Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Người cao tuổi

Triệu chứng huyết áp thấp là gì? Cần làm gì để phòng tránh?

Ngày 26/04/2023
Kích thước chữ

Bất kỳ sự tăng hay giảm huyết áp so với mức bình thường đều có thể là những dấu hiệu tiềm ẩn nguy hiểm cho sức khỏe chúng ta. Huyết áp thấp xảy ra đối với nhiều người, chủ yếu là người bị bệnh lý tim mạch, người già, phụ nữ và chưa được quan tâm nhiều như tình trạng tăng huyết áp. Cùng xem các triệu chứng huyết áp thấp để can thiệt kịp thời khi gặp phải nhé.

Vậy những triệu chứng huyết áp thấp và cần xử trí như thế nào đối với trường hợp này? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây để nhận biết và phòng tránh bệnh huyết áp thấp.

Bệnh huyết áp thấp là gì?

Huyết áp là gì?

Huyết áp là một chỉ số đo lường với đơn vị mm thuỷ ngân (viết tắt: MmHg), thể hiện lực của dòng máu tác động lên thành động mạch khi chảy qua. Kết quả huyết áp sau khi đo sẽ hiển thị lên chỉ số gồm hai con số, được gọi hoặc là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Chỉ số huyết áp bình thường sẽ là bằng hoặc dao động dưới mức 120/80 mmHg.

Chỉ số huyết áp thấp là bao nhiêu?

Huyết áp thấp là khi chỉ số huyết áp đo được dưới 90/60 mmHg, tình trạng này có thể đe dọa tính mạng nếu oxy và chất dinh dưỡng không thể cung cấp nuôi dưỡng kịp thời đến não, tim và các cơ quan quan trọng khác.

Bệnh huyết áp thấp thường được chia ra làm hai loại, bao gồm:

  • Hạ huyết áp tuyệt đối: Là huyết áp dưới 90/60 mmHg ở ngay cả lúc nghỉ ngơi.
  • Hạ huyết áp tư thế: Là huyết áp giảm trong vòng vài phút sau khi thay đổi tư thế đột ngột. Mức giảm từ 20 mmHg trở lên đối với áp suất tâm thu (chỉ số trên) và 10 mmHg trở lên đối với áp suất tâm trương (chỉ số dưới).
Triệu chứng của bệnh huyết áp thấp là gì? Cần làm gì để phòng tránh? 1
Huyết áp thấp cũng nguy hiểm không kém so với tăng huyết áp

Nguyên nhân của huyết áp thấp 

Các nguyên nhân gây hạ huyết áp xuống mức thấp hơn bình thường có thể bao gồm:

  • Thay đổi tư thế: Việc đứng lên đột ngột từ tư thế ngồi hoặc nằm có thể dẫn đến giảm huyết áp do lượng máu lưu thông lên não có thể chưa kịp đáp ứng;
  • Người bị những bệnh về tim: Trong trường hợp này, hiệu quả hoạt động của tim sẽ thể suy giảm một phần nên có thể không bơm đủ máu để giữ huyết áp trong mức bình thường;
  • Phụ nữ trong thai kỳ: Trong quá trình mang thai nhu cầu về lượng máu nuôi thai như sẽ tăng lên đôi khi khiến cho quá trình lưu thông tuần hoàn của người mẹ sẽ bị thay đổi dẫn đến hạ huyết áp;
  • Sau khi ăn: Đây là thời điểm ruột cần tăng cường cung cấp máu đến hệ tiêu hóa nên sau khi ăn có thể gây tụt huyết áp. Tình trạng này thường xảy ra nhiều hơn ở người lớn tuổi, đặc biệt là những người bị bệnh tim, đái tháo đường hoặc bệnh parkinson;
  • Sau khi trải qua các hoạt động căng thẳng gây kích thích dây thần kinh phế vị và có thể gây giảm huyết áp;
  • Rối loạn nội tiết tố: Những rối loạn tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến mức huyết áp. Điều này là do tuyến giáp sản xuất và lưu trữ các hormone giữ vai trò trong quá trình điều hòa nhịp tim và huyết áp. Bên cạnh đó, các tuyến thượng thận có chức năng điều chỉnh sự tiết một số hormon khi cơ thể phản ứng căng thẳng; 
  • Dùng một số thuốc như thuốc chẹn beta, thuốc chống trầm cảm, thuốc đối kháng canxi và thuốc lợi tiểu có thể làm giảm huyết áp; 
  • Chế độ ăn uống không đầy đủ: Thiếu vitamin B12 và axit folic trong chế độ ăn uống có thể dẫn đến thiếu máu và tình trạng này kéo dài lâu ngày gây ra huyết áp thấp.
Triệu chứng của bệnh huyết áp thấp là gì? Cần làm gì để phòng tránh? 2
Người bị rối loạn tuyến giáp có thể bị huyết áp thấp

Triệu chứng huyết áp thấp thường gặp

Các triệu chứng huyết áp thấp xảy ra được giải thích là do não không nhận đủ lưu lượng máu. Trong đó chóng mặt, ngất xỉu, nhịp tim thay đổi, da lạnh, nhợt nhạt là những triệu chứng phổ biến của huyết áp thấp. Ngoài ra, một số biểu hiện bạn có thể gặp phải khi bị huyết áp thấp khác có thể bao gồm:

  • Buồn nôn hoặc nôn mửa;
  • Hoa mắt, mờ mắt, nhòe hoặc bị méo mó;
  • Thở nhanh, nông;
  • Cảm thấy mệt mỏi hoặc suy nhược;
  • Lú lẫn (thường gặp ở người cao tuổi) hoặc khó tập trung;
  • Bị kích động hoặc có những hành vi thay đổi bất thường;
  • Đau ngực;
  • Nhức đầu, cứng cổ.
Triệu chứng của bệnh huyết áp thấp là gì? Cần làm gì để phòng tránh? 3
Hoa mắt, chóng mặt là triệu chứng thường gặp khi bị huyết áp thấp

Khi có bất kỳ triệu chứng huyết áp thấp nào kể trên, bạn nên dừng các hoạt động để nghỉ ngơi và tìm đến hỗ trợ những người xung quanh nếu để tránh xảy ra những chấn thương nghiêm trọng.

Làm gì để phòng tránh huyết áp thấp?

Chế độ sinh hoạt hợp lý 

Việc xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh góp phần quan trọng giúp cơ thể khỏe mạnh, cũng để phòng tránh gặp phải tình trạng huyết áp thấp. Cụ thể:

  • Ngủ đúng buổi, đúng giấc, giấc ngủ mỗi ngày được các chuyên gia khuyến cáo nên từ 7 đến 8 tiếng để có thể duy trì sức khỏe tốt;
  • Khi thức dậy nên dành từ 2 đến 3 phút nằm trên giường, sau đó khi ngồi dậy bạn nên chuyển động chậm, tránh việc ngồi bật dậy khi vừa mới thức giấc. Đồng thời, khi đi ngủ, nên nằm ở tư thế thoải mái nhất, kê gối thấp, phần chân cao hơn để làm cho máu lưu thông tốt hơn;
  • Trong mọi sinh hoạt cũng vậy, bất kể khi đứng lên từ tư thế ngồi hoặc nằm, bạn cần thực hiện một cách chậm rãi, không ngồi hoặc nằm dậy đột ngột;
  • Tránh ngồi hoặc đứng yên trong thời gian dài, hãy chú ý đến những khoảng nghỉ ngắn để thay đổi tư thế, thư giãn cơ thể;
  • Hãy giữ một tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng quá mức trong thời gian kéo dài;
  • Bạn nên duy trì luyện tập thể dục với những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đánh cầu lông, đi xe đạp,... một cách thường xuyên;
  • Hãy theo dõi và đo huyết áp định kỳ để có thể kiểm soát mức huyết áp tối ưu hiệu quả.
Triệu chứng của bệnh huyết áp thấp là gì? Cần làm gì để phòng tránh? 4
Khi thức dậy tránh việc thay đổi tư thế quá đột ngột

Ngã và chấn thương là những nguy cơ lớn nhất có thể xảy ra khi hạ huyết áp do chóng mặt hoặc ngất xỉu. Ngã có thể dẫn đến gãy xương, chấn thương nghiêm trọng khác hoặc thậm chí đe dọa tính mạng. Do đó, đối những người lớn tuổi đặc biệt là người dễ bị hạ huyết áp, việc lắp ráp những thanh vịn nhiều nơi trong nhà để hỗ trợ sinh hoạt và ngăn ngừa ngã nên là một trong những ưu tiên.

Chế độ ăn uống giúp phòng ngừa bị huyết áp thấp

Đối với những người hay gặp phải tình trạng huyết áp thấp, chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cho mỗi bữa ăn là rất cần thiết. Hãy cung cấp đủ hàm lượng đạm trong các sản phẩm thịt, cá, gà; đồng thời bổ sung thêm chất xơ, vitamin và khoáng chất trong các loại rau, trái cây giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể. 

Bạn không nên ăn quá nhiều trong một bữa ăn, hãy chia khẩu phần ăn trong một ngày thành nhiều bữa nhỏ, điều này sẽ giúp cho việc hấp thu dưỡng chất và tiêu hóa nhanh chóng, hiệu quả hơn. Đồng thời nên nghỉ ngơi và tránh vận động quá mức sau khi ăn. Đừng quên uống đủ nước mỗi ngày.

Hạn chế các đồ uống như rượu, bia. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng những đồ uống có chứa cafein, trà giúp nâng huyết áp, nhưng cũng không nên quá lạm dụng.

Bài viết trên đã cung cấp các thông tin về triệu chứng huyết áp thấp. Tương tự như tăng huyết áp, bệnh huyết áp thấp cũng rất cần được theo dõi thường xuyên, vì các biến chứng bệnh gây ra rất nguy hiểm, tuyệt đối không được chủ quan với các dấu hiệu, đặc biệt khi bạn (hoặc người thân) thuộc nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh.

Xem thêm: Huyết áp thấp có nguy hiểm không? Biến chứng của bệnh là gì?

Diễm Quỳnh

Nguồn tham khảo: my.clevelandclinic.org, medicalnewstoday.com

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin