Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Viêm nắp thanh quản và những điều cần biết

Ngày 07/08/2022
Kích thước chữ

Viêm nắp thanh quản có thể do vi khuẩn hoặc virus gây ra, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp cấp hoặc nhiễm trùng lan rộng. Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng bệnh lý này trong bài viết dưới đây nhé!

Viêm nắp thanh quản là một tình trạng bệnh lý có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào. Nếu không phát hiện và có biện pháp điều trị kịp thời, bệnh có thể gây tắc nghẽn đường thở và gây nguy hiểm đến tính mạng. Trong bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản liên quan đến tình trạng viêm nắp thanh quản.

Viêm nắp thanh quản là gì?

Nắp thanh quản được hình thành từ sụn, hoạt động như một van có tác dụng ngăn thức ăn và chất lỏng đi vào đường dẫn khí khi thực hiện các hoạt động ăn uống. Viêm nắp thanh quản là tình trạng viêm sưng biểu mô ở dưới đáy lưỡi. Các biểu mô nắp thanh quản khi bị viêm sưng có thể gây ra nhiễm trùng, thậm chí gây tắc nghẽn đường thở. Chính vì vậy, viêm nắp thanh quản có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không có các biện pháp điều trị kịp thời.

Viêm nắp thanh quản và những điều cần biết 1 Viêm nắp thanh quản có thể gây tắc nghẽn đường thở

Nguyên nhân viêm nắp thanh quản

Nguyên nhân hàng đầu gây viêm nắp thanh quản là nhiễm trùng do vi khuẩn. Các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua đường không khí, sau đó tấn công các tế bào biểu mô, gây viêm sưng. Loại vi khuẩn phổ biến nhất gây viêm nắp thanh quản là Haemophilusenzae type b (Hib), Streptococcus hoặc Streptococcus pneumoniae. Đây đều là các loại vi khuẩn có thể lây lan trong không khí.

Bên cạnh đó, viêm nắp thanh quản còn do các loại virus gây bệnh như thủy đậu, zona, phát ban hoặc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Ngoài ra, viêm nắp thanh quản còn có thể do các nguyên nhân khác, bao gồm:

  • Có thói quen hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá trong một khoảng thời gian dài.
  • Thường xuyên làm việc trong môi trường có các hóa chất độc hại.
  • Nuốt phải dị vật.
  • Đường dẫn khí bị bỏng do nước sôi hoặc do các tác động khác.
  • Cổ họng gặp các chấn thương gây viêm nắp thanh quản.

Đối tượng dễ mắc viêm nắp thanh quản

Bất kỳ ai cũng có thể mắc viêm nắp thanh quản nếu không được phòng ngừa. Những đối tượng có nguy cơ cao gặp phải tình trạng viêm nắp thanh quản bao gồm:

  • Trẻ em: Theo báo cáo của tổ chức y tế thế giới (WHO), trẻ em dưới 12 tháng tuổi có nguy cơ cao mắc viêm nắp thanh quản, chiếm tỷ lệ khoảng 6%. 
  • Nam giới: Nam giới có khả năng bị viêm nắp thanh quản cao hơn so với nữ giới. Tuy nhiên, đây mới chỉ là số liệu thống kê và chưa có bất cứ nghiên cứu cụ thể nào về vấn đề này.
  • Những người thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm: Môi trường ô nhiễm cũng là một trong số những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra viêm nắp thanh quản. Thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm hay hóa chất độc hại sẽ làm cơ thể tăng khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
  • Người có hệ miễn dịch suy giảm: Hệ thống miễn dịch suy yếu của cơ thể sẽ rất khó để chống lại tình trạng nhiễm trùng, khiến cho bệnh viêm nắp thanh quản dễ phát triển hơn bình thường. Những người bị bệnh tiểu đường, viêm khớp thấp, HIV… là những ví dụ điển hình.

Dấu hiệu viêm nắp thanh quản

Các dấu hiệu viêm nắp thanh quản ở trẻ em

Ở trẻ em, những triệu chứng của viêm nắp thanh quản có thể xuất hiện và phát triển trong vòng chỉ một vài giờ. Những triệu chứng bao gồm:

  • Sốt.
  • Đau rát họng.
  • Khi nuốt gặp khó khăn và thấy đau.
  • Chảy nước dãi do đau đớn khi nuốt.
  • Hành vi trở nên bồn chồn, lo lắng.
  • Cảm giác dễ chịu hơn khi ngồi lên, nghiêng về phía trước.
Viêm nắp thanh quản và những điều cần biết 2 Đau rát họng là dấu hiệu viêm nắp thanh quản ở trẻ em

Các dấu hiệu viêm nắp thanh quản ở người lớn

Đối với người trưởng thành, những dấu hiệu của viêm nắp thanh quản thường phát triển chậm hơn. Các dấu hiệu sẽ kéo dài trong ngày và thường bao gồm: 

  • Đau họng cấp tính.
  • Giọng nói trở nên nghẹn hoặc khàn.
  • Không cảm thấy thoải mái khi thở hoặc khở.
Viêm nắp thanh quản và những điều cần biết 3 Khó thở là dấu hiệu viêm nắp thanh quản ở người trưởng thành

Viêm nắp thanh quản thường gây nguy hiểm cấp tính và là một cấp cứu y tế. Nếu gặp bệnh nhân có các dấu hiệu hay triệu chứng trên, bạn hãy gọi hỗ trợ y tế hoặc chuyển người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất.

Viêm nắp thanh quản có nguy hiểm không?

Viêm nắp thanh quản tuy là tình trạng nhiễm trùng hiếm gặp nhưng có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng. Không những vậy, viêm nắp thanh quản còn để lại những biến chứng nặng nề nếu không được điều trị đúng cách, bao gồm: 

  • Suy hô hấp cấp: Biểu mô nắp thanh quản hoạt động như van giúp ngăn đồ ăn hay chất lỏng không rơi vào khí quản khi ăn. Nếu vùng nắp thanh quản bị viêm, chức năng của nó sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến lượng oxy trong máu suy giảm đột ngột, kéo theo nồng độ carbon dioxide tăng quá mức dẫn đến suy hô hấp.
  • Nhiễm trùng lan rộng: Các tác nhân gây viêm nắp thanh quản có thể gây nên tình trạng nhiễm trùng ở nhiều vị trí khác trong cơ thể, chẳng hạn như viêm màng não, viêm phổi… hoặc nguy hiểm hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng máu.

Điều trị viêm nắp thanh quản

Các biện pháp điều trị viêm nắp thanh quản bao gồm những biện pháp giúp bệnh nhân có thể thở và những biện pháp điều trị việc nhiễm trùng.

Trợ giúp đường thở

Ưu tiên cấp cứu hàng đầu khi điều trị viêm nắp thanh quản là đảm bảo bệnh nhân có thể thực hiện được chức năng thông khí. Để đảm bảo người bệnh nhận đủ không khí, các bác sĩ sẽ thực hiện những biện pháp:

  • Đeo mặt nạ để tăng cung cấp khí oxy vào phổi.
  • Đặt ống thở qua mũi hoặc miệng vào khí quản (đặt nội khí quản).
  • Thực hiện thủ thuật mở khí quản (trong trường hợp khẩn cấp, khi những biện pháp trên không có tác dụng)

Điều trị nhiễm trùng

Trong trường hợp tình trạng viêm nắp thanh quản của người bệnh được xác định có nguyên nhân do nhiễm trùng, bác sĩ sẽ tiến hành chỉ định tiêm thuốc kháng sinh cho bệnh nhân qua đường tĩnh mạch. Các nhóm kháng sinh điều trị nhiễm trùng trong viêm nắp thanh quản gồm có:

  • Kháng sinh phổ rộng: Sử dụng với tình trạng nhiễm trùng yêu cầu phải được kiểm soát tức thời. 
  • Kháng sinh nhắm mục tiêu: Loại kháng sinh có thể được thay đổi tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra viêm nắp thanh quản sau khi đã xác định chính xác tác nhân gây bệnh qua nuôi cấy.

Ngoài ra, tùy vào tình huống, các bác sĩ có thể đưa ra chỉ định sử dụng thêm các thuốc như: Corticosteroid, Adrenalin (trong phản vệ), thuốc giãn phế quản, kháng Histamin…

Phòng ngừa viêm nắp thanh quản

Viêm nắp thanh quản là bệnh lý cấp tính tuy nhiên có thể ngăn ngừa được bằng những biện pháp cụ thể sau:

  • Tiêm phòng vaccin Hib cho trẻ em từ 2 tháng tuổi. Trẻ cần được tiêm 1 mũi Hib từ tháng 2, 4, 6 và tiêm 1 mũi tăng cường vào tháng thứ 12.
  • Vệ sinh tay thường xuyên và đúng cách nhằm ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn.
  • Không nên sử dụng chung những đồ dùng cá nhân như ly uống nước, bàn chải đánh răng…
  • Duy trì sức khỏe bằng chế độ ăn uống khoa học và đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Đi khám sức khỏe định kỳ.
Viêm nắp thanh quản và những điều cần biết 4 Rửa tay thường xuyên phòng ngừa viêm nắp thanh quản

Trên đây là những thông tin cơ bản liên quan đến tình trạng viêm nắp thanh quản, bao gồm nguyên nhân, các dấu hiệu, cách điều trị cũng như phòng ngừa bệnh. Hy vọng qua bài viết trên, bạn đọc đã nắm được những kiến thức hữu ích để chăm sóc cho sức khỏe của bạn và những người thân yêu. Chúc bạn đọc thật nhiều sức khỏe và mong rằng bạn sẽ tiếp tục ủng hộ Nhà Thuốc Long Châu trong tương lai!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin