Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Trẻ bị ngộ độc thực phẩm nên ăn gì?

Ngày 29/05/2022
Kích thước chữ

Trẻ nhỏ khi bị ngộ độc thực phẩm thường biếng ăn, ăn uống kém, dễ mệt lả người, sức khỏe yếu. Điều đó khiến ba mẹ cảm thấy rất lo lắng và tìm mọi cách để cải thiện hệ tiêu hoá của trẻ. Câu hỏi đặt ra là “Trẻ bị ngộ độc thực phẩm nên ăn gì?”. Và bài viết sau đây sẽ giúp giải đáp thắc mắc đó.

Nhiễm một số vi khuẩn, virus như E Coli, Salmonella,... hoặc độc tố của chúng hay những hoá chất tồn dư trong thực phẩm là nguyên nhân dẫn đến tới tình trạng ngộ độc thực phẩm. Ở trẻ nhỏ, những triệu chứng ngộ độc như nôn, đau bụng, tiêu chảy,... làm cho trẻ mệt mỏi, quấy khóc. Một chế độ dinh dưỡng, ăn uống hợp lí sẽ giúp trẻ hồi phục một cách nhanh chóng. Vậy sau khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm nên ăn gì? 

Cách nhận biết ngộ độc thực phẩm ở trẻ nhỏ

Hệ tiêu hoá ở trẻ em còn non kém nên rất dễ bị ngộ độc thực phẩm. Trẻ sẽ có phản ứng trung bình từ 15-30 phút sau ăn hoặc lâu hơn có thể tới 24 giờ. Vì vậy, việc nhận biết dấu hiệu ngộ độc thực phẩm để biện pháp xử lý nhanh chóng là việc rất cần thiết để bảo vệ trẻ. Sau đây là một số dấu hiệu dấu hiệu ngộ độc thực phẩm:

  • Ban đầu, trẻ có thể nôn hoặc buồn nôn kèm theo đau bụng dữ dội làm trẻ quấy khóc.
  • Trẻ sẽ bị tiêu chảy nhiều lần kèm theo sôi bụng, chướng bụng dẫn đến mệt mỏi, rối loạn chất điện giải trong cơ thể.
  • Có thể xuất hiện tình trạng sốt trên 38.5 độ, thậm chí tới 40 độ tuỳ thuộc vào tình trạng sức khỏe và mức độ ngộ độc ở trẻ. 
  • Trẻ có thể bị đau đầu do độc tố trong thực phẩm hoặc do nôn và tiêu chảy nhiều.
Trẻ bị ngộ độc thực phẩm nên ăn gì 1 Đau bụng do ngộ độc thực phẩm ở trẻ

Sơ cứu ngộ độc thực phẩm trẻ em

Khi thấy những dấu hiệu ngộ độc thực phẩm ở trẻ, phụ huynh nên nhanh chóng thực hiện cách biện pháp sơ cứu ngộ độc thực phẩm dưới đây:

  • Dừng ăn thực phẩm khiến trẻ bị ngộ độc: Những thực phẩm nghi ngờ là nguyên nhân gây ngộ độc, bố mẹ phải dừng cho trẻ nhỏ ăn.
  • Kích thích nôn cho trẻ để loại bỏ bớt chất độc trong cơ thể. Khi gây nôn cho trẻ, bố mẹ cần chú ý đặt trẻ nằm nghiêng hoặc ngồi, không để trẻ nằm để tránh hít sặc.
  • Cho trẻ uống nhiều nước: Cho trẻ uống từng ngụm nhỏ, liên tục trong ngày. Việc nôn mửa hay tiêu chảy sẽ làm mất rất nhiều nước của cơ thể vì vậy việc bổ sung nước rất quan trọng để cân bằng lại cơ thể.
  • Bổ sung dung dịch chất điện giải (oresol, hydrite): Nên uống 15-20 muỗng cà phê (50-100ml), trẻ lớn uống từng ngụm 100-200ml sau mỗi lần đi ngoài. Lưu ý pha đúng tỷ lệ hướng dẫn.
  • Không tự ý cho trẻ uống thuốc.
  • Cho trẻ nhập viện nếu có những biểu hiện nặng như: Nôn nhiều, tiêu chảy dữ dội kèm theo máu, quấy khóc không ngừng.

Trẻ bị ngộ độc thực phẩm nên ăn gì?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, một chế độ dinh dưỡng, ăn uống hợp lý cân bằng các thành phần dinh dưỡng, chú trọng bổ sung các thực phẩm tốt sẽ giúp hệ tiêu hoá của trẻ cái thiện và hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị ngộ độc thực phẩm. Và dưới đây sẽ là một số thực phẩm gợi ý cho bố mẹ khỏi băn khoăn về vấn đề “Trẻ bị ngộ độc thực phẩm ăn gì?”.

  • Ăn món mềm, loãng, uống nhiều nước: Bố mẹ nên cho trẻ ăn những món ăn nhiều nước, mềm, loãng như cháo, súp, canh,… vừa giàu chất dinh dưỡng, vừa dễ ăn lại bổ sung được nước và điện giải cho trẻ. 
  • Ăn trái cây: Ưu tiên lựa chọn hoa quả làm xoa dịu dạ dày, giảm cảm giác buồn nôn, thuyên giảm những triệu chứng ngộ độc thực phẩm như táo hay chuối. Thành phần kali có trong chuối giảm cảm giác buồn nôn, dễ tiêu hoá. Mặt khác, táo chứa nhiều pectin. Chất này làm giảm tình trạng ợ nóng, dịu niêm mạc và trào ngược dạ dày. 
  • Nếu trẻ biếng ăn, bố mẹ có thể ép hoa quả và cho trẻ uống nước ép không đường, vừa bổ sung nước, vừa cung cấp nhiều vitamin giúp tăng cường đề kháng. Đặc biệt, nước dừa là điện giải tự nhiên rất tốt cho trẻ.
  • Sữa chua: Một thực phẩm có lợi cho đường tiêu hoá không thể không kể đến sữa chua. Sữa chua sẽ giúp cân bằng hệ đường ruột, tăng cường sức khỏe của miễn dịch tốt. Từ đó, việc hấp thụ được các chất dinh dưỡng trở nên tốt hơn, giúp cho sức đề kháng của cơ thể tốt hơn và sản sinh các kháng thể, thực bào tiêu diệt vi khuẩn, virus giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
  • Ngũ cốc: Ngũ cốc như yến mạch,… chứa nhiều khoáng chất cần thiết, ít chất béo, ít chất xơ nên dễ hấp thu, sự kết dính phân tăng làm sạch đường tiêu hoá. 
  • Bên cạnh đó, bố mẹ có thể cho trẻ sử dụng gừng - một thực phẩm thân thuộc. Chỉ cần thái lát mỏng, ngâm với ít mật ong 1-2 tiếng rồi cho trẻ nhỏ ngậm nuốt, dần dần sẽ xua tan cảm giác buồn nôn, làm dịu dạ dày.
Trẻ bị ngộ độc thực phẩm nên ăn gì? 2 Trẻ bị ngộ độc thực phẩm nên ăn gì là thắc mắc của nhiều bậc phụ huynh

Thực phẩm nên kiêng sau khi ngộ độc thực phẩm

Hệ tiêu hoá đang bị suy yếu nếu ăn phải một số thực phẩm khó tiêu sẽ càng tăng cảm giác khó chịu, chướng bụng. Vì vậy, chọn thực phẩm cho trẻ sau khi bị ngộ độc rất quan trọng. Bố mẹ cần tránh cho trẻ ăn những thực phẩm sau:

  • Những thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng như gà rán, khoai tây chiên,… gây cảm giác khó chịu ở bụng.
  • Đồ uống có gas, cồn, caffeine làm đầy bụng, khó tiêu, tăng nguy cơ mất nước.
  • Tránh sử dụng phô mai, sữa, bơ,… là những chế phẩm từ sữa động vật vài ngày sau khi hết ngộ độc để không bị khó tiêu khi dung nạp lactose. Đối với trẻ đang bú mẹ, sau 6 tiếng, trẻ không còn nôn ói thì mẹ cho con bú lại và chia thành nhiều cữ và uống ít hơn ngày thường. Đối với trẻ bú sữa ngoài là nguồn dinh dưỡng duy nhất của trẻ thì bố mẹ phải pha loãng sữa cho con bú. Đối với trẻ song song bú mẹ và sữa ngoài thì tạm ngưng sữa ngoài, chỉ cho bú mẹ. 
Trẻ bị ngộ độc thực phẩm nên ăn gì? 3 Tránh ăn đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, cay nóng sau khi bị ngộ độc thực phẩm

Sau khi nôn, axit dạ dày xuất hiện ở miệng làm hỏng men răng. Vì vậy, đánh răng lúc này sẽ làm mòn men răng. Bạn chỉ nên súc miệng, không nên đánh răng ít nhất 1 giờ sau nôn. Có thể kết hợp với tắm bằng nước ấm để đánh bay vi khuẩn ở bề mặt cơ thể và làm tinh thần thư giãn, thoải mái.

Khi trẻ bị ngộ độc sẽ rất lười ăn vì cơ thể mệt mỏi. Bố mẹ không nên ép con ăn quá nhiều và hãy kiên nhẫn chiêu dụ trẻ ăn. Khi khỏi bệnh, con sẽ thèm ăn trở lại và ăn được nhiều. Một chế độ dinh dưỡng hợp lí sẽ giúp trẻ hồi phục tốt hơn. Mong rằng bài viết về việc “Trẻ bị ngộ độc thực phẩm nên ăn gì?” giúp bố mẹ không quá lo lắng khi gặp tình huống ngộ độc thực phẩm ở trẻ nhỏ. Hãy theo dõi trang web của Nhà thuốc Long Châu để biết thêm những kiến thức y học hữu ích nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin