Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Lưỡi dâu tây là gì? 5 nguyên nhân làm xuất hiện triệu chứng lưỡi dâu tây

Ngày 26/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Lưỡi là bộ phận quan trọng giúp bạn phát ra tiếng nói, nếm và nuốt thức ăn. Bình thường, lưỡi sẽ có màu hồng nhạt, được phủ bởi các nụ vị giác hay còn gọi là gai lưỡi. Lưỡi dâu tây là tình trạng lưỡi của bạn sưng to lên và chuyển dần sang màu đỏ, gây ra cảm giác đau rát rất khó chịu.

Trên thực tế, lưỡi dâu tây không phải là bệnh mà chỉ là triệu chứng của một bệnh lý tiềm ẩn. Việc xác định chính xác nguyên nhân làm cơ thể bị lưỡi dâu tây, giúp bác sĩ định hướng điều trị phù hợp và có cách phòng ngừa tình trạng này tái diễn.

Lưỡi dâu tây là gì?

Lưỡi dâu tây là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng lưỡi chuyển từ màu hồng sang đỏ. Đa số các trường hợp ghi nhận nụ vị giác của bệnh nhân bị to và đỏ, rải rác khắp bề mặt lưỡi làm cho lưỡi có hình giống quả dâu tây hay quả mâm xôi. Trên thực tế, cũng ghi nhận trường hợp lưỡi có màu trắng vài ngày trước khi chuyển dần sang đỏ.

Lưỡi giống quả dâu tây không được coi là bệnh lý, mà nó là triệu chứng của một rối loạn tiềm ẩn trong cơ thể. Khi đã xác định được chính xác nguyên nhân, việc điều trị thường sẽ mang lại hiệu quả cao, giúp lưỡi của bạn mau chóng trở về bình thường.

Lưỡi là cơ quan quan trọng đóng vai trò trong việc phát âm và nhai nuốt thức ăn. Do đó, khi lưỡi bị tình trạng giống quả dâu tây làm bệnh nhân cảm thấy đau rát và rất khó chịu. Tình huống cắn phải lưỡi có thể dễ xảy ra hơn do lưỡi đang trong tình trạng sưng to. Thêm vào đó là cảm giác khó khăn khi ăn uống, giảm khả năng nhận biết mùi vị món ăn.

Lưỡi dâu tây 01
Lưỡi dâu tây là tình trạng các nụ vị giác bị sưng to và chuyển sang màu đỏ

5 nguyên nhân làm xuất hiện triệu chứng lưỡi dâu tây

Có nhiều nguyên nhân làm xuất hiện triệu chứng lưỡi dâu tây. Bạn nên sớm đến các cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám, kiểm tra và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, từ đó đưa ra được hướng điều trị phù hợp. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:

Sốt tinh hồng nhiệt (sốt Scarlet)

Nếu tình trạng bệnh viêm họng (viêm amidan) hoặc nhiễm trùng trên da không được điều trị dứt điểm từ sớm, bệnh có thể tiến triển trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn đến sốt tinh hồng nhiệt.

Sốt tinh hồng nhiệt là bệnh do liên cầu khuẩn nhóm A gây ra. Đầu tiên, lưỡi của bệnh nhân sẽ xuất hiện màu trắng, sau đó chuyển dần sang đỏ. Ngoài tình trạng lưỡi dâu tây, các triệu chứng khác của tình trạng sốt tinh hồng nhiệt có thể kể đến như:

  • Phát ban đỏ trên khắp cơ thể.
  • Sốt cao.
  • Đau họng.
  • Đau đầu.
  • Đau bụng.
  • Mệt mỏi, buồn nôn, ăn không ngon.

Trên thực tế, sốt tinh hồng nhiệt thường xảy ra ở trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 15 tuổi.

Lưỡi dâu tây 02
Sốt tinh hồng nhiệt có thể làm lưỡi bệnh nhân giống như quả dâu tây

Do dị ứng thực phẩm hoặc thuốc

Bạn có thể xuất hiện tình trạng lưỡi dâu tây nếu bị dị ứng với thực phẩm hoặc thuốc điều trị nào đó. Một số biểu hiện của tình trạng dị ứng có thể kể đến như:

  • Ngứa, chảy nước mắt.
  • Phát ban.
  • Ngứa miệng.
  • Khó thở.

Trong trường hợp nghiêm trọng, dị ứng có thể tiến triển đến sốc phản vệ làm đe dọa đến cả tính mạng.

Hội chứng sốc nhiễm độc (Toxic shock syndrome)

Hội chứng sốc nhiễm độc là tình trạng nhiễm độc trong máu, do độc tố của vi khuẩn. Mặc dù tình trạng này khá hiếm gặp, nhưng nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng. Sốc nhiễm độc thường xảy ra do sử dụng băng vệ sinh không đúng cách, nhiễm trùng da sau bỏng nặng,...

Lưỡi dâu tây là một trong những biểu hiện của tình trạng sốc nhiễm độc. Đặc biệt, nếu lưỡi dâu tây đi kèm với các triệu chứng dưới đây, người bệnh cần nhanh chóng đến viện để được chăm sóc y tế khẩn cấp:

  • Sốt cao đột ngột.
  • Buồn nôn, nôn mửa.
  • Tiêu chảy.
  • Đau đầu.
  • Đau mỏi cơ, yếu cơ.
  • Khát nước.
  • Tim đập nhanh.
  • Phát ban đỏ.
  • Khó thở, chóng mặt, tụt huyết áp.

Lưỡi dâu tây do bệnh Kawasaki

Kawasaki là bệnh viêm mạch máu tổn thương cấp tính, thường gặp ở các mạch máu vừa và nhỏ. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở trẻ nhỏ. Kawasaki là bệnh tương đối khó chẩn đoán, do chưa có xét nghiệm đặc hiệu. Người mắc bệnh Kawasaki chủ yếu sẽ có các triệu chứng dưới đây:

  • Sốt cao liên tục.
  • Mắt đỏ, có thể tiết dịch.
  • Xuất hiện tình trạng phù nề, đỏ tím, bong da ở vùng tay, chân hoặc đầu ngón tay, ngón chân.
  • Phát ban toàn thân.
  • Môi đỏ, lưỡi dâu tây (nổi gai đỏ).
Lưỡi dâu tây 03
Bệnh Kawasaki là xảy ra do các tổn thương viêm mạch máu cấp tính

Lưỡi dâu tây do thiếu hụt vitamin

Khi cơ thể thiếu hụt nồng độ vitamin B12 hay B9 (folate), có thể sẽ biểu hiện ra tình trạng lưỡi dâu tây. Bạn đọc cần biết cách nhận biết cơ thể thiếu vitamin như thường xuyên mệt mỏi, chóng mặt, trí nhớ kém, vàng da,...

Chẩn đoán và điều trị lưỡi dâu tây

Vậy là bạn đọc đã biết được 5 nguyên nhân thường gặp làm xuất hiện tình trạng lưỡi dâu tây. Do đây chỉ là triệu chứng chứ không phải là một tình trạng bệnh lý, nên bác sĩ sẽ tìm kiếm nguyên nhân cụ thể gây ra lưỡi dâu tây và điều trị dứt điểm nó.

Phương pháp chẩn đoán

Thông thường, bác sĩ khi thăm khám sẻ hỏi về tiền sử bệnh, tình trạng bệnh lý nếu có, thời gian lưỡi dâu tây xuất hiện và các triệu chứng đi kèm. Từ đó, giúp bác sĩ có những đánh giá ban đầu và định hướng nguyên nhân.

Trong vài trường hợp cụ thể, chẳng hạn như nghi ngờ bệnh nhân thiếu vitamin, nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virus, bác sĩ có thể thực hiện thêm các xét nghiệm cận lâm sàng nhằm có thêm thông tin chẩn đoán bệnh. Nếu nghi ngờ lưỡi dâu tây là do cơ địa đang dị ứng, bác sĩ có thể thực hiện vài xét nghiệm kiểm tra tác nhân gây dị ứng trên cơ thể người bệnh.

Phương pháp điều trị

Việc điều trị lưỡi dâu tây sẽ tùy thuộc và nguyên nhân làm xuất hiện tình trạng này. Cụ thể như:

  • Sốt tinh hồng nhiệt: Bác sĩ sẽ kê đơn điều trị cho bệnh nhân bằng kháng sinh phù hợp.
  • Dị ứng: Bệnh nhân được hướng dẫn tránh xa tác nhân dị ứng và sử dụng thuốc kháng histamin.
  • Bệnh Kawasaki: Đầu tiên, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc kháng viêm (như Aspirin) để điều trị đẩy lui triệu chứng sốt và viêm. Sau đó, bệnh nhân có thể cần tiêm tĩnh mạch globulin miễn dịch để điều trị.
  • Hội chứng sốc nhiễm độc: Tình trạng này bệnh nhân cần được nhập viện cấp cứu càng sớm càng tốt. Khi đó, bệnh nhân sẽ được truyền dịch để bù lại thể tích mất đi do nôn mửa, thuốc giúp ổn định huyết áp và kháng sinh điều trị tình trạng nhiễm trùng.
  • Lưỡi dâu tây do thiếu hụt vitamin: Khi được chẩn đoán thiếu vitamin, người bệnh cần nhanh chóng xây dựng chế độ ăn bổ sung lại đầy đủ, đặc biệt là vitamin nhóm B. Trường hợp thiếu rất nhiều vitamin B12, bác sĩ có thể chỉ định bổ sung nhanh bằng thuốc đường tiêm.
Lưỡi dâu tây 04
Việc điều trị lưỡi dâu tây phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này

Bài viết đã cung cấp cho bạn đọc thông tin về 5 nguyên nhân gây ra tình trạng lưỡi dâu tây, cũng như cách chẩn đoán và điều trị. Lưỡi dâu tây là triệu chứng của một bệnh lý cụ thể nào đó, có thể điều trị khỏi nếu xác định chính xác nguyên nhân gây ra. Chính vì thế, bạn đọc cần quan tâm chăm sóc sức khỏe bản thân và có lối sống lành mạnh, nhằm duy trì thể trạng tốt nhất!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin