Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Cây đài hái không chỉ được sử dụng để ép lấy tinh dầu như một loại dầu thực vật. Đây còn là một vị thuốc có tác dụng chữa kiết lỵ, rôm sảy, sưng vú,… Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu về cây đài hái và công dụng của nó.
Kho tàng cây dược liệu của Việt Nam vô cùng phong phú. Vì vậy có những cái loại cây thảo dược tốt cho sức khỏe nhưng rất lạ tai, có những người còn chưa nghe nói đến bao giờ. Một trong số đó là cây đài hái, mà dân gian vẫn quen gọi là cây mỡ lợn. Cây thuốc này có những tác dụng gì và cách sử dụng ra sao? Mời bạn cùng Nhà thuốc Long Châu khám phá ngay trong bài viết này nhé!
Cây đài hái còn được biết đến với các tên gọi khác như cây dây hái, dây mỡ lợn, du qua, mướp rừng,… Tên khoa học của cây đài hái là Godgsonia macrocarpa và đây là loài thực vật họ bí.
Trong tự nhiên, cây đài hái mọc nhiều ở các khu rừng nguyên sinh, hiếm khi thấy ở khu vực đồng bằng. Ở nước ta, vùng phân bố tự nhiên của loài dược liệu này chủ yếu ở các tỉnh như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,…
Đài hái là loài thực vật thân leo, cây leo lên các cây lớn hoặc các vật dụng, các trụ xung quanh. Ở các vùng trồng dược liệu, cây đài hái được cho leo giàn. Thân cây nhẵn, có thể phát triển dài đến 30m. Lá cây hình tim, chia thành 3 hoặc 5 thùy và có kích thước khá lớn, chiều rộng có thể đại 25cm. Các thùy lá thuôn dài, đầu nhọn. Lá non có thể chỉ có 2 thùy hoặc chưa chia thùy. Mặt trên lá màu xanh lục, mặt dưới lá màu nhạt hơn. Lá đài hái khá dai và cứng. Ở các cuống lá có tua, xoắn và kích thước khá lớn.
Hoa đài hái mọc thành từng chùm nếu là hoa đực và mọc đơn nếu là hoa cái. Hoa mọc ở kẽ lá. Quả đài hái hình cầu, kích cỡ lớn, trái lớn có thể to như đầu người. Khi già, quả chia thành các khía, có khi là 10 - 12 khía. Bên trong cùi quả màu trắng, có chứa từ 6 - 12 hạt. Các hạt có hình trứng dẹt và kích thước lớn.
Bộ phận được khai thác để sử dụng của cây là lá, quả và hạt. Quả đài hái thường được thu hoạch từ tháng 11 - tháng 12 năm trước. Sau đó nghỉ đến tháng 1 - tháng 2 năm sau mới thu hoạch tiếp. Lá cây có thể thu hái quanh năm. Hạt và lá cây được thu hái để làm thực phẩm hoặc làm vị thuốc chữa bệnh.
Hạt và lá của cây đài hái là hai bộ phận được sử dụng nhiều nhất. Trong đó, hạt chủ yếu được sử dụng để ép thành một loại dầu thực vật, dùng thay mỡ lợn. Tỷ lệ dầu trong hạt đài hái rất cao, có khi lên đến 65%. Dầu ép từ hạt đài hái có ưu điểm là không mùi, không vị, màu vàng nhạt nên khi dùng để nấu ăn không làm thay đổi hương vị của món ăn. Dầu đài hái để lâu sẽ tách thành hai lớp nhìn rất rõ.
Ngoài ra, dầu đài hái cũng được đồng bào ở các vùng dân tộc miền núi dùng để thắp đèn. Đôi khi, hạt dùng để nướng chín, lấy phần nhân bên trong giã cùng muối làm thành món ăn như muối vừng lạc.
Ngoài công dụng làm thực phẩm, cây đài hái còn được ứng dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh như:
Với bài thuốc này, người bệnh cần chuẩn bị thân cây và lá cây đài hái. Với thân cây, bạn có thể cắt khúc ngắn. Tất cả mang rửa sạch sẽ, để ráo nước rồi dùng lá và thân cây mang ép lấy nước cốt. Bạn cũng có thể cho vào máy xay, xay cùng một chút nước lọc, sau đó chắt lấy phần nước cốt. Nước cốt cây đài hái bạn mang nhỏ vào mũi hàng ngày đến khi khỏi bệnh thì dừng. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng nước sắc lá và thân đài hái để xông mũi hàng ngày.
Phụ nữ sau sinh thường có vùng da bụng chùng nhão, rạn da bụng, vòng 2 lớn hơn bình thường. Để lấy lại làn da căng mịn và vòng 2 săn chắc, phụ nữ sau sinh có thể dùng dầu đài hái để massage vùng bụng mỗi ngày. Các vitamin và chất chống oxy hóa trong dầu đài hái sẽ giúp phái đẹp dần phục hồi làn da. Việc massage thường xuyên cũng giúp phụ nữ sớm lấy lại vóc dáng săn chắc và thon gọn.
Thay vì sử dụng các loại mỡ động vật hoặc dầu thực vật khác, bạn có thể dùng dầu ép từ hạt đài hái để nấu ăn hàng ngày. Các thành phần hóa học có trong loại dầu này sẽ giúp bôi trơn đường tiêu hóa, giúp nhuận tràng, khắc phục chứng táo bón. Dầu đài hái không mùi, không vị nên sẽ không làm thay đổi hương vị món ăn.
Trong trường hợp bị sưng vú hay áp xe vú, nhất là ở nữ giới sau sinh, bạn có thể dùng dầu hạt đài hái trộn với dầu dừa và tro đốt từ lá địa liền. Hỗn hợp này bạn dùng để bôi ngoài da đến khi khỏi bệnh.
Để chữa kiết lỵ, người bệnh có thể dùng dầu ép từ hạt đài hái để dùng thay mỡ lợn hoặc các loại dầu thực vật khác. Nhân hạt đài hái bạn có thể dùng để chế biến giống như muối lạc, ăn với cơm hàng ngày cũng rất béo và thơm. Ngoài ra, muốn chữa kiết lỵ nhanh chóng, người bệnh có thể uống dầu ép từ hạt đài hái uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần khoảng 4ml.
Nếu muốn chữa cảm mạo và sốt, bạn có thể dùng đài hái kết hợp củ gấu, tía tô, sắn dây và than tre. Đây là phương pháp giải độc, giải cảm, chữa cảm sốt cảm mạo hiệu quả và an toàn cho mọi lứa tuổi.
Không chỉ ở Việt Nam, các bài thuốc chữa bệnh từ cây đài hái còn được áp dụng ở các nước Đông Nam Á khác. Như ở đảo Borneo thuộc Indonesia, phụ nữ cũng dùng các bài thuốc từ hạt đài hái để chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp sau sinh.
Vị thuốc đài hái có độ lành tính cao. Đến nay, chưa ghi nhận thông tin về độc tính có trong dược liệu này hay các tác dụng phụ liên quan đến nó. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của cách chữa bệnh bằng đài hái chỉ là kinh nghiệm dân gian truyền lại. Chưa có công trình hay nghiên cứu khoa học nào chứng minh điều đó. Vì vậy, dù đài hái là thực vật lành tính chúng ta cũng không nên lạm dụng.
Khi có bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe, bạn hãy nghĩ đến việc đi khám bác sĩ trước tiên. Khi xác định được đúng tình trạng bệnh và nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn các điều trị phù hợp. Nếu muốn chữa bệnh bằng cây đài hái, đừng quên tham khảo tư vấn của thầy thuốc trước khi sử dụng bạn nhé!
Xem thêm:
Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên
Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.