Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tránh nhầm lẫn sốt siêu vi và sốt xuất huyết

Ngày 03/05/2023
Kích thước chữ

Khi nhận biết rõ các đặc điểm, nguyên nhân, triệu chứng của sốt siêu vi và sốt xuất huyết, bạn sẽ phân biệt 2 bệnh này dễ dàng hơn, hỗ trợ rất nhiều trong quá trình điều trị cho trẻ nhỏ trong gia đình.

Sốt siêu vi và sốt xuất huyết đều là những căn bệnh thường gặp ở trẻ em và nhiều bậc phụ huynh thường nhầm lẫn giữa 2 bệnh này khiến việc điều trị cho trẻ gặp nhiều khó khăn. Bài viết sau sẽ giúp bạn nhận biết sốt siêu vi và sốt xuất huyết đơn giản, nhanh chóng hơn. 

Phân biệt nguyên nhân gây bệnh sốt siêu vi và sốt xuất huyết

Sốt siêu vi và sốt xuất huyết thường bị nhầm lẫn với nhau nhưng trên thực tế, đây là 2 bệnh lý hoàn toàn khác biệt. Muốn nhận biết bệnh sốt siêu vi và sốt xuất huyết hiệu quả bạn cần bắt đầu từ nguyên nhân gây bệnh. 

Nguyên nhân gây sốt siêu vi

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sốt siêu vi là do nhiều loại virus khác nhau gây nên. Một số loại virus điển hình gây bệnh có thể kể đến như Rhinovirus, Coronavirus,... Những tác nhân là chủng virus khác nhau sẽ dẫn đến triệu chứng, tình trạng sốt siêu vi khác nhau. 

Tránh nhầm lẫn sốt siêu vi và sốt xuất huyết 1
Sốt siêu vi chủ yếu do các loại virus gây nên

Thời điểm trẻ em và người lớn dễ bị sốt siêu vi nhất là những lúc giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, đột ngột chuyển từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng,... khiến sức đề kháng của cơ thể suy giảm, tạo điều kiện để virus gây bệnh xâm nhập và dẫn đến sốt siêu vi. Thông thường tỷ lệ trẻ em bị sốt siêu vi cao hơn người lớn nhưng cũng cần đề phòng bệnh, nhất là những khi thời tiết thay đổi đột ngột. 

Nguyên nhân gây sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết cũng do virus xâm nhập vào cơ thể gây bệnh nhưng liệu sốt siêu vi và sốt xuất huyết có giống nhau không? Câu trả lời từ các chuyên gia là không. Chủng virus gây bệnh sốt xuất huyết là virus Dengue có những đặc trưng khác nhau. Nếu sốt siêu vi do một hoặc nhiều virus gây bệnh thì sốt xuất huyết chỉ có 1 tác nhân gây bệnh duy nhất là virus Dengue. 

Vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn - loại muỗi mang trong mình chủng virus Dengen và lây truyền bệnh từ người này sang người khác một cách nhanh chóng. Muỗi vằn thường ủ virus trong cơ thể từ 4 - 10 ngày và sau đó lây bệnh cho bất cứ ai bị chúng đốt. 

Phân biệt triệu chứng sốt siêu vi và sốt xuất huyết

Đặc điểm để nhận biết sự khác biệt giữa sốt siêu vi và sốt xuất huyết tiếp theo là triệu chứng khi bị bệnh. Phân biệt triệu chứng sốt siêu vi và sốt xuất huyết cũng khá đơn giản. Đây cũng là cách phân biệt dễ áp dụng nhất, bạn chỉ cần để ý một chút là có thể biết ngay mình đang bị sốt siêu vi hay sốt xuất huyết. 

Biểu hiện khi sốt siêu vi

Bệnh sốt siêu vi thường xuất hiện ở trẻ em nên muốn nhận biết bệnh từ sớm, bạn cần chú ý đến những triệu chứng sau: 

  • Bệnh nhân sốt cao theo từng đợt và thân nhiệt duy trì ở 37 - 38 độ C, đôi khi có thể sốt cao lên đến 40 - 41 độ C. 
  • Một số trường hợp trẻ bị co giật khi sốt cao. 
  • Trẻ thường bị viêm đường hô hấp trên kèm theo triệu chứng như ho, đau họng, sổ mũi, nhức đầu,...
  • Trẻ em bị sốt siêu vi có thể gặp vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn và nôn ói thường xuyên.
  • Vùng đầu, mặt và cổ của người bệnh nổi hạch. 
  • Bệnh nhân sốt siêu vi có thể bị viêm kết mạc, mắt đỏ, đau mắt, chảy nước mắt,...
  • Trẻ quấy khóc liên tục. 
  • Các triệu chứng sốt siêu vi sẽ thuyên giảm và bệnh dần khỏi sau khoảng 7 ngày điều trị. 
Tránh nhầm lẫn sốt siêu vi và sốt xuất huyết 2
Sốt siêu vi và sốt xuất huyết khác nhau ở các triệu chứng theo từng giai đoạn bệnh 

Biểu hiện khi bị sốt xuất huyết

Để phân biệt rõ hơn sốt siêu vi và sốt xuất huyết, bạn có thể dễ dàng nhận biết qua những triệu chứng sốt xuất huyết như: 

  • Giai đoạn bệnh khởi phát: Trong khoảng 3 - 5 ngày đầu khi bị sốt xuất huyết người bệnh có triệu chứng sốt cao 39 - 40 độ C, cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, đau họng, nhức mỏi cơ thể,... Đây là giai đoạn bệnh sốt xuất huyết dễ bị nhầm lẫn với sốt siêu vi nên để nhận biết và phân biệt 2 bệnh này rõ hơn cần dựa vào triệu chứng bệnh ở giai đoạn xuất huyết. 
  • Giai đoạn xuất huyết: Khi đến giai đoạn này bệnh nhân có thể hạ sốt nhưng cơ thể có dấu hiệu xuất huyết thông qua những biểu hiện như phát ban dưới da, nổi mẩn đỏ, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn ói ra máu, đi ngoài phân đen,... Trường hợp bệnh nặng còn có thể gây xuất huyết não, xuất huyết trong ổ bụng,... vô cùng nguy hiểm. 
  • Giai đoạn hồi phục: Dấu hiệu sốt giảm dần và không còn biểu hiện ngứa ngáy nữa, xét nghiệm cho thấy số lượng tiểu cầu tăng. 

Cách chăm sóc trẻ bị sốt siêu vi và sốt xuất huyết

Sau khi phân biệt cơ bản sốt siêu vi và sốt xuất huyết, bệnh nhân cần lưu ý gì trong cách chăm sóc, điều trị để bệnh mau hồi phục, sức khỏe được ổn định? Những gợi ý dưới đây sẽ giúp ích cho bạn đấy. 

Chăm sóc bệnh nhân sốt siêu vi

Khi phân biệt được sốt siêu vi và sốt xuất huyết, bạn nhận thấy mình bị sốt siêu vi thì những lưu ý trong cách chăm sóc dưới đây sẽ giúp bạn nhanh chóng hồi phục sức khỏe. 

  • Chế độ dinh dưỡng phù hợp, khi sốt cao nên cho bệnh nhân ăn những món dễ tiêu hóa, giàu dưỡng chất như cháo, súp,... bổ sung thêm các thực phẩm giàu vitamin C, lợi khuẩn tốt cho đường ruột, uống đủ nước, thức ăn nhiều protein,...
  • Người bị sốt siêu vi khi sốt cao mất nước rất nhanh nên cần bù nước thường xuyên, liên tục cho bệnh nhân bằng nước lọc, nước hoa quả, nước dừa tươi,...
  • Nếu bệnh nhân sốt quá cao nên chườm mát và lau người bằng nước ấm, kết hợp uống thuốc hạ sốt. 
  • Lưu ý cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ mỗi ngày bằng nước ấm có pha vài hạt muối hột. 

Chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết

Trường hợp người bệnh sốt xuất huyết nhẹ không cần điều trị tại bệnh viện thì người nhà cần chú ý những điểm sau khi chăm sóc tại nhà: 

  • Cho người bệnh nghỉ ngơi tại giường, không nên vận động mạnh. 
  • Uống nhiều nước và tăng cường nước trái cây, nước điện giải. 
  • Thức ăn nên ở dạng dễ tiêu như cháo, sữa hoặc súp,...
  • Khi bị ngứa không nên gãi nhiều sẽ gây trầy xước da, thay vào đó nên dùng tay để xoa nhẹ lên chỗ bị ngứa. 
  • Hạ sốt khi người bệnh bị sốt quá cao bằng thuốc có chứa paracetamol kết hợp với chườm mát và lau người bằng nước ấm. 
  • Nên tái khám thường xuyên và đến bệnh viện ngay khi triệu chứng bệnh trở nặng. 
Tránh nhầm lẫn sốt siêu vi và sốt xuất huyết 3
Hạ sốt cho trẻ bằng cách lau người với nước ấm

Tuy bệnh sốt siêu vi và sốt xuất huyết có triệu chứng khá giống nhau nhưng chỉ cần để ý một chút bạn đã có thể dễ dàng phân biệt 2 loại bệnh này rồi đấy. Dù mắc loại sốt nào thì người bệnh cũng cần khám sức khỏe và tuân thủ phương án điều trị của bác sĩ.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin