Trẻ nổi mề đay bao lâu thì hết? Cách điều trị tại nhà hiệu quả?
Ngày 19/05/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Nổi mề đay ở trẻ em là một tình trạng da liễu phổ biến khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Vậy, trẻ nổi mề đay bao lâu thì hết, đây là câu hỏi mà nhiều cha mẹ thắc mắc khi chứng kiến con mình phải đối mặt với những vết mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu.
Để giải đáp thắc mắc trẻ nổi mề đay bao lâu thì hết thì việc hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị sẽ giúp cha mẹ yên tâm hơn và có thể hỗ trợ con vượt qua giai đoạn khó khăn này một cách nhanh chóng và hiệu quả. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng nổi mề đay ở trẻ, thời gian hồi phục và những biện pháp chăm sóc phù hợp trong bài viết dưới đây.
Nguyên nhân trẻ bị nổi mề đay
Nổi mề đay ở trẻ là hiện tượng cơ thể xuất hiện các nốt phát ban có kích thước khác nhau do hệ thống mao mạch dưới da bị kích ứng bởi một yếu tố nào đó. Tình trạng mề đay được chia thành hai dạng:
Cấp tính: Mề đay cấp tính xuất hiện với các vết mẩn đỏ và ngứa ngáy trong thời gian ngắn, thường dưới 6 tuần, và có khả năng tự khỏi mà không cần can thiệp điều trị.
Mạn tính: Mề đay mạn tính kéo dài trên 6 tuần, với các triệu chứng xuất hiện và tái phát nhiều lần.
Những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nổi mề đay có thể bao gồm:
Thực phẩm: Các loại thực phẩm dễ gây kích ứng da như tôm, cua, các loại hải sản, mắm, sữa, đậu nành,... có thể khiến trẻ bị dị ứng và nổi mề đay.
Tác nhân bên ngoài: Khói, bụi bẩn, khói thuốc lá, phấn hoa, lông thú cưng, vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm,... đều có thể gây kích ứng da dẫn đến nổi mề đay.
Thuốc: Một số loại thuốc có tác dụng phụ dẫn đến nổi mề đay ở trẻ, bao gồm các nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, hoặc kháng sinh.
Thời tiết: Thay đổi thời tiết, đặc biệt là trong những thời kỳ chuyển mùa, khi thời tiết từ ấm sang lạnh, có thể gây ra sự bùng phát của mề đay ở trẻ.
Côn trùng: Côn trùng cắn cũng là một nguyên nhân phổ biến gây mề đay ở trẻ. Khi bị côn trùng cắn hoặc bám vào da, cơ thể trẻ có thể phản ứng bằng các triệu chứng như ngứa, ban đỏ, và đôi khi có thể gây ra các tình trạng như sưng tấy, đau đớn, hoặc thậm chí sốt.
Triệu chứng của nổi mề đay
Dị ứng thực phẩm có thể dẫn đến sốc phản vệ, một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, cần được chăm sóc đặc biệt và khẩn cấp.
Triệu chứng bao gồm: Khó thở, chóng mặt, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, nhịp tim nhanh, cổ họng đau thắt và khàn tiếng. Ngoài ra, nổi mề đay có thể gây phù mạch, làm cho mắt, môi, tay, chân và bộ phận sinh dục sưng, ảnh hưởng đến hô hấp. Nếu thấy trẻ thở khò khè hoặc khó khăn khi thở, cần đưa đi cấp cứu ngay lập tức.
Chúng ta đã cùng tìm hiểu được nguyên nhân và triệu chứng của nổi mề đay ở trẻ. Vậy trẻ nổi mề đay bao lâu thì hết, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua phần tiếp theo.
Trẻ nổi mề đay bao lâu thì hết và cách điều trị tại nhà hiệu quả?
Thời gian trẻ bị nổi mề đay có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra và phản ứng của cơ thể trẻ. Trong trường hợp mề đay cấp tính, triệu chứng thường tự khỏi trong vòng dưới 6 tuần mà không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài hơn 6 tuần hoặc tái phát nhiều lần, trẻ có thể bị mề đay mạn tính, và cần được khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa.
Để giúp trẻ giảm bớt triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu do mề đay gây ra, các bậc phụ huynh cần có các biện pháp hỗ trợ phù hợp. Bên cạnh đó, việc tìm hiểu nguyên nhân và khắc phục triệt để sẽ giúp trẻ nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường.
Phụ huynh có thể áp dụng một số cách sau để cải thiện các triệu chứng mề đay ở trẻ:
Chườm lạnh: Chườm lạnh có tác dụng tích cực đến các mảng hồng ban do mề đay. Dùng khăn mềm bọc đá lạnh hoặc túi chườm, đặt lên những vị trí xuất hiện ban đỏ trong vòng 10 phút, di chuyển nhẹ nhàng sang các vùng da xung quanh và lặp lại vài lần trong ngày. Tuy nhiên, không nên chườm quá lâu và phải kiểm tra nhiệt độ trước khi đặt lên da để tránh gây bỏng lạnh.
Quần áo phù hợp: Cho bé mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, không bó sát người. Chọn chất liệu vải mềm để tránh cọ xát với các nốt mề đay.
Vệ sinh thân thể: Vệ sinh thân thể bé bằng nước ấm, hạn chế sử dụng mỹ phẩm, xà phòng tắm hay lá cây. Khi tắm, nên massage nhẹ nhàng, không chà xát lên các nốt mề đay và không để trẻ ngâm nước quá lâu.
Cho con uống nhiều nước: Uống nhiều nước là một cách hiệu quả để cải thiện dị ứng và giảm mẩn ngứa. Bạn có thể cho bé uống nước lọc hoặc nước ép trái cây để tăng cường hệ miễn dịch và nâng cao khả năng thải độc của cơ thể.
Một số lưu ý khi trẻ bị nổi mề đay
Ngoài việc thực hiện các biện pháp để giảm triệu chứng mề đay, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý đến một số vấn đề sau:
Giữ phòng bé sạch sẽ và thoáng khí: Đảm bảo không gian sống của trẻ luôn sạch sẽ, thoáng mát và loại bỏ những yếu tố có khả năng gây kích ứng da như bụi bẩn, khói thuốc, hoặc phấn hoa. Sử dụng máy lọc không khí nếu cần thiết để duy trì môi trường trong lành.
Hạn chế tiếp xúc với môi trường bên ngoài: Không cho bé chơi trong sân vườn hoặc xung quanh bụi rậm, và hạn chế tiếp xúc với thú cưng để tránh những tác nhân gây kích ứng từ bên ngoài.
Giới hạn tiếp xúc với người lạ: Hạn chế để người lạ chơi hoặc tiếp xúc quá gần với trẻ khi trẻ đang bị nổi mề đay, nhằm giảm nguy cơ nhiễm trùng hoặc tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng khác.
Xử lý mề đay do thuốc: Nếu trẻ nổi mề đay do phản ứng với kháng sinh hoặc bất kỳ loại thuốc nào, cần ngưng thuốc ngay lập tức và tham khảo ý kiến của bác sĩ về các phương pháp thay thế an toàn hơn.
Bổ sung dinh dưỡng: Đảm bảo trẻ nhận đủ dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin C, để tăng cường sức đề kháng. Hạn chế cho trẻ ăn các loại thực phẩm dễ gây kích ứng như hải sản, sữa, hoặc các loại hạt.
Uống nhiều nước: Khuyến khích trẻ uống nhiều nước mỗi ngày để hỗ trợ quá trình thải độc tự nhiên của cơ thể. Bên cạnh nước lọc, có thể cho trẻ uống nước ép trái cây để bổ sung thêm vitamin và khoáng chất.
Thăm khám y tế kịp thời: Nếu triệu chứng mề đay không giảm hoặc có dấu hiệu nghiêm trọng, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và nhận can thiệp điều trị nếu cần thiết.
Không tự ý dùng thuốc: Không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc uống hoặc kem bôi da nào trên trẻ khi chưa được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chỉ định, nhằm bảo đảm an toàn cho sức khỏe của bé.
Trên đây, chúng tôi đã gửi đến quý vị độc giả thông tin về trẻ nổi mề đay bao lâu thì hết. Trẻ nổi mề đay hoàn toàn có thể khắc phục được nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách. Tình trạng này, dù phổ biến, nhưng nếu không được xử lý kịp thời và hiệu quả, có thể gây ra những khó chịu đáng kể cho trẻ và tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn. Do đó, để đảm bảo sức khỏe toàn diện cho con, các bậc phụ huynh cần thực hiện một số biện pháp quan trọng như chúng tôi đã đề cập ở trên.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.