Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Trĩ nội: Tổng quan toàn diện những điều cần biết về bệnh trĩ nội

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh trĩ được xem là bệnh về hậu môn trực tràng khá phổ biến nhưng chưa được mọi người quan tâm đúng cách. Trong đó, tình trạng trĩ nội lúc đầu khó nhận biết nên khi phát hiện thì bệnh thường rơi vào giai đoạn muộn khiến việc điều trị hiệu quả không cao. Vì vậy, việc tìm hiểu thông tin toàn diện về bệnh trĩ nội giúp chúng ta phát hiện bệnh và điều trị hiệu quả, kịp thời.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Trĩ nội là gì? 

Bệnh trĩ là tình trạng giãn tĩnh mạch quá mức ở đám rối vùng hậu môn trực tràng.  Giai đoạn đầu, búi trĩ chỉ là phần thịt bị phình ra, nằm ở vị trí  dưới đường lược, bệnh phát triển về sau phần thịt thừa to dần ra và bị sa ra ngoài.

Người ta phân chia trĩ nội hay trĩ ngoại phụ thuộc vào vị trí của búi trĩ nằm ở phía trên hay dưới đường lược của ống hậu môn. Trĩ nội là bệnh trĩ có búi trĩ nằm  trên đường lược và được lót bằng niêm mạc trực tràng. Bình thường lúc đầu nó không gây cảm giác đau đớn, chỉ khi đi cầu sẽ có hiện tượng chảy máu,  đau rát hoặc chảy dịch và cảm giác nặng ở hậu môn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của trĩ nội

Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh, các triệu chứng của bệnh trĩ nội có thể bao gồm:

  • Sau khi đi đại tiện chảy máu hậu môn, máu có thể thấy trên giấy lau hoặc trong bồn cầu vệ sinh. Bệnh nhân cảm thấy khó chịu khi đi vệ sinh nhưng không đau như loại trĩ ngoại tắc mạch.

  • Thỉnh thoảng trĩ nội có thể tiết dịch  nhầy, gây ẩm ướt hậu môn.

  • Đi đại tiện không hết và cảm giác nặng bụng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh trĩ nội và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến trĩ nội

Bệnh trĩ nội xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như:

  • Do tình trạng giãn tĩnh mạch hậu môn trực tràng có thể đến từ nguyên nhân tăng áp lực tĩnh mạch do thành tĩnh mạch yếu. Điều này dẫn đến ống hậu môn bị thu hẹp lại khiến việc đẩy phân ra ngoài gây khó khăn cho bệnh nhân.

  • Rối loạn tiêu hóa khiến vùng hậu môn bị nóng, lạnh quá mức dẫn đến phần hậu môn trực tràng bị kích thích gây trĩ. 

  • Một số đối tượng như phụ nữ mang thai, người  có khối u  ổ bụng có sự gia tăng áp lực vùng bụng, lâu ngày dẫn đến trĩ.

  • Một số thói quen sinh hoạt không tốt như  nhịn đi vệ sinh, lười vận động, ngồi một chỗ quá lâu… ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại dễ gây bệnh trĩ.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải trĩ nội?

Một số đối tượng sau đây có khả năng mắc bệnh trĩ cao hơn so với người bình thường: 

  • Phụ nữ mang thai, người lười vận động.

  • Độ tuổi phổ biến bệnh này nằm ở giai đoạn 45 đến 65 tuổi.

  • Người dân vùng Địa Trung Hải, Bắc Phi, người Do thái có nguy cơ bị  bệnh trĩ cao hơn so với người dân vùng khác.

  • Gia đình có tiền sử bị bệnh trĩ.

  • Người gặp các bệnh rối loạn chuyển hóa như: Béo phì, đái đường, Goutte.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải trĩ nội

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc trĩ nội, bao gồm: 

  • Các vấn đề về tiêu hóa và đường ruột như táo bón, lỵ mót rặn nhiều, tiêu chảy.

  • Các giai đoạn sinh lý hay gặp ở phụ nữ như  kinh nguyệt, mang thai, mãn kinh…

  • Tập thể dục thể thao quá sức gây mất cân bằng hoạt động ở vùng hậu môn trực tràng.

  • Ăn uống không đúng cách như ăn uống quá no, ăn ít chất xơ, uống nhiều rượu, bia, cà phê.

  • Tác dụng phụ và dị ứng của một số thuốc đang dùng. 

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán trĩ nội

Hầu hết bệnh trĩ đều được soi hậu môn hoặc nội soi đại tràng sigma hoặc đại tràng toàn bộ để quan sát tình trạng hậu môn và trực tràng, từ đó đánh giá phân loại bệnh trĩ một cách chính xác. Trĩ nội có bốn cấp độ sau đây:

  • Trĩ nội độ I: Trĩ  nằm phía trong, chưa bị đẩy ra ngoài hậu môn. Dấu hiệu bên ngoài chưa thấy rõ chỉ khi khám trực tràng và soi hậu môn mới thấy rõ.

  • Trĩ nội độ II: Khi rặn đi đại tiện thấy búi trĩ sa ra ngoài nhưng sau đi vệ sinh xong thì tự thụt vào trong hậu môn. Khi khám, soi trực tràng hậu môn có thể thấy rõ ranh giới búi trĩ.

  • Trĩ nội độ III: Khi rặn đi đại tiện búi trĩ sa ra ngoài hậu môn, không tự thụt vào được mà phải đẩy búi trĩ mới vào. Lúc này máu trong hậu môn bắt đầu chảy ra ngoài.

  • Trĩ nội độ IV:  Búi trĩ nằm ở ngoài hậu môn thường xuyên dù có đẩy cũng không vào và kèm theo dấu hiệu viêm nhiễm.

Phương pháp điều trị trĩ nội hiệu quả

Điều trị làm giảm triệu chứng:

Dùng các chất làm  làm mềm phân như docusate, psyllium.

Sau mỗi lần đi đại tiện, ngâm hậu môn trong nước ấm.

Dùng mỡ làm tê chứa lidocain giúp giảm đau sau khi cắt bỏ trĩ.

Thủ thuật tại chỗ

Phù hợp với bệnh nhân trĩ nội độ I và II và một số bệnh nhân trĩ nội III hoặc với những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị triệu chứng có thể xem xét điều trị bằng thủ thuật tại chỗ sau đây:

  • Tiêm các chất gây xơ hóa với 5% phenol trong dầu thực vật giúp cầm chảy máu trong trĩ nội tối thiểu ngay lập tức.

  • Đối với búi trĩ nội lớn bị sa xuống cần thắt bằng vòng cao su. Búi trĩ nội được túm lại và tách ra bởi một vòng dây chun đường kính 50mm được bắn ra và thắt lại quanh búi trĩ khiến cho búi trĩ hoại tử và rụng đi. 

  • Đối với trĩ nội không sa chảy máu có thể cắt búi trĩ bằng tia hồng ngoại.

Phẫu thuật cắt bỏ trĩ

Phương pháp này phù hợp với bệnh nhân trĩ nội độ IV và người bệnh không đáp ứng với các hình thức trị liệu khác. Có thể dùng phương pháp cắt trĩ bằng máy dập ghim hạn chế gây đau sau phẫu thuật nhưng tỉ lệ tái phát cao hơn so với phẫu thuật cắt bỏ trĩ theo phương pháp truyền thống.

Một số kĩ thuật khác

Thắt động mạch trĩ nhờ siêu âm Doppler qua đầu dò ở trực tràng hiện đang tiến hành nghiên cứu và được xem là phương pháp mới có triển vọng trong tương lai. 

Liệu pháp laser, áp lạnh, cắt  búi trĩ bằng điện mới được đưa vào tuy nhiên chưa có nghiên cứu chứng minh tính hiệu quả của các phương pháp này.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của trĩ nội

Chế độ sinh hoạt:

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

  • Khi đi đại tiện ta nên hạn chế rặn mạnh để giảm áp lực lớn lên thành tĩnh mạch ở trực tràng dễ gây chảy máu.

  • Tập thói quen đi vệ sinh đều đặn vào giờ nhất định, không nhịn lâu. 

  • Hạn chế ngồi lâu quá lâu một chỗ, nên thường xuyên vận động, tập thể dục để phòng ngừa táo bón.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Thiết lập chế độ ăn với nhiều chất xơ như: rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên cám… Chất xơ làm mềm phân và tăng khối lượng phân giúp dễ đi vệ sinh.

  • Mỗi ngày uống đủ nước (khoảng sáu đến tám ly nước) để giúp làm mềm phân.

  • Có thể bổ sung chất xơ thực phẩm chức năng để làm phân mềm dễ đi đại tiện, đồng thời giảm các triệu chứng của bệnh.

Nguồn tham khảo
  1. Msdmanuals: https://www.msdmanuals.com/vi/chuy%C3%AAn-gia/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-ti%C3%AAu-h%C3%B3a/c%C3%A1c-r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-h%E1%BA%ADu-m%C3%B4n-tr%E1%BB%B1c-tr%C3%A0ng/b%E1%BB%87nh-tr%C4%A9

  2. Dược lâm sàng điều trị (2020)

  3. Phác đồ điều trị: https://phacdodieutri.com/benh-tri/

  4. Quyết định số 4068/QĐ-BYT ngày 29/7/2016-phác đồ điều trị bệnh trĩ bộ y tế.

Các bệnh liên quan

  1. U xương sụn

  2. Nhiễm Arbovirus

  3. Viêm amidan hốc mủ

  4. Suy tim phải

  5. Dị ứng thức ăn

  6. Hoại tử ống thận cấp (ATN)

  7. Teo thùy não

  8. Tăng huyết áp trong thai kỳ

  9. Giả phình mạch

  10. Ung thư tụy