Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh/
  4. Kiến thức y khoa

Tình trạng răng cắn lưỡi có phổ biến không?

Ngày 25/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Khi ăn nhai, nhiều người có thể gặp phải tình trạng răng cắn lưỡi gây ra những cơn đau nhói khó chịu. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy cấu trúc xương hàm hoặc khớp cắn của bạn có vấn đề. Bên cạnh đó, tình trạng này còn có thể là dấu hiệu của các bệnh nguy hiểm liên quan đến não bộ và tim mạch.

Răng cắn lưỡi là hiện tượng phổ biến trong đời sống hàng ngày và thường không gây hại nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, nó có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nghiêm trọng cần được chú ý và kiểm tra kịp thời.

Thói quen dẫn đến tình trạng răng cắn lưỡi

Răng cắn lưỡi là tình trạng thường gặp trong cuộc sống hàng ngày và có thể gây ra các chấn thương lưỡi không mong muốn. Một số thói quen phổ biến có thể dẫn đến hiện tượng này bao gồm:

  • Nói chuyện khi ăn: Khi ăn, lưỡi phải hoạt động liên tục. Nếu bạn tập trung vào cuộc trò chuyện, lưỡi có thể vô tình bị kẹp giữa các răng, dẫn đến tình trạng tự cắn lưỡi.
  • Ăn quá nhanh: Ăn nhanh làm cho hàm phải hoạt động liên tục với cường độ cao, không chỉ dễ cắn vào lưỡi mà còn có thể cắn cả môi và má, gây ra những cơn đau không đáng có.
  • Nhai bằng một bên hàm: Khi nhai đều cả hai bên, khớp cắn sẽ được tác động lực đồng đều, tạo sự cân bằng cho khớp thái dương hàm. Tuy nhiên, nếu chỉ nhai một bên, lực sẽ dồn vào bên đó, gây lệch khớp cắn và có thể dẫn đến tình trạng răng cắn vào lưỡi.
Tình trạng răng cắn lưỡi có phổ biến không? 2
Nhai một bên hàm sẽ dễ dẫn đến răng cắn lưỡi

Những bệnh lý có liên quan tới răng cắn lưỡi

Nếu bạn thường xuyên gặp tình trạng răng cắn vào lưỡi, đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm như:

  • Chứng đột quỵ: Khi hệ thần kinh bị tổn thương, khả năng điều khiển cử động của lưỡi giảm, dẫn đến đầu lưỡi kém linh hoạt và dễ bị cắn. Nếu bạn cảm thấy đau đầu, khó đi lại và gặp khó khăn trong giao tiếp, nên đến bệnh viện kiểm tra ngay.
  • Nhồi máu não lỗ huyết: Đây là một dạng đột quỵ nhồi máu não, triệu chứng thường là cơ miệng và lưỡi không còn linh hoạt, dễ bị cắn. Nguyên nhân là do một vùng não bị nhồi máu cục bộ, gây ép lên các dây thần kinh làm cho lưỡi không thể di chuyển bình thường.
  • Nguy cơ ung thư lưỡi: Nguy cơ ung thư lưỡi có thể xảy ra nếu bạn thường xuyên gặp tình trạng răng cắn vào lưỡi kèm theo các triệu chứng như nổi hạch ở cổ, chảy máu từ khóe miệng và nói chuyện không lưu loát. Đây là dấu hiệu cảnh báo của ung thư lưỡi, đặc biệt là ở những người trên 50 tuổi, có thói quen hút thuốc lá hoặc nhiễm virus HPV.
  • Các vấn đề về khoang miệng: Như viêm loét miệng, viêm nha chu, sưng nướu răng có thể làm giảm khả năng ăn nhai bình thường, gây ra tình trạng lệch khớp cắn và răng cắn vào lưỡi.
Tình trạng răng cắn lưỡi có phổ biến không? 3
Viêm loét miệng có thể gây ra tình trạng lệch khớp cắn

Mách bạn cách khắc tình trạng răng cắn vào lưỡi

Duy trì thói quen ăn uống và vệ sinh răng miệng đúng cách

Bạn nên duy trì thói quen ăn uống lành mạnh và giữ gìn vệ sinh răng miệng hàng ngày. Hạn chế tiêu thụ thuốc lá, bia rượu và các thực phẩm có tính acid cao để tránh kích ứng lưỡi và giúp vết thương do cắn lưỡi mau lành.

Lối sống lành mạnh và kiểm soát căng thẳng

Một lối sống lành mạnh giúp bạn duy trì sức khỏe tốt, tinh thần thoải mái và giảm căng thẳng. Điều này không chỉ giúp giấc ngủ sâu hơn mà còn giảm các chuyển động không kiểm soát, hạn chế tình trạng răng cắn lưỡi khi ngủ.

Sử dụng dụng cụ bảo vệ răng miệng khi ngủ và chơi thể thao

Đối với những người đang điều trị lệch hàm hoặc niềng răng, nên sử dụng các dụng cụ bảo vệ răng miệng khi ngủ và chơi thể thao. Các dụng cụ này giúp răng tránh được những tác động mạnh, giảm nguy cơ chấn thương hàm do lực tác động mạnh. Đồng thời, việc sử dụng dụng cụ bảo vệ sẽ giúp giảm tình trạng răng cắn vào lưỡi bằng cách ngăn sự tiếp xúc trực tiếp giữa răng và lưỡi.

Thăm khám bác sĩ chuyên khoa răng miệng

Khi gặp phải tình trạng lệch hàm, sai khớp cắn hay rối loạn khớp thái dương hàm, bạn có thể cảm thấy đau nhức xung quanh tai, cơ hàm, khớp hàm, mặt hoặc thái dương. Ngoài ra, các bệnh lý răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu,... cũng có thể gây ra khó khăn trong ăn uống và đau nhức khó chịu. Khi ăn nhai không hiệu quả, thức ăn không được nghiền nát đúng cách, gây áp lực lên hệ tiêu hóa và có thể dẫn đến đau dạ dày, đặc biệt là ở những người bị lệch hàm.

Vì vậy, khi gặp phải các vấn đề răng miệng, bạn cần tới thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời. Các vấn đề này không chỉ gây ra răng cắn lưỡi mà còn có thể thay đổi cấu trúc khuôn mặt nếu không được chữa trị đúng cách.

Tình trạng răng cắn lưỡi có phổ biến không? 4
Khi gặp phải các vấn đề răng miệng, bạn cần tới thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời

Thăm khám sức khỏe định kỳ

Chuyên gia y tế khuyên nên thực hiện khám sức khỏe định kỳ 1 - 2 lần mỗi năm để theo dõi tình trạng sức khỏe tổng quát và phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe. Đồng thời, việc đến nha khoa kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ mỗi 6 tháng/lần là quan trọng. Trong quá trình khám, các bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng khoang miệng và khớp cắn để phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề về răng miệng mà bạn đang gặp phải. Họ cũng sẽ cung cấp các lời khuyên để giúp bạn thay đổi thói quen xấu và phát triển thói quen ăn nhai tốt, từ đó ngăn ngừa tình trạng răng cắn lưỡi.

Răng cắn lưỡi là một vấn đề sức khỏe răng miệng mà bạn có thể gặp phải, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Việc duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, chăm sóc vệ sinh răng miệng đúng cách và thăm khám nha khoa định kỳ là những biện pháp quan trọng để giảm thiểu nguy cơ này. Qua đó, không chỉ giúp bảo vệ răng miệng mà còn nâng cao chất lượng sức khỏe tổng thể.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường đại học Võ Trường Toản. Nhiều năm làm việc trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin