Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Tìm hiểu cách kiểm soát chứng bí tiểu khi mang thai

Ngày 31/12/2023
Kích thước chữ

Bí tiểu khi mang thai thường do tử cung to ra chèn ép vào bàng quang. Phụ nữ mang thai cần biết về tình trạng rối loạn tiểu tiện này để có một thai kỳ khỏe mạnh.

Phụ nữ có thai thường có tình trạng sinh lý đặc biệt. Trên thực tế, khi mang thai, hệ tiết niệu của mẹ bầu sẽ trải qua một số thay đổi. Một trong số các biểu hiện là tình trạng rối loạn tiểu tiện và đặc biệt là bí tiểu. Cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về bí tiểu khi mang thai và cách kiểm soát bệnh ngay sau đây!

Tổng quan về bí tiểu khi mang thai

Bí tiểu khi mang thai là tình trạng thai phụ cảm thấy khó đi tiểu, tiểu rắt, tiểu buốt,... Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, thai phụ không thể đi tiểu ngay cả khi muốn. Tình trạng này thường xảy ra từ tuần thứ 9 đến tuần thứ 16 của thai kỳ, khi tử cung bắt đầu lớn dần và chèn ép lên bàng quang.

Bí tiểu khi mang thai có thể gây ra một số bệnh lý nguy hiểm như nhiễm khuẩn tiết niệu, sỏi tiết niệu, suy thận, vỡ bàng quang,... Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, thai phụ có thể bị sinh non, thậm chí dẫn tới sảy thai.

Có 2 dạng bí tiểu là bí tiểu cấp tính và mãn tính:

  • Bí tiểu cấp tính: Thường xảy ra đột ngột, thời gian tồn tại ngắn. Trong trường hợp này, mẹ bầu cảm thấy buồn tiểu nhưng lại không đi tiểu được. Nếu có dấu hiệu này, mẹ bầu cần tới cơ sở y tế để giải phóng nước tiểu tích tụ, tránh lâu dài gây nên bí tiểu mãn tính.
  • Bí tiểu mãn tính: Diễn ra từ từ, tồn tại trong thời gian dài. Mẹ bầu thậm chí không nhận ra điều này đang xảy ra vì giai đoạn đầu có thể chưa có biểu hiện rõ. Bạn cần nói chuyện với bác sĩ nếu dòng nước tiểu của bạn yếu, luôn cảm giác buồn tiểu dù vừa mới đi tiểu xong để có biện pháp khắc phục.
Tìm hiểu cách kiểm soát chứng bí tiểu khi mang thai 1
Bí tiểu khi mang thai thường xảy ra ở tuần 9 tới tuần 16 của thai kỳ

Nguyên nhân gây bí tiểu trong thời kỳ mang thai

Tình trạng bí tiểu trong thai kỳ có thể xảy ra bởi nhiều nguyên do. Nói chung, nguyên nhân thường là do một số dạng chèn ép hoặc tắc nghẽn vật lý do tử cung đang phát triển.

Các nguyên nhân khác có thể gây bí tiểu trong thai kỳ bao gồm:

Táo bón

Thai phụ có thể mắc táo bón thường xuyên hơn trong suốt 9 tháng của thai kỳ. Táo bón có thể gây kích ứng và chèn ép lên thành bàng quang và niệu quản dẫn đến bí tiểu.

Cơ bàng quang yếu

Mang thai có thể làm suy yếu các cơ của bàng quang, khiến bàng quang khó thải hết nước tiểu trong 1 lần. Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng bí tiểu khi mang thai.

Tắc nghẽn bàng quang hoặc niệu quản

Tình trạng bí tiểu thường gặp ở nam giới lớn tuổi, đặc biệt những người có tuyến tiền liệt phì đại. Tuyến tiền liệt gây áp lực lên niệu đạo và ngăn chặn dòng nước tiểu. Khi phụ nữ mang thai có thể xảy ra vấn đề tương tự, vì tử cung không chỉ chèn ép niệu đạo mà còn chèn ép các cơ quan khác.

Ảnh hưởng của một số loại thuốc

Một số loại thuốc có thể gây tình trạng bí tiểu trong thai kỳ. Vì vậy, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc.

Tử cung ngả sau

Tình trạng này thường tự khỏi vào cuối tam cá nguyệt đầu tiên (giai đoạn đầu tiên của thai kỳ). Tuy vậy, trong một số trường hợp tử cung có thể bị mắc kẹt bên trong xương chậu, gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Các thai phụ cần được thăm khám bởi các bác sĩ sớm nhất để đảm bảo sức khỏe.

Nhịn đi vệ sinh

Các mẹ bầu thường phải đi tiểu nhiều, đặc biệt là tiểu đêm. Điều này khiến các mẹ bầu có xu hướng nhịn tiểu. Nhịn tiểu làm nước tiểu lưu trữ trong bàng quang thời gian dài và dẫn đến bí tiểu trong thai kỳ.

Nguyên nhân khác

Các chuyên gia y tế đã xác định một số yếu tố tiềm ẩn khác gây ra tình trạng bí tiểu thai kỳ như:

Tìm hiểu cách kiểm soát chứng bí tiểu khi mang thai 2
Tuổi cao là một trong những nguyên nhân của bí tiểu thai kỳ

Chẩn đoán bí tiểu thai kỳ

Tình trạng bí tiểu khi mang thai sẽ được xác định bởi các bác sĩ. Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử sức khỏe và kết hợp các triệu chứng của bạn để chẩn đoán bằng một số cách như:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Chúng có thể giúp phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn khác.
  • Quét bàng quang: Đây là xét nghiệm sử dụng siêu âm để đo lượng nước tiểu còn lại trong bàng quang sau khi đi tiểu.
  • Xét nghiệm huyết động học: Điều này liên quan đến việc đưa một ống nhỏ vào bàng quang để đo xem bàng quang có đang hoạt động tốt hay không.

Kiểm soát bí tiểu khi mang thai

Trong đa số trường hợp, thai phụ cần được thăm khám bởi bác sĩ. Bác sĩ cần xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng bí tiểu để chọn phương án điều trị tốt nhất. Các phương pháp điều trị thường được các chuyên gia y tế áp dụng có thể kể đến:

Đặt ống thông tiểu

Hầu hết các trường hợp bác sĩ sẽ điều trị bí tiểu bằng phương pháp này. Một số thai phụ cần phải đặt ống thông tiểu tại chỗ trong một thời gian dài. Một số thai phụ khác tình trạng nhẹ hơn được phát ống thông để tự sử dụng. Các chuyên gia y tế sẽ hướng dẫn các thai phụ cách sử dụng loại ống thông này.

Tìm hiểu cách kiểm soát chứng bí tiểu khi mang thai 3
Đặt ống thông tiểu là biện pháp được bác sĩ áp dụng trong đa số trường hợp

Dùng thuốc

Nếu chứng bí tiểu là do thuốc bạn đang dùng, bác sĩ có thể giảm liều hoặc yêu cầu bạn ngừng dùng. Như đã đề cập ở trên, bạn cần thảo luận với các chuyên gia y tế về các loại thuốc bạn dùng, đặc biệt là khi bạn đang mang thai.

Can thiệp y tế

Biện pháp này rất hiếm khi được thực hiện. Tuy nhiên, nếu tình trạng bí tiểu do tử cung bị nghiêng, bác sĩ có thể điều chỉnh lại vị trí tử cung bằng tay hoặc phẫu thuật để giảm áp lực lên bàng quang của thai phụ.

Các bài tập vật lý trị liệu

Tham khảo các bài tập kiểm soát bàng quang và tập cơ sàn chậu giúp bạn kiểm soát bí tiểu tốt hơn. Bạn có thể tìm hiểu các bài tập Kegel cho bà bầu với sự hướng dẫn của bác sĩ để có một thai kỳ khỏe mạnh.

Tìm hiểu cách kiểm soát chứng bí tiểu khi mang thai 4
Bài tập Kegel cho phụ nữ mang thai giúp hạn chế tình trạng bí tiểu

Bí tiểu khi mang thai có thể xảy ra ở bất kỳ thời gian nào của thai kỳ. Khi có các dấu hiệu bài viết đã đề cập, bạn cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia để có thai kỳ khỏe mạnh nhất. Hãy tham khảo thêm các bài viết của nhà thuốc Long Châu để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin