Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Vôi răng bị vỡ có sao không? Cách phòng ngừa vôi răng hình thành hiệu quả

Ngày 04/04/2024
Kích thước chữ

Vôi răng hay còn được gọi là cao răng. Chúng được hình thành từ những mảng bám và bị vôi hoá dần. Tuy nhiên xảy ra trường hợp vôi răng bị vỡ thì phải làm sao? Bài viết sẽ bật mí đến bạn cách can thiệp hiệu quả.

Sức khỏe răng miệng cần được quan tâm nhiều hơn bởi rất nhiều bệnh lý như sâu răng, viêm tuỷ khiến bạn mất răng và ảnh hưởng lớn đến chức năng ăn nhai. Nếu răng miệng không được vệ sinh khoa học, các mảng bám lâu dần sẽ bị vôi hoá trở thành vôi răng. Vậy lúc vôi răng bị vỡ thì chúng gây hại như thế nào? Cách xử lý trạng thái này ra sao?

Vôi răng là gì?

Vôi răng hay cao răng đều là thuật ngữ để chỉ kết quả của quá trình vôi hoá thức ăn dư thừa trong khoang miệng. Thời gian đầu khi cao răng mới hình thành thì chúng khá mềm và khó nhận ra bằng mắt thường. Tuy nhiên lâu dần chúng sẽ trở nên cứng, bám chắc vào nướu cùng chân răng.

Vôi răng bị vỡ: Nguyên nhân, giải pháp và cách phòng ngừa 1
Vôi răng là tình trạng các mảng bám trên răng bị vôi hoá

Vôi răng chứa nhiều vi khuẩn và là tác nhân làm hỏng men răng, khiến nướu trở nên thô và xốp. Bệnh nướu răng, viêm nha chu đều là tình trạng do răng miệng không được làm sạch vôi răng mà hình thành. Trước khi tìm hiểu tình trạng vôi răng bị vỡ, ta cùng phân loại chúng:

  • Vôi răng thường: Xuất hiện phổ biến ở cổ răng, chúng có màu trắng đục hay vàng nhạt. Với những ai hay hút thuốc lá thì vôi răng sẽ có màu sẫm hơn. Chính vôi răng là nguyên nhân gây viêm nướu và nếu không được điều trị kịp thời sẽ làm chảy máu chân răng, tạo thành cao răng huyết thanh.
  • Cao răng huyết thanh: Chúng thường nằm ở dưới nướu, có màu đỏ nâu hay đen nâu. So với vôi răng bình thường thì chúng chứa nhiều vi khuẩn hơn và làm gia tăng tốc độ nhiễm khuẩn chân răng.

Vậy nguyên nhân bị vôi răng là gì? Chủ yếu do việc không thường xuyên loại bỏ mảng bám trên răng, chúng sẽ trở thành vôi răng. Thực tế trong ăn uống hằng ngày, thức ăn và đồ uống chứa nhiều đường sẽ rất dễ bám trên răng và nếu không loại bỏ chúng đúng cách thì vi khuẩn dễ phát triển hơn, tạo thêm nhiều mảng bám hơn. Điều quan trọng hơn cả, vôi răng không thể làm sạch hoàn toàn bằng bàn chải hay chỉ nha khoa bình thường. Buộc bạn phải kết hợp với nước súc miệng và đến nha sĩ lấy vôi răng định kỳ.

Vôi răng bị vỡ có sao không?

Vôi răng vỡ là tình trạng nhiều người gặp phải. Chúng xảy ra chủ yếu do cao răng tích tụ thành từng bờ và bong tróc tự nhiên. Việc vôi răng vỡ có thể do:

  • Ăn phải thức ăn quá cứng khiến vôi răng vỡ ra do không chịu được áp lực như món xương hầm, các loại hạt hay kẹo cứng.
  • Tác động lực mạnh vào răng như đánh răng quá mạnh, dùng tăm cũng khiến vôi răng bị bong tróc.
Vôi răng bị vỡ: Nguyên nhân, giải pháp và cách phòng ngừa 2
Vôi răng bị vỡ tự nhiên tốt cho sức khoẻ răng miệng

Vậy thực tế khi vôi răng bị vỡ một cách tự nhiên thì đây lại là dấu hiệu tốt bởi răng sẽ khoẻ hơn, giảm thiểu các nguy cơ mắc bệnh răng miệng. Tuy nhiên không nên chủ quan bởi các mảng vôi răng vỡ đôi khi vẫn còn tồn đọng bên trong khoang miệng và gây nên nhiều vấn đề. Ngay khi xuất hiện hiện tượng vôi răng vỡ, bạn hãy đến nha sĩ để được làm sạch một cách hoàn toàn.

Cách phòng ngừa vôi răng hình thành

Sau khi tìm hiểu về trạng thái vôi răng bị vỡ, ta cùng nắm một số cách phòng ngừa chúng hình thành để đảm bảo sức khỏe răng miệng:

Chải răng đúng cách

Đánh răng với bàn chải thực tế ai cũng làm được và quá quen với điều này. Tuy nhiên liệu bạn đã chải răng đúng cách hay chưa? Cách vệ sinh răng với bàn chải tốt nhất là thực hiện chúng 2 lần mỗi ngày. Nên chải răng sau khi ăn 30 phút để loại bỏ mảng bám trên răng sớm. Đặc biệt không lơ là việc đánh răng trước khi đi ngủ bởi vào ban đêm vi khuẩn trong khoang miệng sẽ dễ sinh sôi và tạo thành mảng bám tích tụ.

Ngoài ra bạn nên ưu tiên dùng bàn chải mềm bởi bàn chải cứng sẽ dễ làm tổn thương vùng nướu. Hãy thay bàn chải sau mỗi 3 đến 4 tháng hoặc khi nó đã quá mòn. Ngày nay, bàn chải điện được đánh giá cao về độ làm sạch răng nên bạn có thể cân nhắc sử dụng.

Làm sạch vùng kẽ răng

Kẽ răng chính là nơi trú ngụ của nhiều vi khuẩn cùng thức ăn còn sót lại mà mắt thường không nhìn thấy. Dùng chỉ nha khoa lúc này sẽ giúp loại bỏ tốt các mảng bám còn sót lại. Ngoài chỉ nha khoa, bạn có thể dùng máy tăm nước, tăm nha khoa và nên làm sạch vùng kẽ răng ít nhất 1 ngày 1 lần.

Vôi răng bị vỡ: Nguyên nhân, giải pháp và cách phòng ngừa 3
Chú trọng vệ sinh kẽ răng

Hạn chế tiêu thụ thực phẩm đường và tinh bột

Như đã đề cập, vôi răng bị vỡ có thể do ăn phải thức ăn cứng như kẹo. Tuy nhiên thực tế nếu bạn thường xuyên tiêu thụ thực phẩm giàu đường như bánh, kẹo, đồ uống ngọt thì vi khuẩn tích tụ trong khoang miệng càng nhiều. Tương tự, thực phẩm giàu tinh bột cũng góp phần gây sâu răng. Tốt nhất nên tránh ăn khoai tây chiên, bánh mì, kẹo dẻo, nước uống có ga, rượu, socola.

Thăm khám nha sĩ định kỳ

Người Việt thường không có thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là khám sức khỏe răng miệng. Từ đó có rất nhiều chứng bệnh chỉ được phát hiện khi đã trở nặng. Bạn nên phòng ngừa hình thành vôi răng bằng cách đến nha sĩ lấy vôi răng 6 tháng mỗi lần. Bên cạnh đó nha sĩ cũng sẽ có những phát hiện kịp thời về răng miệng và giúp bạn điều trị dứt điểm.

Trên đây là những chia sẻ về vôi răng bị vỡ. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết, bạn hiểu hơn về vôi răng và có cho bản thân những giải pháp chăm sóc răng miệng phù hợp. 

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin