Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Trĩ ngoại là gì? Nguyên nhân gây bệnh, nguyên tắc điều trị và phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trĩ là bệnh có tỷ lệ mắc cao trong cộng đồng, chiếm khoảng 55 – 86%. Thường gặp ở người lao động tĩnh tại, táo bón kéo dài. Các triệu chứng bao gồm đau và chảy máu, thường gây đau đớn cho người bệnh. Bệnh trĩ chẳng những gây ra các phiền toái trong sinh hoạt của người bệnh mà trĩ ngoại còn là mối nguy hại của bệnh nhân nếu không được điều trị đúng lúc.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Trĩ ngoại là gì? 

Trĩ ngoại là bệnh liên quan đến các tĩnh mạch giãn của đám rối trĩ ở bên ngoài ống hậu môn. Nếu búi trĩ thuộc tĩnh mạch trĩ trên gọi là trĩ nội và cuống mạch nằm trên đường lược. Trĩ ngoại là trường hợp người có búi trĩ nằm phía dưới đường lược, lòi ra khỏi ống hậu môn và được phủ bởi biểu mô vảy. Người bệnh có thể nhìn ngoài thấy búi trĩ bằng mắt thường. Khi mắc trĩ ngoại thì búi trĩ không thể tự thụt vào bên trong hậu môn được như trĩ nội. Người mắc trĩ ngoại thường không (hoặc ít) chảy máu nhưng chúng có thể trở nên đau đớn nếu hình thành cục máu đông. Gần ba trong số bốn người trưởng thành thỉnh thoảng sẽ bị bệnh trĩ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của trĩ ngoại 

Trĩ ngoại thường gây ngứa khó chịu. Tuy nhiên, hơn nửa số người mắc bệnh trĩ không có các triệu chứng.

Ba triệu chứng thường gặp:

  • Đi ngoài ra máu đỏ tươi (ít gặp): Máu thường có màu đỏ tươi vì nó thường chảy máu trực tiếp từ búi trĩ chứ không phải bất cứ nơi nào khác trong đường tiêu hóa. Mức độ chảy máu có thể chảy nhiều cũng có thể rất ít. Phần máu và phần phân không hòa lẫn vào nhau, phân vẫn giữ màu sắc bình thường và máu thường phủ lên ngoài phân. 

  • Trĩ lâu ngày điều trị sưng to, đôi khi để lại nhiều biến chứng làm tăng cảm giác khó chịu ở hậu môn như ngứa ngáy khó chịu, và có thể chảy dịch.

  • 15% số bệnh nhân có những đợt tắc mạch, biểu hiện là các huyết khối màu xanh tím trên da.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh trĩ ngoại 

Chảy máu kéo dài gây nên tình trạng thiếu máu: Là biến chứng hay gặp, nhiều bệnh nhân đến viện với các triệu chứng thiếu máu nặng.

Huyết khối búi trĩ: Tình trạng tắc mạch búi trĩ dẫn đến búi trĩ sưng to và có cục máu đông bên trong, dẫn đến cảm giác đau và sốt cho người bệnh. Mặc dù không nguy hiểm nhưng đôi khi cần phải rạch và dẫn lưu.

Các biến chứng khác có thể gặp như: Ung thư hậu môn, ung thư đại tràng, bệnh viêm ruột, Áp xe xung quanh hậu môn,...

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh trĩ ngoại hiếm khi nguy hiểm. Nếu bạn bị chảy máu khi đi tiêu hoặc bạn bị bệnh trĩ không cải thiện sau một tuần chăm sóc tại nhà, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ. 

Đừng cho rằng chảy máu trực tràng là do bệnh trĩ, đặc biệt nếu bạn có những thay đổi trong thói quen đại tiện hoặc nếu phân của bạn thay đổi màu sắc hoặc độ đặc. Liên hệ với bác sĩ khẩn cấp nếu bạn bị chảy máu trực tràng với số lượng lớn, choáng váng, chóng mặt hoặc ngất xỉu.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến trĩ ngoại 

  • Nguyên nhân gây ra trĩ phần lớn do rối loạn chức năng của hậu môn – trực tràng: Thải phân như táo bón hoặc tiêu chảy hay hội chứng lỵ. 

  • Không vệ sinh hậu môn đúng cách: Viêm nhiễm tại hậu môn khiến cho tĩnh mạch bị xơ hóa, suy yếu, mà mất đi khả năng co giãn. 

  • Chế độ dinh dưỡng không khoa học. 

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) trĩ ngoại ?

Bệnh trĩ chiếm khoảng 45 – 50% dân số, thường gặp ở người trên 50 tuổi. Trĩ thường gặp ở đa số người lớn tuổi, nam gặp nhiều hơn nữ.

  • Béo phì.

  • Nếu tiền sử gia đình bạn đã từng mắc bệnh trĩ, bạn cũng có nhiều khả năng mắc bệnh này. Bệnh trĩ cũng có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai.

  • Người đứng hoặc ngồi  nhiều trong thời gian dài cũng có nguy cơ cao hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) trĩ ngoại 

  • Di truyền.

  • Phụ nữ mang thai. 

  • Thừa cân và béo phì, chế độ ăn ít chất xơ.

  • Quan hệ tình dục qua đường hậu môn.

  • Gia tăng áp lực ổ bụng gặp trong những người có công việc phải đứng lâu hay ngồi lâu (bảo vệ, cảnh sát giao thông, giáo viên,…); Lái xe nhiều giờ trong ngày (tài xế); ho, khuân vác gắng sức,…

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán trĩ ngoại 

Để chẩn đoán bệnh trĩ ngoại, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử sức khỏe và các triệu chứng của bạn. Chẩn đoán và phân độ bệnh trĩ tương đối đơn giản dựa vào thăm khám hậu môn và soi trực tràng. Trong quá trình thăm khám hậu môn, bác sĩ sẽ đưa ngón tay đã đeo găng và bôi trơn vào hậu môn của bạn. Ngoài khám lâm sàng, bác sĩ điều trị có thể yêu cầu bạn làm thêm một số xét nghiệm như: 

Công thức máu giảm khi trĩ chảy máu kéo dài.

Đông máu: Thường là bình thường.

Nếu bạn bị chảy máu đại tràng, bác sĩ có thể yêu cầu bạn nội soi đại tràng để loại trừ ung thư đại trực tràng.

Phương pháp điều trị trĩ ngoại hiệu quả

Điều trị triệu chứng thường chỉ định cho tất cả các trường hợp trĩ, bao gồm: Làm mềm phân (docusate, psyllium), ngâm hậu môn trong nước ấm nhiều lần trong ngày (> 6 lần/ngày), mỗi lần khoảng 5 - 10 phút hoặc sau mỗi lần đại tiện khi cần. 

Điều trị nội khoa:

Y học chứng cứ ghi nhận các thuốc tăng cường thành tĩnh mạch làm giảm các triệu chứng của trĩ, dựa trên nghiên cứu ngẫu nhiên. Sử dụng các thuốc tăng cường thành tĩnh mạch là lựa chọn đầu tiên trong điều trị trĩ: Nhóm flavonoid chứa Diosmin và Hesperidin (Daflon 500 mg). 

Trĩ cấp: 2 viên x 3 lần/ngày x 4 ngày. Sau đó giảm xuống 2 viên x 2 lần/ngày x 3 ngày.

Liều duy trì: 1 viên x 2 lần/ngày.

Thuốc chống táo bón: Forlax 1 gói x 2 (x3) lần/ngày hoặc Sorbitol 1 gói x 3 lần/ngày. Khi sử dụng thuốc chống táo bón, nên sử dụng thuốc tạo khối phân tránh sử dụng thuốc nhuận tràng, tẩy xổ, bệnh nhân phải tăng cường lượng nước uống.

Dung thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hoặc paracetamol để giảm đau và khó chịu. Thuốc kháng viêm, giảm đau: Paracetamol 500mg: 1 viên x 3 lần/ngày, Diclofenac 50mg: 1 viên x 3 lần/ngày hoặc Mobic 7,5mg (Meloxicam): 1 viên x 2 lần/ngày hoặc Ultracet (Paracetamol + Tramadol): 1 viên x 3 lần/ngày.

Thuốc kháng sinh: 

Augmentin 1g x 2 lần/ngày hay các thuốc cùng nhóm tương tự (Curam, Unasyn).

Nhóm Fluoroquinolon (Ciprofloxacin, Ofloxacin): Cipro 0,5g x 2 lần/ngày.

Nhóm Cephalosporin II (Cefuroxim): Zinnat 0,5g x 2 lần/ngày.

Thuốc tọa dược kem bôi tại chỗ, chẳng hạn như nước cây phỉ hay hydrocortisone, giúp giảm ngứa. Thường được sử dụng với thuốc tăng cường thành tĩnh mạch nhưng chưa có công trình nghiên cứu nào chứng minh hiệu quả và y học chứng cứ ghi nhận.

Điều trị ngoại khoa: 

Có hai loại phẫu thuật cho bệnh trĩ ngoại:

Phẫu thuật Longo là phương pháp phẫu thuật sử dụng máy cắt nối tự động niêm mạc trực tràng, nhằm treo các búi trĩ vào hậu môn, đảm bảo chức năng sinh lý của búi trĩ. Chỉ định cho trĩ độ III hoặc IV; trĩ hỗn hợp có tạo vòng.

Phẫu thuật cắt trĩ phương pháp Milligan – Morgan là phương pháp phẫu thuật ứng dụng nhiều nhất nhằm cắt bỏ từng búi trĩ riêng rẽ, trước khi cắt phải thấy tam giác trình bày da niêm. Cố gắng chừa cầu da niêm để tránh hẹp hậu môn, nhất là trĩ vòng. Chỉ định cho trĩ độ III, IV, trĩ hỗn hợp; trĩ ngoại tắc mạch, huyết khối; trĩ đã điều trị bằng phương pháp khác thất bại,…

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của trĩ ngoại 

Chế độ sinh hoạt:

  • Ngâm hậu môn bằng nước ấm có hoặc không pha muối hoặc betadin. Làm sạch hậu môn nhẹ nhàng sau khi đi tiêu, thường bằng cách sử dụng khăn ướt hoặc miếng bông.

  • Rửa vết mổ hàng ngày tại cơ sở y tế.

  • Bệnh nhân nên tập thể dục, hạn chế các công việc nặng nhọc, các tác động mạnh làm tăng áp lực trong ổ bụng, tránh ngồi lâu, tránh đứng nhiều.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn uống nhiều chất xơ, dễ tiêu (rau, chuối, khoai tây,…) giúp ngăn ngừa táo bón và làm giảm triệu chứng của bệnh trĩ.

  • Uống nhiều nước.

  • Cữ ăn chất cay (tiêu, ớt).

  • Không uống rượu bia.

Phương pháp phòng ngừa trĩ ngoại hiệu quả

Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh trĩ là giữ cho phân của bạn mềm để chúng dễ dàng đi qua. Để ngăn ngừa bệnh trĩ và giảm các triệu chứng của bệnh trĩ, hãy làm theo các mẹo sau:

  • Hạn chế đứng lâu, ngồi lâu: Nghỉ ngơi giữa giờ khoảng 15 phút sau 45 phút làm việc, nằm gác chân cao.

  • Tham gia hoạt động thể chất thường xuyên.

  • Tập thói quen đi cầu mỗi ngày đúng giờ nhất định (1 lần/ngày).

  • Ăn nhiều rau quả tươi và chất xơ (như trái cây tươi, rau, bánh mì nguyên hạt và ngũ cốc) tránh táo bón. Uống nhiều nước. Uống sáu đến tám ly nước và các chất lỏng khác (không phải rượu) mỗi ngày để giúp phân mềm.

  • Vệ sinh tốt vùng hậu môn.

  • Đừng căng thẳng khi cố gắng đi đại tiện. Dành khoảng thời gian ngắn nhất có thể để ngồi trong nhà vệ sinh.

Nguồn tham khảo
  1. MSDmanuals: https://www.msdmanuals.com/vi/
  • Quyết định số 4068/QĐ-BYT ngày 29/7/2016 của Bộ Y tế về việc ban hành Quy trình chuyên môn của 26 bệnh thường gặp. 
  • Trường đại học Y Hà Nội; (2012) Bệnh học nội khoa, Nhà xuất bản Y học.

Các bệnh liên quan

  1. Tiểu đường tuýp 3

  2. Khô khớp

  3. Hoại tử ống thận cấp (ATN)

  4. Sốt

  5. Viêm hậu môn

  6. Đau vú

  7. Sán dây lợn

  8. Viêm

  9. Lỵ trực khuẩn

  10. Ung thư âm đạo