Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm xoang mạn tính: Nguyên nhân gây bệnh và cách phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm xoang là tình trạng viêm gây đau, áp lực và sưng tấy trong xoang. Viêm xoang mãn tính là tình trạng viêm xoang diễn ra trong thời gian dài, thường kéo dài trên 12 tuần kể từ khi có triệu chứng. Không giống như viêm xoang cấp tính thường do nhiễm trùng xoang, viêm xoang mãn tính thường không phải do vi khuẩn và không phải lúc nào cũng thuyên giảm khi điều trị tiêu chuẩn, chẳng hạn như thuốc kháng sinh. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn cách phòng ngừa và điều trị bệnh viêm xoang mạn tính.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm xoang mạn tính là gì? 

Xoang là những hốc xương rỗng nằm trong khối xương sọ mặt, ở xung quanh hốc mũi và thông với hốc mũi. Các hốc xương này được lót bởi lớp niêm mạc giống như hốc mũi, đó là niêm mạc đường hô hấp. Ở người trưởng thành, có năm đôi xoang, được chia làm hai nhóm. Nhóm xoang trước gồm có: Xoang sàng trước, xoang trán, xoang hàm, các xoang này được dẫn lưu qua khe giữa của hốc mũi. Nhóm xoang sau gồm có: Xoang sàng sau, xoang bướm, các xoang này được dẫn lưu qua khe trên của hốc mũi.

Viêm xoang là một bệnh rất thường gặp ở nước ta và có thể gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt về giới. Xoang bị viêm sớm nhất, ngay từ lúc mới sinh, là xoang sàng. Xoang hàm thường bị viêm từ lúc 4 – 5 tuổi. Các xoang khác thường bị viêm muộn hơn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Viêm xoang mạn tính

Triệu chứng cơ năng:

  • Chảy mũi là triệu chứng chính, thường xuyên có, chảy một hoặc hai bên nhưng thường là hai bên. Lúc đầu chảy mủ nhày trắng, sau chảy đặc xanh hoặc vàng, mùi tanh hoặc hôi thối do bội nhiễm. Mủ thường chảy ra cửa mũi sau xuống họng hoặc xì ra cửa mũi trước. Xì mũi hoặc khịt khạc mủ nhày hay mủ đặc thường xuyên.

  • Ngạt tắc mũi thường xuyên: Tăng dần và ngày càng rõ rệt dẫn đến tắc hoàn toàn do mủ ứ đọng, niêm mạc phù nề, cuốn giữa thoái hóa, cuốn dưới quá phát, hoặc do polyp thường ngạt cả hai bên, nhưng có thể một bên nếu viêm xoang do răng.

  • Đau nhức vùng mặt: Âm ỉ hay thành cơn ở vùng trán, má hai bên, hoặc đau nhức xung quanh ổ mắt, sâu trong ổ mắt, đau vùng chẩm phía sau nếu là viêm xoang sau.

  • Mất hoặc giảm khứu giác.

  • Kèm theo bệnh nhân có thể bị đau đầu, ho, mệt mỏi, hơi thở hôi. Ngoài ra, bệnh nhân thường có biểu hiện viêm mũi họng mạn tính hay viêm đường hô hấp như ho khan, ngứa họng, đắng họng hoặc khạc nhổ liên tục.

Triệu chứng thực thể: Soi mũi thấy:

  • Dịch mủ nhầy hoặc mủ đặc ở khe giữa, đôi khi khe trên.

  • Niêm mạc hốc mũi viêm phù nề hoặc thoái hoái thành polyp.

  • Có thể thấy các cấu trúc giải phẫu bất thường như: vẹo lệch vách ngăn, bóng hơi cuốn giữa, VA quá phát,…

Các triệu chứng trên kéo dài trên 12 tuần. 

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Viêm xoang mạn tính

Biến chứng mũi họng: Viêm mũi họng mạn tính.

Biến chứng đường hô hấp:

Biến chứng mắt:

  • Viêm phần trước ổ mắt;

  • Viêm thị thần kinh hậu nhãn cầu.

Biến chứng nội sọ:

  • Viêm màng não;

  • Viêm tắc tĩnh mạch xoang hang;

  • Áp xe ngoài màng cứng, áp xe não.

Biến chứng xương hay gặp ở trẻ em như cốt tủy viêm xương hàm trên, xương thái dương.

Viêm thận, viêm khớp,….

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm xoang mạn tính

Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm xoang, các nguyên nhân này được xếp thành các nhóm chính sau đây:

Do viêm nhiễm:

  • Do vi khuẩn: Nhiễm khuẩn vùng mũi họng là nguyên nhân hay gặp nhất, như viêm họng, viêm amidan, viêm VA; Hoặc do các bệnh lý ở răng lợi như viêm lợi, sâu răng, viêm tủy,…

  • Do virus.

Nguyên nhân do dị ứng.

Do chấn thương: Các chấn thương cơ học, do hỏa khí làm vỡ xoang hay tụ máu trong xoang đều có thể gây viêm xoang. Ngoài ra, các chấn thương về áp lực có thể xuất huyết, phù nề niêm mạc, rồi gây ra viêm xoang.

Các nguyên nhân cơ học: Dị hình ở vách ngăn, khe giữa, ở xoang. Các khối u trong xoang và hốc mũi, hoặc nhét bấc mũi lâu ngày,… Tất cả đều làm cản trở sự dẫn lưu và thông khí của xoang, cuối cùng gây ra viêm xoang.

Do viêm mũi xoang cấp không được điều trị đúng mức.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) viêm xoang mạn tính?

Các đối tượng có nguy cơ bị viêm xoang mãn tính, gồm:

  • Cơ địa dị ứng mũi xoang.

  • Người có tiền sử bị hội chứng trào ngược dạ dày – thực quản, do dịch vị acid ở dạ dày trào ngược lên thực quản, họng, thanh quản, gây ra viêm nhiễm vùng mũi họng trong đó có viêm xoang.

  • Người bị suy nhược toàn thân, rối loạn nội tiết như: Tiểu đường, rối loạn về vận mạch, rối loạn về nước và điện giải thường dễ bị viêm xoang.

  • Những người bị dị ứng và hen suyễn có thể phản ứng với khói thuốc, chất gây dị ứng ở mũi, các hạt bụi, ô nhiễm không khí và các nguồn kích ứng khác.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) Viêm xoang mạn tính

Các yếu tố nguy cơ bao gồm: Môi trường ô nhiễm, thời tiết thay đổi, điều kiện ăn ở, nơi làm việc, hóa chất độc hại, khói, bụi, nghề nghiệp,…

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm xoang mạn tính

Chẩn đoán xác định: Dựa vào triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm. Trong đó triệu chứng lâm sàng là tiêu chuẩn chính, gồm những tổn thương thực thể ở khe giữa có vai trò quyết định trong chẩn đoán viêm xoang.

Phương pháp xét nghiệm:

Phim X quang thông thường (Blondeau, Hirtz) cho hình ảnh không rõ, ít sử dụng: 

  • Hình mờ đầu hoặc không đều các xoang;

  • Vách ngăn giữa các xoang sàng không rõ;

  • Hình ảnh dày niêm mạc xoang.

Phim CT Scan cho hình ảnh:

  • Hình ảnh mờ các xoang, có thể mờ đều hoặc không đều;

  • Dày niêm mạc các xoang, mức dịch trong xoang, polyp mũi xoang;

  • Bệnh tích bịt lấp vùng phức hợp lỗ ngách;

  • Các cấu trúc giải phẫu bất thường như: Vẹo lệch vách ngăn, bóng hơi cuốn giữa, cuốn giữa đảo chiều,…

Nội soi chẩn đoán là biện pháp rất có giá trị trong chẩn đoán viêm xoang hiện nay, nó cho phép chẩn đoán chính xác các tổn thương ở khe giữa, khe trên mà bằng phương pháp khám thông thường không thể thấy được.

Chọc dò xoang thường được áp dụng đối với xoang hàm và xoang trán.

Phương pháp điều trị viêm xoang mạn tính hiệu quả

Điều trị nội khoa

Thường điều trị trong các đợt hồi viêm, điều trị nội khoa được tiến hành trước và sau khi phẫu thuật.

Điều trị tại chỗ:

  • Làm sạch và thông thoáng hốc mũi: Xì mũi, rửa mũi, hút dịch và mủ, đặt thuốc co mạch,…

  • Nhỏ thuốc: Cần phối hợp các loại thuốc co mạch, sát khuẩn và chống phù nề, liệu pháp corticoid tại chỗ kéo dài rất có tác dụng.

  • Xông hơi nước nóng các loại thuốc có tinh dầu, bay hơi được.

  • Khí dung mũi xoang: Thuốc kháng sinh kết hợp với corticoid.

Điều trị toàn thân:

  • Thuốc kháng sinh: Thường từ 2 đến 3 tuần;

  • Thuốc corticosteroid uống;

  • Thuốc giảm đau, hạ sốt;

  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý, nâng cao thể trạng.

Điều trị cơ địa: Thuốc có iod, canxi, phospho, vitamin A, D, thuốc kháng histamin với cơ địa dị ứng hay rối loạn vận mạch.

Điều trị phẫu thuật

Chỉ định:

  • Viêm mũi xoang mạn tính điều trị nội khoa tối đa mà không kết quả.

  • Viêm mũi xoang mạn tính có cản trở dẫn lưu phức hợp lỗ ngách do dị hình giải phẫu như: lệch vẹo vách ngăn, bóng hơi cuốn giữa, cuốn giữa đảo chiều,…

  • Viêm mũi xoang mạn tính có thoái hóa polyp mũi xoang.

Các phẫu thuật nội soi mũi xoang gồm:

  • Phẫu thuật nội soi chức năng mũi xoang tối thiểu;

  • Phẫu thuật nội soi mũi xoang mở sàng – hàm;

  • Phẫu thuật nội soi mũi xoang mở sàng - hàm - trán - bướm.

Chăm sóc và điều trị sau mổ:

  • Thuốc kháng sinh: Thường từ 1 đến 2 tuần;

  • Thuốc corticosteroid uống;

  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý, nâng cao thể trạng.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm xoang mạn tính

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Rửa mũi và xoang bằng nước muối sinh lý hoặc bình rửa mũi nhiều lần mỗi ngày.

  • Xoa bóp nhẹ nhàng các xoang để làm lỏng chất lỏng và giảm áp lực.

  • Uống nhiều nước: Mất nước có thể khiến cơ thể khó chống lại nhiễm trùng và thông xoang.

Chế độ dinh dưỡng:

Chưa có dữ liệu.

Phương pháp phòng ngừa viêm xoang mạn tính hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tránh, giảm tiếp xúc với dị nguyên: Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với lạnh, bụi, hóa chất độc hại,…

  • Vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc.

  • Không hút thuốc lá, thuốc lào, hạn chế rượu bia.

  • Thường xuyên rèn luyện sức khoẻ, nâng cao thể lực.

  • Điều trị tốt các ổ viêm nhiễm ở mũi họng, răng miệng.

  • Điều trị tốt các bệnh viêm đường hô hấp, hội chứng trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

Nguồn tham khảo
  1. Quyết định số 5643/QĐ-BYT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh về tai mũi họng.
  2. https://www.healthline.com/health/chronic-sinusitis#complications

Các bệnh liên quan

  1. Tật tai nhỏ

  2. Nấm tai

  3. Ung thư vòm họng giai đoạn I

  4. Ung thư hầu họng

  5. Loạn cảm họng

  6. chảy máu mũi

  7. Viêm tai

  8. Ung thư họng

  9. Xốp xơ tai

  10. Chảy máu cam