Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu về phác đồ điều trị viêm khớp thái dương hàm

Ngày 27/09/2023
Kích thước chữ

Viêm khớp thái dương hàm là tình trạng như thế nào? Phác đồ điều trị viêm khớp thái dương hàm cụ thể ra sao? Chúng ta cùng tìm hiểu thông qua những nội dung hữu ích dưới đây.

Trong hầu hết các tình huống, những cơn đau nhức liên quan đến viêm khớp thái dương hàm thường đều chỉ là tạm thời, và có thể được kiểm soát bằng các phương pháp điều trị không phẫu thuật. Thông thường, phương án phẫu thuật chỉ được xem xét cuối cùng trong phác đồ điều trị viêm khớp thái dương hàm, sau khi các biện pháp khác đã không hiệu quả.

Viêm khớp thái dương hàm là gì?

Viêm khớp thái dương hàm là tình trạng liên quan đến sự viêm nhiễm, đau nhức hoặc rối loạn ở khu vực khớp thái dương hàm. Khớp thái dương hàm là bộ phận mà bạn dùng để đóng-mở miệng, nhai thức ăn, cười nói. Khi vị trí này bị viêm hoặc rối loạn, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức, có tiếng kêu khi cử động khớp, hoặc gặp nhiều khó khăn trong việc mở miệng hoàn toàn.

Tìm hiểu về phác đồ điều trị viêm khớp thái dương hàm 1
Viêm khớp thái dương hàm là tình trạng liên quan đến sự viêm nhiễm ở khu vực khớp thái dương hàm

Nguyên nhân của viêm khớp thái dương hàm thường do căng cơ, chấn thương, rối loạn cấu trúc của khớp hoặc viêm nhiễm. Tình trạng này gây ra nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày của người bệnh, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến việc ăn uống và nói chuyện.

Phác đồ điều trị viêm khớp thái dương hàm

Trong một số trường hợp, các triệu chứng viêm khớp thái dương hàm sẽ tự giảm đi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu bệnh không được cải thiện hoặc trở nặng hơn, thì bác sĩ có thể đề xuất phác đồ điều trị viêm khớp thái dương hàm phù hợp với người bệnh, mục đích là để nâng cao hiệu quả điều trị. Dưới đây là một số phương pháp điều trị phổ biến cho viêm khớp thái dương hàm:

Dùng thuốc điều trị

Sử dụng thuốc là một phần quan trọng trong phác đồ điều trị viêm khớp thái dương hàm. Sử dụng thuốc sẽ giúp giảm đau và giảm viêm nhiễm. Một số loại thuốc thường được dùng để điều trị bao gồm:

  • Thuốc giảm đau chống viêm: Bao gồm các loại thuốc như ibuprofen hoặc naproxen,... có công dụng giảm đau và viêm.
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Một số loại thuốc trị trầm cảm cũng được sử dụng để giảm đau và kiểm soát các triệu chứng như nghiến răng, mất ngủ.
  • Thuốc giãn cơ: Những loại thuốc giãn cơ như Eperison hoặc Tolperison thường được sử dụng để giúp giảm đau do căng thẳng cơ vùng thái dương hàm.
  • Thuốc kháng sinh: Nếu nguyên nhân của viêm khớp thái dương hàm là nhiễm trùng vi khuẩn, thì bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để giảm viêm nhiễm.
  • Thuốc chống phù nề: Đối với những người bị sưng viêm nhiều ở hàm, thuốc chống phù nề sẽ được dùng để giảm sưng, giúp cơ miệng hoạt động bình thường. Trong đó, alphachymotrypsin là loại thuốc thường được sử dụng để giảm phù nề và viêm.
Tìm hiểu về phác đồ điều trị viêm khớp thái dương hàm 2
Phác đồ điều trị viêm khớp thái dương hàm gồm sử dụng thuốc, trị liệu và phẫu thuật (nếu cần)

Trị liệu

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, người bệnh còn cần kết hợp với các liệu pháp trị liệu như sau:

  • Sử dụng các thiết bị hỗ trợ khớp cắn: Các thiết bị đặc biệt sẽ được gắn trên răng vào buổi tối hoặc lúc nghỉ ngơi để giảm căng cơ nhai, và áp lực cho khớp thái dương hàm. Đây là lựa chọn hữu ích cho người có thói quen nghiến răng khi ngủ.
  • Vật lý trị liệu: Bao gồm bài tập kéo căng và tăng cường sức mạnh cơ hàm, kết hợp cùng với biện pháp siêu âm, chườm nóng và chườm đá.
  • Nhận sự tư vấn: Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh về các hoạt động nên tránh để không làm trầm trọng thêm triệu chứng viêm khớp thái dương hàm. Ví dụ như nghiến răng, tựa vào cằm hoặc cắn móng tay.
  • Chế độ ăn uống: Ưu tiên thức ăn mềm trong thời gian mới điều trị, sau đó tăng dần độ cứng của thực phẩm theo thời gian, đồng thời hạn chế ăn thực phẩm dễ gây phù nề và viêm nhiễm.
  • Chế độ sinh hoạt: Duy trì ngủ đủ giấc, ăn uống đúng giờ và vệ sinh răng miệng theo hướng dẫn, cùng với việc tập luyện các động tác để tăng khả năng cử động cơ miệng.
  • Châm cứu: Phương pháp châm cứu có thể giúp cải thiện tình trạng đau nhức mãn tính.
  • Kỹ thuật thư giãn: Tập thở chậm và hít thở sâu để thư giãn các cơ căng thẳng.
  • Xoa bóp: Xoa bóp vùng quanh khớp hàm để giảm căng cứng cơ và tăng lưu thông máu đến khu vực này.

Phẫu thuật

Khi các biện pháp điều trị thông thường không hiệu quả, phương án phẫu thuật có thể được xem xét để khắc phục các tổn thương ở khớp thái dương hàm, hoặc để kiểm soát triệu chứng. 

Có nhiều biện pháp phẫu thuật khác nhau, dựa vào tình trạng và tài chính của bệnh nhân mà bác sĩ điều trị sẽ lựa chọn phương án phù hợp. Các phương pháp phẫu thuật và can thiệp bao cụ thể bao gồm tiêm khớp, chọc dò khớp, nội soi khớp, và phẫu thuật mở khớp,...

Cách phòng ngừa tình trạng viêm khớp thái dương hàm

Để phòng ngừa viêm khớp thái dương hàm hoặc hạn chế bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Tránh lạm dụng cơ hàm: Không dùng nhiều lực ở cơ hàm, nhất là khi nghiến răng hoặc nhai thức ăn dính và dai. Thay vì ăn thực phẩm có độ cứng, bạn nên cắt thức ăn thành những miếng nhỏ hơn để giảm áp lực cho cơ hàm.
  • Kéo giãn và xoa bóp: Bác sĩ vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bạn thực hiện các bài tập kéo căng và tăng cường sức mạnh cho cơ hàm. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự xoa bóp để kéo giãn cơ, giảm căng thẳng cho bộ phận này.
  • Chườm nóng hoặc lạnh: Chườm nóng hoặc chườm lạnh lên vùng mặt có triệu chứng sẽ giúp giảm đau và làm dịu sưng viêm.
Tìm hiểu về phác đồ điều trị viêm khớp thái dương hàm 3
Không dùng nhiều lực ở cơ hàm, nhất là khi nhai

Trên đây là các thông tin cụ thể về phác đồ điều trị viêm khớp thái dương hàm. Qua đó, hy vọng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này, cũng như cách cải thiện bệnh hiệu quả.

Xem thêm: Cách điều trị viêm khớp thái dương hàm tại nhà

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin