Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Trẻ 9 tháng chưa biết ngồi có sao không?

Ngày 16/12/2023
Kích thước chữ

Theo cột mốc tiêu chuẩn của Unicef, trẻ 9 tháng tuổi thích vận động và tính tò mò cao. Các bé ở độ tuổi này có thể tự mình ngồi lên và thậm chí bò thành thạo. Do đó, các mẹ thường khá lo lắng và đặt câu hỏi liệu rằng trẻ 9 tháng chưa biết ngồi có sao không? Đây không phải là câu hỏi vô căn cứ hay lo lắng thái quá. Tuy nhiên, tình trạng trẻ chậm ngồi khá phổ biến.

Khi nào thì trẻ có thể ngồi? Trẻ 9 tháng chưa biết ngồi có sao không? Đối với các bậc phụ huynh đang trong giai đoạn chăm sóc trẻ sơ sinh, luôn mong muốn con được phát triển toàn diện do đó việc trẻ chậm ngồi khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Chưa thể ngồi vững ở trẻ 9 tháng tuổi liệu có bất thường? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục cho trẻ nhé.

Trẻ bé ngồi là khi nào?

Theo như cột mốc tiêu chuẩn, thông thường các em bé sẽ tập ngồi và có thể ngồi vững trong khoảng thời gian từ 4 - 9 tháng tuổi. Trẻ có thể tự ngồi mà không cần sự giúp đỡ và thậm chí có thể bò một cách thành thục. Trong giai đoạn bé 9 tháng tuổi, trẻ có thể tập đứng bằng cách chống tay hoặc men theo tường để đứng, ba mẹ có thể chuẩn bị các dụng cụ hỗ trợ để giúp bé đứng thẳng và tập những bước đi đầu tiên.

Để có thể làm được các hoạt động như ngồi vững, bò thì trẻ cần có khả năng kiểm soát đầu và cổ tốt, phối hợp với hoạt động của tay chân, các phần cơ ở bụng, lưng và cổ. Do đó trước khi ngồi vững, trẻ cần bắt đầu với giai đoạn nằm sấp và lật người. Các bé được khuyến khích cho nằm sấp, đầu và cánh tay sẽ học được cách tác động lực, đồng thời việc chổng mông và chân để có thể lật lại. Các phụ huynh có thể giúp ngồi thẳng bằng cách dựa vào gối, tường và giữ cho các bé khỏi ngã.

Tre-9-thang-chua-biet-ngoi-co-sao-khong 2.png
Trẻ 9 tháng chưa biết ngồi có sao không?

Giai đoạn tập ngồi ở các bé là khác nhau do mỗi em là một cá thể riêng biệt, có thể chất và môi trường phát triển khác nhau. Trẻ có thể biết ngồi sớm hoặc muộn hơn trong giai đoạn này. Trường hợp trẻ chậm ngồi cũng không hiếm, có thể trẻ 9 tháng chưa biết bò, chưa biết ngồi hoặc chưa mọc răng, chậm biết đi,... Có trẻ phát triển nhanh có trẻ chậm hơn. Vì vậy mẹ đừng quá lo lắng khi các em không phát triển đúng với cột mốc tiêu chuẩn.

Trẻ 9 tháng chưa biết ngồi có sao không?

Tùy vào thể chất và môi trường mà mỗi bé sẽ có các mốc thời gian phát triển khác nhau, khả năng ngồi vững phù thuộc vào việc các nhóm cơ vận động của trẻ đã phát triển đầy đủ chưa, các bé đã kiểm soát được hoạt động của các chi và cổ tốt chưa và cơ đã đủ khỏe để nâng cơ thể không. Sẽ có một số nguyên nhân có thể cản trở quá trình này:

  • Trẻ được mặc đồ dày và bó, khó hoạt động hoặc đồ quá rộng dẫn đến vướng cản trở khả năng tự do vận động. Một số nơi có tục quấn chân để chân bé thẳng, làm vậy không chỉ cản trở bé phát triển về việc vận động mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác như máu không lưu thông, có thể gây ra những vết bầm trên người bé. Phụ huynh cần chú ý giữ ấm cho các bé những đồ không quá ôm và quá dày.
  • Bé được đặt vào địu, xe hoặc ghế ăn,... trong thời gian dài hoặc được bế quá nhiều. Thường đây là cách phụ huynh đảm bảo an toàn cho các em do đó những hành động này không được chú ý. Tuy nhiên đây có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị hạn chế không gian vận động, không có cơ hội luyện tập các khả năng kiểm soát cơ thể dẫn đến những nhóm cơ chậm phát triển hơn.
  • Chế độ sinh hoạt không phù hợp, trẻ không được bổ sung đủ dinh dưỡng hoặc thời gian ngủ, thức lẫn lộn. Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và phù hợp thời điểm sẽ cung cấp năng lượng cần thiết cho các hoạt động chơi của bé và giúp trẻ ngủ ngon và sâu giấc.
  • Ngoài việc ăn uống thì giấc ngủ rất quan trọng với trẻ nhỏ. Thường thấy các bé sẽ ngủ nhiều hơn do thời gian ngủ là thời gian để các hormone phát triển sản sinh. Nhưng thời điểm ngủ cần cân bằng, bé ngủ quá nhiều hoặc quá ít đều ảnh hưởng đến sự phát triển. Trong thời gian tỉnh táo, ba mẹ nên cùng chơi với các em, dùng các đồ chơi có màu sắc bắt mắt để khuyến khích các em tự lật và ngồi dậy để chơi.
  • Hoạt động nhiều sẽ rèn luyện cho các bé khả năng kiểm soát và kích thích các nhóm cơ phát triển, tiêu hao năng lượng, kích thích trẻ ăn ngon, tiêu hóa tốt.

Vậy trẻ 9 tháng chưa biết ngồi có sao không? Câu trả lời là mỗi em bé sẽ có giai đoạn phát triển khác nhau, ba mẹ đừng quá lo lắng về việc trẻ 9 tháng chưa biết ngồi mà hãy theo dõi sự phát triển và đồng hành cùng con trong trong mỗi giai đoạn phát triển nhé! Nếu như trẻ vẫn chưa thể tự ngồi vững, ba mẹ có thể tham khảo tiếp để tìm cách hỗ trợ con.

Tre-9-thang-chua-biet-ngoi-co-sao-khong 3.png
Trẻ cần có cơ hội để luyện tập ngồi vững

Cần làm gì để hỗ trợ trẻ 9 tháng tuổi có thể ngồi vững?

Rèn luyện là yếu tố chính, ba mẹ hãy tạo cơ hội cho các bé ngồi thẳng để bé quen với việc ngồi độc lập. Việc ngồi đập lập cần các trẻ có khả năng kiểm soát cơ thể cân bằng hai bên trái, phải và trước, sau. Điều này cần nhiều năng lượng và lực từ các cơ và việc tập hoạt động nhiều lần để có thể ngồi vững.

Để giúp các trẻ 9 tháng tuổi có thể ngồi vững, ba mẹ cần:

  • Khuyến khích cho trẻ nằm sấp nhiều hơn trong những khoảng thời gian phù hợp, giúp các em tập kiểm soát đầu và chống tay.
  • Tập cho trẻ tư thế ngồi bằng cách để các bé ngồi tựa vào lòng hoặc ngồi giữa hai chân trên sàn. Có thể trò chuyện, chơi đùa cùng các em như hát và vỗ tay theo nhịp, chơi trò chơi,...
  • Cho trẻ có cơ hội tập và sửa sai. Phụ huynh ở bên cạnh và tạo môi trường thoải mái cho các em có thể ngồi và an toàn hơn nếu có ngã. Việc để các em tự ngồi dậy khi ngã cũng giúp các em phát triển các cơ và học được cách kiểm soát cơ thể.
  • Để các em có nhiều thời ngồi trên sàn, không gian rộng rãi tạo điều kiện cho các em hoạt động thoải mái, sử dụng đồ chơi để khuyến khích trẻ di chuyển.
  • Ba mẹ tập cho bé những bài tập củng cố cơ như massage trước hoặc sau khi tắm, tập động tác xe đạp cho chân khi các bé nằm. Gập bụng bằng cách nắm tay các em và kéo từ từ thế nằm lên thế ngồi, động tác này giúp hỗ trợ cơ bụng và lực nắm của các bé.

Việc massage cho trẻ thường xuyên sẽ giúp các em luyện tập cơ, thoải mái tinh thần và hỗ trợ cho những dấu mốc tiếp theo như biết đứng, biết đi, biết chạy,....

Tre-9-thang-chua-biet-ngoi-co-sao-khong 4.png
Động tác gập bụng bằng cách nắm tay bé và kéo từ thế nằm sang thế ngồi

Dấu hiệu cần đưa trẻ đến bác sĩ

Mặc dù thời gian của mỗi trẻ là khác nhau, tuy nhiên cần để ý quan sát các bé có đi kèm các dấu hiệu kém phát triển khác hay không. Việc đánh giá bé phát triển bình thường hay không còn phụ thuộc vào nhiều phương diện, với trẻ 9 tháng tuổi các phụ huynh hãy theo dõi trẻ theo các gợi ý sau:

  • Trẻ 6 - 8 tháng tuổi nhưng chưa thể kiểm soát tốt đầu, khó khăn khi tự nhấc đầu lên.
  • Các động tác phối hợp khó khăn đối với bé, hoặc hoạt động bị cứng nhắc, gián đoạn.
  • Bé có những dấu hiệu tự kỷ như kém các hành vi xã hội, không cười hay ít giao tiếp bằng mắt, ít tương tác ngay cả khi được gọi tên.
  • Bé không với tay, không hứng thú với đồ vật xung quanh.
  • Bé không bập bẹ hoặc không có phản ứng với âm thanh.

Nếu như cảm thấy bé có các biểu hiện này, mẹ nên đưa bé đến với bác sĩ nhi để kiểm tra tổng thể sớm nhất. Các bác sĩ chuyên khoa với kinh nghiệm dày dặn sẽ đưa ra những chẩn đoán chính xác hơn dựa trên nhiều yếu tố và đưa ra hướng can thiệp phù hợp cho mỗi trẻ. Do đó gia đình không nên đánh giá phiến diện và kết luận sớm về việc trẻ có phát triển bình thường hay không. Hạn chế sử dụng các biện pháp dân gian, truyền miệng để tránh ảnh hưởng không mong muốn đến trẻ.

Mong rằng qua bài viết này, các phụ huynh đã phần nào hiểu hơn và giải đáp được cho thắc mắc trẻ 9 tháng chưa biết ngồi có sao không. Đồng thời là một số phương pháp luyện tập cũng như những lưu ý để phụ huynh có thể thăm khám cho các trẻ kịp thời. Chúc bạn nhiều sức khỏe và hãy chia sẻ bài viết này để người thân, gia đình có thể cùng nhau hỗ trợ trẻ phát triển nhé!

Xem thêm: Gợi ý các loại nước ép tăng cân cho bé mẹ có thể tham khảo

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin