Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Vì sao hen phế quản tái phát vào trời lạnh?

Ngày 22/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hen phế quản tái phát vào trời lạnh là điều rất dễ xảy ra đối với những ai đã mang sẵn bệnh lý mạn tính này. Vậy bạn đã hiểu rõ bản chất của thực trạng này và cách phòng ngừa hiệu quả chứng hen suyễn trong mùa đông giá hay chưa?

Hen phế quản là bệnh lý rất thường gặp ở người già và trẻ nhỏ. Chúng thường diễn biến thành từng đợt và biểu hiện cấp tính theo cơn dưới tác động của nhiều yếu tố như: Thời tiết chuyển lạnh, phấn hoa, lông thú, hóa chất gây kích ứng,... Vậy vì sao lại có hiện tượng hen phế quản tái phát vào trời lạnh?

Hen phế quản là gì?

Hen phế quản còn được biết đến với tên gọi quen thuộc hơn là hen suyễn. Đây là bệnh lý viêm đường hô hấp mạn tính, chúng biểu hiện ra bên ngoài bằng hiện tượng tăng cường tính đáp ứng của đường thở như: Co thắt liên tục, sưng, phù nề, tăng tiết dịch,... Kết quả là làm hẹp đường thở, khiến người bệnh hô hấp khó khăn, phát ra tiếng khò khè và có thể đi kèm triệu chứng nặng ngực, ho có đờm,...

Vì sao hen phế quản tái phát vào trời lạnh? 4
Hen phế quản là bệnh lý mạn tính, tái diễn nhiều đợt trong năm

Trong ngày, bệnh hen thường nặng hơn ở thời điểm sáng sớm hoặc khi trời chuyển dần về đêm. Trong năm, bệnh tái phát liên tục vào mùa đông giá và có xu hướng ít tái phát hơn trong mùa xuân hè. Điều này chứng tỏ bệnh hen có mối liên quan mật thiết đến nền nhiệt của môi trường.

Thực tế cho thấy hen phế quản là bệnh lý không thể chữa khỏi mà chỉ có thể kiểm soát, giảm thiểu triệu chứng. Hen suyễn thường tái đi tái lại nhiều lần, nhất là khi gặp phải các tác nhân kích thích mạnh. Trong đó đáng kể nhất là khi trời trở lạnh. Trong trường hợp lên cơn hen, người bệnh cần được hỗ trợ, can thiệp càng sớm càng tốt nếu không có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Vì sao hen phế quản tái phát vào trời lạnh?

Hen phế quản có thể tái phát mọi lúc, mọi nơi nhưng chúng sẽ xảy ra thường xuyên hơn khi trời lạnh giá. Vậy đâu là căn nguyên của việc hen phế quản tái phát vào trời lạnh?

Vì sao hen phế quản tái phát vào trời lạnh? 3
Vì sao hen phế quản tái phát vào trời lạnh?

Thứ nhất: Bên trong niêm mạc đường hô hấp được che chắn bởi một lớp chất lỏng rất mỏng. Chúng vừa có vai trò bảo vệ, vừa giữ ẩm, giữ ấm cho không khí trước khi đưa vào phổi. Thế nhưng khi trời lạnh và hanh khô, chất lỏng này sẽ bay hơi gần hết khiến niêm mạc bị tổn thương, ống phế quản bị kích thích mạnh và xuất hiện hiện tượng phù nề, sưng viêm, từ đó làm phát sinh cơn hen phế quản.

Thứ hai: Không khí lạnh cũng được xem là tác nhân gây dị ứng ở những cơ địa bị hen suyễn. Khi đi vào đường hô hấp, nhân tố này sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch và làm sản sinh histamin. Histamin hoạt động như là dấu hiệu cảnh báo, giúp “đánh tiếng” cho cơ thể về tình trạng khẩn cấp, bất thường, từ đó làm cho các triệu chứng của hen phế quản trở nên trầm trọng hơn.

Thứ ba: Dịch nhầy được tiết ra trong mũi bình thường sẽ có vai trò giữ ẩm và cản khói bụi xâm nhập sâu vào đường hô hấp dưới. Khi trời chuyển lạnh, quá trình tiết dịch nhầy sẽ được tăng cường với mục đích bảo vệ đường hô hấp.Thế nhưng chúng lại gây phản tác dụng đối với những người mắc chứng hen suyễn. Cụ thể khi dịch nhầy nhiều hơn, kết dính lại với nhau thì lại càng làm co hẹp đường thở của người bệnh. Kết quả là làm xuất hiện cơn hen phế quản cấp tính ngay sau đó.

Cuối cùng: Mùa lạnh là thời điểm mà các vi khuẩn, virus gây hại được dịp hoành hành. Những tác nhân này sẽ là “giọt nước tràn ly” khiến các vấn đề hô hấp nói chung và chứng hen suyễn nói riêng trở nên nặng nề hơn. Đó là chưa kể đến thói quen ít dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa trong mùa lạnh khiến vi sinh vật, bụi bẩn, nấm mốc, phấn hoa, lông chó mèo,... bám dính, tích tụ và gây nguy hại cho người mắc hen suyễn.

Những dấu hiệu sớm giúp bạn nhận biết hen phế quản

Làm thế nào để bạn nhận ra cơn hen phế quản tái phát vào trời lạnh? Hãy nhìn vào những dấu hiệu điển hình dưới đây để nhận diện vấn đề sức khỏe, cụ thể như sau:

  • Với các cơn hen nhẹ thì triệu chứng đầu tiên là ho thành cơn, không khó thở nhưng sẽ bị tức ngực nhẹ sau mỗi cơn ho. Hiện tượng trên có biểu hiện rõ ràng hơn khi người bệnh khóc nhiều hoặc vận động tay chân quá mức.
  • Với những cơn hen suyễn ở mức độ vừa thì đi kèm cùng cơn ho là sự đứt quãng trong tiếng nói. Nếu kéo áo lên và quan sát vùng ngực của bệnh nhân, bạn sẽ thấy hõm rút lồng ngực theo nhịp, cùng với đó là tiếng rít trong mỗi lần thở ra.
  • Khi có cơn hen suyễn nặng, bệnh nhân sẽ vừa ho, vừa khó thở và đi kèm hai triệu chứng này là sự co kéo lồng ngực. Nếu bệnh xảy ra ở trẻ nhỏ, các bé sẽ khó bú hoặc bỏ bú, môi tím tái, khó phát âm, không thể khóc như bình thường. Đặc biệt lắng phổi sẽ nghe thấy tiếng ran rít lớn kể cả khi trẻ hít vào và thở ra. Trong trường hợp này, người bệnh cần được đưa đi cấp cứu ngay lập tức để tránh những rủi ro không đáng có.
Vì sao hen phế quản tái phát vào trời lạnh? 1
Ho, khó thở, tức ngực là các dấu hiệu nổi bật của hen phế quản

Cách phòng ngừa hen phế quản tái phát vào trời lạnh

Để phòng ngừa hen phế quản tái phát vào trời lạnh, bạn cần đặc biệt lưu ý đến những vấn đề quan trọng sau:

  • Trang bị đủ quần áo, khăn, tất, mũ để giữ ấm cơ thể trong mùa lạnh, đặc biệt là khi cần đi ra khỏi nhà.
  • Dùng nước ấm để vệ sinh cơ thể, thao tác nhanh trong 10 - 15 phút, không nên kéo dài hơn. Sau khi mặc quần áo cần phải sấy khô tóc, bàn chân và bàn tay để tránh nhiễm lạnh.
  • Sắm máy sưởi hoặc điều hòa hai chiều để giúp nền nhiệt trong nhà luôn giữ ở mức lý tưởng trong mùa đông giá. Đặc biệt nếu không khí quá khô, bạn hãy dùng thêm cả máy tạo độ ẩm để hạn chế sự kích ứng lên niêm mạc mũi.
  • Tránh xa những tác nhân dễ gây dị ứng như: Lông chó mèo, phấn hoa, hải sản,... Ngoài ra, việc sử dụng thuốc lá, thuốc lào cũng có thể “châm ngòi” cho sự xuất hiện của cơn hen nên người bệnh hãy giữ khoảng cách với các tác nhân gây hại này.
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, làm sạch chăn, ga, gối, đệm hằng tuần. Nếu di chuyển đến nơi có yếu tố nguy cơ thì hãy bảo vệ đường hô hấp bằng khẩu trang chuyên dụng.
  • Khi đun nấu nên dùng bếp từ, bếp hồng ngoại thay vì bếp gas, bếp than và bếp củi. Các cách đun nấu truyền thống thường sử dụng nhiên liệu đốt cháy để tạo lửa trực tiếp nên sinh nhiều bụi và khí thải. Từ đó chúng có thể khiến bệnh hen suyễn diễn biến khó lường hơn.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung nhiều rau củ quả, các loại hạt dinh dưỡng, cá giàu omega-3,... để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Vì sao hen phế quản tái phát vào trời lạnh? 5
Mặc đủ ấm là nguyên tắc cơ bản giúp người bệnh đề phòng hen suyễn tái phát

Nếu tuân thủ tốt hướng dẫn trên thì khả năng hen phế quản tái phát vào trời lạnh sẽ được giảm thiểu xuống mức thấp nhất. Vậy nên bạn hãy “ghim” lại thông tin hữu ích này để vận dụng khi cần nhé!

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm