Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết ở người lớn từ nhẹ đến nặng
Ngày 22/10/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Sốt xuất huyết ở người lớn là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến, xuất hiện theo mùa và dễ lây lan thành dịch. Nếu không có biện pháp điều trị bệnh kịp thời, nhanh chóng và đúng cách, có nguy cơ sẽ gây ra biến chứng rất nguy hiểm gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Vậy triệu chứng sốt xuất huyết ở người lớn là gì?
Sốt xuất huyết do một loại siêu virus có tên là Dengue gây ra. Đây được xem là căn bệnh có thể truyền từ người này sang cho người khác nếu như bị muỗi vằn có mang mầm bệnh đốt phải. Bệnh có thể khiến cho cơ thể người bệnh trở nên đau nhức tại các cơ và các khớp. Sốt xuất huyết thể nhẹ có thể gây phát ban và sốt cao; ở thể nặng thì có thể gây xuất huyết giảm tiểu cầu, giảm huyết áp đột ngột và khiến người bệnh tử vong nhanh chóng nếu như không được can thiệp điều trị kịp thời. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về những triệu chứng sốt xuất huyết ở người lớn từ nhẹ đến nặng.
Những triệu chứng sốt xuất huyết ở người lớn
So với sốt xuất huyết ở trẻ em, các triệu chứng sốt xuất huyết ở người lớn không có quá nhiều sự khác biệt.
Triệu chứng thể nhẹ và không biến chứng
Đối với trường hợp mắc sốt xuất huyết thể nhẹ ở người lớn sẽ có triệu chứng, biểu hiện điển hình và không có biến chứng nguy hiểm. Bệnh sẽ bắt đầu bằng dấu hiệu sốt cao (trong vòng 4 đến 7 ngày tính từ sau khi bị truyền bệnh bởi muỗi vằn) và kèm theo các triệu chứng như sau:
Đau ở hốc mắt.
Đau nhức đầu, cơ, khớp nghiêm trọng.
Sốt rất cao, có thể lên đến 40.5oC.
Phát ban ngoài da.
Buồn nôn và nôn mửa.
Có dấu hiệu xuất huyết ngoài như chảy máu cam, chảy máu chân răng,...
Triệu chứng nặng gây xuất huyết nội tạng
Người bệnh có nguy cơ đối mặt với xuất huyết nội tạng (xuất huyết tiêu hóa hoặc xuất huyết não) trong trường hợp nặng và có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng.
Triệu chứng xuất huyết đường tiêu hóa
Triệu chứng sốt xuất huyết ở người lớn gây xuất huyết đường tiêu hóa sẽ bao gồm các biểu hiện như đau đầu bình thường, sốt nhẹ và không phát ban. Sau khoảng 2 ngày, người bệnh sẽ đi ngoài ra máu, phân có màu đen hoặc có lẫn máu tươi, trên da bắt đầu xuất hiện các chấm xuất huyết, cơ thể mệt mỏi, vật vã, lừ đừ, da xanh tái, đau vùng gan (nhất là khi ấn vào), tiểu ít,...
Triệu chứng xuất huyết não
Triệu chứng xuất huyết não sẽ rất khó nhận biết vì triệu chứng thường không rõ ràng. Bệnh nhân có thể chỉ bị sốt cao, đau đầu, liệt tay chân hoặc liệt nửa người, sau đó bị hôn mê và dẫn đến tử vong.
Hội chứng sốc do virus dengue
Đây được xem là bệnh dạng nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết xảy ra người lớn, bao gồm tất cả các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết thể nhẹ kết hợp với triệu chứng xuất huyết, huyết tương thoát khỏi các mạch máu, chảy máu ồ ạt và hạ huyết áp,...
Tuy nhiên, trường hợp này thường xảy ra ở bệnh nhân trong lần nhiễm bệnh sau, khi cơ thể đã có miễn dịch chủ động hoặc thụ động với một loại kháng nguyên virus dengue, sau khoảng từ 2 đến 5 ngày mắc bệnh thì bệnh sẽ có tiến triển nặng. Nguy hiểm hơn, dạng bệnh này khi xảy ra ở trẻ nhỏ có thể và gây tử vong nhanh chóng nếu như không được điều trị kịp thời.
Diễn tiến bệnh sốt xuất huyết ở người lớn
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thường trải qua 3 giai đoạn chính: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi.
Giai đoạn sốt
Sau thời gian ủ bệnh từ 4-7 ngày, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện triệu chứng sốt. Ở giai đoạn này, người bệnh thường sốt cao đột ngột, duy trì liên tục ở mức 39-40 độ C và không giảm dù đã sử dụng thuốc hạ sốt. Kèm theo đó, các triệu chứng khác như mệt mỏi, đau đầu, tiêu chảy, đau họng và da bị xung huyết cũng thường xuất hiện.
Giai đoạn nguy hiểm
Giai đoạn nguy hiểm thường bắt đầu sau ngày đầu sốt và kéo dài từ 3-7 ngày. Mặc dù bệnh nhân có thể giảm hoặc duy trì mức sốt, nhưng trong giai đoạn này có thể xuất hiện một số dấu hiệu như giảm tiểu cầu, cô đặc máu và nguy cơ xuất huyết. Các triệu chứng nghiêm trọng mà người bệnh có thể gặp phải bao gồm:
Xuất huyết nội tạng như tiêu hóa, phổi và não với các biểu hiện: Nôn ra máu, tiểu ra máu, ho ra máu, xuất huyết âm đạo bất thường, rong kinh.
Xuất huyết dưới da, biểu hiện qua các nốt hoặc mảng bầm, thường thấy ở mặt trước của hai chân, bên trong cánh tay, đùi, mạng sườn bụng.
Người bệnh trong giai đoạn này cần được theo dõi sát sao và chăm sóc kỹ lưỡng. Nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào của biến chứng nặng như viêm cơ tim, viêm gan, viêm não, hay suy thận, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức để được cấp cứu kịp thời.
Giai đoạn phục hồi
Sau khi vượt qua giai đoạn nguy hiểm, các chỉ số sức khỏe của bệnh nhân dần trở lại bình thường. Huyết áp ổn định, người bệnh bắt đầu đi tiểu nhiều hơn và cảm giác thèm ăn cũng quay trở lại.
Trong giai đoạn phục hồi, người nhà cần chăm sóc bệnh nhân kỹ càng, chú ý đến các dấu hiệu bất thường dù người bệnh đang dần khỏe lại. Nếu không được chăm sóc đúng cách, bệnh nhân vẫn có nguy cơ gặp phải các biến chứng như phù phổi hoặc suy tim.
Điều trị bệnh sốt xuất huyết ở người lớn
Sốt xuất huyết hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phương pháp điều trị chủ yếu là kiểm soát tốt các triệu chứng cho bệnh nhân như: Sốt, mất nước, mệt mỏi, khó thở...
Khi phát hiện cơ thể có dấu hiệu sốt không rõ nguyên nhân kèm theo dấu hiệu đã bị muỗi đốt trước đó, bệnh nhân không được chủ quan mà hãy nhanh chóng đến bệnh viện. Tại bệnh viện, khi có sự nghi ngờ sốt xuất huyết, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm cần thiết nhằm xác định chính xác nguyên nhân bệnh là do virus dengue gây ra.
Theo đánh giá của chuyên gia, sốt xuất huyết ở người lớn là căn bệnh có thể gây biến chứng cao và khả năng ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh là rất lớn nếu như không được điều trị sớm. Việc xác định mức độ nặng hoặc nhẹ của bệnh là yếu tố rất cần thiết, có ý nghĩa rất lớn để bác sĩ có thể nhanh chóng đưa ra phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết phù hợp.
Lưu ý rằng, đối với bệnh nhân bị sốt xuất huyết, cần thực hiện biện pháp hạ sốt đúng cách bằng paracetamol kết hợp với bù nước và điện giải nhanh chóng cho bệnh nhân. Không những thế, đối với những trường hợp sốt xuất huyết dạng nặng (có ghi nhận xuất huyết dưới da và niêm mạc), khi việc bù nước bằng đường uống không mang lại kết quả, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện những biện pháp khác như truyền dịch và cần được theo dõi bởi các nhân viên y tế tại bệnh viện.
Phòng ngừa sốt xuất huyết ở người lớn
Sốt xuất huyết ở người lớn là căn bệnh có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành qua đường trung gian là muỗi vằn. Dưới đây là biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết ở người lớn và cả ở trẻ nhỏ mà bạn đọc có thể tham khảo:
Cần vệ sinh nơi ở và môi trường sống xung quanh sạch sẽ, thoáng mát.
Không nên trữ nước trong nhà như: Chậu kiểng, xô chậu đựng nước,...
Nên tiêu diệt muỗi vằn bằng các phương pháp như: Đốt nhang muỗi, vợt muỗi hoặc phun thuốc diệt muỗi,…
Nên phát quang bụi rậm và ngủ trong màn để tránh bị muỗi vằn đốt.
Trên đây là những thông tin về triệu chứng sốt xuất huyết ở người lớn mà bạn đọc có thể tham khảo. Sốt xuất huyết là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm với nguy cơ biến chứng rất cao, mà người bệnh không được chủ quan. Do vậy, để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người thân trong gia đình, thì mỗi người dân hãy chủ động tìm hiểu về căn bệnh này và có biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất nhé!
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.