Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thủ thuật sản khoa: Nghiệm pháp lọt ngôi chỏm

Ngày 20/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nghiệm pháp lọt ngôi chỏm giúp đánh giá cuộc sinh khi khung chậu đã tới giới hạn. Sau khi đánh giá, bác sĩ có cơ sở để quyết định phương pháp đưa thai nhi ra ngoài bằng sanh thường hay phẫu thuật lấy thai.

Nghiệm pháp lọt ngôi chỏm được nhân viên y tế chủ động bấm ối sớm để đánh giá xem khi không có sự tương xứng giữa khung chậu của mẹ và kích thước của bé thì đẻ bằng cách nào sẽ thích hợp hơn. Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp thông tin về thủ thuật sản khoa này ở bài dưới dưới đây.

Nghiệm pháp lọt ngôi chỏm là gì?

Ngôi chỏm là ngôi khi thai nhi nằm xuôi, trục thai nhi song song với trục tử cung của mẹ, lúc này đầu thai nhi ở dưới, đầu cúi tốt. Ngôi chỏm chiếm đến 95% trong tổng các cuộc sinh đẻ, trong đó khoảng 90% là ngôi chỏm lọt theo đường kính chéo trái.

Nghiệm pháp lọt ngôi chỏm là thủ thuật chủ động bấm ối sớm để đánh giá cuộc sinh khi có sự chênh lệch giữa khung chậu và trọng lượng của thai nhi ví dụ như trường hợp khung chậu của mẹ có giới hạn nhưng trọng lượng của em bé bình thường hoặc trường hợp khung chậu của mẹ bình thường nhưng trọng lượng của em bé lại lớn. Mục đích của nghiệm pháp lọt ngôi chỏm là thử thách xem thai nhi có lọt được không để bác sĩ đưa ra quyết định thai nhi được sinh qua đường nào, có cần làm phẫu thuật mổ lấy thai không.

Thủ thuật sản khoa: Nghiệm pháp lọt ngôi chỏm -1
Nghiệm pháp lọt ngôi chỏm giúp quyết định sinh thường hay sinh mổ

Các bước thực hiện nghiệm pháp

Khi quyết định tiến hành thực hiện nghiệm pháp lọt ngôi chỏm cho thai phụ, nhân viên y tế sẽ thực hiện các bước sau:

  • Kiểm tra tình trạng thai phụ: Nhân viên tiến hành kiểm tra tình trạng khung chậu, độ mở cổ tử cung, tình trạng thai nhi, trọng lượng, tim thai và hồ sơ bệnh án, xét nghiệm trước đó.
  • Sau khi kiểm tra tình trạng thai phụ ổn định, có đầy đủ các xét nghiệm cần thiết cho nghiệm pháp, nhân viên y tế tiến hành bấm ối. Đây là động tác giúp ngôi hướng vào eo trên, nước ối chảy ra từ từ. Nước ối chảy ra, đánh giá thể tích, màu sắc của nước ối và xem xét sự tiến triển của ngôi. Nếu nhận thấy nước ối có màu xanh, lúc này thai nhi đã suy, cần ngưng ngay nghiệm pháp lọt ngôi chỏm và chỉ định mổ lấy thai ngay lập tức. Nếu tình hình ổn định, kiểm tra tiếp tục tim thai, ngôi, kiểu, thế của thai nhi để đưa ra quyết định tiếp tục nghiệm pháp hay ngừng.
  • Sau khi thực hiện bấm ối, theo dõi cơn tử cung và tim thai trong vòng 20 phút. Nếu cơn co tử cung tăng dần đều đặn, thích hợp với từng giai đoạn chuyển dạ, thai nhi ổn định thì tiếp tục theo dõi và có thể cho đẻ thường. Nếu cơn co tử cung không đều đặn, có rối loạn cần tiến hành chiều chỉnh. Nếu cơn co tử cung yếu, cần truyền oxytocin thích hợp với sự đáp ứng của thai phụ. Trong lúc đó, cần liên tục theo dõi tim thai, nếu tim thai có dấu hiệu suy, cần thực hiện hồi sức hoặc chỉ định mổ lấy thai.
Thủ thuật sản khoa: Nghiệm pháp lọt ngôi chỏm -2
Nghiệm pháp lọt ngôi chỏm cần được thực hiện bởi các nhân viên y tế

Nghiệm pháp lọt ngôi chỏm có nhiều giai đoạn, nên thông thường thời gian trung bình cho nghiệm pháp này là 3 - 4 tiếng, tối đa là 6 - 8 tiếng tùy theo thể chất của thai phụ. Trên lâm sàng, nhân viên y tế thường linh động về mặt thời gian, tùy theo từng trường hợp khác nhau để xử lý kịp thời. Nếu trong trường hợp, đã thực hiện nghiệm pháp được 6 tiếng nhưng trong khoảng dưới 60 phút nữa có thể kết thúc nghiệm pháp bằng đường đẻ thường mà không có nguy cơ nào nguy hiểm cho mẹ và bé thì vẫn có thể tiếp tục thực hiện nghiệm pháp. Nhưng nếu trong trường hợp, chỉ mới làm nghiệm pháp lọt ngôi chỏm mà có dấu hiệu suy thai cần dừng ngay và tiến hành mổ lấy thai ra ngoài.

Khi nào thực hiện nghiệm pháp lọt ngôi chỏm?

Phụ nữ mang thai luôn là đối tượng đặc biệt nên khi thực hiện nghiệm pháp lọt ngôi chỏm cũng cần có những điều kiện tiên quyết để đảm bảo an toàn cho thai phụ và tính mạng của thai nhi. Trước khi thực hiện nghiệm pháp lọt ngôi chỏm, cần đạt được những điều kiện sau:

  • Điều kiện tiên quyết: Thai nhi đã nằm trong tư thế ngôi chỏm.
  • Thai phụ có sự chuyển dạ thực sự là: Thai phụ sinh con so, cổ tử cung mở trên 5 cm, thai phụ sinh con rạ, cổ tử cung mở trên 4 cm.
  • Thai phụ có cơn co tử cung tốt, có nghĩa là cứ 10 phút thì có 4 - 5 cơn co tử cung. Nếu cơn co tử cung không tốt, dùng oxytocin cho thai phụ để tăng cơn co.
  • Theo dõi cẩn thận tình trạng của thai phụ và thai nhi để phát hiện và xử lý kịp thời các biến chứng có thể xảy ra khi thực hiện nghiệm pháp. Các biến chứng đáng lo ngại bao gồm: Thai suy, sa dây rốn, dọa vỡ tử cung, cơn co tử cung dồn dập,...
Thủ thuật sản khoa: Nghiệm pháp lọt ngôi chỏm -3
Thai phụ cần có cơn co tử cung tốt mới thực hiện nghiệm pháp

Nghiệm pháp lọt ngôi chỏm cần được thực hiện tại cơ sở y tế có khả năng mổ lấy thai, có đầy đủ máy móc, cơ sở vật chất để hồi sức sơ sinh tốt. Đồng thời để đảm bảo an toàn, nên ưu tiên các cơ sở có đội ngũ nhân viên y tế có bằng cấp và kinh nghiệm thực hiện nghiệm pháp lọt ngôi chỏm

Thai phụ được chỉ định nghiệm pháp lọt ngôi chỏm để đưa ra quyết định đẻ thường hay đẻ mổ trong trường hợp khung xương chậu của mẹ và kích thước, trọng lượng của thai nhi có sự chênh lệch. Cần đảm bảo được các điều kiện tiên quyết và đúng chỉ định trước khi thực hiện nghiệm pháp lọt ngôi chỏm.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm