Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Thời gian bán thải của thuốc: Định nghĩa, ứng dụng và các yếu tố tác động trên thực tế

Ngày 22/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thời gian bán thải của thuốc là yếu tố được chú trọng khi sử dụng bất kỳ loại dược chất nào. Vậy yếu tố này ảnh hưởng gì tới quá trình dùng thuốc? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu ứng dụng thực tế của khái niệm này nhé!

Thời gian bán thải của thuốc dùng để chỉ khoảng thời gian cần thiết để dược chất thải trừ một nửa trong hệ tuần hoàn người dùng. Từ đó, yếu tố này ảnh hưởng tới thời gian hoạt chất đạt tác dụng, bị thải trừ hay bị sử dụng quá liều.

Định nghĩa thời gian bán thải của thuốc

Thời gian bán thải (T1/2) của thuốc là một khái niệm trong dược lý học, đề cập đến khoảng thời gian cần thiết để lượng thuốc (hoặc nồng độ thuốc) trong máu được thải trừ còn lại một nửa. Cụ thể hơn, đây là khoảng thời gian cần thiết để nồng độ hoặc lượng thuốc trong huyết tương giảm đi chính xác một nửa (50%) tính từ khi thuốc vào cơ thể.

Thời gian bán thải có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định liều lượng cùng tần suất dùng thuốc để đạt được cũng như duy trì nồng độ thuốc hiệu quả trong máu mà không gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Một số áp dụng thực tiễn của thời gian bán thải bao gồm:

  • Dự đoán thời gian duy trì hiệu quả của thuốc: Thời gian bán thải giúp xác định thời gian mà thuốc sẽ duy trì hiệu quả trong cơ thể. Ví dụ, một loại thuốc có thời gian bán thải ngắn có thể cần được dùng nhiều lần trong ngày để duy trì nồng độ hiệu quả, trong khi một loại thuốc có thời gian bán thải dài có thể chỉ cần dùng một lần mỗi ngày hoặc thậm chí ít hơn.
  • Xác định khoảng cách giữa các liều dùng: Thời gian bán thải được sử dụng để xác định khoảng cách giữa các liều dùng thuốc để đảm bảo rằng nồng độ thuốc trong máu không giảm xuống dưới mức hiệu quả hoặc tăng lên mức gây độc.
  • Quản lý và điều chỉnh liều lượng: Hiểu rõ thời gian bán thải của thuốc giúp các chuyên gia y tế điều chỉnh liều lượng dựa trên các yếu tố như tuổi tác, chức năng gan thận và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Hầu hết các loại thuốc được coi là có tác dụng không đáng kể (bị đào thải gần như toàn bộ) sau khoảng 4 đến 5 lần thời gian bán thải. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không còn thuốc trong cơ thể. Thực tế, thuốc có thể vẫn còn tồn tại trong cơ thể nhưng ở nồng độ quá thấp để có tác dụng dược lý đáng kể. Đây là một điểm quan trọng cần lưu ý trong các tình huống như xét nghiệm ma túy, khi mà thuốc có thể bị phát hiện bằng các xét nghiệm chuyên sâu dù đã qua nhiều thời gian bán thải.

Thời gian bán thải của thuốc: Định nghĩa, ứng dụng và các yếu tố tác động trên thực tế 1
Thời gian bán thải của thuốc là khái niệm quan trọng trong dược lý học

Ứng dụng thời gian bán thải của thuốc

Thời gian bán thải (T1/2) là một thông số quan trọng trong dược lý học, giúp ích rất nhiều trong việc kê đơn và điều trị. Hiểu rõ về khái niệm thời gian bán thải giúp xác định tốc độ bài tiết cùng nồng độ ở trạng thái ổn định của bất kỳ loại thuốc cụ thể nào, từ đó tối ưu hóa hiệu quả điều trị và giảm thiểu tác dụng phụ.

Thuốc hoặc hoạt chất có thời gian bán hủy ngắn hơn có xu hướng tác dụng nhanh nhưng mất tác dụng nhanh chóng, thường cần được dùng nhiều lần trong ngày để duy trì hiệu quả. Ngược lại, thuốc có thời gian bán thải dài hơn có thể mất nhiều thời gian hơn để bắt đầu có tác dụng, nhưng duy trì tác dụng lâu hơn và có thể chỉ cần dùng một lần mỗi ngày hoặc thậm chí ít hơn.

Trong đó, khoảng cách tính liều dựa vào T1/2 có thể ước chừng như sau:

  • Thuốc có T1/2 ngắn (vài phút - 4 giờ): Dùng nhiều liều lặp lại trong ngày;
  • Thuốc có T1/2 trung bình (4 giờ - 12 giờ): Thường dùng 2 liều mỗi ngày, cách nhau 12 giờ;
  • Thuốc có T1/2 dài (>12 giờ): Thường chỉ cần dùng 1 liều mỗi ngày.

Các loại thuốc khác nhau có thời gian bán thải khác nhau nhưng hầu hết các thuốc tuân theo dược động học bậc nhất đều áp dụng được các nguyên tắc trên. Tuy nhiên, một số ít loại thuốc tuân theo dược động học bậc không như Ethanol, Phenytoin, Gabapentin, trong đó lượng thuốc giảm một lượng không đổi theo thời gian bất kể nồng độ ban đầu.

Bên cạnh đó, thời gian bản thải giúp xác định khoảng thời gian dùng thuốc cần thiết để dược chất đạt nồng độ ổn định trong máu, từ đó duy trì hiệu quả điều trị. Thời gian cần thiết để nồng độ thuốc đạt trạng thái ổn định (Css) trong huyết tương (trong trường hợp đưa liều cách đều, lặp đi lặp lại) là 5 lần T1/2.

Đối với thuốc có T1/2 ngắn thì sẽ nhanh đạt trạng thái ổn định hơn. Khi nồng độ thuốc trong cơ thể ổn định, các tác dụng phụ ban đầu mà bệnh nhân gặp phải thường bắt đầu giảm.

Cuối cùng, thời gian bán thải của thuốc giúp tính toán thời gian cần thiết để thuốc thải trừ hoàn toàn ra khỏi cơ thể (90-95%) khi dùng một liều duy nhất là 7 lần T1/2. Từ đó giúp chuyên gia kiểm soát tương tác thuốc cũng như quản lý các tác dụng không mong muốn.

Thời gian bán thải của thuốc: Định nghĩa, ứng dụng và các yếu tố tác động trên thực tế 2
Bác sĩ có thể điều chỉnh liều thuốc dựa trên thời gian bán thải

Cách xác định thời gian bán thải của thuốc

Việc xác định thời gian bán thải không hề đơn giản, dễ gây nhầm lẫn. Điều này phụ thuộc vào việc thuốc tuân theo dược động học bậc 0 hoặc bậc 1.

Với trường hợp thuốc tuân theo dược động học bậc 0 là trường hợp đặc biệt khi lượng thuốc được thải trừ khỏi cơ thể theo một tốc độ không đổi, bất kể nồng độ thuốc trong máu. Công thức tính thời gian bán thải cho loại thuốc này là T1/2 = 0.5C/k0.

Thời gian bán thải trong trường hợp này không phải là một giá trị hằng định, bởi nó phụ thuộc vào nồng độ thuốc ban đầu. Điều này khiến việc dự đoán và quản lý liều lượng thuốc trở nên phức tạp hơn.

Mặt khác, phần lớn các loại thuốc tuân theo dược động học bậc 1, trong đó tốc độ thải trừ thuốc tỷ lệ thuận với nồng độ thuốc trong máu. Công thức tính thời gian bán thải cho loại thuốc này là T1/2 = ln2/ ke = 0.693/ke = 0,693xVd/Cl.

Trong đó:

  • Ke: Hằng số tốc độ thuốc được thải trừ khỏi tuần hoàn chung;
  • Vd: Thể tích phân bố;
  • Cl: Độ thanh thải của thuốc.

Thời gian bán thải trong trường hợp này là một giá trị hằng định, giúp việc quản lý và dự đoán liều lượng thuốc dễ dàng hơn.

Thời gian bán thải của thuốc: Định nghĩa, ứng dụng và các yếu tố tác động trên thực tế 3
Thời gian bán thải của thuốc phụ thuộc vào liều dùng ban đầu

Yếu tố tác động tới thời gian bán thải của thuốc

Thời gian bán thải của thuốc chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố liên quan đến đặc tính của người bệnh và của thuốc. Hiểu rõ những yếu tố này giúp tối ưu hóa hiệu quả điều trị, đồng thời giảm thiểu tác dụng phụ.

Đặc tính của người bệnh bao gồm:

  • Tuổi tác: Người cao tuổi và trẻ em có quá trình chuyển hóa, thải trừ thuốc khác biệt so với người trưởng thành khỏe mạnh. Chức năng thận và gan suy giảm theo tuổi tác cũng làm thay đổi thời gian bán thải.
  • Tuần hoàn máu: Hệ thống mạch máu ảnh hưởng đến sự phân phối thuốc trong cơ thể. Những người có chức năng tuần hoàn kém như bệnh nhân suy tim thường có thời gian bán thải dài hơn.
  • Chế độ ăn uống: Một số thực phẩm có thể ảnh hưởng đến enzym chuyển hóa thuốc, dẫn đến thay đổi thời gian bán thải.
  • Tương tác thuốc: Tương tác dược động học và dược lực học khi dùng nhiều loại thuốc đồng thời có thể làm thay đổi thời gian bán thải của thuốc.
  • Thay đổi thể tích phân bố: Bệnh lý như suy tim hoặc phù nề có thể làm tăng thể tích phân bố, trong khi bệnh tiêu chảy gây mất nước làm giảm thể tích phân bố của thuốc.
  • Giới tính: Có một số khác biệt về dược động học giữa nam và nữ, do sự khác biệt về khối lượng cơ thể, kích thước nội tạng và hormon.
  • Tiền sử sử dụng ma túy: Người từng sử dụng ma túy có thể có sự thay đổi trong enzym chuyển hóa thuốc, ảnh hưởng đến thời gian bán thải.
  • Thay đổi chức năng thận: Ảnh hưởng đến các thuốc thải trừ qua thận. Bệnh nhân suy thận có thể cần điều chỉnh liều lượng hoặc tần suất dùng thuốc.
  • Thay đổi chức năng gan: Ảnh hưởng đến các thuốc chuyển hóa qua gan. Suy gan có thể làm tăng thời gian bán thải của thuốc.
  • Béo phì: Mô mỡ có thể tích lũy thuốc, kéo dài thời gian bán thải.
  • Hút thuốc: Nicotine có thể thay đổi sự chuyển hóa của một số thuốc.

Đặc tính của từng hoạt chất cũng ảnh hưởng tới thời gian bán thải, cụ thể:

  • Dạng bào chế của thuốc: Thuốc giải phóng kéo dài giúp tăng thời gian lưu lại trong cơ thể, từ đó thay đổi thời gian bán thải.
  • Cách thức hoạt động trong cơ thể: Thuốc có thể tuân theo dược động học bậc 0, bậc 1 hoặc đa ngăn, ảnh hưởng đến cách thức và tốc độ thải trừ.
  • Cách dùng thuốc: Đường dùng thuốc như tiêm, uống hoặc dưới lưỡi cũng ảnh hưởng đến thời gian bán thải. Ví dụ, thuốc tiêm thường có thời gian bán thải ngắn hơn so với thuốc uống.
  • Cách thuốc được đào thải: Cơ chế đào thải qua gan, thận hoặc các con đường khác ảnh hưởng đến thời gian bán thải.
  • Sự tích tụ trong mô: Một số thuốc có thể tích tụ trong mô mỡ hoặc các mô khác, kéo dài thời gian bán thải.
  • Liên kết với protein huyết tương: Thuốc liên kết mạnh với protein huyết tương thường có thời gian bán thải dài hơn.
  • Đặc tính của thuốc: Kích thước phân tử, điện tích, pKa của thuốc ảnh hưởng đến sự phân bố và thải trừ.
Thời gian bán thải của thuốc: Định nghĩa, ứng dụng và các yếu tố tác động trên thực tế 4
Người có cơ địa béo phì có thể kéo dài thời gian bán thải của dược chất

Thông qua bài viết trên, Nhà thuốc Long Châu xin gửi tới quý độc giả thông tin về thời gian bán thải của thuốc. Hiểu rõ về khái niệm này cùng các yếu tố tác động giúp chuyên gia y tế tối ưu hóa liệu trình điều trị, đảm bảo hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân. Việc xác định chính xác thời gian bán thải đồng thời yêu cầu sự xem xét toàn diện và điều chỉnh linh hoạt dựa trên tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Phạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin