Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Tìm hiểu về thoái hoá đốt sống cổ và thoát vị đĩa đệm

Ngày 18/07/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thoái hoá đốt sống cổ và thoát vị đĩa đệm là bệnh phổ biến với người Việt. Liệu chúng có mối liên hệ gì và phòng tránh như thế nào là điều mọi người thắc mắc.

Bệnh lý về xương khớp luôn là nỗi ám ảnh của người Việt. Đặc biệt thoái hoá đốt sống cổ và thoát vị đĩa đệm là các căn bệnh hay gặp nhất. Tại sao chúng lại phổ biến đến thế và mức độ nguy hiểm của bệnh ra sao? Hôm nay cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về bệnh lý này để bạn biết cách phòng tránh chúng hiệu quả.

Bệnh thoái hoá đốt sống cổ

Thoái hoá đốt sống cổ là dạng bệnh lý về xương khớp. Đây là tình trạng cột sống tại vùng cổ bị thoái hóa do ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân khác nhau. Các đốt sống, đầu sụn, đĩa đệm và các tổ chức bao hoạt dịch có dấu hiệu hư hỏng, tổn thương, gây ra đau nhức tại các vị trí kể trên. Thoái hoá đốt sống cổ thuộc bệnh mãn tính. Bệnh có diễn biến chậm.

Nguyên nhân gây bệnh

Tìm hiểu về thoái hoá đốt sống cổ và thoát vị đĩa đệm ` Thoái hóa đốt sống cổ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân

Hoạt động sai tư thế: Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu gây thoái hoá đốt sống cổ. Một số hoạt động kể đến như duy trì một tư thế làm việc quá lâu, ít vận động, đi lại. Hoặc do tính chất công việc buộc phải cúi đầu, ngửa cổ quá nhiều hay thường xuyên mang vác vật nặng trên đầu, trên vùng lưng - cổ. Những người ngồi trước màn hình máy tính quá lâu, ngồi vặn vẹo, ngủ gục trên bàn gây ảnh hưởng lớn đến vùng cột sống từ đó gây hiện tượng thoái hoá.

Tuổi tác: Thoái hoá cột sống do tuổi cao là điều không ai có thể tránh khỏi. Việc bệnh xảy ra nhanh hay chậm phụ thuộc vào chế độ sinh hoạt và chăm sóc bản thân của người bệnh. Người có độ tuổi từ 40 trở lên có nguy cơ cao mắc thoái hoá cột sống cổ. Quá trình lão hóa sẽ được đẩy nhanh nếu ăn uống và sinh hoạt không khoa học.

Thay đổi cấu trúc đĩa đệm: Cấu trúc đĩa đệm và cột sống có liên quan mật thiết với nhau. Vậy nên khi cấu trúc bị thay đổi, người bệnh có thể mắc thoái hoá đốt sống cổ và thoát vị đĩa đệm. Thường người bệnh hay bị mất nước đĩa đệm, tăng sinh xương tạo thành gai xương, dây chằng xơ hoá.

Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học: Việc ăn uống thiếu chất là tình trạng hay gặp ở người Việt. Ăn thiếu chất Canxi, Kali, sắt trong các bữa ăn hàng ngày. Thường xuyên dùng các chất kích thích như rượu, bia, đồ uống có ga chính là nguyên nhân tăng thoái hoá cột sống.

Chấn thương: Trong quá trình lao động, tai nạn giao thông, chấn thương do chơi thể thao làm ảnh hưởng đến cột sống từ đó gây thoái hoá. Nếu các chấn thương không được điều trị dứt điểm thì nguy cơ thoái hoá càng cao.

Dấu hiệu bệnh

Người bệnh thoái hoá cột sống cổ thường gặp các biểu hiện sau:

  • Vận động vùng cổ khó khăn.
  • Tay bị mất cảm giác, bị tê thường xuyên.
  • Cứng cổ ngay khi vừa ngủ dậy.

Thoái hoá đốt sống cổ và thoát vị đĩa đệm có liên quan với nhau?

Có thể nói thoát vị đĩa đệm là biến chứng nặng của thoái hoá cột sống cổ nếu không được điều trị dứt điểm. Thoát vị đĩa đệm cổ hay gọi là trượt đĩa đệm ở vùng cổ. Hiện tượng bao xơ bên ngoài đĩa đệm bị rách khiến nhân nhầy bị thoát ra ngoài, chèn ép lên rễ dây thần kinh, lỗ tủy sống dẫn đến các cơn đau nhức xương khớp. Thoát vị đĩa đệm cổ thường gặp bao gồm:

Thoát vị đĩa đệm cổ C3, C4

Các đốt sống cổ C3, C4 có vai trò liên kết các dây chằng ở vùng cổ, giúp cổ, vai kết nối và hoạt động một cách nhuần nhuyễn với phần dưới cột sống. Thông thường thoái hoá đốt sống cổ hay gặp ở đốt sống C3, C4.

Thoát vị đĩa đệm cổ C3, C4 là tình trạng lớp đĩa đệm ở giữa hai đốt sống C3, C4 bị rạn nứt và vỡ. Từ đó khiến cho lớp dịch bị tràn ra bên ngoài và gây chèn ép lên các ống sống và dây thần kinh. Người bệnh thường đau nhức xung quanh khu vực cổ và vai gáy.

Thoát vị đĩa đệm cổ C5, C6

Tương tự như thoát vị đĩa đệm cổ C3, C4. Thoát vị đĩa đệm C5, C6 là tình trạng lớp nhầy bị thoát ra bên ngoài do lớp bao xơ trong đĩa đệm bị trồi lệch. Các đốt sống C5, C6 sẽ bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu và gây chèn ép phần tuỷ sống. Khi đĩa đệm C5, C6 bị thoái vị thì các chi trở nên yếu dần. Nặng hơn là gây thiểu năng tuần hoàn não, teo chi thậm chí bị bại liệt và tàn phế.

Tìm hiểu về thoái hoá đốt sống cổ và thoát vị đĩa đệm 2 Thoái hoá đốt sống cổ và thoát vị đĩa đệm là căn bệnh hay gặp ở người Việt

Dấu hiệu bệnh

Người mắc thoát vị đĩa đệm cổ thường có các dấu hiệu sau:

  • Đau nhức tại khu vực cột sống đang bị tổn thương và lan rộng xuống vùng bả vai, sau đầu và hốc mắt.
  • Có cảm giác tê ngứa ở vùng cổ, lan xuống cánh tay và có thể lan rộng toàn thân. Nặng hơn người mắc có cảm giác tê ngứa ở vùng cánh tay, bàn tay và ngón tay.
  • Việc cử động rất khó khăn ở khu vực cổ, cánh tay không linh hoạt như người bình thường.
  • Cơ tay chân yếu dần theo sự tiến triển nặng thêm của bệnh.

Phòng tránh thoái hoá đốt sống cổ và thoát vị đĩa đệm

Bệnh ở mức độ nhẹ

Tìm hiểu về thoái hoá đốt sống cổ và thoát vị đĩa đệm 3 Thay đổi tư thế làm việc nếu không về lâu dài sẽ tổn thương cột sống cổ
  • Người bệnh cần nghỉ ngơi, thư giãn, kết hợp liệu pháp xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu hay tập luyện nhẹ nhàng cho vùng cổ đúng phương pháp. Nếu được, nên sử dụng đai bảo vệ cổ một thời gian để hạn chế chuyển động xấu của vùng cổ và giữ tư thế sinh lý đầu cổ.
  • Thay đổi tư thế làm việc nếu có sai lệch. Nên từ bỏ thói quen ngồi xem truyền hình quá lâu hay ngồi trước màn hình máy tính quá lâu.
  • Không thực hiện động tác vặn cổ, bẻ cổ đột ngột khi thấy mỏi bởi tất cả các động tác này làm tăng tình trạng thoái hoá đốt sống cổ và thoát vị đĩa đệm.
  • Thay đổi tư thế khi ngủ bởi nằm một tư thế duy nhất sẽ dễ ảnh hưởng đến cột sống cổ. Không nên nằm sấp bởi tư thế này khiến cổ dễ bị gập xuống, làm tổn thương cổ.

Bệnh ở mức tiến triển tăng dần

  • Buộc tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Nên uống thuốc điều độ và thực hiện các xét nghiệm cần thiết nếu được bác sĩ chỉ định.
  • Kết hợp massage cổ để giảm đau nhức. Cách massage hiệu quả như sau: Đầu tiên massage từ phần sau cổ, xoa bằng hai tay hoặc một tay. Lòng bàn tay áp sát vào cổ, di chuyển từ phần chân tóc ở gáy xuống lưng và phần khớp vai. Sau đó dùng cạnh của lòng bàn tay và ngón cái bóp mạnh. Bạn dùng lòng bàn tay day nhẹ từ gáy xuống cổ.
  • Bổ sung nhiều Canxi và vitamin tổng hợp trong khẩu phần ăn. Tốt nhất nên ăn nhiều cá béo, các loại đậu và ngũ cốc cũng như rau xanh, trái cây tươi. Nên dành ra ít nhất 30 phút hằng ngày để tập thể dục thể thao như đi dạo công viên, chạy bộ, yoga nhẹ nhàng.

Thoái hoá đốt sống cổ và thoát vị đĩa đệm là bệnh lý gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe người bệnh. Hy vọng với những chia sẻ trên đây, bạn sẽ chủ động hơn trong cách điều trị và phòng ngừa bệnh từ sớm.

Xem thêm:

Thoái hóa đốt sống cổ có mổ được không?

Thoái hóa cột sống cổ có thai được không?

Bảo Thanh

Nguồn tham khảo: Tổng Hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin