Tiêm cortisone có tác dụng gì? Ưu điểm và hạn chế khi tiêm cortisone
Ngày 19/06/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Cortisone có tác dụng giảm viêm, giảm đau ở một vùng trên cơ thể và thường được tiêm vào các khớp. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu về mục đích, ưu điểm, hạn chế của tiêm cortisone và những lưu ý khi tiêm.
Tiêm cortisone thường được chỉ định trong trường hợp cần giảm viêm, giảm đau ở một vùng nào đó trên cơ thể. Trong chỉnh hình, tiêm cortisone được dùng khá phổ biến. Nếu chưa biết mục đích của việc tiêm cortisone là gì? Ưu điểm và hạn chế của phương pháp này là gì? Mời bạn tham khảo bài viết bên dưới.
Khi nào bác sĩ chỉ định tiêm cortisone?
Tiêm cortisone vào một vùng nhất định trên cơ thể có mục đích chính là giảm viêm, giảm đau. Chỉ định này không quá xa lạ trong chỉnh hình. Một mũi tiêm cortisone thành phần gồm có thuốc gây tê cục bộ và thuốc corticosteroid. Số lần tiêm sẽ được hạn chế để tránh tác dụng phụ của thuốc. Bác sĩ thường chỉ định tiêm cortisone cho người bệnh trong điều trị các tình trạng viêm và tình trạng tiềm ẩn khác. Cụ thể gồm:
Bệnh nhân mắc bệnh gout với những cơn viêm khớp cấp.
Người bị viêm xương khớp gây các triệu chứng đau nhức khó chịu.
Viêm khớp vảy nến, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp phản ứng cũng có thể được giảm viêm, giảm đau bằng cách tiêm cortisone.
Người bị viêm gân cũng được chỉ định tiêm thuốc này.
Phương pháp tiêm cortisone có ưu điểm và hạn chế gì?
Phương pháp tiêm cortisone chỉ được chỉ định trong trường hợp thực sự cần thiết và cần giới hạn số lần tiêm vì nó có cả ưu điểm và hạn chế.
Ưu điểm của tiêm cortisone
Có thể kể đến những ưu điểm nổi bật của phương pháp giảm viêm, giảm đau này như:
Thuốc dùng để tiêm là một loại thuốc dễ quản lý, ít tác dụng phụ nghiêm trọng nên khá an toàn nếu được tiêm đúng cách, đúng liều lượng.
Cortisone cũng là một chất tự nhiên cơ thể có thể tự sản xuất được. Sau khi tiêm thuốc, phần lớn người bệnh đều dung nạp tốt.
Hiệu quả trị viêm của thuốc này khá cao nên đây được coi là phương pháp phòng ngừa và điều trị viêm tối ưu.
Quá trình tiêm diễn ra nhanh chóng, ít gây khó chịu cho người bệnh.
Hạn chế của tiêm cortisone
Bên cạnh ưu điểm, tiêm cortisone cũng tồn tại những hạn chế nhất định như:
Nếu lạm dụng thuốc, các mô trong cơ thể có thể bị tổn thương. Hậu quả là dây chằng suy yếu hay sụn khớp bị mềm.
Một số trường hợp người bệnh bị vỡ gân sau khi tiêm thuốc, nhất là khi tiêm ở vị trí xung quanh gân Achilles.
Thực tế ghi nhận có tình trạng người bệnh bị “chết xương” gầy khu vực tiêm, tổn thương thần kinh, nhiễm trùng khớp.
Sau khi tiêm thuốc, người bệnh có thể bị đỏ bừng mặt tạm thời, xuất hiện các cơn đau hoặc tình trạng viêm tạm thời ở các khớp.
Cũng có bệnh nhân bị tăng đường huyết tạm thời sau khi tiêm thuốc. Người bị tiểu đường cần đặc biệt lưu ý điều này để có phương án kiểm soát đường huyết phù hợp.
Những bệnh nhân được tiêm cortisone liều cao có thể bị mỏng da, bầm tím, tăng cân, mụn trứng cá, tăng huyết áp, phù mặt, đục thủy tinh thể, loãng xương,...
Các tác dụng phụ sau khi tiêm cortisone sẽ tăng lên khi tiêm nhiều lần và tiêm liều cao. Ngoài ra, tác dụng phụ cũng tăng lên theo tuổi tác và tình trạng sức khỏe không tốt của người bệnh.
Tiêm cortisone diễn ra theo quy trình thế nào?
Tiêm cortisone là thủ thuật đơn giản và được tiến hành khá nhanh chóng theo quy trình sau:
Tùy thuộc vào vị trí cần tiêm, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn nằm, ngồi ở tư thế thuận lợi nhất cho việc bác sĩ chèn kim tiêm.
Khi đã xác định được vị trí cần tiêm, bác sĩ sẽ sát khuẩn vị trí đó, gây tê và tiêm thuốc vào.
Một số trường hợp bác sĩ cần soi tia huỳnh quang hay siêu âm để có thể quan sát đường đi của kim bên trong cơ thể. Nhờ đó, bác sĩ có thể tiêm thuốc vào đúng vị trí đã xác định từ đầu.
Khi mũi kim tiếp xúc với vị trí được tiêm, bệnh nhân có thể cảm nhận được áp lực nhưng không thấy đau vì đã được gây tê trước đó.
Sau khi tiêm thuốc xong, hầu hết người bệnh đều xuất hiện tình trạng đỏ tại vùng tiêm kèm cảm giác ấm mặt, ngực. Cảm giác nóng và đau ở vùng tiêm có thể kéo dài 48 giờ sau tiêm rồi giảm dần.
Sau khi tiêm, bệnh nhân cần được hướng dẫn theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng như: Cảm giác đau tăng lên sau 48 giờ, vùng da tại vị trí tiêm ngày càng tấy đỏ chứ không hề thuyên giảm.
Tiêm cortisone cần lưu ý gì?
Để đảm bảo an toàn và hạn chế tác dụng phụ, khi tiêm cortisone, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:
Nếu đang sử dụng các loại thuốc làm loãng máu, bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn dừng thuốc trước khi tiêm khoảng vài ngày. Việc này giúp giảm nguy cơ bầm tím, chảy máu sau khi tiêm thuốc.
Dù không dùng thuốc loãng máu nhưng có một số loại thuốc và thực phẩm chức năng có tác dụng phụ làm loãng máu. Vì vậy, bạn nên cung cấp thông tin đầy đủ về các sản phẩm mình đang sử dụng với bác sĩ để có tư vấn phù hợp.
Bệnh nhân sốt trên 38 độ C trong vòng 2 tuần trước thời điểm được chỉ định tiêm cortisone cần trao đổi với bác sĩ trước khi tiêm.
Cần cực kỳ thận trọng về liều dùng khi tiêm thuốc ở các gân, khớp. Không tiêm quá 6 tuần/lần và không tiêm thuốc quá 3 - 4 lần mỗi năm.
Ở bệnh nhân sẽ tuổi, cần hạn chế tối đa việc tiêm thuốc vì thuốc tiềm ẩn tác dụng phụ làm ảnh hưởng đến gân, khớp.
Vùng được tiêm cần được bảo vệ, chăm sóc kỹ càng trong 1 - 2 ngày sau tiêm để phòng ngừa nhiễm trùng.
Khi có dấu hiệu sưng đau tại vị trí tiêm, người bệnh có thể chườm mát nhưng không được chườm nóng. Không sử dụng đệm sưởi vì có thể kích thích phản ứng viêm, tăng tác dụng phụ của thuốc. Tương tự, họ cũng không nên tắm nước nóng, ngâm bồn nước nóng hay tắm trong bồn tạo sóng ít nhất 2 ngày sau tiêm.
Phương pháp giảm đau, giảm viêm bằng tiêm cortisone tồn tại ưu điểm và hạn chế nhất định. Vì vậy, bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý tiêm thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân cũng không nên lạm dụng thuốc để tránh những ảnh hưởng hay hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe. Và điều quan trọng, khi được chỉ định tiêm cortisone, bạn cần thực hiện thủ thuật tại cơ sở y tế uy tín để tránh nhiễm trùng và nguy cơ khác.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.