Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm phổi do virus là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm phổi do virus hay còn gọi là viêm phổi do siêu vi, đây là một bệnh nhiễm trùng phổi. Nguyên nhân phổ biến nhất là do virus hô hấp gây ra, thường gặp nhất là virus cúm và virus hợp bào hô hấp (Respiratory syncytial virus - RSV). Bệnh thường xuất hiện vào mùa đông ở những cộng đồng đông dân cư, không khí lạnh và ẩm.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm phổi do virus là gì?

Viêm phổi do virus là một bệnh lý do biến chứng của virus gây cảm lạnh và cúm. Viêm phổi do virus chiếm khoảng 1/3 các trường hợp viêm phổi. Virus xâm nhập vào phổi của bạn và khiến chúng viêm, làm ảnh hưởng đến chức năng của phổi. Nhiều trường hợp viêm phổi do virus tự khỏi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, có những trường hợp biến chứng nặng như bị bội nhiễm vi khuẩn, suy hô hấp, tràn dịch màng phổi… có thể nguy hiểm đến tính mạng. 

Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra viêm phổi do virus ở người trưởng thành là Influenza typ A và influenza typ B (virus cúm).

Nguyên nhân thường gặp gây bệnh viêm phổi ở trẻ em, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh là virus hợp bào hô hấp (Respiratory syncytial virus - RSV). Ngoài ra, RSV còn gây viêm phổi ở người già, người ghép tạng.

Các loại virus khác gây viêm phổi như: Corona virus (Sars-Cov-2, loại virus mới gây ra COVID-19), rhino virus, parainfluenza virus và adeno virus.

Một số virus hiếm nhưng vẫn có khả năng gây bệnh viêm phổi như: Virus sởi, virus thủy đậu, virus herpes. Trong đó, virus herpes có thể gây viêm phổi ở người khỏe mạnh và người suy giảm miễn dịch.

Những virus này có thể lây truyền trong cộng đồng, bệnh viện và các cơ sở chăm sóc sức khỏe khác. Viêm phổi người lớn do virus ở cộng đồng thường do là Influenza typ A (virus cúm A). Ho, hắt hơi hoặc chạm vào bề mặt bị nhiễm virus như mặt bàn, tay nắm cửa, nút bấm thang máy… dễ đưa virus vào cơ thể khi bạn chạm vào miệng hay mũi của mình. 

Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như trẻ sinh non, trẻ em bị khuyết tật tim phổi, bệnh nhân dương tính với HIV, bệnh nhân ung thư đang xạ trị hoặc hóa trị và bệnh nhân cấy ghép nội tạng, là những đối tượng đặc biệt dễ bị viêm phổi do virus.

Người ghép tạng, bệnh nhân mắc bệnh ác tính, điều trị hoá chất, suy dinh dưỡng hoặc bỏng nặng rất nhạy cảm với virus Herpes và virus thủy đậu. Viêm phổi do virus hợp bào hô hấp hay gặp ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch, người ghép tủy xương và ghép thận, tỷ lệ tử vong cao, đồng thời hay bội nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng đơn bào, nấm…

Nhìn chung, các triệu chứng phổ biến nhất của viêm phổi do virus bao gồm: Ho, sốt, ớn lạnh, khó thở, nhức đầu, đổ mồ hôi, đau ngực dữ dội khi ho hoặc thở sâu, nhịp tim nhanh, chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn và nôn mửa… 

Một số bệnh nhân có thể ho dai dẳng sau khi đã lui bệnh, một số bội nhiễm khuẩn cần điều trị như viêm phổi vi khuẩn.

Viêm phổi do virus thường sẽ tự khỏi. Trong một số trường hợp, viêm phổi do virus có thể dẫn đến viêm phổi do vi khuẩn thứ phát. Khi đó, bác sĩ có thể kê đơn liệu pháp kháng sinh. Dựa vào các thay đổi triệu chứng hay dấu hiệu của bạn, bác sĩ sẽ có thể chẩn đoán liệu nó có trở thành viêm phổi do vi khuẩn hay không.

Mục tiêu của điều trị viêm phổi do virus là làm giảm các triệu chứng. Tùy thuộc vào loại viêm phổi do virus bạn mắc phải, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus để giảm hoạt động của virus. Điều quan trọng cần hiểu là thuốc kháng sinh sẽ không điều trị được bệnh viêm phổi do virus. 

Người lớn tuổi và những người có tình trạng sức khỏe mãn tính có thể cần phải nhập viện để được điều trị. Người lớn tuổi cũng có thể được dùng thuốc kháng virus để giúp họ nhanh chóng phục hồi hơn.

Làm cách nào để ngăn ngừa bệnh viêm phổi do virus nếu bệnh này dễ lây lan?

Viêm phổi do virus dễ lây lan và có thể lây lan theo cách giống như cảm lạnh hoặc cúm. Virus cúm có thể là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh viêm phổi do virus. Nếu bạn bị ốm vào thời điểm cần tiêm phòng cúm, hãy đợi cho đến khi bạn cảm thấy khỏe hơn mới đi tiêm.

Viêm phổi do virus kéo dài bao lâu?

Thời gian hồi phục của bạn phụ thuộc vào mức độ khỏe mạnh của bạn trước khi bạn được chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi do virus. Một người trưởng thành trẻ, khỏe mạnh thường sẽ phục hồi nhanh hơn các nhóm tuổi khác, sức khỏe thường phục hồi trong một hoặc hai tuần. Người lớn tuổi có thể cần phải mất vài tuần trước khi họ hồi phục hoàn toàn.

Cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm phổi là tiêm phòng cúm theo mùa hàng năm và cố gắng tránh những người xung quanh bị cảm lạnh hoặc cúm, rửa tay sạch bằng xà phòng đúng cách…

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm phổi do virus

Viêm phổi do virus có các dấu hiệu và triệu chứng, bao gồm:

  • Ho khan;

  • Sốt;

  • Run rẩy hoặc ớn lạnh;

  • Mệt mỏi, chán ăn;

  • Khó thở;

  • Đau cơ, đau ngực khi ho hoặc khi hít thở;

  • Thở nhanh;

  • Môi và móng tay thâm xanh do thiếu oxy trong máu;

  • Lẫn lộn, đặc biệt nếu bạn lớn tuổi.

Viêm phổi do virus có thể nhanh chóng tiến triển nghiêm trọng hơn, đặc biệt nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ cao, chẳng hạn như những người có hệ miễn dịch suy yếu.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ ngay khi bạn có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh viêm phổi như: Lẫn lộn, thở nhanh, tụt huyết áp, khó thở, tức ngực, sốt liên tục từ 39oC trở lên... Chẩn đoán và và điều trị sớm, giảm tình trạng tăng nặng của bệnh, giúp người bệnh mau chóng phục hồi sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm phổi do virus

Mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi do virus vì bệnh này lây lan trong không khí và dễ lây lan.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) viêm phổi do virus?

Mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi do virus vì bệnh này lây lan trong không khí và dễ lây lan. Bạn có thể có nguy cơ cao bị viêm phổi nếu bạn:

  • Làm việc hoặc sống trong bệnh viện hoặc cơ sở chăm sóc y tế.

  • 65 tuổi trở lên, 2 tuổi trở xuống.

  • Đang mang thai.

  • Hút thuốc lá.

  • Mắc bệnh mãn tính như: Bệnh tự miễn, hen suyễn, nhiễm trùng đường hô hấp, đái tháo đường hoặc bệnh tim, bệnh bạch cầu, ung thư…

  • Cấy ghép nội tạng trong thời gian gần đây. 

  • Đang hồi phục sau phẫu thuật.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) viêm phổi do virus

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi do virus, bao gồm:

  • Những người hút thuốc lá, người lớn tuổi và người mắc các bệnh phổi mãn tính như hen suyễn, bệnh xơ nang phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
  • Trẻ sinh non hoặc trẻ mắc các vấn đề tim, phổi bẩm sinh.
  • Những người có hệ miễn dịch yếu vì hóa trị liệu hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch sau khi cấy ghép nội tạng. Hệ thống miễn dịch suy yếu do virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV) hoặc ung thư.
  • Những người thường xuyên ở trong môi trường đông đúc, dễ tiếp xúc gần với những người khác.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm phổi do virus

Bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh, nghe tiếng phổi bằng ống nghe, nếu có tiếng bất thường như: Ran phế quản, ran nổ, nhịp tim nhanh… Một số xét nghiệm cần được làm thêm để xác định bệnh viêm phổi do virus bao gồm:

Chụp X-quang phổi.

Xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC): Kiểm tra tình trạng nhiễm trùng phổi thông qua số lượng bạch cầu.

Đo nồng độ oxy (O2) và carbon dioxide (CO2) trong máu.

Cấy máu, cấy đờm.

CT scan (Chụp cắt lớp vi tính ) vùng ngực.

Chẩn đoán mô bệnh: Bằng sinh thiết thấy hình ảnh hạt vùi trong tế bào trong viêm phổi do Herpes, Adenovirus.

PCR để kiểm tra có sự hiện diện của cytomegalovirus hay không ở bệnh nhân AIDS hoặc bệnh nhân cấy ghép tạng.

Phương pháp điều trị viêm phổi do virus hiệu quả

Viêm phổi do virus thường tự khỏi. Do đó, điều trị để giảm bớt một số triệu chứng như thuốc hạ sốt paracetamol hoặc aspirin (không cho trẻ em uống aspirin), thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen hoặc naproxen; thuốc giảm ho trong trường hợp ho nặng. Mọi người chỉ nên dùng thuốc giảm ho theo chỉ định của bác sĩ vì ho giúp loại bỏ nhiễm trùng khỏi phổi.

Một người bị viêm phổi do virus nên nghỉ ngơi đầy đủ và giữ cho cơ thể đủ nước bằng cách uống nhiều nước.

Trong một số trường hợp viêm phổi do virus, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus để giảm hoạt động của virus. Phương pháp điều trị này có hiệu quả nhất khi virus ở giai đoạn đầu của nhiễm trùng.

Nếu bạn bị virus cúm, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc như oseltamivir (Tamiflu), zanamivir (Relenza) hoặc peramivir (Rapivab).

Ganciclovir: Điều trị virus CMV.

Molnupiravir: Điều trị Covid-19. Nếu RSV là nguyên nhân gây viêm phổi, bác sĩ có thể kê đơn thuốc như ribavirin (Virazole). Những loại thuốc kháng virus này ngăn không cho virus sinh sôi trong cơ thể bạn và giúp giảm triệu chứng của bệnh.

Trong một số ít trường hợp, những người có nguy cơ cao bị viêm phổi do virus nghiêm trọng, người trên 65 tuổi hoặc đang mắc bệnh mãn tính… cần nhập viện để điều trị. 

Bệnh nhân cần tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, tăng cường nghỉ ngơi và uống đủ nước. Tái khám theo lịch của bác sĩ của bạn sau khi điều trị để đảm bảo phổi của bạn được khỏe mạnh.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm phổi do virus

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm phổi do virus.

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị về chế độ dinh dưỡng, tuân thủ trong việc sử dụng thuốc.

  • Duy trì lối sống tích cực, tránh xa khói thuốc để phổi của bạn mau lành, bao gồm bỏ hút thuốc lá, khói thuốc thụ động và khói gỗ. 

  • Bệnh nhân cần nghỉ ngơi đầy đủ là điều quan trọng để duy trì tiến trình hồi phục hoàn toàn và tránh tái phát. Trong khi bạn đang hồi phục, hãy cố gắng hạn chế tiếp xúc với gia đình và bạn bè để giúp ngăn virus lây lan sang người khác. Che miệng và mũi khi ho, vứt khăn giấy ngay lập tức vào hộp đựng chất thải đậy kín và rửa tay thường xuyên.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị như sốt, có nhiều đờm, tăng thở gấp hoặc đau ngực, buồn nôn, nôn…

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị mới nếu bệnh của bạn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ ăn uống lành mạnh, có vai trò quan trọng đối với hệ thống miễn dịch của cơ thể bạn. Các loại rau củ quả có chứa nhiều vitamin và khoáng chất, rất tốt cho cơ thể. Những thực phẩm chống oxy hóa, thực phẩm giàu omega-3 có tác dụng kháng viêm, hỗ trợ chữa lành những tổn thương ở mô và tế bào. 

Bạn nên lựa chọn những loại rau màu xanh đậm, các loại củ có nhiều màu sắc chứa nhiều vitamin như beta-caroten, vitamin C… để bổ sung cho cơ thể những chất chống viêm tự nhiên, chẳng hạn như: Cà chua, rau cải, rau chân vịt, súp lơ xanh, ớt chuông, cam, dứa, táo…

Bổ sung những thực phẩm có chứa chất chống oxy hóa như: Nghệ, tỏi, trà xanh, các loại đậu và các loại hạt (hạt hướng dương, đậu lăng,…), yến mạch, lúa mì… Thực phẩm giàu omega-3 như các loại cá (cá thu, cà hồi, cá ngừ,…), quả óc chó…

Người bị viêm phổi nên ăn những thức ăn mềm, dạng lỏng như súp, cháo,… giúp người bệnh dễ tiêu hóa, tăng khả năng hấp thu dưỡng chất cho cơ thể.

Phương pháp phòng ngừa viêm phổi do virus hiệu quả

Viêm phổi do virus không thể phòng tránh hoàn toàn, đây là căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt với virus chủng mới COVID-19. Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn cần thực hiện như sau:

  • Tiêm phòng vaccine cúm hàng năm.

  • Tránh xa những người đang bị bệnh có các triệu chứng như ho hoặc hắt hơi. Bạn nên đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người hay tiếp xúc với người bệnh.

  • Bỏ thuốc lá và tránh khói thuốc thụ động. Hút thuốc lá gây hại cho phổi của bạn.

  • Tránh uống quá nhiều rượu.

  • Rửa tay bằng xà phòng hay chất sát khuẩn tay có cồn đúng cách. Đặc biệt bạn cần rửa tay trước khi ăn, trước khi xử lý thực phẩm, sau khi đi vệ sinh và sau khi ra ngoài. Không chạm vào hoặc dùng chung đồ vật được dùng chung với người khác. Virus thể được truyền từ đồ vật sang bạn nếu bạn chạm vào mũi hoặc miệng mà không rửa hoặc vệ sinh tay trước.

  • Ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau củ, ăn chín, uống sôi, tập thể dục và nghỉ ngơi đầy đủ. Những thói quen lành mạnh giữ cho hệ thống miễn dịch của bạn mạnh mẽ.

  • Để tăng sức đề kháng, hỗ trợ hệ miễn dịch bạn cần bổ sung vi chất cho cơ thể như: Vitamin A, C, D và E, Fe, Zn và Se. Những vi chất dinh dưỡng này có thể bổ sung từ thực phẩm hoặc viên uống bổ sung vitamin tổng hợp.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.healthline.com/health/viral-pneumonia

  2. https://www.msdmanuals.com/vi-vn/chuyen-gia/tong-quan-viem-phoi

Chủ đề:viêm phổivirus