Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh dị ứng có lây không? Các nguyên nhân gây dị ứng

Ngày 04/04/2018
Kích thước chữ

Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận biết các chất gây hại và phản ứng bằng cách tạo ra các triệu chứng như: Phát ban, mề đay và tiêu chảy, hiện tượng này được gọi là dị ứng. Trên thực tế, có nhiều loại dị ứng khác nhau, một số xuất hiện theo mùa, trong khi số khác có thể xảy ra suốt năm hoặc thậm chí là suốt cuộc đời. Vậy, dị ứng có lây không?

Bệnh dị ứng là một trạng thái phổ biến, có nhiều dạng và triệu chứng đa dạng. Vậy, nguyên nhân gây ra bệnh dị ứng là gì? Liệu bệnh dị ứng có lây không? Các giai đoạn cơ thể trải qua khi bị dị ứng? Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu kỹ hơn về các vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Các nguyên nhân gây dị ứng

Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây dị ứng trước khi trả lời cho vấn đề bệnh dị ứng có lây không? Tình trạng dị ứng bắt đầu xảy ra khi hệ miễn dịch nhầm lẫn một chất vô hại thành mối nguy hiểm. Tiếp theo, hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra các kháng thể để cảnh báo về chất gây dị ứng cụ thể đó. Khi bạn tiếp tục tiếp xúc với chất gây dị ứng một lần nữa, các kháng thể này có thể kích hoạt việc giải phóng một loạt các chất hóa học trong hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như: Histamin, gây ra các triệu chứng dị ứng. Những nguyên nhân phổ biến gây ra dị ứng bao gồm:

  • Các chất gây dị ứng như: Phấn hoa, lông động vật, mạt bụi và nấm mốc có thể tồn tại trong không khí và gây ra các triệu chứng dị ứng.
  • Một số thực phẩm có khả năng gây dị ứng, đặc biệt là hạt cây, lúa mì, đậu nành, đậu phộng, một số loại cá, trứng và sữa.
  • Vết bọ chó cắn và vết ong đốt có thể gây dị ứng.
  • Một số người có dị ứng với kháng sinh thuộc nhóm penicillin.
  • Mủ cao su, nhựa cây sơn độc hại hoặc các chất mà bạn tiếp xúc vào có thể dẫn đến phản ứng dị ứng da.

Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có khả năng tăng nguy cơ dị ứng, ví dụ:

  • Di truyền: Có tiền sử dị ứng hoặc bệnh hen suyễn trong gia đình, chẳng hạn như: Viêm mũi dị ứng, nổi mề đay, hoặc chàm, có thể làm tăng nguy cơ phát triển dị ứng ở bạn.
  • Tuổi: Trẻ em thường có khả năng bị dị ứng cao hơn do hệ thống miễn dịch của họ vẫn đang phát triển.
  • Bệnh hen suyễn hoặc dị ứng khác: Người có tiền sử của hen suyễn hoặc đang mắc bệnh dị ứng có thể dễ dàng trở thành nạn nhân của các phản ứng dị ứng khác trong tương lai.
Giải đáp: Dị ứng có lây không? Các giai đoạn cơ thể trải qua khi bị dị ứng? 2
Trẻ em thường có khả năng bị dị ứng cao hơn do hệ thống miễn dịch vẫn đang phát triển.

Mức độ và loại dị ứng có thể thay đổi từ người này sang người khác, việc xác định nguyên nhân dị ứng cụ thể thường đòi hỏi sự đánh giá và kết luận của các chuyên gia y tế.

Dị ứng có lây không?

Dị ứng có lây không? Nhiều người có thể tỏ ra lo sợ rằng tiếp xúc với người bị dị ứng có thể gây lây bệnh cho họ. Tuy nhiên, quan điểm này không chính xác, dị ứng không lây nhiễm từ người này sang người khác. Dị ứng là kết quả của phản ứng cơ thể với các chất gây dị ứng, gọi là allergens. Khi tiếp xúc với allergens, hệ thống miễn dịch phản ứng bằng cách tạo ra kháng thể để chống lại chúng. Trong trường hợp dị ứng, hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức, dẫn đến các triệu chứng như: Phát ban, ngứa, khó thở,... Tuy nhiên có hai yếu tố có thể làm gia tăng việc bị dị ứng.

  • Di truyền: Cơ chế di truyền này liên quan đến cấu trúc gen của mỗi người, khi cấu trúc gen này không đủ khả năng chống lại một số yếu tố trong môi trường xung quanh. Do đó, khả năng di truyền dị ứng có thể xuất hiện trong gia đình và truyền qua các thế hệ.
  • Môi trường: Nếu bạn ở cùng một môi trường với người bị dị ứng, có thể có nguy cơ cao hơn mắc bệnh nếu cơ thể của bạn không đủ sức chống lại các yếu tố gây dị ứng tại thời điểm đó.
Giải đáp: Dị ứng có lây không? Các giai đoạn cơ thể trải qua khi bị dị ứng? 3
Dị ứng có thể di truyền trong gia đình và truyền qua các thế hệ

Dị ứng không lây nhiễm thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng các dụng cụ cá nhân với người bệnh. Tuy nhiên, có một số trường hợp dị ứng có thể được truyền từ mẹ sang con qua thai kỳ.

Các giai đoạn cơ thể trải qua khi bị dị ứng

Ngoài giải đáp vấn đề dị ứng có lây không? Nhà thuốc Long Châu cung cấp thêm thông tin các giai đoạn cơ thể trải qua khi bị dị ứng để bạn có thể hiểu rõ hơn. Bởi vì mỗi tác nhân dị ứng có cơ chế riêng gây phản ứng khác nhau ở các bộ phận khác nhau của cơ thể, nên dưới đây chúng tôi chỉ tập trung vào cơ chế của một phản ứng dị ứng nguy hiểm nhất có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh, đó là sốc phản vệ.

Sốc phản vệ (Anaphylaxis) là một phản ứng dị ứng cực kỳ nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến nhiều hệ thống trong cơ thể (như: Da, hệ hô hấp hoặc tiêu hóa), phát triển rất nhanh và có thể dẫn đến tình trạng tử vong. Sốc phản vệ tiến triển qua ba giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn đầu tiên được gọi là giai đoạn mẫn cảm, bắt đầu khi dị nguyên xâm nhập cơ thể thông qua nhiều cách khác nhau như: Tiêm, truyền, hít thở, ăn uống hoặc tiếp xúc qua da. Trong khoảng thời gian này, thường kéo dài từ 7 đến 10 ngày, hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể, đặc biệt là loại IgE và kết hợp chúng với các tế bào bạch cầu ưa bazơ và các tế bào dưỡng bào.
  • Giai đoạn thứ hai là giai đoạn hoá sinh của bệnh: Khi tiếp xúc lần thứ hai với dị nguyên, dị nguyên sẽ kết hợp với phân tử IgE với sự tham gia của bạch cầu ái toan, điều này dẫn đến giải phóng nhiều loại chất trung gian như: Bradykinin, prostaglandin D2, histamin, serotonin và các leucotrien (D4, B4)...
  • Giai đoạn cuối cùng được gọi là giai đoạn sinh lý của bệnh: Trong giai đoạn này, các chất trung gian nêu trên sẽ gây ra các tác động như: Giãn nở mạch lớn, gây hạ huyết áp, co thắt phế quản gây khó thở, co thắt dạ dày, và tá tràng, dẫn đến cơn đau vùng bụng, co động mạch não gây đau đầu, choáng váng và thậm chí là hôn mê.
Giải đáp: Dị ứng có lây không? Các giai đoạn cơ thể trải qua khi bị dị ứng? 4
Sốc phản vệ (Anaphylaxis) có thể gây hôn mê

Trên thực tế, sự phát triển và tình trạng của dị ứng có thể khác nhau tùy từng người. Tuy nhiên, tìm hiểu về các giai đoạn này có thể giúp hiểu rõ các cơ thể phản ứng và cung cấp cơ sở cho việc chuẩn đoán và điều trị dị ứng hiệu quả.

Trên đây là những chia sẻ về vấn đề "dị ứng có lây không?" và các giai đoạn cơ thể trải qua khi bị dị ứng. Hy vọng thông qua bài viết này, các bạn sẽ hiểu hơn về dị ứng, nếu bạn có triệu chứng bị dị ứng, hãy thảo luận với bác sĩ về phương pháp điều trị và quản lý tốt nhất cho trường hợp cụ thể của bạn.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:dị ứngngứa