Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thuốc điều trị viêm phổi cấp dùng loại nào?

Ngày 10/02/2020
Kích thước chữ

Thuốc điều trị viêm phổi cấp dùng loại nào là điều mà nhiều người quan tâm. Nếu bạn đang tìm hiểu về điều này, những thông tin trong bài viết sẽ hữu ích.

Bệnh viêm phổi cấp ngày càng trở nên phổ biến do tình trạng ô nhiễm không khí tăng. Nếu không được điều trị đúng cách, sẽ xuất hiện hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc gây khó khăn trong việc trị dứt bệnh. Do đó, thuốc điều trị viêm phổi cấp cần được kê toa bởi bác sĩ có nhiều kinh nghiệm, bệnh nhân và người nhà tuyệt đối không tự ý mua để điều trị.

Thuốc điều trị viêm phổi cấp dùng loại nào 1

Dùng thuốc điều trị viêm phổi cấp nào hiệu quả?

Viêm phổi cấp là bệnh gì?

Viêm phổi (pneumonia) là bệnh lý nhiễm trùng cấp tính xảy ra ở một thùy phổi hoặc toàn bộ phổi. Khi mắc bệnh viêm phổi cấp, phổi tiết nhiều dịch nhầy và để lại tế bào chết gây tắc nghẽn các túi khí nhỏ và cản trở trao đổi khí. Do đó, cơ thể không được cung cấp đủ oxy để hoạt động bình thường. Bệnh có hai loại đó là: viêm phổi cấp tính và viêm phổi mạn tính.

Viêm phổi là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới phổ biến xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính. Nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị nhanh chóng, nguy cơ tử vong của bệnh nhân viêm phổi rất cao.

Biểu hiện bệnh viêm phổi cấp

Nếu mắc bệnh viêm phổi cấp, bệnh nhân sẽ có những dấu hiệu sau:

  • Khó thở
  • Ho: ho khan, ho có đờm
  • Đau ngực bên thùy phổi bị tổn thương
  • Mặt đỏ, toát mồ hôi hoặc mạch đập nhanh
  • Sốt
  • Có thể bị chướng bụng, nôn mửa

Thuốc điều trị viêm phổi cấp dùng loại nào 2

Ho là một trong những dấu hiệu của bệnh viêm phổi

Nếu phát hiện bị viêm phổi mà không chữa trị thì bệnh có thể diễn biến trở nên nặng hơn. Nếu gặp những biểu hiện sau thì cần đến bệnh viện để được điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm:

  • Khó thở và đau tức ngực
  • Ho khạc đờm ra màu gỉ sắt hoặc lẫn máu
  • Thở nhanh, gắng sức hoặc hay hụt hơi
  • Rét run kèm theo sốt cao trên 39 độ C

Tìm hiểu: Adenovirus biểu hiện

Nguyên nhân gây viêm phổi cấp

Các tác nhân gây viêm phổi rất đa dạng. Có 5 nguyên nhân chính dẫn đến bệnh viêm phổi:

  • Vi khuẩn: Nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B, phế cầu, tụ cầu vàng, Mycoplasma Pneumoniae, Chlamydia Pneumoniae, liên cầu pyogene…
  • Viêm phổi do virus: Nhiễm chủng corona virus
  • Viêm phổi do nấm và ký sinh trùng
  • Hóa chất và chất độc hại
  • Biến chứng do các bệnh khác: Bệnh nhân ho gà, sởi, viêm họng, viêm phế quản, suyễn, cảm cúm...

Đặc biệt bệnh nhân viêm phổi do virus rất dễ nhiễm bệnh viêm phổi do vi khuẩn.

Bệnh viêm phổi cấp do Covit 19

Đầu năm 2020, một chủng corona virus mới gây bệnh viêm phổi cấp đã được tổ chức Y tế thế giới WHO nâng mức độ khẩn cấp từ trung bình thành cao.

Bệnh nhân viêm phổi do chủng mới của corona virus có những biểu hiện sau:

  • Đau họng và ho
  • Khó thở
  • Chảy nước mũi
  • Khó chịu, đau nhức đầu
  • Đau mỏi cơ

Thuốc điều trị viêm phổi cấp dùng loại nào 3

Chủng corona virus mới năm 2020 có thể gây chứng viêm phổi cấp nặng

Bệnh nhân viêm phổi do chủng mới corona virus được xếp vào trường hợp nặng có thể gây nhiễm trùng máu, suy yếu nội tạng hay thậm chí là tử vong. Đây là căn bệnh lây nhiễm từ người sang người, do đó cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm như: đeo khẩu trang nơi đông người, thường xuyên sử dụng các loại dung dịch rửa tay và tránh tiếp xúc với người có dấu hiệu bệnh.

Thuốc điều trị viêm phổi cấp

Việc sử dụng thuốc điều trị viêm phổi cấp còn tùy thuộc vào mức độ bệnh và nguyên nhân gây bệnh:

  • Do vi khuẩn hoặc mycoplasma: Sử dụng thuốc điều trị viêm phổi cấp theo chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân cần tuân thủ liều lượng và uống thuốc dù triệu chứng đã biến mất để tránh hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc.
  • Do virus: Kháng sinh không có tác dụng trong những trường hợp này. Bác sĩ thường sẽ chỉ định sử dụng thuốc kháng virus kết hợp với việc nghỉ ngơi điều độ và uống đủ nước.
  • Do nấm: Bệnh nhân sử dụng các loại thuốc chống nấm.

Thuốc điều trị viêm phổi cấp dùng loại nào 4

Thuốc kháng sinh được sử dụng thường xuyên để điều trị viêm phổi cấp

Trong nhiều trường hợp, người bị viêm phổi sẽ được kê các loại kháng sinh như penicillin hoặc sunphamit. Tùy theo tình trạng bệnh và kinh nghiệm mà bác sĩ sẽ kê đơn phù hợp.

Tình trạng nhẹ, phát hiện sớm và không nguy cấp thì dùng 1 - 2 loại thuốc điều trị viêm phổi cấp sau:

  • Cephalosporin thế hệ 3: Cefotaxim, ceftriaxon, cefuroxim acetyl
  • Blactam hoặc chất ức chế betalactamase như: Ticarcilin-sulbactam, piperacillin- tazobactam, ampicillin-sulbactam
  • Trường hợp dị ứng penicillin: Dùng clindamycin, azythromycin hoặc fluoroquinolon

Tình trạng nặng, phát hiện muộn và có nguy cơ cao thì dùng 2 - 3 loại kháng sinh sau:

  • Kháng sinh có hiệu quả với trực khuyển mủ xanh: Cefepim, piperacillin, ticarcillin, mezlocillin, ceftazidim, efoperazon, bêtalactam imipenem, meropenem hoặc aztreonam
  • Aminoglycosid: Tobramycin, amikacin, gentamycin
  • Vancomycin

Bên cạnh đó, nếu tình trạng nặng thì bệnh nhân có thể được chỉ định:

  • Tiêm penicillin procain: Tiêm khoảng 2 - 3 lần/ngày và khoảng 400.000 đơn vị/lần.
  • Tiêm ampicillin: Tiêm khoảng 4 lần/ ngày và mỗi lần khoảng 500mg.
  • Kết hợp với thuốc hạ nhiệt và giảm đau như acetaminophen hay aspirin.
  • Bệnh nhân thở rít: Dùng thuốc hen ephedrin hoặc theophylin.
  • Bệnh nhân khó thở: Cho uống nhiều nước và hít hơi nóng.
  • Bệnh nhân không ăn được: Cho ăn thức ăn dạng mềm, loãng.

Bên cạnh việc sử dụng thuốc điều trị viêm phổi cấp, cần chú ý đến chế độ ăn uống và nghỉ ngơi để giúp bệnh nhân nhanh chóng bình phục. Bên cạnh đó, phòng bệnh hơn chữa bệnh, cần chú ý tiêm vắc xin phòng ngừa viêm phổi, vệ sinh nơi ở sạch sẽ, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất và hạn chế chất kích thích để phòng tránh bệnh viêm phổi.

Uyên

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin