Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu chi tiết về phẫu thuật nối vị tràng

Ngày 21/02/2024
Kích thước chữ

Phẫu thuật nối vị tràng là phương pháp hiệu quả trong điều trị một số bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa. Cuộc phẫu thuật cần diễn ra một cách an toàn để hạn chế tối đa biến chứng. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết về phẫu thuật nối vị tràng.

Trong trường hợp bệnh nhân mắc một số bệnh lý về đường tiêu hóa như: Ung thư dạ dày, hẹp môn vị do loét hành tá tràng,… bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật nối vị tràng. Vậy phẫu thuật nối vị tràng là gì? Quy trình các bước tiến hành cuộc phẫu thuật ra sao? Sau phẫu thuật bệnh nhân có thể phải đối mặt với nguy cơ tai biến gì? Bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây để có câu trả lời chi tiết nhất.

Phẫu thuật nối vị tràng là gì?

Nối vị tràng là một phẫu thuật được thực hiện với mục đích làm thông miệng nối giữa dạ dày và quai đầu hỗng tràng khi có tắc nghẽn, cản trở ở vị trí giữa 2 đoạn này. Hỗng tràng là phần giữa của ruột non, nó nằm giữa tá tràng và hồi tràng. Tình trạng có tắc nghẽn hoặc cản trở có thể xảy ra do u, loét hẹp, hay cắt toàn bộ dây thần kinh X,... Đây cũng là phương pháp thường được chỉ định trong điều trị một số bệnh lý về đường tiêu hóa như: Ung thư dạ dày, hẹp môn vị do loét hành tá tràng,…

Phẫu thuật nối vị tràng cần phải tuân thủ theo 3 nguyên tắc:

  • Vị trí phẫu thuật thấp nhất: Chọn vị trí thấp nhất cần căn cứ vào vị trí tổn thương.
  • Thuận chiều nhu động.
  • Miệng nối giữa dạ dày và quai đầu hỗng tràng đủ rộng.
Tìm hiểu chi tiết về phẫu thuật nối vị tràng 1
Hình ảnh mô phỏng trước và sau khi phẫu thuật nối vị tràng

Khi nào bác sĩ chỉ định phẫu thuật nối vị tràng?

Các bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật nối vị tràng trong các trường hợp như:

  • Bệnh nhân bị hẹp môn vị do loét hành tá tràng xơ chai, bệnh nhân được đánh giá đóng mỏm tá tràng nguy cơ cao.
  • Có những khối u vùng tá tràng đầu tụy chèn ép tá tràng nhưng không có khả năng cắt bỏ.
  • Bệnh nhân có khối u phần thấp dạ dày làm hẹp đường xuống và xâm lấn các tổ chức xung quanh nhưng không thể cắt bỏ hoặc do người bệnh có bệnh lý kèm theo không thể mổ trong thời gian quá dài hay người bệnh có thể trạng yếu. Nối vị tràng được chỉ định khi bệnh nhân ăn uống được.
  • Đường xuống tá tràng của bệnh nhân bị tắc nghẽn hoặc chặn đứng do có khối u ở hang vị, tụy nhẫn, tá tràng, bóng Vater,…
  • Phẫu thuật cắt dây thần kinh X hoặc phẫu thuật tạo hình môn vị khiến đường xuống tá tràng lưu thông kém.
  • Bệnh nhân có túi thừa tá tràng quá lớn không thể cắt bỏ hoặc bệnh nhân bị vỡ tá tràng được thực hiện đóng môn vị cũng được phẫu thuật nối vị tràng để ngăn không cho thức ăn đi qua tá tràng.

Khi nào bác sĩ cân nhắc không phẫu thuật nối vị tràng?

Phẫu thuật này sẽ được cân nhắc trong một số trường hợp như:

  • Tình trạng bệnh toàn thân nặng, có nhiều bệnh cùng một lúc, thể trạng yếu, suy dinh dưỡng, chỉ số albumin máu thấp,... cần được điều chỉnh về chất điện giải, máu và albumin,... trước khi tiến hành phẫu thuật.
  • Bệnh nhân có khối u xâm lấn lớn gần hết dạ dày.
  • Bệnh nhân bị mắc ung thư di căn đến nhiều vị trí và thời gian sống ngắn.
  • Bệnh nhân bị tắc nghẽn ở đại tràng, ruột non cũng được cân nhắc thực hiện nối vị tràng.
Tìm hiểu chi tiết về phẫu thuật nối vị tràng 2
Tùy từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ quyết định người bệnh có nên nối vị tràng không

Chuẩn bị trước phẫu thuật nối vị tràng

Trước khi tiến hành phẫu thuật, cả ekip mổ, bệnh nhân và người nhà đều cần có sự chuẩn bị kỹ càng. Cụ thể là:

Về nhân sự thực hiện phẫu thuật: Bác sĩ phẫu thuật chính thuộc khoa ngoại chung hoặc chuyên khoa tiêu hóa, hai phẫu thuật viên phụ, bác sĩ gây mê, phụ mê, điều dưỡng,…

Về phía người bệnh và gia đình: Sẽ được bác sĩ giải thích rõ ràng về tình trạng bệnh, quy trình phẫu thuật cũng như tai biến tiềm ẩn trong và sau phẫu thuật. Trước khi bước vào cuộc phẫu thuật, bệnh nhân cần được chăm sóc nâng cao thể trạng, cân bằng các rối loạn xảy ra do bệnh lý hoặc tuổi tác. Các bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp,… cần được điều trị ổn định trước khi phẫu thuật trừ khi mổ cấp cứu. Trong trường hợp bệnh nhân thiếu máu cần được truyền máu. Khi bước vào cuộc phẫu thuật, bệnh nhân cần nhịn ăn, tháo thụt và vệ sinh toàn thân. Bác sĩ cũng sẽ chỉ định người bệnh dùng kháng sinh dự phòng.

Về phương tiện phẫu thuật: Phòng mổ, bàn mổ, bộ dụng cụ đại phẫu, máy cắt nối, chỉ khâu,...

Tìm hiểu chi tiết về phẫu thuật nối vị tràng 3
Phòng mổ vô trùng cùng trang thiết bị phù hợp được chuẩn bị đầy đủ

Quy trình phẫu thuật nối vị tràng

Quy trình phẫu thuật nối vị tràng gồm bước gây mê, kỹ thuật nối vị tràng và theo dõi, xử lý tai biến sau phẫu thuật.

Gây mê trước phẫu thuật nối vị tràng

Trước khi nối vị tràng, bệnh nhân sẽ được gây mê nội khí quản, có thể phối hợp với các phương pháp gây tê giảm đau hoặc hạn chế dùng thuốc mê. Mục đích của kỹ thuật gây mê nội khí quản là để kiểm soát quá trình hô hấp, giảm đau tốt, cung cấp sự mềm cơ trong và sau phẫu thuật. Tuy nhiên, có một số trường hợp chống chỉ định gây mê nội khí quản sẽ được gây tê tại chỗ và gây tê ngoài màng cứng.

Kỹ thuật phẫu thuật nối vị tràng

Kỹ thuật nối vị tràng được thực hiện theo quy trình sau:

  • Bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành mở bụng đường trắng tại vị trí giữa trên rốn.
  • Bác sĩ đánh giá các tổn thương tại chỗ và tình trạng toàn thân của người bệnh để xác định chỉ định.
  • Bác sĩ tiến hành giải phóng dạ dày tìm vị trí nối.
  • Giải phóng mạc nối lớn tại vị trí bám sát mạc treo đại tràng ngang.
  • Sau đó, bác sĩ phẫu thuật tìm vị trí nối vị tràng. Vị trí nối vị tràng nên cách bờ cong lớn 1,5 - 2cm, ngay trên bờ chỗ hẹp khoảng 2 - 3cm. Miệng nối phải đủ rộng, khoảng 8 - 10cm và phải đi đường ngắn nhất.
  • Tiến hành làm miệng nối vị tràng qua mạc treo đại tràng ngang nếu khối u xâm lấn có làm miệng nối trước đại tràng ngang hoặc mạc treo bị co rút hoặc nối Roux-en-Y.
  • Cố định mạc treo vào dạ dày và tiến hành cầm máu. Nếu nối qua mạc treo đại tràng ngang thì miệng nối sẽ ở dưới mạc treo.
  • Kiểm tra lại và tiến hành đóng bụng cho người bệnh.

Ngoài phẫu thuật mở, hiện nay phẫu thuật nối vị tràng cũng được thực hiện theo phương pháp nội soi.

Tìm hiểu chi tiết về phẫu thuật nối vị tràng 4
Hình ảnh phẫu thuật nội soi trong nối vị tràng

Theo dõi và xử lí biến chứng sau phẫu thuật nối vị tràng

Sau khi thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân cần được theo dõi tình trạng sức khỏe chung với các chỉ số huyết áp, mạch, tình trạng viêm phổi. Người bệnh cũng cần được theo dõi nhiễm trùng vết mổ, áp xe, bục miệng nối,… để có thể can thiệp kịp thời. Chảy máu sau phẫu thuật có thể xảy ra trong 2 hoặc nhiều ngày sau mổ. Nếu máu chảy nhiều gây tụt huyết áp, mạch nhanh,… người bệnh cần được mổ kiểm tra lại và cầm máu.

Việc truyền dịch sẽ giúp cung cấp năng lượng cho người bệnh. Dùng kháng sinh dự phòng hoặc kháng sinh điều trị phụ thuộc tình trạng cụ thể của người bệnh. Khi bệnh nhân có trung tiện cũng là thời điểm có thể ăn lại.

Một số tai biến người bệnh có thể gặp phải sau khi gây mê nối vị tràng như: Trào ngược dịch tiêu hóa vào đường thở, rối loạn huyết động, chấn thương khi đặt nội khí quản, co thắt thanh quản, khí quản, phế quản, suy hô hấp, viêm đường hô hấp trên,…

Phẫu thuật nối vị tràng là phẫu thuật có độ phức tạp cao nên cần được thực hiện ở cơ sở y tế uy tín và thực hiện bởi đội ngũ y bác sĩ có trình độ cao. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản và hiểu biết nhất định về nối vị tràng. 

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin