Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị khi đi ngoài ra bọt

Ngày 25/08/2023
Kích thước chữ

Nguyên nhân nào khiến bạn đi ngoài ra bọt là do đâu? Vậy đi ngoài ra bọt là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì? Đây có phải là tình trạng nghiêm trọng hay không? Mời bạn theo dõi bài viết sau.

Thông qua tình trạng của phân khi chúng ta thải ra ngoài sẽ đánh giá được phần nào sức khỏe hiện tại. Thỉnh thoảng, bạn chắc sẽ có lần đi ngoài ra bọt. Tình huống này làm cho nhiều người lo lắng không biết cơ thể mình đang gặp vấn đề gì. Đây có thể là dấu hiệu của các rối loạn về tiêu hóa, nhưng cũng có thể là cảnh báo về bệnh lý nguy hiểm.

Các nguyên nhân dẫn đến việc đi ngoài ra bọt

Tình trạng đi ngoài ra bọt có thể xuất phát từ các nguyên nhân phổ biến sau đây:

Nhiễm trùng đường ruột

Sự xâm nhập của vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng vào hệ tiêu hóa có thể tạo ra bọt khí trong phân. Nguy cơ nhiễm trùng đường ruột sẽ tăng khi bạn ăn thực phẩm không sạch sẽ, uống nước không đảm bảo vệ sinh, hoặc tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm. Đặc biệt, ký sinh trùng cũng có thể lây lan từ người sang người thông qua tiếp xúc với phân nhiễm trùng.

Các triệu chứng khác của tình trạng nhiễm trùng bao gồm: Mệt mỏi, đầy hơi, buồn nôn, co thắt dạ dày, giảm cân không rõ lý do,...

Hội chứng kích thích ruột

Người mắc hội chứng kích thích ruột thường trải qua tình trạng rối loạn chức năng ruột, mà không có bất kỳ tổn thương hay bất thường nào trong cấu trúc sinh học. Chất nhầy trong phân của người bệnh sẽ làm cho phân có nhiều bọt và gây ra tiêu chảy có bọt.

Tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị khi đi ngoài ra bọt 1
Nguyên nhân gây ra tình trạng đi ngoài ra bọt có thể do nhiễm trùng, viêm tụy, rối loạn hấp thu,...

Rối loạn kém hấp thu

Rối loạn này xảy ra khi cơ thể không hấp thụ hoặc tận dụng không hiệu quả các chất dinh dưỡng từ thực phẩm. Ví dụ, bệnh không dung nạp gluten (bệnh celiac) là một dạng phổ biến của rối loạn này. Bệnh lý này làm cho cơ thể không thể tiêu hóa gluten, gây ra các triệu chứng như đi ngoài có bọt.

Viêm tụy

Viêm tụy có thể xuất hiện ở dạng cấp tính hoặc mãn tính. Bệnh này làm cản trở khả năng tiêu hóa chất béo trong cơ thể, gây đau nhức ở vùng bụng trên và thỉnh thoảng lan đến lưng. Các nguyên nhân gây ra viêm tụy bao gồm: Sỏi mật, lạm dụng cồn, ung thư tuyến tụy hoặc các rối loạn di truyền ảnh hưởng đến tuyến tụy.

Phẫu thuật vùng bụng

Các ca phẫu thuật trên vùng bụng như cắt bỏ một phần ruột non hoặc ruột già, sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa. Điều này có thể dẫn đến hội chứng ruột ngắn, gây tiêu chảy mãn tính và phân có bọt. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường là tạm thời và sẽ giảm đi khi cơ thể hồi phục.

Tuy nhiên, nếu bạn mắc hội chứng này trong thời gian dài, bác sĩ thường đề nghị sử dụng thêm các chất bổ sung để đảm bảo rằng bạn không bị thiếu hụt chất dinh dưỡng cần thiết.

Cách điều trị tình trạng đi ngoài ra bọt

Việc điều trị tình trạng đi ngoài có bọt sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Trường hợp phân có bọt do hội chứng ruột kích thích, bác sĩ sẽ hỗ trợ bạn xây dựng chế độ ăn hợp lý để giảm thiểu triệu chứng.

Nếu nhiễm trùng gây ra tình trạng phân bọt và sôi bụng, bạn sẽ được kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ khuyên bạn uống đủ nước và bổ sung thêm nước chứa chất điện giải để hạn chế mất nước do tiêu chảy.

Với viêm tụy, bác sĩ sẽ đề xuất điều trị bằng thuốc giảm đau, kháng sinh và dung dịch tiêm tĩnh mạch. Trong trường hợp tình trạng này nghiêm trọng hơn hoặc kéo dài, bác sĩ chuyên khoa sẽ xem xét phương án phẫu thuật.

Tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị khi đi ngoài ra bọt 2
Tùy theo từng nguyên nhân cụ thể sẽ có cách điều trị đi ngoài ra bọt khác nhau

Trường hợp nào cần thăm khám sớm khi đi ngoài ra bọt?

Vậy khi nào cần đi khám trong trường hợp đi ngoài có bọt? Nếu bạn cảm thấy bản thân đi ngoài ra bọt nhiều hơn 2 lần, thì nên đến bệnh viện để kiểm tra tình trạng sức khỏe. Đặc biệt, bạn cần tìm đến bác sĩ ngay lập tức khi đi kèm với những dấu hiệu sau:

  • Sốt cao: Nếu bạn có sốt cao vượt quá 38ºC, thì có khả năng là dấu hiệu của một nhiễm trùng nghiêm trọng. Sốt cao kéo dài sẽ gây ra nhiều tổn thương cho các cơ quan khác bên trong.
  • Phân có máu: Khi phát hiện phân có màu đỏ hoặc có máu, điều này có thể biểu thị vấn đề trong hệ tiêu hóa, người bệnh cần được kiểm tra kỹ.
  • Cảm giác chóng mặt: Nếu bạn cảm thấy chóng mặt, đuối sức hoặc mất cân bằng, thì có thể liên quan đến mất nước và chất điện giải.
  • Đau bụng dữ dội: Đau bụng nghiêm trọng và khó chịu có thể ám chỉ vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cần kiểm tra ngay.
  • Tiêu chảy kéo dài: Nếu tiêu chảy kéo dài hơn 2 ngày và không có dấu hiệu cải thiện, thì bạn cần đi khám càng sớm càng tốt.
Tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị khi đi ngoài ra bọt 3
Nếu tiêu chảy có bọt kèm sốt cao, chóng mặt, đau bụng nhiều,... thì bạn nên đi khám sớm

Nói chung, trường hợp đi ngoài ra bọt không có gì đáng lo ngại, tình trạng này sẽ cải thiện khi bạn thay đổi chế độ ăn uống của mình. Thế nhưng, trong một số trường hợp, đây có thể là cảnh báo của cơ thể về một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Do đó, khi đi ngoài có bọt kèm theo các dấu hiệu bất thường khác, bạn nên đến bệnh viện để được kiểm tra và tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa.

Xem thêm: Tại sao đi ngoài ra máu đông? Tìm hiểu nguyên nhân để điều trị kịp thời

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin