Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Viêm họng kéo dài mãi không dứt nguyên nhân do đâu?

Ngày 26/12/2023
Kích thước chữ

Tình trạng viêm họng kéo dài không dứt nguyên nhân do đâu? Có nguy hiểm không? Để tìm hiểu lời giải đáp cho những câu hỏi liên quan đến bệnh lý này, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tham khảo bài viết này nhé!

Viêm họng là bệnh lý thường gặp có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Bệnh thường không gây nguy hiểm và có thể biến mất sau khoảng 1 tuần. Nhưng nếu không có biện pháp điều trị dứt điểm, bệnh vẫn có khả năng tái lại cao và dễ biến chứng thành viêm họng kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tìm hiểu tổng quan về bệnh viêm họng

Viêm họng là tình trạng viêm nhiễm khá phổ biến, thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa. Bởi đây là thời điểm thuận lợi để virus và vi khuẩn phát triển và tấn công vào đường hô hấp gây viêm họng. Triệu chứng điển hình là đau rát cổ họng, đặc biệt là khi nuốt nước bọt hoặc khi ăn. Thông thường, bệnh viêm họng thường sẽ tự khỏi sau khoảng 1 tuần và không để lại biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Nhưng đôi khi, vẫn có một số trường hợp bệnh có thể bị tái phát nhiều lần và dẫn đến biến chứng viêm họng kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Viêm họng kéo dài mãi không dứt nguyên nhân do đâu? 2
Viêm họng là tình trạng viêm nhiễm do virus và vi khuẩn gây ra

Khi bị bệnh viêm họng, người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu khi cổ họng luôn trong tình trạng bị đau rát và khó nuốt. Ngoài ra, bệnh có thể gây ra một số biểu hiện triệu chứng khác như:

  • Đau rát họng;
  • Sốt, đau cơ và khớp;
  • Đau đầu;
  • Phát ban trên da;
  • Sưng hạch bạch huyết ở cổ.

Trường hợp nếu bị viêm họng do trào ngược thì người bệnh còn có thể gặp phải một số triệu chứng như ho, hắt hơi, sốt trên 38 độ C và nhức đầu nhẹ.

Tuy viêm họng không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu kéo dài, có thể làm ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày và gây cảm giác khó chịu. Vì vậy, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, xác định rõ nguyên nhân và đưa ra phương án điều trị dứt điểm.

Nguyên nhân thường gặp gây viêm họng kéo dài

Theo các chuyên gia y tế, phần lớn các trường hợp bị viêm họng đều do virus và nấm gây ra. Thông thường, bệnh sẽ tự khỏi sau khoảng 1 tuần hoặc chỉ cần sử dụng thuốc khoảng 2 - 3 ngày. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp viêm họng kéo dài suốt 3 tháng hoặc bị tái lại nhiều lần, nguyên nhân có thể do:

Tâm lý chủ quan của người bệnh

Mặc dù các triệu chứng viêm đường hô hấp như ho, sưng họng, đau họng,... rất thường gặp và không gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Nhưng do tâm lý chủ quan của người bệnh khiến bệnh không được chăm sóc và điều trị tốt. Điều này có thể làm cho tình trạng tổn thương ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và dẫn đến biến chứng đau họng kéo dài.

Viêm họng kéo dài mãi không dứt nguyên nhân do đâu? 1
Tâm lý chủ quan của người bệnh khiến bệnh không được chăm sóc và điều trị tốt

Trào ngược acid trong dạ dày

Đây cũng là một nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng viêm họng kéo dài. Nhiều người chỉ chú trọng việc chữa trị triệu chứng viêm họng mà quên rằng, trào ngược từ dạ dày cũng có thể làm tổn thương niêm mạc họng. Nếu không được kiểm soát sớm, tình trạng tổn thương họng do trào ngược dạ dày sẽ không được loại bỏ dứt điểm và gây đau họng kéo dài.

Xem thêm: Trào ngược dạ dày gây viêm họng có nguy hiểm không?

Thói quen ho và khạc cổ

Tình trạng viêm họng thường sẽ kèm theo tiết dịch niêm mạc họng khiến người bệnh cảm thấy ngứa ngáy khó chịu. Việc thường xuyên ho và khạc để giúp làm giảm triệu chứng ngứa có thể làm tổn thương các mao mạch trong họng. Đôi khi, thói quen khạc nhổ không đúng cách có thể làm tổn thương niêm mạc họng.

Viêm xoang

Người mắc viêm xoang thường sẽ dễ bị bệnh viêm họng kéo dài hơn. Do đó, người bệnh cần kết hợp điều trị viêm họng và viêm xoang để giúp đẩy lùi bệnh hiệu quả.

Viêm họng kéo dài mãi không dứt nguyên nhân do đâu? 3
Người bị viêm xoang có nguy cơ bị viêm họng kéo dài cao

Sức đề kháng yếu

Hệ miễn dịch đóng vai trò như một hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của vi khuẩn và virus gây bệnh. Nếu bị viêm họng dai dẳng kèm theo nhiều triệu chứng hô hấp khác thì nhiều khả năng là do sức đề kháng yếu. Lúc này, cần phải tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể kết hợp với tập luyện thể thao để hỗ trợ điều trị bệnh viêm họng hiệu quả.

Bệnh viêm họng kéo dài khi nào cần đi khám?

Tình trạng viêm họng và đau rát cổ họng không chỉ gây cảm giác khó chịu mà còn làm cản trở cả việc ăn uống và giao tiếp hàng ngày. Viêm họng thường sẽ đi kèm với nhiều triệu chứng khác như sốt, nhức đầu, phát ban da, đau khớp, đau cơ, sưng hạch bạch huyết,... Đối với những trường hợp viêm họng kéo dài do trào ngược acid dạ dày, người bệnh còn có thể xuất hiện thêm một biểu hiện như tức ngực, ợ hơi, ợ chua.

Vậy khi nào bị đau họng kéo dài nên đi khám? Người bệnh cần đi khám sớm để có biện pháp điều trị kịp thời khi bị đau họng kéo dài đi kèm với các triệu chứng sau:

  • Sốt cao trên 38 độ C;
  • Xuất hiện cơn đau dữ dội ở cổ họng, ảnh hưởng đến việc ăn uống, ngủ nghỉ và giao tiếp hàng ngày;
  • Đau dữ dội ở một bên cổ họng kèm theo tình trạng sưng ở các tuyến xung quanh, nuốt vướng, nuốt nghẹn.
Viêm họng kéo dài mãi không dứt nguyên nhân do đâu? 4
Cần đi khám khi bị viêm họng kéo dài kèm theo cơn đau dữ dội ở cổ họng

Mặc dù viêm họng dai dẳng không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Do vậy, người bệnh chớ chủ quan trong việc thăm khám và điều trị bệnh dứt điểm. Bởi điều này có thể khiến cổ họng bị tổn thương nghiêm trọng và khó hồi phục.

Cách điều trị viêm họng kéo dài hiệu quả

Bệnh nhân cần đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị tình trạng đau họng kéo dài hiệu quả. Người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ kết hợp với các biện pháp phòng ngừa sau đây để điều trị bệnh dứt điểm như:

  • Hạn chế ăn nhiều đồ ăn cay nóng và chứa nhiều dầu mỡ;
  • Uống nhiều nước và ưu tiên ăn những thức ăn dạng lỏng và mềm, đặc biệt là thời gian điều trị bệnh;
  • Chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối các dưỡng chất, đặc biệt là những vitamin và khoáng chất để tăng cường đề kháng;
  • Hạn chế tiếp xúc với các thực phẩm dễ gây tổn thương niêm mạc họng như nước đá lạnh, rượu bia, khói thuốc lá, thói quen hút thuốc lá,...;
  • Vệ sinh mũi họng và miệng sạch sẽ hàng ngày bằng việc đánh răng 2 lần/ngày, súc miệng bằng nước muối,... để giúp kháng khuẩn và làm dịu niêm mạc họng;
  • Tránh lạm dụng thuốc kháng sinh để điều trị viêm họng, đặc biệt đối với những trường hợp do virus gây ra. Bởi thuốc kháng sinh không có hiệu quả điều trị và có nguy cơ  tái phát bệnh cao;
  • Điều trị triệt để các bệnh lý thường gặp ở đường hô hấp như viêm miệng, viêm xoang, viêm tai,... để ngăn chặn bệnh phát triển lan xuống niêm mạc họng;
  • Giữ ấm tốt cho cơ thể, đặc biệt là khi thời tiết lạnh. Đồng thời, không nên nằm dưới điều hòa có nhiệt độ quá thấp mà thay bằng máy phun sương tạo độ ẩm.

Khi bị viêm họng kéo dài, người bệnh không nên chủ quan để bệnh diễn tiến nặng hoặc tự ý mua thuốc kháng sinh điều trị khi chưa xác định rõ nguyên nhân. Để điều trị bệnh dứt điểm và tránh gây biến chứng nguy hiểm, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và có biện pháp điều trị kịp thời.

Xem thêm: Bị viêm họng do trào ngược dạ dày nên điều trị thế nào?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin