Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Tràn máu màng phổi là bệnh lý gì? Tình trạng này có nguy hiểm không?

Ngày 31/07/2024
Kích thước chữ

Tràn máu màng phổi là một tình trạng nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Những người bị chấn thương ở ngực cần được kiểm tra khả năng tràn máu màng phổi để hạn chế nguy cơ diễn tiến của biến chứng trên phổi. Một số ít trường hợp cũng có thể xảy ra do những nguyên nhân khác liên quan đến những tình trạng bệnh lý tại phổi.

Tràn máu màng phổi là tình trạng máu bị tích tụ trong khoang màng phổi. Tràn máu màng phổi có thể do chấn thương hoặc phẫu thuật, đặc biệt khi có tổn thương các mạch máu lớn hơn ở thành ngực. Các vấn đề sức khỏe khác cũng gây tràn máu màng phổi chẳng hạn như sự chèn ép tại phổi do khối u. Vậy tràn máu màng phổi nguy hiểm như thế nào? Chúng ta hãy tìm hiểu thêm trong bài viết sau đây.

Nguyên nhân tràn máu màng phổi

Vì sao lại xảy ra hiện tượng tràn máu màng phổi? Sau đây là những nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này.

Do các chấn thương vùng ngực

Chấn thương ở vùng ngực là nguyên nhân phổ biến nhất của tràn máu màng phổi, ngực của bệnh nhân bị chèn ép bởi hai vật cứng hoặc có một vật tù va đập vào ngực, chẳng hạn như va đập trong tai nạn giao thông. Tràn máu màng phổi do chấn thương thường khiến màng phổi lót ở ngực hoặc phổi bị vỡ, làm cho máu tràn vào khoang màng phổi và không có cách nào thoát ra được.

tran-mau-mang-phoi-la-benh-ly-gi-tinh-trang-nay-co-nguy-hiem-khong 1
Chấn thương vùng ngực là nguyên nhân phổ biến gây ra tràn máu màng phổi

Những biểu hiện của tràn máu màng phổi có thể chưa được nhận biết rõ ngay lập tức ở những người bị chấn thương phổi. Tuy vậy, vào thời điểm đó chức năng tuần hoàn cũng như hô hấp của người bệnh đã bị ảnh hưởng. Hơn nữa, tình trạng nguy cấp này có thể đe dọa tới tính mạng người bệnh nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời.

Các nguyên nhân gây tràn máu màng phổi khác

Trong một số trường khi người bệnh bị chảy máu không liên quan đến chấn thương, tình trạng này được gọi là tràn máu màng phổi tự phát. Một số tình trạng sức khỏe không do chấn thương cũng làm tăng khả năng dẫn tới hiện tượng tràn máu màng phổi, bao gồm:

  • Rối loạn đông máu (đặc biệt ở những người đang sử dụng thuốc chống đông);
  • Hoại tử nhu mô phổi;
  • Thuyên tắc phổi (cục máu đông trong mạch máu phổi);
  • Người bị ung thư phổi hoặc màng phổi;
  • Người mắc các bệnh lý về nhiễm trùng phổi như viêm phổi, bệnh lao;
  • Người bệnh bị rối loạn đông máu;
  • Người bị rách mạch máu trong phổi;
  • Rối loạn chức năng của nhu mô phổi (ví dụ: Nhồi máu phổi).
tran-mau-mang-phoi-la-benh-ly-gi-tinh-trang-nay-co-nguy-hiem-khong 2
Một số bệnh lý về phổi cũng có thể gây ra tràn máu màng phổi

Tràn máu màng phổi cũng có thể gặp do biến chứng của một số thủ thuật y khoa, chẳng hạn như phẫu thuật phổi hoặc tim, hoặc tổn thương mạch máu khi đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm.

Triệu chứng của tràn máu màng phổi

Các biểu hiện dưới đây có thể là dấu hiệu bệnh nhân đang bị tràn máu màng phổi:

  • Khó thở, thở gấp hoặc thở nông;
  • Đau ngực, nghiêm trọng hơn là đau tăng khi hít thở;
  • Huyết áp thấp, nhịp tim nhanh;
  • Cảm thấy bồn chồn, lo lắng bất thường;
  • Sắc da nhợt nhạt, da lạnh hoặc cảm giác ngứa ngáy;
  • Các triệu chứng khác như buồn nôn, mệt mỏi và lú lẫn;
  • Da nhợt nhạt, lạnh và ẩm ướt;
  • Thở nhanh và nông;
  • Cảm thấy bồn chồn, lo lắng.

Các phương pháp chẩn đoán tràn máu màng phổi

Bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng lâm sàng kết hợp với một trong những kỹ thuật xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh sau để xác định tràn máu màng phổi:

  • Hình ảnh chụp X-quang ngực: Kết quả của X-quang ngực giúp xác định sơ bộ liệu có chất lỏng trong khoang ngực hay không. Chúng ta sẽ thấy hình ảnh tràn máu màng phổi với đặc điểm là phần phổi sẽ có màu đen, dịch màng phổi và máu trong khoang ngực sẽ có màu trắng.
  • Chụp cắt lớp vi tính: Kỹ thuật này giúp phát hiện rõ rệt hình ảnh tràn khí và tràn máu màng phổi, từ đó đánh giá mức độ nghiêm trọng, đồng thời xác định nguyên nhân của tình trạng bệnh, giúp đưa ra hướng điều trị phù hợp.
  • Xét nghiệm huyết học: Những dấu hiệu bất thường như bạch cầu tăng hoặc thiếu máu cũng cần được phát hiện ở người bị tràn máu màng phổi bằng xét nghiệm huyết học;
  • Siêu âm màng phổi: Trong các tình huống khẩn cấp, hình ảnh siêu âm cung cấp cơ sở nhanh chóng và chính xác về hình ảnh khoang màng phổi để phát hiện tổn thương tiềm ẩn gây tràn máu màng phổi.
tran-mau-mang-phoi-la-benh-ly-gi-tinh-trang-nay-co-nguy-hiem-khong 3
Chụp X-quang có thể được chỉ định trong chẩn đoán tràn máu màng phổi

Các biện pháp điều trị tràn máu màng phổi

Tràn máu màng phổi là tình trạng cấp tính và có thể đe dọa đến tính mạng nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Vì vậy, khi gặp phải các chấn thương ngực kín hay hở, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe để xác định nguy cơ bị tràn máu màng phổi. Khi phát hiện sớm tình trạng này, người bệnh sẽ có thể cần được xem xét can thiệp y khoa theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ để ngăn ngừa biến chứng.

Biện pháp điều trị tràn khí màng phổi có thể được tiến hành như sau:

Xử trí ban đầu

  • Cần có các các biện pháp giúp thông thoáng đường thở và thở oxy nếu các triệu chứng khó thở và đau ngực trở nên trầm trọng.
  • Giảm đau cho bệnh nhân và nếu có vết thương xây xát cần xem xét tiêm phòng uốn ván. 
  • Đối với trường hợp bệnh nhân có hiện tượng sốc mất máu, cần hồi sức tích cực và truyền dịch, truyền máu nếu cần.

Cầm máu và loại bỏ máu trong khoang màng phổi

Mục tiêu điều trị là giúp người bệnh cầm máu ổn định, đồng thời loại bỏ máu và không khí trong khoang màng phổi. Với những người bị thương nhẹ, dẫn lưu ngực có thể là biện pháp đủ để điều trị nguyên nhân, nhưng đối với trường hợp nặng, lựa chọn phẫu thuật nên được cân nhắc để cầm máu triệt để. Một ống thông hoặc kim được luồn đưa qua thành ngực giữa các xương sườn để dẫn lưu máu và không khí. Sau khi dẫn lưu lồng ngực, bác sĩ có thể sử dụng cùng một ống có gắn máy hút để giúp phổi nở ra trở lại nếu có bị xẹp trước đó.

Thời gian hồi phục sau tràn máu màng phổi được xác định bởi mức độ nghiêm trọng của tình trạng và phương pháp điều trị. Thời gian phục hồi có thể dao động từ vài ngày đến vài tuần hoặc vài tháng. Đối với trường hợp phẫu thuật để điều trị tràn máu màng phổi, có thể mất nhiều thời gian hơn để hồi phục hoàn toàn.

tran-mau-mang-phoi-la-benh-ly-gi-tinh-trang-nay-co-nguy-hiem-khong 4
Trường hợp tràn máu màng phổi nặng có thể cần được phẫu thuật

Các biến chứng của tràn máu màng phổi

Tràn máu màng phổi có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu tình trạng này kéo dài, bao gồm:

  • Khó thở trầm trọng hoặc suy hô hấp;
  • Sốc giảm thể tích;
  • Sẹo trong màng phổi hoặc nhu mô phổi có thể hình thành khi tràn máu màng phổi, theo thời gian tình trạng này dẫn đến xơ hóa và gây tình trạng xương sườn bất động;
  • Nhiễm trùng: Tràn máu màng phổi không được điều trị cũng có thể gây nhiễm trùng phổi hoặc viêm mủ màng phổi.

Như vậy, thông qua bài viết trên chúng ta có thể thấy tràn máu màng phổi là tình trạng nguy cấp và khá nguy hiểm, cần được phát hiện, điều trị kịp thời. Bài viết cũng cung cấp một số thông tin về phương thức chẩn đoán, điều trị và biến chứng nếu có đối với tình trạng này, hy vọng đây đều là những kiến thức bổ ích đối với bạn đọc.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin