Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Máy rửa bát được sử dụng ngày càng phổ biến và được coi là “trợ thủ” đắc lực của những gia đình hiện đại. Tuy nhiên, cũng có một số quan điểm cho rằng máy rửa bát tiềm ẩn một số mối nguy với sức khỏe. Vậy thực hư tác hại của máy rửa bát thế nào?
Trong các gia đình hiện đại ngày nay, máy rửa bát đã trở thành thiết bị khá phổ biến. Chiếc máy này giúp việc nội trợ đỡ vất vả hơn, các gia đình có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn hơn. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những nghi ngại về tác hại của máy rửa bát. Thực hư việc này thế nào? Cùng Nhà thuốc Long Châu đi tìm câu trả lời xem những tác hại này có thực sự đáng lo ngại như nhiều người vẫn nghĩ không nhé!
Chiếc máy rửa bát tự động đầu tiên trên thế giới được chính thức giới thiệu vào năm 1887 bởi Josephine Cochrane và thiết bị này được công bố tại Hội chợ Thế Giới vào năm 1893. Máy rửa bát được thiết kế với mục đích làm sạch bát đĩa bằng các chất tẩy rửa và không cần đến bàn tay con người. Kể từ đó đến nay, thiết kế, công nghệ và chức năng của sản phẩm ngày càng được nâng cấp để đảm bảo khả năng làm sạch, độ an toàn và sự tiện nghi cho người dùng.
Nguyên lý hoạt động của hầu hết các loại máy rửa bát hiện nay là dùng lực phun nước thật mạnh, tạo dòng xoáy nước kết hợp với các chất tẩy rửa chuyên biệt để loại bỏ các chất bẩn bám trên các loại bát đĩa, dụng cụ ăn uống, dụng cụ nấu nướng. Máy rửa bát không chỉ làm sạch mà còn tạo độ bóng cho dụng cụ ăn uống và nấu nướng. Máy có cả hệ thống xả nước nóng để tiệt trùng sau đó hệ thống sấy khô sẽ làm khô bát đĩa và kết thúc quy trình rửa.
Không cần bàn cãi về tính tiện lợi của thiết bị này. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề khiến nhiều gia đình chần chừ chưa dám mua máy rửa bát. Một trong số đó chính là những mối nghi ngại về tác hại của máy rửa bát theo quan điểm của nhiều người. Cụ thể là:
Máy rửa bát sử dụng các chất làm sạch chuyên dụng như bột/viên hoặc nước rửa bát cùng các chất hỗ trợ như muối làm mềm nước, nước trợ xả (nước làm bóng)... để giúp hiệu quả làm sạch được tối ưu. Nhiều người cho rằng, trong thành phần của nước trợ xả có thành phần cồn ethoxylate. Hóa chất này cũng có mặt trong các sản phẩm tẩy rửa bề mặt gia dụng, vậy nó có thực sự an toàn?
Nhiều người cho rằng có thể các hóa chất độc hại vẫn còn tồn đọng trên bát đĩa hay dụng cụ nấu nướng và đi vào đường tiêu hóa của con người. Ở liều lượng cao, những hóa chất này có thể làm tổn thương các tế bào biểu mô ruột. Điều này làm tăng nguy cơ mắc viêm dạ dày, dị ứng thực phẩm, béo phì, xơ gan…
Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy cồn ethoxylate độc với cơ thể người và có thể gây đột biến hay ung thư như nhiều lời đồn thổi. Chỉ cần mua loại máy rửa bát chuẩn chất lượng, lượng hóa chất tồn dư trên bát đĩa sau khi trải qua quá trình rửa, tiệt trùng, sấy khô, sẽ không đủ để làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng.
Một tác hại của máy rửa bát được nhiều người đề cập đến là máy rửa bát có thể là nơi trú ngụ của các loại nấm và vi khuẩn. Điều này cũng không khó hiểu vì môi trường bên trong máy rửa bát là môi trường nóng và ẩm. Một số loại nấm như: Candid, Cryptococcus, Rhodotorula, nấm men đen Exophiala dermatitidis, nấm Exophiala phaeomuriformis cũng từng được tìm thấy trong nhiều máy rửa bát. Trong số đó, có những loại nấm chịu được nồng độ muối, nồng độ chất tẩy rửa và nhiệt độ khá cao. Chúng có thể tồn tại ngay cả ở mức nhiệt từ 60 - 80 độ C và sống khỏe với các muối và chất tẩy rửa thường dùng cho máy rửa bát.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bất cứ đồ gia dụng nào cũng có nguy cơ chứa nấm mốc và vi khuẩn. Khi dùng máy rửa bát, chỉ cần chúng ta dùng đúng cách sẽ loại bỏ được mối nguy do nấm mốc hay các bệnh do vi khuẩn gây ra.
Để tránh các tác hại của máy rửa bát như nói trên, khi sử dụng máy rửa bát, bạn cần lưu ý những điều sau:
Trước khi khởi động máy, bạn nên kiểm tra khoang chứa muối làm mềm nước còn hay không để bổ sung. Bát đĩa và dụng cụ bếp cần được xếp nghiêng theo chiều hoạt động của máy. Chất tẩy rửa cần được bổ sung vào khoang chứa đầy đủ. Sau đó, bạn chọn chức năng rửa phù hợp với lượng bát chén cần làm sạch. Một số loại máy có thể tự chọn chức năng dựa trên lượng bát chén được xếp trong máy.
Máy rửa bát sẽ cần dùng các hóa chất tẩy rửa như bột rửa hay viên rửa có tác dụng làm sạch. Muối làm mềm nước để ngăn vôi hóa, đóng cặn và tạp chất bị tích tụ trong ống nước của máy. Nước bóng có mục đích tăng độ sáng bóng, hạn chế đọng nước trên chén đĩa, đồ thủy tinh. Khi sử dụng các sản phẩm này, bạn chỉ nên cho một lượng vừa đủ, không dùng quá nhiều
Ít nhất, bạn nên vệ sinh máy rửa bát mỗi tháng một lần. Nếu tần suất sử dụng nhiều hơn và lượng bát đĩa cần rửa hàng ngày nhiều hơn, bạn có thể vệ sinh máy hàng tuần. Đây là bí quyết quan trọng nhất để bạn có thể dùng máy rửa bát an toàn, không lo tác hại của máy rửa bát.
Ngược lại, nếu không chú trọng việc vệ sinh máy, máy sẽ ám mùi hôi, tích tụ nấm mốc, vi khuẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng và tuổi thọ của thiết bị. Khi vệ sinh máy, bạn cần chú ý làm sạch các lỗ cao su thoát thức ăn thừa, các cánh tay phun nước… Khi vệ sinh máy, bạn đừng quên sử dụng các chất tẩy rửa chuyên dụng và chức năng vệ sinh máy tự động.
Với những thông tin trên đây, hy vọng bạn đã tự mình giải tỏa được những lo lắng về tác hại của máy rửa bát. Nếu có ý định mua thiết bị này, bạn đừng quên tìm hiểu kỹ cách sử dụng và vệ sinh máy đúng cách để đảm bảo an toàn cho sức khỏe bạn nhé!
Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên
Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.