Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Thay đổi sinh lý khi mang thai và những điều mẹ bầu cần lưu ý

Ngày 22/04/2024
Kích thước chữ

Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi về sinh lý. Vậy khi mang thai, mẹ bầu sẽ có những thay đổi sinh lý nào? Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này một cách cụ thể và chi tiết.

Thay đổi sinh lý khi mang thai là điều tất yếu và cần thiết giúp cơ thể người mẹ có thể thích nghi được với sự tồn tại và phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Tuy nhiên trên thực tế, không phải thay đổi sinh lý ở mẹ bầu nào cũng giống mẹ bầu nào. Theo dõi ngay bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu để hiểu hơn về chủ đề này nhé.

Những thay đổi sinh lý khi mang thai

Để có thể thích nghi với phôi thai cũng như sự phát triển của thai nhi mỗi ngày đòi hỏi cơ thể mẹ bầu phải có những thay đổi sinh lý nhất định và những thay đổi này là hoàn toàn bình thường.

Những thay đổi sinh lý khi mang thai có thể kể đến như:

Thay đổi về nội tiết

Khi đã thụ tinh, hoàng thể của buồng trứng không teo đi như trong các vòng kinh không thụ tinh mà tồn tại đến 4 tháng sau mới teo dần. Nhờ đó, nồng độ Estrogen và Progesterone tiếp tục được duy trì và tăng lên nhằm đảm bảo cho thai nghén thuận lợi.

Khi trứng bắt đầu làm tổ, các tế bào nuôi trứng sẽ sản sinh ra một loại hormone thai nghén là HCG - đây là chất nội tiết duy trì sự tồn tại của hoàng thể.

Khi thai đã ổn định trong tử cung của mẹ, rau thai được hình thành và phát triển thì chính bánh rau cũng là một tuyến nội tiết lớn. Lúc này, rau thai sản sinh ra nhiều loại hormone khác nhau, trong đó bao gồm cả 2 hormone của buồng trứng là Estrogen và Progesterone. Do đó, từ tháng thứ 4 trở đi, hoàng thể thai nghén sẽ teo dần và biến mất. Cũng vì thế mà HCG cũng giảm ổn định dần.

Ngoài ra, các hormone của các tuyến nội tiết khác như tuyến giáp, tuyến yên, tuyến thượng thận trong cơ thể mẹ bầu cũng có nhiều thay đổi.

Thay đổi sinh lý khi mang thai và những điều mẹ bầu cần lưu ý 1
Thay đổi sinh lý khi mang thai bao gồm sự tăng nồng độ hormone Estrogen và Progesterone

Thay đổi ở bộ phận sinh dục

Bộ phận sinh dục là cơ quan chính chịu trách nhiệm về thai nghén và sinh đẻ. Chính vì thế, khi nhắc đến thay đổi sinh lý khi mang thai, không thể không nhắc đến sự thay đổi ở bộ phận này.

Theo đó, sự thay đổi sinh lý ở bộ phận sinh dục khi mang thai có thể kể đến như:

  • Tại tử cung: Khi mang thai, thân tử cung ngày một to ra, niêm mạc tử cung cũng biến đổi thành ngoại sản mạc, cổ tử cung ít thay đổi chỉ to và mềm hơn. Cơ tử cung mềm ra, giảm trương lực cơ, các tế bào cơ phát triển nhiều hơn, lớn và dài thêm. Cùng với đó, các mạch máu nuôi dưỡng tử cung cũng tăng sinh kể cả động mạch, tĩnh mạch và mao mạch.
  • Tại âm hộ và âm đạo: Khi mang thai, các mạch máu âm hộ dãn ra, có thể dễ dàng nhận thấy sự giãn tĩnh mạch ở vùng môi lớn. Các mô liên kết vùng âm hộ ứ nước dày lên và mềm ra. Âm vật và vùng tiền đình hơi tím lại. Âm đạo mềm, dài ra và có khả năng dãn rộng cho thai nhi có thể thuận lợi chào đời khi sinh. Ngoài ra, trong giai đoạn này, dịch âm đạo cũng răng tiết nhiều hơn, có màu trắng đục, độ pH toan hơn.
  • Tại buồng trứng: Trong thai kỳ, buồng trứng cũng xung huyết, to ra và nặng hơn trước. Các nang noãn không phát triển và chín theo chu kỳ như trước. Buồng trứng không phóng noãn và mẹ bầu cũng không có kinh trong suốt thai kỳ.

Thay đổi ở những bộ phận khác

Bên cạnh sự thay đổi về nội tiết và bộ phận sinh dục, cơ thể mẹ bầu còn có những sự thay đổi tại các cơ quan khác, chẳng hạn như:

  • Vú: Kể từ thời điểm thụ tinh trở đi, vú luôn trong trạng thái căng và ngày một to ra do các tuyến sữa và ống dẫn sữa phát triển. Quầng vú và núm vú có màu sẫm hơn bình thường. Các mạch máu tại vú cũng tăng sinh và dãn rộng dẫn đến tình trạng nổi mạng lưới tĩnh mạch dưới da ngực.
  • Bộ máy tuần hoàn: Khi mang thai, khối lượng máu trong cơ thể mẹ bầu tăng lên, có thể lên đến 50%, trong đó chủ yếu là tăng huyết tương. Mạch máu tăng sinh, mềm, dài và giãn to. Cùng với đó, cung lượng tim cũng tăng từ 30 - 50%. Nhịp tim tăng thêm 10 - 15 nhịp/phút và trong trường hợp mang song thai thì nhịp tim có thể tăng đến 25 - 30 nhịp/phút. Tuy nhiên, huyết áp động mạch khi mang thai vẫn duy trì ở mức bình thường.
  • Hô hấp: Khi mang thai, Progesterone tăng lên đồng thời tử cung to ra cản trở sự nở rộng của phổi. Đây chính là nguyên nhân khiến cho thể tích không khí lưu thông qua phổi tăng, nhịp thở tăng từ đó dẫn đến pH huyết tương tăng. Do vậy, mẹ bầu thường thở kiểu nhanh nông.
  • Tiết niệu: Thận hơi to ra, tốc độ lọc máu qua thận tăng lên đáng kể, lên đến 50%. Lưu lượng máu qua thận cũng tăng từ 200ml/phút lên 250 ml/phút. Niệu quản giãn đáng kể do hormone tác động và do áp lực từ tử cung to ra, đè lên niệu quản.
  • Bộ máy tiêu hoá: Khi mang thai, do ảnh hưởng của nội tiết tố mà mẹ bầu thường hay tiết nước bọt, cảm thấy lợm giọng, buồn nôn hoặc nôn hay còn gọi là tình trạng nghén. Khi thai đã lớn, thai phụ thường ăn nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho mẹ và bé. Dạ dày bị tử cung đẩy lên, nằm ngang nên mẹ bầu thường hay bị ợ hơi, ợ chua. Ruột có thể thay đổi vị trí, nhu động ruột giảm. Chức năng gan và mật ít bị biến đổi.
  • Da: Sự gia tăng nồng độ hormone Estrogen, Progesterone và MSH có thể góp phần làm thay đổi sắc tố từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe làn da.
Thay đổi sinh lý khi mang thai và những điều mẹ bầu cần lưu ý 2
Làn da của mẹ bầu dễ bị sạm khi mang thai

Các triệu chứng thường gặp khi mang thai

Sự thay đổi sinh lý khi mang thai hầu như diễn ra trong cơ thể mà chỉ có một số ít biểu hiện ra ngoài. Các triệu chứng thường gặp khi mang thai có thể kể đến như:

  • Ốm nghén với các biểu hiện như mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, ợ hơi, ợ chua…
  • Đi tiểu nhiều: Hầu hết các mẹ đều gặp phải tình trạng đi tiểu xong vẫn có cảm giác buồn tiểu. Tình trạng này chủ yếu xuất phát từ sự chèn ép của tử cung vào bàng quang.
  • Tăng cân: Là dấu hiệu tốt cho thấy thai nhi được nhận đầy đủ các dưỡng chất cần thiết và đang phát triển khoẻ mạnh.
  • Đau ngực: Triệu chứng này tương tự như mỗi khi bạn đến kỳ kinh.
  • Nhạy cảm hơn: Mang thai khiến các mẹ trở nên nhạy cảm hơn. Cụ thể, mẹ rất dễ xúc động hoặc nổi cáu dù là những chuyện nhỏ nhặt nhất. Thêm vào đó, mẹ bầu còn thường xuyên cảm thấy lo âu, stress
  • Mất ngủ: Đây cũng là một trong những dấu hiệu thường thấy khi mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Thay đổi sinh lý khi mang thai và những điều mẹ bầu cần lưu ý 3
Ốm nghén là triệu chứng mà hầu hết các mẹ bầu gặp phải khi mang thai

Mẹ bầu cần làm gì để có một thai kỳ khỏe mạnh?

Có thể thấy rằng, những thay đổi khi mang thai nói chung và những thay đổi sinh lý khi mang thai nói riêng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của thai phụ và thai nhi trong thai kỳ. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều mẹ bầu không khỏi lo lắng, làm sao để có một thai kỳ khỏe mạnh?

Đối với việc chăm sóc sức khỏe hàng ngày, các chuyên gia khuyến cáo, mẹ bầu nên:

  • Khám thai định kỳ: Trên thực tế, dựa trên tình trạng sức khoẻ của mẹ và thai nhi mà lịch khám thai có thể có thay đổi. Việc mẹ bầu cần làm lúc này là tuân thủ theo đúng lịch khám mà bác sĩ đưa ra đồng thời thực hiện các xét nghiệm sàng lọc theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Đảm bảo dinh dưỡng: Mẹ bầu cần duy trì chế độ dinh dưỡng đủ chất, chia nhỏ bữa ăn với các nhóm thực phẩm giàu các dưỡng chất cần thiết. Ngoài ra, mẹ bầu có thể bổ sung dưỡng chất thông qua việc kết hợp sử dụng các loại sữa bầu cũng như viên uống bổ sung vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Đảm bảo chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý: Hầu hết các mẹ bầu vẫn duy trì công việc trong thai kỳ. Tuy nhiên, các mẹ cần lưu ý cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức. Ngoài ra, mẹ cần duy trì tâm lý thoải mái, hạn chế lo lắng, stress…
Thay đổi sinh lý khi mang thai và những điều mẹ bầu cần lưu ý 4
Khám thai định kỳ có ý nghĩa rất lớn đối với sự an toàn trong thai kỳ

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh chủ đề những thay đổi sinh lý khi mang thai mà Nhà thuốc Long Châu muốn chia sẻ đến quý độc giả. Hy vọng, qua bài viết trên, mẹ bầu có thể hiểu rõ hơn về chủ đề này. Chúc mẹ và bé sẽ có một thai kỳ khỏe mạnh.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.