Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Tổng hợp các loại măng​ tươi, ngon phổ biến trong ẩm thực Việt

Thanh Hương

26/03/2025
Kích thước chữ

Măng là thực phẩm giàu chất xơ, cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Trong phạm vi bài viết này, bạn hãy cùng Long Châu khám phá các loại măng​ phổ biến và lợi ích dinh dưỡng của chúng.

Măng là một trong những thực phẩm quen thuộc trong ẩm thực châu Á, đặc biệt là Việt Nam. Ăn măng có tốt không? Không chỉ có hương vị đặc trưng, măng còn là nguồn cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể. Tùy vào từng loại, giá trị dinh dưỡng của măng có thể khác nhau. Bài viết này sẽ giới thiệu các loại măng​ phổ biến và lợi ích của chúng đối với sức khỏe.

Măng tre – Loại măng phổ biến từ xa xưa

Măng tre là một trong các loại măng phổ biến và dễ tìm thấy nhất tại Việt Nam, đặc biệt ở những vùng quê trồng nhiều tre. Đây là phần non của cây tre vừa nhú lên khỏi mặt đất, có hình nón đặc trưng với lớp vỏ xếp thành nhiều vòng cứng bên ngoài. Măng tre có thể thu hoạch từ nhiều giống tre khác nhau như tre gai, tre mỡ, tre ngà,… và được sử dụng rộng rãi dưới dạng măng tươi hoặc măng khô.

Với vị ngọt xen lẫn chút đắng nhẹ và tính mát, măng tre là nguyên liệu hoàn hảo cho nhiều món ăn như ếch xào măng, thịt kho măng, canh măng chua, nộm măng vịt,… Tuy nhiên, măng tre chứa một lượng nhỏ glucozit cyanide – hợp chất có thể gây ngộ độc măng nếu không sơ chế đúng cách. Vì vậy, trước khi sử dụng, bạn cần luộc kỹ, rửa sạch và loại bỏ nước luộc để đảm bảo an toàn.

Măng lồ ô – Đặc sản của núi rừng

Măng lồ ô là một trong những loại măng ngon, phân bố nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Đây là búp non của cây tre lồ ô – một loài tre có nguồn gốc từ Ấn Độ, mọc phổ biến trong rừng tự nhiên. Măng lồ ô phát triển mạnh vào mùa mưa, khi độ ẩm cao giúp cây tre sinh trưởng nhanh chóng. Mỗi búp măng thường có đường kính 3 - 5 cm, cao khoảng 20 - 30 cm.

Tổng hợp các loại măng​ tươi, ngon phổ biến trong ẩm thực Việt 1
Các loại măng có đặc điểm về hình dáng và hương vị khác nhau

Măng lồ ô có vị giòn, ngọt tự nhiên và rất dễ chế biến. Sau khi sơ chế, loại măng này thường được dùng để nấu canh, xào hoặc luộc, mang đến hương vị thanh mát và hấp dẫn. Phần gốc măng thường già và xơ cứng. Khi chọn mua, bạn nên chọn những búp thân mềm, không quá dài để đảm bảo độ ngon ngọt.

Măng nứa – Loại măng nhỏ nhưng đậm vị

So với các loại măng khác, măng nứa có kích thước nhỏ hơn, chỉ to bằng ngón chân cái hoặc nhỉnh hơn một chút. Loại măng này mọc nhiều tại các khu rừng Tây Bắc, được thu hoạch chủ yếu từ cuối tháng 7 đến tháng 10. Khi còn tươi, phần thịt măng có màu trắng nõn. Nhưng sau khi luộc chín nó sẽ chuyển sang màu vàng nhạt.

Loại măng này có vị thơm nhẹ, không quá đắng và có độ giòn vừa phải, rất phù hợp để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn như măng nứa xào thịt, măng nứa nấu canh, măng luộc,... Măng nứa không chỉ được sử dụng ở dạng tươi mà còn được phơi khô để dùng dần. Đây là một nguyên liệu quen thuộc trong ẩm thực vùng cao, mang lại hương vị đặc trưng khó quên.

Măng giang – Đặc sản vùng cao Tây Bắc

Măng giang là một trong các loại măng đặc trưng của vùng núi Tây Bắc, được khai thác từ cây giang thuộc họ tre nứa. Loại măng này mọc thành bụi lớn trong rừng sâu, khiến việc thu hoạch khá vất vả. Mùa măng giang rộ vào khoảng tháng 8 dương lịch, khi khí hậu mát mẻ tạo điều kiện thuận lợi cho măng phát triển mạnh.

Măng giang có đặc điểm thân nhiều khoang, vỏ ngoài cứng hơn so với nhiều loại măng khác. Thịt măng giang dày nhưng lại có độ mềm sần sật khi ăn, khác biệt so với các loại măng thông thường. Loại măng này thường được dùng để ngâm chua, làm gỏi, nộm.

Tổng hợp các loại măng​ tươi, ngon phổ biến trong ẩm thực Việt 2
Măng có thể dùng tươi hoặc phơi khô để dùng dần

Măng le – Đặc sản rừng Đông Nam Bộ

Măng le được người dùng đánh giá là một trong những loại măng ngon nhất. Loại măng này mọc nhiều trong các cánh rừng Đông Nam Bộ, đặc biệt tại Đắk Lắk. Măng le được thu hoạch từ phần ngọn của cây le, một loài tre nứa không có gai, thân mềm dẻo và mọc thành từng bụi lớn. Loại măng này phát triển mạnh chủ yếu từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm.

Măng le có thể chế biến ngay khi còn tươi hoặc được sơ chế thành măng khô để bảo quản lâu dài. Nhờ hương vị ngọt bùi tự nhiên, không chát, không đắng, măng le trở thành nguyên liệu lý tưởng để nấu các món vịt kho măng, bún măng, vịt hầm măng,…

Măng vầu – Loại măng đặc sản của Tây Bắc

Măng vầu là một trong các loại măng quen thuộc ở vùng núi Tây Bắc, được thu hoạch từ phần non của cây vầu. Loại măng này có mùa thu hoạch ngắn, chủ yếu từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 dương lịch. Khi còn tươi, măng vầu có màu tím nhạt, bên ngoài phủ nhiều lớp lông nhỏ. Để bảo quản tốt hơn, măng thường được bán cả vỏ. Nếu bóc vỏ sớm và để lâu, măng sẽ bị cứng, mất đi độ ngon ngọt tự nhiên.

Măng vầu có hai loại chính là măng vầu ngọt và măng vầu đắng. Khi măng càng già, vị đắng sẽ rõ hơn. Măng vầu đắng có lớp bẹ đan xen nhau, trong khi măng vầu ngọt có bẹ thuôn dài, bề mặt trơn hơn. So với măng tre hay măng nứa, măng vầu chứa ít độc tố hơn nên được nhiều người ưa chuộng.

Tổng hợp các loại măng​ tươi, ngon phổ biến trong ẩm thực Việt 3
Ăn măng đúng mùa để cảm nhận hương vị tươi ngon nhất

Măng Bát Độ – Loại măng mang giá trị kinh tế cao

Không giống như nhiều loại măng mọc tự nhiên, măng bát độ là một loại măng được người dân trồng và chăm sóc để phát triển kinh tế. Loại măng này thường được trồng tại các vùng đồi núi, nơi đất rừng thích hợp cho cây tre Bát Độ sinh trưởng. Sau khoảng hai năm, cây bắt đầu cho thu hoạch măng và người dân sẽ được thu hoạch.

Măng Bát Độ không ngái, mùi không hắc, không bị he đắng, ăn có vị ngọt, giòn. Khi chế biến bạn không cần nấu kỹ như các loại măng khác. Loại măng này có thể được dùng để ăn tươi, làm măng chua hoặc chế biến các món phù hợp với khẩu vị của nhiều người.

Măng lay – Đặc sản rừng sâu Tây Bắc

Măng lay là một trong các loại măng hiếm gặp hơn do điều kiện thu hoạch khó khăn. Loại măng này mọc nhiều ở vùng Tây Bắc, mùa măng kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Măng lay phát triển chủ yếu trong các khu rừng sâu, mọc thành từng bụi lớn tại các khe suối, sườn đồi. Vì khó tiếp cận, măng lay thường được khai thác theo phương thức thủ công. Người dân phải di chuyển xa để thu hoạch.

Măng lay có kích thước nhỏ, thân màu vàng nhạt, bên trong đặc ruột và lá nhọn. Loại măng này có thể dùng để luộc, làm nộm, xào nhưng món nổi tiếng nhất vẫn là măng lay luộc chấm chẩm chéo.

Măng sặt – Đặc sản Yên Bái

Măng sặt là một trong các loại măng đặc sản của Yên Bái, Lào Cai, Sơn La. Loại măng này có mùa thu hoạch ngắn, chỉ từ tháng 3 đến tháng 4 dương lịch. Khi còn tươi, măng sặt có kích thước nhỏ, thân thon dài. Vỏ măng mỏng, bên trong có màu trắng nõn, khi ăn có vị hơi đắng nhưng không gắt, tạo cảm giác lạ miệng.

Tổng hợp các loại măng​ tươi, ngon phổ biến trong ẩm thực Việt 4
Cần chế biến măng đúng cách trước khi ăn

Măng sặt ăn ngon nhất khi ngọn măng mới nhú mập mạp, thân màu trắng còn tươi nguyên mùi đất rừng. Loại măng này rất dễ chế biến, có thể luộc, xào, nướng, om, ngâm chua hoặc đơn giản là luộc chấm muối ớt chanh.

Các loại măng là thực phẩm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu tiêu thụ đúng cách. Tuy nhiên, bạn nên chọn măng tươi, chế biến đúng cách để loại bỏ độc tố tự nhiên. Việc tìm hiểu măng kỵ gì trước khi chế biến món ăn cũng vô cùng quan trọng. Tốt nhất, bạn nên ăn măng theo mùa để cảm nhận được những hương vị tươi mới, tự nhiên nhất của thực phẩm này.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin