Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Trẻ sơ sinh chậm tăng cân: Nguyên nhân và biện pháp khắc phục

Ngày 18/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các cha mẹ có con nhỏ là tình trạng tăng cân của trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Cân nặng của trẻ sơ sinh sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ bên ngoài và bên trong cơ thể. Vậy nguyên nhân nào khiến trẻ sơ sinh chậm tăng cân và làm thế nào để khắc phục tình trạng này?

Trẻ sơ sinh chậm tăng cân khiến các bậc phụ huynh lo lắng và không biết nguyên nhân do đâu. Trên thực tế có những trẻ sơ sinh không tăng cân hoặc tăng cân chậm nhưng cơ thể vẫn khoẻ mạnh thì không đáng lo ngại. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ sơ sinh chậm tăng cần kèm theo một số biểu hiện chậm phát triển thì cha mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ.

Trẻ sơ sinh chậm tăng cân do đâu?

Cân nặng là một chỉ số để đánh giá sự phát triển của trẻ sơ sinh và có sự khác nhau giữa các quốc gia. Một trong các vấn nổi bật về sự bất thường ở trẻ sơ sinh là tình trạng chậm tăng cân, nghĩa là tốc độ tăng cân của trẻ chậm hơn so với những trẻ có cùng độ tuổi và giới tính. Vậy nguyên nhân nào khiến trẻ sơ sinh chậm tăng cân?

Thực tế, mỗi em bé sơ sinh sẽ có nhịp độ phát triển không giống nhau nên tốc độ tăng cân của trẻ cũng khác nhau. Thông thường, ở trẻ sơ sinh sẽ xảy ra hiện tượng giảm cân sinh lý (sụt khoảng 5 - 10%) ở tuần đầu tiên nên cha mẹ không cần quá lo lắng. Bước sang tuần tuổi thứ 2, trọng lượng cơ thể của trẻ bắt đầu tăng với các mức độ khác. Tuy nhiên, nếu trẻ sơ sinh chậm tăng cân thì cha mẹ cần tìm hiểu rõ ràng về nguyên nhân gây ra. Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến hiện tượng trẻ sơ sinh chậm tăng cân là:

Trẻ sinh thiếu tháng

Những trẻ sinh non có cân nặng dưới 2500g thường có tốc độ tăng cân chậm hơn so với những trẻ sinh đủ tháng và bình thường. Hơn nữa, sức đề kháng của trẻ sinh non thường kém nên dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài môi trường và gây ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng về cân nặng.

Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng trẻ sơ sinh chậm tăng cân? Biện pháp khắc phục  1
Trẻ sinh non là một nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh chậm tăng cân

Trẻ mắc dị tật bẩm sinh

Đối với những trẻ mắc phải một số dị tật bẩm sinh như sứt môi và hở hàm ếch, dính phanh lưỡi… sẽ làm hạn chế khả năng bú sữa mẹ hay bú bình. Đây chính là nguyên nhân khiến cơ thể của trẻ sơ sinh không được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, từ đó làm ảnh hưởng đến quá trình tăng cân và khiến trẻ sơ sinh chậm tăng cân.

Khả năng hấp thu dưỡng chất kém

Ở những trẻ sơ sinh có cơ địa hấp thu chất dinh dưỡng kém từ sữa mẹ, sữa công thức hoặc đồ ăn dặm thì rất khó để tăng cân nhanh. Bên cạnh đó, sự mất cân bằng giữa các chất trong cơ thể hoặc cơ thể không tiêu thụ năng lượng cũng là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh chậm tăng cân.

Trẻ lười bú sữa

Đối với những trẻ nhận dinh dưỡng hoàn toàn từ sữa mẹ, nếu lượng sữa mẹ tiết ra không đủ (do stress hay một tác nhân nào đó) thì bé sẽ không có đủ sữa để bú mỗi ngày. Điều này có thể khiến trẻ lười bú hoặc bú ít đi, từ đó khiến cân nặng của bé tăng chậm lại hoặc không tăng.

Hệ tiêu hoá gặp vấn đề

Một trong những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ sơ sinh chậm tăng cân là do hệ tiêu hoá gặp phải các vấn đề như trào ngược dạ dày, táo bón, tiêu chảy, khả năng dung nạp lactose kém… Hơn nữa, nếu các tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ tổng thể và sự phát triển toàn diện của bé.

Khẩu phần ăn của mẹ không đầy đủ các chất dinh dưỡng

Nguồn dinh dưỡng chính của trẻ sơ sinh là sữa mẹ. Do đó, nếu chế độ ăn uống của mẹ không đầy đủ các chất dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất, protein… thì không chỉ khiến cho trẻ chậm tăng cân mà còn làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng, còi xương hay chậm phát triển ở trẻ.

Trẻ sơ sinh bị mắc bệnh

Một số bệnh lý có thể khiến trẻ sơ sinh chậm tăng cân hoặc không tăng cân như bệnh thiếu máu, bệnh tim mạch, rối loạn trao đổi chất… Do đó, cha mẹ cần quan sát và theo dõi kỹ các biểu hiện của trẻ để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và đưa bé đến gặp bác sĩ.

Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng trẻ sơ sinh chậm tăng cân? Biện pháp khắc phục  2
Trẻ sơ sinh mắc bệnh thiếu máu cũng làm cân nặng chậm tăng hoặc không tăng

Nhận biết trẻ sơ sinh chậm tăng cân như thế nào?

Theo các chuyên gia, mỗi một trẻ sơ sinh sẽ có tốc độ phát triển khác nhau về cả thế chất và tinh thần. Về cân nặng, trong tháng đầu sau sinh thì có trẻ tăng cân nhanh, tuy nhiên có trẻ lại tăng cân rất chậm. Đây chính là nguyên nhân khiến cha mẹ gặp khó khăn trong việc theo dõi và nhận biết dấu hiện trẻ bị chậm tăng cân do các vấn đề về sức khoẻ.

Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh chậm tăng cân mà các chuyên gia đưa ra để giúp cha mẹ theo dõi sự phát triển của con, cụ thể như sau:

  • Trẻ sơ sinh thường bị giảm cân sinh lý trong 14 ngày đầu sau sinh nhưng mức cân này sẽ nhanh chóng được lấy lại. Tuy nhiên, nếu cân nặng của trẻ sơ sinh không được như ban đầu sau 2 tuần sau sinh thì đây chính là một dấu hiệu cho biết trẻ bị chậm tăng cân.
  • Chỉ số BMI: Nếu trẻ có chỉ số BMI <= 2 thì có nghĩa là trẻ tăng cân rất chậm.
  • Trẻ bị nôn trớ sau khi bú.
  • Trẻ bị tiêu chảy.
  • Trẻ hay quấy khóc, bú ít hoặc bỏ bú, đòi ăn liên tục hoặc ngủ không ngon giấc.

Hiện tượng tăng cân chậm ở trẻ sơ sinh có thể do nhiều nguyên nhân gây ra và gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Do đó, cha mẹ cần lắm rõ các dấu hiệu của tình trạng tăng cân chậm ở trẻ để theo dõi trẻ tốt hơn và đưa con đến gặp bác sĩ kịp thời.

Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng trẻ sơ sinh chậm tăng cân? Biện pháp khắc phục  3
Nôn trớ sau khi bú là một dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh chậm tăng cân

Làm thế nào để khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh chậm tăng cân?

Trẻ sơ sinh chậm tăng cân là một vấn đề gây ra nhiều lo lắng cho các cha mẹ. Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng này ở trẻ? Dưới đây là một số biện pháp khắc phục mà cha mẹ có thể tham khảo khi có con bị chậm tăng cân, cụ thể như sau:

  • Cho trẻ bú đúng cách: Khi cho con bú, mẹ cần đảm bảo bé đã ngậm ti đúng tư thế để giúp trẻ bú được nhiều sữa mà không bị sặc. Đối với trẻ bú bình, mẹ nên sử dụng núm bình thích hợp để hỗ trợ trẻ bú sữa dễ dàng hơn.
  • Thời gian bú hợp lý: Mẹ cần đảm bảo trẻ được nhận đầy đủ lượng sữa cần thiết mỗi ngày và thời gian bú hợp lý. Do đó, mẹ nên cho trẻ sơ sinh bú từ 8 - 10 cữ mỗi ngày (bao gồm cả ban đêm) và cách 2 - 3 giờ/cữ.
  • Thường xuyên massage bụng trẻ: Việc massage bụng cho trẻ thường xuyên sẽ giúp hệ tiêu hoá của con hoạt động tốt hơn, hạn chế tình trạng ợ sữa, trớ sữa…
  • Chú ý đến thời gian ngủ của trẻ: Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh thường dao động từ 16 - 18 tiếng/ngày trong mấy tháng đầu sau sinh. Do đó, sự phát triển của trẻ trong giai đoạn này sẽ diễn ra trong thời gian bé ngủ. Do vậy, mẹ hãy giúp con được ngủ ngon giấc, ngủ đúng giờ và đủ giấc nếu muốn bé được tăng cân.
  • Cải thiện chất lượng sữa mẹ: Mẹ nên đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể trong thai kỳ và trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ.
  • Không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm: Mẹ nên cho nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu sau sinh. Sau đó, kết hợp cho bé bú sữa mẹ và ăn dặm với sữa bột hoặc thức ăn xay nhuyễn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con.
  • Theo dõi sự phát triển của trẻ: Cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ các mốc phát triển con để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường, từ đó đưa trẻ đến gắp bác sĩ sớm nhất có thể để được thăm khám và khắc phục ngay.
Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng trẻ sơ sinh chậm tăng cân? Biện pháp khắc phục  4
Cho bé bú đúng cách là một biện pháp khắc phục hiệu quả tình trạng chậm tăng cân ở trẻ

Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết đã giúp cha mẹ nắm được các nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh chậm tăng cân và các biện pháp khắc phục hiệu quả. Trẻ sơ sinh chậm tăng cân có thể do các yếu tố từ bên ngoài hoặc bên trong cơ thể. Do đó, nếu trẻ không tăng cân hoặc chậm tăng cân trong một vài tháng, mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để tìm ra nguyên nhân chính xác.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm