Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Vắt sữa non trước khi sinh có cần thiết không?

Ngày 05/03/2024
Kích thước chữ

Sữa non có thể được sản xuất sớm ngay cả khi đang trong thai kỳ. Một số mẹ có thể nhận thấy sữa non rỉ ra, sau đó khô và đóng vảy trên núm vú trong những tuần cuối mang thai. Vậy liệu có nên vắt sữa non trước khi sinh không?

Sữa non được xem là loại thực phẩm đầu tiên mà trẻ tiếp xúc trong giai đoạn đầu đời, có tác dụng vô cùng hiệu quả tới sự phát triển cũng như sức khỏe của trẻ. Hiện nay có nhiều bà mẹ muốn tích trữ nhiều sữa non hơn cho con, nên đã tiến hành vắt sữa non ngay từ thời điểm đang mang thai rồi trữ đông. Vậy có nên vắt sữa non trước khi sinh không?

Sữa non là gì?

Ở những giờ đầu hoặc vài ngày đầu sau sinh, sữa mẹ được tiết ra gọi là sữa non. Từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 10 sau khi sinh thì sữa trong những ngày này là sữa chuyển tiếp. Từ ngày thứ 11 trở đi thì được gọi là sữa trưởng thành.

Sữa non là một chất lỏng, màu trắng vàng, là dòng sữa đầu tiên mà các đứa trẻ sơ sinh nhận được từ mẹ sau khi chào đời. Sữa được tiết ra sau vài giờ sau đến khoảng một tuần sau khi sinh bé.

Tuy nhiên, một vài trường hợp sữa non hết sớm hơn sau 2 - 3 ngày đầu sau khi sinh. Sữa non sẽ ít hơn về khối lượng so với sữa thường nhưng đậm đặc hơn về mặt dinh dưỡng và kháng thể. Theo một số nghiên cứu, sữa non có hàm lượng dinh dưỡng cao gấp 10 lần so với hai loại sữa của giai đoạn sau.

Vat-sua-non-som-co-can-thiet 2.png
Sữa non là sữa được cơ thể mẹ tiết ra vào những ngày đầu sau sinh

Sữa non chứa một lượng lớn các yếu tố miễn dịch, bao gồm kháng thể IgA, IgM, và IgG, giúp bảo vệ đường ruột, phổi, và các cơ quan khác của trẻ khỏi vi khuẩn và virus. Hơn nữa, nó giàu các yếu tố tăng trưởng giúp phát triển các hệ thống cơ thể, đặc biệt là hệ tiêu hóa. Ngoài ra, trong sữa non còn có các chất như:

  • Vitamin A, E, B, K,...
  • Lactose: Với hàm lượng thấp, giúp bé tăng cường khả năng hấp thụ và tiêu hoá.
  • Các nguyên tố vi lượng như đồng, sắt với hàm lượng cao gấp nhiều lần so với sữa mẹ ở giai đoạn sau.
  • Cholesterol trong sữa có vai trò quan trọng cho sự phát triển hệ thần kinh của bé trong giai đoạn đầu.

Bên cạnh việc hỗ trợ hệ miễn dịch, hệ tiêu hoá, sữa non còn có tác dụng nhuận tràng, thúc đẩy quá trình bài tiết phân xu, đồng thời ngăn ngừa bệnh vàng da ở trẻ do đào thải bilirubin dư thừa trong cơ thể thông qua bài tiết phân, giảm thiểu nguy cơ mẫn cảm và dị ứng ở trẻ.

Có nên tự vắt sữa non trước khi sinh hay không?

Theo một số các chuyên gia ý tế khuyến nghị, vắt sữa non trước khi sinh là điều hoàn toàn không cần thiết, thậm chí có nguy cơ ảnh hưởng xấu tới người mẹ. 

Trên thực tế, trong giai đoạn cuối của thai kỳ, cơ thể người mẹ đã bắt đầu tiết sữa non. Tuy nhiên trong giai đoạn này, lượng sữa non vô cùng ít và nếu vắt ra sẽ rất đau và mất sức. Sau khi sinh, cơ thể người mẹ có xu hướng tiết prolactin kích thích tạo sữa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của con, kết hợp với việc bú mút của trẻ giúp sữa mẹ tiết ra đều đặn và nhanh chóng.

Đồng thời, việc vắt sữa non trước khi sinh có thể gây kích thích đầu vú, kích thích cơn co tử cung dẫn đến nguy cơ sinh non. Đối với những trường hợp đã từng đẻ mổ hay bị nhau tiền đạo, cần phải hết sức lưu ý nếu cơn gò tử cung xuất hiện có thể dẫn tới xuất huyết âm đạo đặc biệt nguy hiểm.

Ngoài ra, nếu không biết cách tích trữ sữa non đảm bảo các yếu tố như vô trùng, bảo quản ở nhiệt độ phù hợp thì sữa non dễ dàng bị nhiễm khuẩn và biến chất. Trường hợp trẻ không may uống loại sữa bảo quản không đúng cách có thể gây nguy hiểm đến hệ tiêu hóa còn yếu ớt ở trẻ, gây ra các bệnh tiêu chảy hay viêm ruột hoại tử.

Những trường hợp nên vắt sữa non trước khi sinh

Việc vắt sữa non trước khi sinh là hành động hoàn toàn không được bác sĩ khuyến khích. Tuy nhiên, có một số trường hợp cá biệt mà người mẹ bắt buộc phải thực hiện việc này. Các tình huống đặc biệt có thể cân nhắc thực hiện vắt sữa non trước khi sinh và tích trữ cho trẻ bú bao gồm:

  • Mẹ bị tiểu đường/ tiểu đường thai kỳ;
  • Mẹ mắc bệnh buồng trứng đa nang;
  • Mẹ được chỉ định sinh mổ;
  • Mẹ có bất thường ở bầu vú/đầu ti;
  • Trẻ được chẩn đoán mắc các bệnh như dị tật sứt môi chẻ vòm, dị tật tim mạch trước khi sinh;
  • Các tình huống sức khỏe khác của mẹ/con ngay sau khi sinh (dẫn đến con bị cách ly mẹ nhiều giờ sau khi ra đời).

Tuy nhiên, việc nghiên cứu về phương pháp vắt sữa non trước khi sinh có cơ mẫu thấp hay chưa hoàn thiện, do vậy độ an toàn và hiệu quả của phương pháp này vẫn chưa xác định cụ thể rõ ràng.

Vat-sua-non-som-co-can-thiet 3.png
Một số trường hợp cá biệt mà người mẹ bắt buộc phải vắt sữa non

Thời điểm nào nên vắt sữa non

Việc vắt sữa non từ mẹ là một phương pháp hữu ích để tăng cường sự tiếp xúc sớm của trẻ với sữa mẹ. Thời điểm thích hợp để bắt đầu vắt sữa non thường là khoảng thời gian sau khi sinh, khi sữa về và mẹ có thể cho bé bú. Trong giai đoạn này, lượng sữa non đã ổn định và chất lượng sữa thường tốt nhất.

Việc vắt sữa non giúp cung cấp sữa cho trẻ khi mẹ không thể tiếp xúc thường xuyên hoặc khi cần phải tách biệt với con trong một thời gian ngắn. Sữa non chứa nhiều chất dinh dưỡng và yếu tố bảo vệ quan trọng giúp phát triển của trẻ. Đồng thời, việc vắt sữa non cũng giúp mẹ duy trì hoặc tăng sản lượng sữa, đồng thời giảm nguy cơ tắc tia sữa và cung cấp sự thoải mái khi đang trải qua quá trình cho con bú trực tiếp.

Trước khi quyết định vắt sữa non, mẹ cần lưu ý đến các phương pháp vắt, bảo quản và sử dụng sữa mẹ an toàn. Tốt nhất nên thảo luận và được hướng dẫn bởi chuyên gia hoặc bác sĩ sản phụ để đảm bảo quy trình vắt sữa diễn ra một cách an toàn và hiệu quả nhất cho cả mẹ và trẻ. 

Vat-sua-non-som-co-can-thiet 4.png
Việc vắt sữa non ở giai đoạn cuối thai kỳ là không cần thiết

Thời gian và tính chất sữa của mỗi mẹ bầu là khác nhau vì vậy nếu sữa chưa về, mẹ bầu đừng lo lắng quá. Việc giữ một tinh thần thoải mái cũng góp phần quan trọng trong việc sữa về sau sinh.

Chăm sóc bé trong giai đoạn đầu đời có nhiều khó khăn và vất vả. Mong rằng với những thông tin được chia sẻ trong bài, sẽ giúp cho các bố mẹ hiểu thêm về sữa non, cũng như những lưu ý về việc vắt sữa non. 

Xem thêm: Nên làm gì khi tắc ống dẫn sữa sau sinh?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:SữaDinh dưỡng