Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất khi nằm viện và tiêu chuẩn xuất viện
Ngày 30/04/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Sốt xuất huyết có thể xuất viện khi không sốt 2 ngày, tỉnh táo, ăn uống bình thường, mạch và huyết áp ổn, không khó thở hoặc suy hô hấp, không xuất huyết, AST/ALT <400U/L, Hct bình thường, tiểu cầu >50.000/mm³
Hàng năm số lượng ca nhiễm sốt xuất huyết được ghi nhận cũng như số ca nhập viện vì sốt xuất huyết là rất lớn, nhất là khi dịch sốt xuất huyết bùng phát. Điều này gây nên gánh nặng khá lớn cho các bệnh viện vì không đủ giường bệnh và trang thiết bị để chữa trị cho bệnh nhân. Vậy tiêu chuẩn xuất viện sốt xuất huyết để giảm sự quá tải giường bệnh là gì?
Giai đoạn này thường kéo dài từ 2 - 7 ngày. Bệnh nhân đột ngột sốt cao kèm với đỏ mặt, sung huyết da niêm, đau nhức toàn thân, đau cơ, đau khớp và nhức đầu. Một vài bệnh nhân có đau và sung huyết họng. Thường gặp các biểu hiện ăn không ngon, buồn nôn, nôn ói. Ở giai đoạn sốt, rất khó phân biệt bệnh SXH - D với sốt do các nguyên nhân khác. Ngoài ra, dựa trên những yếu tố lâm sàng này rất khó tiên đoán trước diễn biến của bệnh. Vì vậy, theo dõi các dấu hiệu cảnh báo và các thông số lâm sàng khác rất quan trọng đề nhận biết giai đoạn thoát huyết tương.
Những biểu hiện xuất huyết nhẹ có thể xảy ra như ban xuất huyết dưới da, chảy máu răng, chảy máu mũi. Xuất huyết âm đạo lượng nhiều và xuất huyết tiêu hóa có thể xuất hiện ở giai đoạn này, nhưng tương đối ít gặp. Gan thường to và đau sau vài ngày sốt. Bất thường sớm nhất trong công thức máu là giảm bạch cầu, cảnh báo khả năng bệnh nhân bị SXH - D.
Giai đoạn nặng
Trong khoảng thời gian hết sốt, khi nhiệt độ giảm còn 37,5°C - 38°C, thường vào khoảng ngày thứ 3 - 7 của bệnh, có hiện tượng tăng tính thấm thành mạch song song với gia tăng dung tích hồng cầu gây cô đặc máu, đánh dấu khởi đầu giai đoạn thoát huyết tương.
Tình trạng thoát huyết tương rõ rệt trên lâm sàng thường kéo dài 24 - 48 giờ. Giảm bạch cầu theo sau giảm nhanh tiểu cầu và thường đi trước hiện tượng thoát huyết tương. Ở thời điểm này, nếu bệnh nhân không có tăng tính thấm thành mạch thì các biểu hiện lâm sàng sẽ cải thiện, trong khi những bệnh nhân có tăng tính thấm thành mạch, diễn biến lâm sàng sẽ trở nên xấu đi do hậu quả của giảm thể tích huyết tương. Mức độ thoát huyết tương thay đổi tùy thuộc đặc điểm của từng cá nhân. Tràn dịch màng phổi và màng bụng có thể phát hiện trên lâm sàng liên quan với mức độ thoát huyết tương và lượng dịch điều trị. Vì vậy, X-quang phổi và siêu âm bụng là công cụ hữu ích để chẩn đoán. Mức độ gia tăng hematocrit thường phản ánh độ nặng của thoát huyết tương. Sốc xảy ra khi có nhiều huyết tương bị thoát ra ngoài lòng mạch. Bệnh nhân thường có những dấu hiệu cảnh báo trước.
Thân nhiệt có thể hạ dưới mức bình thường khi sốc. Nếu sốc kéo dài, giảm tưới máu cơ quan gây tổn thương cơ quan, toan chuyển hóa và đông máu nội mạch lan tỏa, làm giảm hematocrit trong bệnh cảnh sốc nặng. Số lượng bạch cầu có thể tăng cao ở bệnh nhân xuất huyết nặng. Ngoài ra, tổn thương cơ quan nặng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim hoặc xuất huyết nặng có thể xảy ra dù không có thoát huyết tương hoặc sốc rõ rệt.
Những bệnh nhân cải thiện lâm sàng sau khi hết sốt được xem là bệnh SXH - D nhẹ. Một số bệnh nhân tiến triển tới giai đoạn thoát huyết tương, những thay đổi về công thức máu được dùng để đánh giá khởi phát giai đoạn thoát huyết tương. Những bệnh nhân SXH - D có các dấu hiệu cảnh báo được gọi là SXH - D có dấu hiệu cảnh báo. Đa số trường hợp SXH - D có dấu hiệu cảnh báo sẽ hồi phục với liệu pháp bù dịch tiêm mạch sớm. Một vài trường hợp, trên lâm sàng có thể diễn biến xấu đi thành SXH - D nặng.
Giai đoạn hồi phục
Nếu bệnh nhân vượt qua được giai đoạn thoát huyết tương, dịch dần dần tái hấp thu trở lại vào lòng mạch trong 48 - 72 giờ kế tiếp. Tổng trạng chung cải thiện, ăn ngon, bớt các triệu chứng tiêu hóa, tình trạng huyết động ổn định và tiểu nhiều. Một số bệnh nhân có biểu hiện phát ban gây ngứa toàn thân. Bệnh nhân thường có biểu hiện chậm nhịp tim và những thay đổi nhỏ trên điện tâm đồ. Hematocrit ổn định hoặc thấp do hiện tượng tái hấp thu dịch. Số lượng bạch cầu bắt đầu gia tăng sau khi hết sốt nhưng số lượng tiểu cầu thường hồi phục muộn hơn.
Suy hô hấp do tràn dịch màng phổi lượng nhiều và báng bụng sẽ xuất hiện bất kỳ lúc nào nếu sử dụng quá nhiều dịch truyền. Trong giai đoạn thoát huyết tương và giai đoạn tái hấp thu, nếu bệnh nhân được điều trị quá nhiều dịch truyền dễ bị phù phổi và suy tim sung huyết.
Chăm sóc và theo dõi bệnh nhân sốt xuất huyết khi nằm viện
Sự theo dõi bệnh nhân phải được tiến hành liên tục đến khi bệnh nhân không còn nguy hiểm:
Theo dõi mạch, huyết áp, nhịp thở mỗi giờ một lần hoặc sát hơn cho đến khi ổn định.
Đo hematocrit (Hct) mỗi 2 giờ một lần, ít nhất trong 6 giờ đầu, sau đó nếu ổn định có thể kéo dài khoảng cách theo dõi. Có thể sát hơn nếu bệnh nhân có sốc kéo dài.
Tính bình quân nước xuất - nhập trong 24 giờ, tránh dư nước cũng như thiếu nước.
Theo dõi những biểu hiện xuất huyết hoặc lưu ý những xuất huyết không trông thấy được.
Tiêu chuẩn xuất viện sốt xuất huyết
Bệnh nhân sốt xuất huyết được xuất viện khi thỏa các tiêu chí sau:
Hết sốt ít nhất 2 ngày.
Tỉnh táo ăn uống được.
Mạch và huyết áp bình thường.
Không có khó thở hoặc suy hô hấp do tràn dịch màng bụng hay màng phổi gây ra.
Không xuất huyết tiến triển.
AST, ALT <400U/L, Hct trở về bình thường và số lượng tiểu cầu có khuynh hướng hồi phục trên 50.000/mm3.
Tóm lại, bệnh sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở Việt Nam. Hiểu rõ hơn về bệnh cũng như tiêu chuẩn xuất viện sốt xuất huyết sẽ giúp bạn bảo vệ được sức khỏe, trang bị thêm kiến thức để phòng ngừa và điều trị căn bệnh này.
Hiện nay, việc triển khai tiêm vắc xin phòng chống sốt xuất huyết trở nên càng quan trọng và ý nghĩa hơn khi nhiều dịch bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp và số ca mắc gia tăng do mưa bão và lũ lụt liên tiếp. Thêm vào đó, quá trình đô thị hóa và hiện tượng nóng lên toàn cầu đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi gây bệnh sinh sôi và phát triển mạnh mẽ.
Qdenga là vắc xin sốt xuất huyết của hãng dược phẩm Takeda, đã được sử dụng rộng rãi tại hơn 40 quốc gia và đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng tại Việt Nam từ tháng 5/2024. Vắc xin Qdenga phòng bệnh sốt xuất huyết được chỉ định tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng cho trẻ em từ 4 tuổi và người lớn, kể cả những người đã từng mắc sốt xuất huyết trước đây. Vắc xin mang lại hiệu quả phòng bệnh do cả 4 tuýp huyết thanh vi rút sốt xuất huyết gây bệnh (DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4) với hiệu quả cao trên 80%, ngăn chặn nguy cơ nhập viện đến 90%.
Vắc xin phòng ngừa sốt xuất huyết hiện đang được triển khai tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu trên toàn quốc. Tiêm chủng Long Châu tự hào là đơn vị có nguồn cung ứng vắc xin được nhập khẩu chính hãng từ các nhà sản xuất lớn trên thế giới. Tìm hiểu thông tin về vắc xin sốt xuất huyết ngay tại đây.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.