Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Trĩ hỗn hợp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 03/01/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trĩ hỗn hợp xảy ra khi người bệnh mắc đồng thời cả trĩ nội lẫn trĩ ngoại. Bệnh trĩ hỗn hợp ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Nếu không được điều trị sớm, búi trĩ sẽ ngày càng phát triển, khiến nguy cơ xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng ngày càng tăng.

So với trĩ nội và trĩ ngoại, trĩ hỗn hợp được đánh giá có mức độ nguy hiểm cao nhất. Vậy trĩ hỗn hợp là bệnh gì? Dấu hiệu nhận biết của bệnh và phương pháp điều trị bệnh hiện nay như thế nào? Hãy tìm hiểu thông tin về căn bệnh này trong bài viết dưới đây.

Trĩ hỗn hợp là bệnh gì?

Tình trạng người bệnh mắc đồng thời cả trĩ nội và trĩ ngoại gọi là trĩ hỗn hợp. Loại trĩ này do búi trĩ nội sa xuống dưới, dính lại với khối trĩ ngoại ở bên ngoài để tạo thành một khối dài từ ống hậu môn ra ngoài hậu môn.

Do đây là sự kết hợp giữa hai loại trĩ nên thường phải kết hợp cả điều trị nội khoa và ngoại khoa mới đạt được hiệu quả tối ưu.

Dựa trên sự phát triển của búi trĩ, bệnh trĩ hỗn hợp được chia thành 4 cấp độ:

  • Cấp độ 1: Đây là giai đoạn khởi đầu của trĩ, búi trĩ nổi lên ở trong ống hậu môn và cương to lên khi đại tiện hoặc rặn nhưng chưa lòi ra khỏi hậu môn, dễ gây chảy máu.
  • Cấp độ 2: Kích thước búi trĩ to rõ rệt, búi trĩ lòi ra khỏi hậu môn khi đại tiện hoặc rặn, tự co vào được khi thôi rặn, có chảy máu hậu môn.
  • Cấp độ 3: Khi gắng sức hoặc rặn, các búi trĩ sa ra ngoài và không tự co vào được, phải đẩy lên mới vào. Có búi trĩ phụ, gây chảy máu hậu môn, dẫn đến thiếu máu.
  • Cấp độ 4: Các búi trĩ lớn gồm búi chính và búi phụ, sa thường xuyên ra ngoài ống hậu môn. Các búi trĩ liên kết với nhau tạo thành vòng trĩ, chảy máu gây thiếu máu mạn tính.
Trĩ hỗn hợp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 1
Trĩ hỗn hợp là tình trạng người bệnh mắc đồng thời cả trĩ nội và trĩ ngoại

Nguyên nhân của bệnh trĩ hỗn hợp

Nguyên nhân gây bệnh trĩ nộitrĩ ngoại tương tự nhau nên một số người bệnh có thể bị cả hai loại cùng lúc. Nguyên nhân chính gây ra bệnh trĩ là do áp lực tăng lên ở hậu môn và tăng ở ổ bụng. Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ bị trĩ gồm:

  • Người ít vận động, ngồi nhiều;
  • Thai kỳ;
  • Táo bón;
  • Tiêu chảy;
  • Thói quen ngồi quá lâu trong nhà vệ sinh.

Nếu những nguyên nhân này vẫn xảy ra mà không có biện pháp xử trí, bệnh trở nặng và xuất hiện các biến chứng như trĩ sa nghẹt ở trĩ nội hoặc tắc mạch ở trĩ ngoại khiến quá trình điều trị trở nên khó khăn hơn.

Các dấu hiệu nhận biết bệnh trĩ hỗn hợp

Khi bị trĩ hỗn hợp, người bệnh sẽ có đồng thời cả dấu hiệu của trĩ nội và trĩ ngoại, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt. Sau đây là các dấu hiệu điển hình của bệnh trĩ hỗn hợp gồm:

Đại tiện ra máu

Mỗi lần đi đại tiện, người bệnh thường bị chảy máu màu đỏ tươi. Bệnh càng nặng, máu chảy thành giọt hoặc thành tia. Chảy máu quá nhiều dẫn đến thiếu máu với các biểu hiện như da vàng, da xanh, chóng mặt mỗi khi vận động,…

Trĩ hỗn hợp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 2
Người bệnh thường bị chảy máu màu đỏ tươi mỗi lần đi đại tiện

Chảy dịch nhầy ở hậu môn

Khi bệnh trĩ hỗn hợp ở giai đoạn nặng, vùng hậu môn của người bệnh luôn bị ẩm ướt, thậm chí còn có mùi hôi.

Đau rát và ngứa ở hậu môn

Người bệnh sẽ có cảm giác ngứa, vướng, khó chịu do dịch nhầy chảy ra ngoài hậu môn. Một vài trường hợp còn bị nứt kẽ hậu môn. Tình trạng trĩ hỗn hợp kết hợp với bị táo bón sẽ khiến cho hậu môn bị trầy xước, đau rát, nóng khi đi đại tiện.

Sa búi trĩ ra bên ngoài

Tùy từng mức độ, búi trĩ có thể tự động co vào hoặc người bệnh phải dùng tay đẩy búi trĩ vào trong. Với trường hợp nặng, người bệnh không thể đẩy búi trĩ vào phía trong hậu môn được.

Bệnh trĩ hỗn hợp nguy hiểm thế nào?

Do trĩ hỗn hợp là sự kết hợp đồng thời cả trĩ nội và trĩ ngoại nên mang tính chất phức tạp hơn so với bị một loai trĩ. Các biến chứng sẽ khác nhau tùy vào mức độ bệnh:

Nhiễm trùng hậu môn: Người bệnh bị nhiễm trùng, sưng và viêm nhiễm vùng niêm mạc dưới quanh hậu môn, có thể bị bội nhiễm, thậm chí còn hoại tử hậu môn nếu không được điều trị ngay.

Đau đớn: Trĩ hỗn hợp ở cấp độ càng nặng dẫn đến bị tắc nghẽn búi trĩ gây đau đớn, viêm nhiễm ở hậu môn, nhất là mỗi lần đại tiện.

Thiếu máu: Bệnh trĩ gây chảy máu lâu ngày sẽ khiến người bệnh bị thiếu máu cục bộ với các triệu chứng như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt,...

Trĩ hỗn hợp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 3
Chảy máu do bệnh trĩ lâu ngày sẽ khiến người bệnh bị thiếu máu cục bộ

Sa nghẹt búi trĩ: Các tĩnh mạch ở hậu môn dễ bị chèn ép do búi trĩ bị đẩy ra ngoài, máu bơm vào búi trĩ không ra bên ngoài được khiến búi trĩ ngày càng phù nề, sưng to và có các cục máu đông.

Viêm nhiễm phụ khoa: Nữ giới bị trĩ hỗn hợp dễ bị viêm nhiễm phụ khoa vì âm đạo nằm gần hậu môn. Khi trĩ làm viêm nhiễm hậu môn, nếu không được vệ sinh sạch sẽ rất dễ tạo môi trường cho vi khuẩn, vi nấm tấn công gây viêm nhiễm phụ khoa.

Phương pháp điều trị bệnh trĩ hỗn hợp như thế nào?

Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị trĩ hỗn hợp phù hợp tùy vào mức độ bệnh của từng bệnh nhân:

Điều trị nội khoa

Bác sĩ sẽ kê đơn một số loại thuốc như:

  • Thuốc tăng trương lực tĩnh mạch: Tăng tính bền vững của thành mạch.
  • Thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, nhuận tràng: Cải thiện tình trạng bị tắc mạch, phù nề.
  • Thuốc dùng tại chỗ gồm thuốc dạng viên đạn đặt hậu môn Avenoc, thuốc bôi dạng mỡ Proctolog,...

Điều trị ngoại khoa

Thắt búi trĩ: Thắt chặt gốc búi trĩ bằng vòng cao su, ngăn máu lưu thông nuôi búi trĩ, làm cho búi trĩ teo dần và bị hoại tử. 

Tiêm xơ búi trĩ: Dùng hóa chất để gây xơ hóa, khiến cho búi trĩ tự động teo lại do không còn khả năng tiếp nhận máu.

Đốt sóng cao tần HCPT: Dùng sóng điện từ cao tần làm đông mạch máu nuôi búi trĩ, kéo búi trĩ xuống rồi, cắt bỏ búi trĩ bằng dao điện.

Cắt trĩ bằng laser: Dùng chùm tia laser chiếu vào búi trĩ để teo lại rồi cắt đứt.

Phẫu thuật cắt trĩ Longo: Kéo búi trĩ lên cao rồi cắt nguồn máu nuôi búi trĩ, búi trĩ sẽ teo dần và có thể loại bỏ được búi trĩ hoàn toàn.

Biện pháp chăm sóc tại nhà

Khi người bệnh áp dụng các phương pháp điều trị bảo tồn, các triệu chứng của trĩ hỗn hợp có thể thuyên giảm. Việc thay đổi chế độ ăn uống, thay đổi lối sống kết hợp với chăm sóc tại nhà đúng cách sẽ giúp làm dịu các triệu chứng. Để cải thiện các triệu chứng bệnh, bác sĩ có thể khuyên bạn thực hiện một số điều dưới đây:

  • Trong chế độ ăn uống của người bệnh cần tăng cường bổ sung chất xơ, tốt nhất nên bổ sung 20 - 35g chất xơ mỗi ngày bằng cách ăn nhiều trái cây, rau. Bổ sung chất xơ còn có tác dụng điều chỉnh thói quen đại tiện của người bệnh, đảm bảo dễ đi đại tiện hơn;
  • Uống nhiều nước;
  • Ngồi ít, nên đi lại, vận động nhiều hơn.
Trĩ hỗn hợp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Uống nhiều nước có thể làm thuyên giảm triệu chứng của trĩ

Tóm lại, trĩ hỗn hợp là bệnh lý phức tạp, cần được điều trị sớm, tránh gây ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm. Người bệnh không nên e ngại khi mắc bệnh nhạy cảm này mà không đi khám và điều trị. 

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm