Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Triệu chứng thiếu máu ở bệnh nhân suy thận và cách khắc phục

Ngày 25/11/2022
Kích thước chữ

Suy thận mạn là bệnh lý suy giảm chức năng thận, tiến triển chậm. Do đó khi phát hiện đã muộn, tổn thương về chức năng và số lượng nephron không thể hồi phục. Biến chứng nguy hiểm nhất là thiếu máu ở bệnh nhân suy thận khá trầm trọng có thể gây tử vong.

Thiếu máu ở bệnh nhân suy thận hay gặp ở trường hợp đã chuyển sang suy thận mạn tính, có thể gây tử vong. Nguyên nhân gây ra sự thiếu máu là do sự kết hợp của tình trạng bệnh lý và sinh học. Đó là sự thiếu erythropoietin và thiếu sắt tương đối. Vậy tình trạng thiếu máu như thế nào sẽ gây nguy hiểm cho cơ thể và cách khắc phục ra sao? Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu nhé!

Tại sao bị suy thận lại gây thiếu máu?

Thận là bộ phận quan trọng của cơ thể người, giúp loại bỏ các chất cặn bã và dịch dư thừa được đưa từ máu ra khỏi cơ thể. Mặt khác, nội tiết tố erythropoietin sẽ giúp sản sinh ra hồng cầu. Đối với bệnh nhân suy thận, khả năng sản xuất erythropoietin bị suy giảm, do đó tín hiệu để sản xuất hồng cầu không được tủy xương tiếp nhận. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây thiếu máu ở người bị suy thận.

Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh nhân suy thận ở giai đoạn cuối là xuất huyết đường tiêu hóa. Tình trạng này vô cùng nghiêm trọng, có thể đối mặt với nguy cơ sốc, tử vong… 

Triệu chứng thiếu máu ở bệnh nhân suy thận và cách khắc phục 3 Thiếu máu ở bệnh nhân suy thận có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm

Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân gây thiếu máu do suy thận khác:

Thiếu máu do thiếu sắt

Khi hàm lượng ure quá cao hay bị xuất huyết đường tiêu hóa làm cơ thể bị mất máu do đó gây thiếu sắt. Và khi thiếu sắt, cơ thể sẽ không cung cấp đủ nguyên liệu để sản xuất hồng cầu, do đó thiếu máu lại càng nặng hơn. Thiếu sắt được chia làm hai loại là thiếu sắt tuyệt đối và thiếu sắt tương đối. Thiếu sắt tuyệt đối do loạn sản mạch máu ở ruột, mất máu do tăng ure cao. Mặt khác, thiếu sắt tương đối xảy ra khi cơ thể không huy động đủ lượng sắt cho quá trình sản xuất hồng cầu. 

Thiếu dinh dưỡng và hấp thu kém

Khi bị suy thận, chức năng của bộ phận này cũng bị suy giảm. Do đó cần phải giảm bớt áp lực cho thận bằng cách kiểm soát chế độ ăn uống, kiêng khem các loại thực phẩm chứa nhiều đạm. Bên cạnh đó, suy thận mạn cũng làm cho cơ thể người bệnh mệt mỏi, chán ăn dẫn đến bị thiếu chất dinh dưỡng. Tình trạng này kéo dài sẽ gây thiếu máu. 

Thiếu máu do tan máu 

Bệnh nhân suy thận mạn có tình trạng tan máu do hồng cầu thường ít sắt, nhược sắc nên rất dễ vỡ và bị thực bào, gây biến dạng hồng cầu. Tốc độ phá hủy nhanh chóng có thể gây thiếu hụt hồng cầu và gây thiếu máu. Tan máu thường xảy ra với bệnh nhân chạy thận, tiếp xúc với các chất độc hại nhiều như nguồn nước có chứa kẽm, arsenic… 

Thiếu máu do chạy thận nhân tạo

Bước vào giai đoạn 4 và 5 của bệnh suy thận mạn, bệnh nhân bắt buộc phải chạy thận nhân tạo trong thời gian chờ được ghép thận.

Trong quá trình chạy thận, các chất độc sẽ được đưa ra khỏi cơ thể bằng cách đưa máu đến thiết bị lọc. Tuy nhiên quá trình này có thể gây mất máu một cách nghiêm trọng. Mặc dù, hiện nay có nhiều phương pháp chạy thận hiện đại, cải tiến tốt hơn nhưng cũng gây nên triệu chứng thiếu máu. Không chỉ vậy, nếu chạy thận liên tục thì thiếu máu càng cao có thể gây một số bệnh như: Suy tuyến giáp, suy tủy, thời gian sống của hồng cầu ngắn… 

Triệu chứng thiếu máu ở bệnh nhân suy thận và cách khắc phục 1 Suy thận mạn gây thiếu máu có thể gây nguy hiểm tính mạng

Dấu hiệu nhận biết thiếu máu ở bệnh nhân suy thận

Máu đưa các chất dinh dưỡng đến cơ quan của cơ thể, do đó khi thiếu máu, cơ thể sẽ cảm thấy thiếu sức sống, không có năng lượng và mệt mỏi, hệ miễn dịch và sức khỏe kém đi… Đối với bệnh nhân suy thận mạn, thiếu máu sẽ có một số dấu hiệu sau:

  • Bệnh nhân luôn cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng, chán ăn. Chính vì vậy khó tập trung suy nghĩ, làm việc. 
  • Sức khỏe người bệnh đi xuống, hệ miễn dịch cũng kém hơn, hay ốm vặt.
  • Da xanh xao, hay đau đầu, chóng mặt và cảm thấy bị choáng khi thay đổi tư thế đứng lên đột ngột.
  • Nhịp thở không đều, có hiện tượng khó thở và tức ngực. 
  • Bệnh nhân bị rụng khá nhiều tóc, móng không còn bóng, lưỡi mất gai. 

Thiếu máu kéo dài quá lâu có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm như: Nhịp tim nhanh, cơ tim giãn rộng ra, thậm chí suy tim, đột quỵ và dẫn đến tử vong. Chính vì vậy khi có những dấu hiệu bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để thực hiện thăm khám, xét nghiệm máu để kiểm tra xem mình có bị thiếu máu không. 

Điều trị thiếu máu ở bệnh nhân suy thận

Để được tiến hành điều trị thiếu máu ở bệnh nhân suy thận thì người bệnh cần được tiến hành một số xét nghiệm đánh giá mức độ thiếu máu như: Xác định số lượng hồng cầu, nồng độ sắt trong máu, tình trạng lọc máu, dinh dưỡng…

Dựa vào nguyên nhân gây ra thiếu máu, bác sĩ sẽ đưa ra biện pháp điều trị cho người bệnh: 

Truyền khối hồng cầu

Đây là một phương pháp phổ biến để khắc phục tình trạng thiếu máu nhanh chóng. Bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp này trong trường hợp người bệnh bị thiếu máu quá nhiều, thiếu máu cấp tính hay không thể thực hiện liệu pháp ESAS do rủi ro nhiều hoặc không có hiệu quả. 

Tuy nhiên, đối với bệnh nhân ghép thận thì không được thực hiện liệu pháp này do có thể bị mẫn cảm với thận mới. Mặt khác, truyền máu quá nhiều có thể gây quá tải sắt, có kháng thể mới kháng lại kháng nguyên HLA, nhiễm virus. 

Bổ sung sắt

Khi bị suy thận cần phải cung cấp cho cơ thể thêm sắt để tăng quá trình tạo máu, tăng miễn dịch cho cơ thể, điều nhiệt, nâng cao khả năng nhận thức… Sắt đi vào cơ thể theo đường uống hoặc đường tiêm tĩnh mạch. 

Trong quá trình truyền sắt vào cơ thể, cần được nhân viên y tế theo dõi sát sao để xử lý kịp thời các phản ứng nghiêm trọng. 

Triệu chứng thiếu máu ở bệnh nhân suy thận và cách khắc phục 2 Bổ sung sắt có thể cải thiện tình trạng thiếu máu 

Bổ sung erythropoietin

Thận sản xuất thiếu nội tiết tố erythropoietin được bổ sung bằng cách tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch. Liều lượng bổ sung erythropoietin sẽ được bác sĩ chỉ định dựa vào cân nặng, kết quả kiểm tra Hb, mức độ thiếu máu và triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân. Trong đó sự thay đổi của nồng độ Hb trong máu là cơ sở để bổ sung lượng erythropoietin cho phù hợp. 

Tóm lại, triệu chứng thiếu máu ở bệnh nhân suy thận không chỉ khiến sức khỏe giảm sút, thiếu năng lượng và luôn cảm thấy mệt mỏi thì còn làm tăng nguy cơ gây biến chứng nghiêm trọng như suy tim, đột quỵ và tử vong. Chính vì vậy, bệnh nhân suy thận cần chú trọng sức khỏe để có thể phát hiện sớm tình trạng thiếu máu, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó bệnh nhân cần phải được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để phòng ngừa thiếu máu. 

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin