Phác đồ điều trị viêm ruột thừa Bộ Y tế hiện nay như thế nào? Viêm ruột thừa có thể gây ra nhiều triệu chứng như đau bụng dưới bên phải, buồn nôn, nôn mửa và chán ăn. Tuy nhiên, khoảng 40% số người không có những triệu chứng điển hình này. Các biến chứng nghiêm trọng của ruột thừa bị vỡ bao gồm viêm lan rộng, đau đớn ở lớp lót bên trong thành bụng và nhiễm trùng huyết.
Viêm ruột thừa cấp tính là một trong những trường hợp cấp cứu phổ biến nhất trên toàn thế giới. Nguyên nhân vẫn chưa được hiểu rõ và có rất ít tiến bộ trong vài thập kỷ qua. Để có được một chẩn đoán chắc chắn trước phẫu thuật vẫn còn là một thách thức, vì có thể nhầm lẫn các triệu chứng với các bệnh khác nên cần cẩn trọng trong việc chẩn đoán bệnh. Dưới đây là phác đồ điều trị viêm ruột thừa Bộ Y tế hiện nay.
Bệnh viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa là bệnh cấp cứu ngoại khoa và thường xảy ra ở người trẻ. Chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa dựa vào các triệu chứng thực thể và các chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm cận lâm sàng. Viêm ruột thừa chủ yếu là do tắc nghẽn phần rỗng trong ruột thừa. Sự tắc nghẽn này thường là do dị vật, chấn thương, viêm hạch và phổ biến nhất là cặn phân bị vôi hóa được gọi là sỏi ruột thừa hoặc sỏi phân. Các yếu tố khác như mô bạch huyết bị viêm do nhiễm virus, ký sinh trùng đường ruột, sỏi mật hoặc khối u cũng có thể dẫn đến sự tắc nghẽn này.
Khi ruột thừa bị tắc, áp lực tăng lên, lưu lượng máu giảm và vi khuẩn phát triển, dẫn đến viêm. Sự kết hợp của các yếu tố này gây ra tổn thương mô và cuối cùng là chết mô. Nếu quá trình này không được điều trị, nó có thể dẫn đến vỡ ruột thừa, giải phóng vi khuẩn vào khoang bụng, có khả năng dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Một số biến chứng của viêm ruột thừa bao gồm viêm phúc mạc ruột thừa, tắc mạch ruột thừa, áp xe ruột thừa hay ruột thừa hoại tử. Phác đồ điều trị viêm ruột thừa Bộ Y tế đã đưa ra các tiêu chuẩn để giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Một số triệu chứng điển hình của viêm ruột thừa
Biểu hiện của viêm ruột thừa cấp tính bao gồm đau bụng cấp tính, buồn nôn, nôn và sốt. Khi ruột thừa trở nên sưng và viêm nhiều hơn, nó bắt đầu gây kích ứng thành bụng liền kề. Điều này dẫn đến cơn đau khu trú ở góc phần tư phía dưới bên phải. Cơn đau do viêm ruột thừa có thể bắt đầu bằng những cơn đau âm ỉ quanh rốn. Sau vài giờ, cơn đau thường di chuyển về phía góc phần tư phía dưới bên phải, nơi nó trở nên khu trú. Các triệu chứng bao gồm các dấu hiệu khu trú ở hố chậu phải.
Thành bụng trở nên rất nhạy cảm với áp lực nhẹ nhàng (sờ nắn) gây ra phản ứng thành bụng. Khi ruột thừa bị vỡ ra vào phúc mạc gây ra cảm ứng phúc mạc. Một số trường hợp nếu ruột thừa nằm sau manh tràng có thể không gây ra cảm giác đau (ruột thừa im lặng). Điều này là do manh tràng, căng phồng do khí, bảo vệ ruột thừa bị viêm khỏi áp lực.
Tìm hiểu phác đồ điều trị viêm ruột thừa Bộ Y tế
Khi bệnh nhân đã được chẩn đoán là viêm ruột thừa thì phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật, có thể mổ mở hay phẫu thuật qua nội soi ổ bụng. Một số trường hợp như sau:
Viêm ruột thừa cấp: Phẫu thuật cắt ruột thừa và vùi gốc.
Viêm phúc mạc: Đối với viêm phúc mạc khu trú ở hố chậu phải cần mổ cắt ruột thừa, có hoặc không dẫn lưu; viêm phúc mạc toàn thể hay viêm phúc mạc tiểu khungcần cắt ruột thừa và đặt dẫn lưu.
Áp-xe ruột thừa: Dẫn lưu mủ bằng đường vào ngoài phúc mạc là chủ yếu, nếu dễ dàng thì mới phẫu thuật cắt ruột thừa.
Đám quánh ruột thừa: Thường không có chỉ định mổ cấp cứu, chỉ theo dõi sát người bệnh và có thể hẹn mổ 3 tháng sau.
Dưới đây là phác đồ điều trị viêm ruột thừa Bộ Y tế trước và sau phẫu thuật.
Điều trị trước phẫu thuật viêm ruột thừa cấp
Bệnh nhân được chỉ định nhịn ăn trước phẫu thuật, truyền dịch và sử dụng kháng sinh để dự phòng sau mổ như nhiễm trùng vết mổ hay nhiễm trùng ổ bụng. Lựa chọn kháng sinh có phổ kháng khuẩn trên loại vi khuẩn Gram âm và kỵ khí. Một số kháng sinh được sử dụng:
Kháng sinh Cephlosporin thế hệ 2, 3 bao gồm như: Cefotetan, Cefoxitin, Cefuroxim, Ceftriaxone, Ceftazidim có thể được lựa chọn.
Một số Penicillin như ampicillin, piperacillin, ticarcillin kết hợp với các chất ức chế beta-lactamase là Clavulanat, Sulbactam, Tazobactam cũng thường được sử dụng.
Đối với những bệnh nhân dị ứng với Penicillin thì lựa chọn Carbapenem là tốt nhất.
Khi có biến chứng cần phối hợp kháng sinh diệt vi khuẩn yếm khí là cần thiết nhất là áp xe hay viêm phúc mạc ruột thừa.
Giảm đau Paracetamol trong khi chờ mổ.
Chăm sóc bệnh nhân viêm ruột thừa cấp sau mổ
Bệnh nhân sau khi phẫu thuật viêm ruột thừa cấp tính cần được chăm sóc kĩ lưỡng để đề phòng các biến chứng hậu phẫu:
Truyền dịch khi bệnh nhân chưa ăn uống được, dùng kháng sinh và giảm đau.
Cho người bệnh vận động sớm.
Cho người bệnh uống ít nước đường sau mổ ngày đầu, khi có trung tiện thì cho người bệnh ăn các chất từ lỏng đến đặc.
Nếu có dẫn lưu thì rút ống khi hết dịch dẫn lưu.
Người bệnh được ra viện khi hết các tình trạng nhiễm trùng, đau bụng và hệ tiêu hóa hoạt động lại bình thường.
Tái khám sau 1 tuần.
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về phác đồ điều trị viêm ruột thừa Bộ Y tế hiện nay. Nếu có bất kì dấu hiệu nào bất thường nghi ngờ bị viêm ruột thừa, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.