Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Việc kiểm soát huyết áp bằng thuốc là điều cực kỳ quan trọng để duy trì sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, một trong những câu hỏi phổ biến của người mắc bệnh huyết áp là uống thuốc cao huyết áp vào lúc nào tốt nhất?
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về thời điểm uống thuốc huyết áp lúc nào tốt nhất và giảm nguy cơ các tác dụng phụ có thể xảy ra. Đồng thời đưa ra lời khuyên hữu ích trong việc sử dụng thuốc để kiểm soát tốt huyết áp của bạn. Nếu bạn quan tâm tới vấn đề này, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Tăng huyết áp (cao huyết áp) là một bệnh lý mãn tính do áp lực của máu trên thành động mạch tăng cao gây áp lực cho tim. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu của nhiều biến chứng tim mạch nguy hiểm như tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh tim mạch vành và nhồi máu cơ tim.
Để kiểm soát và ngăn ngừa nguy cơ biến chứng do tăng huyết áp, người bệnh thường được chỉ định sử dụng thuốc huyết áp. Có nhiều loại thuốc khác nhau được sử dụng để kiểm soát huyết áp bao gồm thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta, thuốc chặn alpha và nhiều loại thuốc lợi tiểu khác.
Thuốc huyết áp là một trong những cách dùng để kiểm soát huyết áp ổn định nhưng nhiều người thắc mắc rằng thời điểm uống thuốc huyết áp lúc nào tốt nhất? Việc uống thuốc huyết áp trước hoặc sau bữa ăn đều được vì hiệu quả của các loại thuốc huyết áp thường không liên quan đến việc ăn uống và không ảnh hưởng đến dạ dày.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng người bệnh nên uống thuốc hạ huyết áp vào buổi tối, trước khi đi ngủ. Việc uống thuốc huyết áp vào buổi tối không chỉ giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả hơn mà còn giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch lên đến 66% và giảm cả nguy cơ mắc các biến cố tim mạch như đau tim hoặc đột quỵ đến 49%. Điều này có thể được giải thích bằng việc thuốc đào thải ra khỏi cơ thể chậm hơn và có tác dụng kéo dài qua đêm.
Hiện nay, hầu hết các loại thuốc huyết áp được sản xuất dưới dạng công thức giải phóng kéo dài, có khả năng duy trì tác dụng trong vòng 24 giờ và thường được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân dùng 1 - 2 viên vào buổi sáng, mỗi ngày một lần. Đối với người khỏe mạnh, áp lực máu thường giảm vào ban đêm khi họ đang ngủ. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp, áp lực máu trong thời gian đêm thường không giảm hoặc giảm không đáng kể so với ban ngày, mặc dù họ đã dùng thuốc buổi sáng. Nếu huyết áp không được kiểm soát tốt vào ban đêm, điều này có thể dẫn đến việc huyết áp tăng cao vào sáng sớm. Do đó, các nhà nghiên cứu gần đây đã tiến hành nghiên cứu lại và đã chứng minh rằng việc thay đổi thời gian uống thuốc từ buổi sáng sang buổi tối có thể kiểm soát áp lực máu ổn định hơn trong giấc ngủ và giảm các biến chứng liên quan đến tim mạch.
Việc sử dụng thuốc huyết áp vào buổi tối không chỉ giúp kiểm soát huyết áp mà còn có lợi ích trong việc ngăn ngừa bệnh đái tháo đường. Các nhà khoa học giải thích rằng bệnh nhân mắc tăng huyết áp thường có nguy cơ cao hơn về mắc bệnh tiểu đường và các bệnh tim mạch khi áp lực máu không được kiểm soát tốt trong giấc ngủ. Do đó, duy trì áp lực máu ổn định vào ban đêm có thể ngăn chặn sự tiến triển dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 2.
Bên cạnh thời điểm uống thuốc huyết áp, trạng thái tinh thần và việc sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc khác cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc. Một số thuốc điều trị huyết áp cao có thể làm giảm hoạt động của angiotensin, một hormone gây co mạch và tăng áp lực máu. Ngoài ra, angiotensin cũng góp phần vào quá trình phân giải glucose từ gan và giảm sự nhạy cảm của cơ thể đối với insulin dẫn đến bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Nhóm nhà nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng những người thường uống thuốc vào ban đêm có nguy cơ tử vong do các biến chứng về tim mạch giảm đi 2/3 lần so với những người có thói quen uống thuốc vào buổi sáng.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nghiên cứu này chỉ đúng cho những người tuân thủ theo thời gian ngủ thông thường là thức dậy vào ban ngày và ngủ vào ban đêm. Vì vậy, nghiên cứu không thể áp dụng cho những người làm việc vào ban đêm theo lịch trình khác. Ngoài ra, cần tiến hành nghiên cứu thêm để so sánh giữa các nhóm dân tộc, đặc biệt là người Mỹ da đen, người thường có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn trong thời gian ngủ.
Ngoài ra, một số bác sĩ chuyên khoa tim mạch cũng khuyến khích rằng thói quen sử dụng thuốc huyết áp chính là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo hiệu quả thuốc tối ưu. Sự dao động của áp lực máu hoặc thậm chí còn tồi tệ hơn là áp lực máu tăng cao có thể do không tuân thủ lịch trình uống thuốc định kỳ. Vì vậy, để đảm bảo việc tuân thủ liều lượng sử dụng thuốc hàng ngày, điều quan trọng là bệnh nhân cần thiết lập một thói quen uống thuốc vào một giờ cố định hàng ngày.
Thuốc điều trị tăng huyết áp được dùng để kiểm soát huyết áp trong giới hạn mục tiêu, không phải để điều trị hoàn toàn căn bệnh này. Do đó, ngay cả khi huyết áp đã trở lại mức bình thường, việc ngừng điều trị tự ý có thể dẫn đến tăng đột ngột của huyết áp và gây ra những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, người bệnh không nên tự ý ngưng hoặc thay đổi thuốc huyết áp khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về thời điểm uống thuốc huyết áp lúc nào tốt nhất và tầm quan trọng của việc uống thuốc đúng giờ trong việc kiểm soát huyết áp. Để đảm bảo hiệu quả trong việc điều trị tăng huyết áp, người bệnh cần tuân thủ đúng hướng dẫn về việc sử dụng thuốc từ bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời, thay đổi lối sống, ăn uống lành mạnh, luyện tập thể lực thích hợp và luôn duy trì tâm trạng thoải mái để đảm bảo sức khỏe tổng thể cả về vật chất lẫn tinh thần.
Xem thêm:
Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy
Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.