạng thận ứ nước
Các triệu chứng về tình trạng thận ứ nước ở trẻ nhỏ thường không rõ ràng và có thể nhầm lẫn với các bệnh cảm thông thường. Vì thế, bạn cần chú ý quan sát các biểu hiện ở trẻ, đặc biệt là ở các trẻ sơ sinh để phát hiện và điều trị kịp thời căn bệnh này.
Nếu quan sát thấy một trong các dấu hiệu trên, bạn cần đưa trẻ đến thăm khám tại cơ sở y tế gần nhất để tránh biến chứng nguy hiểm, thường gặp nhất là nhiễm khuẩn tiết niệu. Khi ấy, trẻ sẽ có các biểu hiện sau:
Sốt và mệt mỏi.
Nước tiểu có thể có màu đục hoặc lẫn máu.
Khó tiểu, đau nhiều hơn khi tiểu.
Chẩn đoán thận ứ nước ở trẻ nhỏ
Trước khi có phác đồ điều trị thích hợp, việc chẩn đoán chính xác tình trạng và nguyên nhân gây ra bệnh thận ứ nước cũng đóng vai trò rất quan trọng. Việc chẩn đoán phát hiện bệnh thận ứ nước ở trẻ nhỏ có thể được thực hiện khi mang thai hoặc sau khi sinh.
Chẩn đoán trước khi sinh
Tình trạng thận ứ nước ở trẻ nhỏ trong giai đoạn mang thai chỉ có thể được chẩn đoán thông qua việc siêu âm định kỳ. Khi phát hiện sự bất thường về kích thước thận hay dịch ối, bác sĩ sẽ chỉ định tăng tần suất khám định kỳ của thai phụ để theo dõi tình trạng bệnh.
Chẩn đoán sau khi sinh
Khi có các triệu chứng lâm sàng gợi ý tình trạng thận ứ nước ở trẻ nhỏ, các phương pháp sau sẽ được yêu cầu thực hiện để giúp biết chính xác nguyên nhân gây ra bệnh này, thông thường là các chẩn đoán hình ảnh.
Siêu âm thận: Xét nghiệm giúp bác sĩ quan sát hệ thống thận niệu của bé rõ ràng hơn.
Chụp X-quang bàng quang - niệu đạo khi tiểu (VCUG): Phương pháp này giúp chẩn đoán phân biệt với hiện tượng trào ngược bàng quang - niệu quản.
Chụp xạ hình chức năng thận với MAG3: Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiêm một lượng nhỏ đồng vị phóng xạ vào máu và tiến hành so sánh chức năng của hai bên thận cũng như xác định mức độ tắc nghẽn của niệu quản.
Thận ứ nước ở trẻ nhỏ có nguy hiểm không?
Thận ứ nước ở trẻ nhỏ là bệnh lý nguy hiểm. Bệnh có thể tiến triển nhanh chóng thành tình trạng cấp tính như nhiễm khuẩn tiết niệu hay nghiêm trọng hơn là suy thận mãn tính nếu không có bất kỳ can thiệp nào từ bác sĩ. Chính vì thế, bố mẹ cần chú ý phòng bệnh hơn chữa bệnh vì một tương lai khỏe mạnh của con em mình.
Bố mẹ cần làm gì để phòng ngừa tình trạng thận ứ nước ở trẻ nhỏ?
Ở giai đoạn mang thai, sản phụ cần tái khám định kỳ đúng hẹn theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc phát hiện sớm tình trạng thận ứ nước trong giai đoạn bào thai có thể giúp bác sĩ thiết lập tốt nhất kế hoạch điều trị phù hợp cho con mình.
Đối với trẻ sau sinh, các triệu chứng của tình trạng thận ứ nước thường không rõ ràng. Do đó, bố mẹ cần lưu tâm đến sức khỏe hàng ngày của trẻ. Khi phát hiện bất kì điểm bất thường nào trong quá trình phát triển của con, hãy đưa bé đến thăm khám tại cơ sở y tế trong thời gian sớm nhất.
Tóm lại, bệnh thận ứ nước ở trẻ nhỏ có thể được phát hiện ở bất cứ giai đoạn nào từ quá trình mang thai cho đến khi trẻ lớn lên. Bố mẹ cần thường xuyên quan sát biểu hiện của con trẻ nhằm phát hiện sớm những bất thường, vì một tương lai được phát triển khoẻ mạnh của con.
Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về tình trạng thận ứ nước ở trẻ nhỏ và những điểm cần lưu ý về căn bệnh này. Theo dõi nhiều bài viết mới tại Nhà thuốc Long Châu để cập nhật thêm kiến thức về các vấn đề sức khỏe thường gặp ở trẻ nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện của con em mình nhé!
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.