Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Đau tức vùng hạ vị là tình trạng thường gặp ở mọi độ tuổi. Đau vùng hạ vị không phải là bệnh nhưng nó chính là cảnh báo của một số bệnh lý tiềm ẩn liên quan đến các cơ quan ở vùng này như bệnh lý ở hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu, cơ quan sinh dục,...
Vùng khoang bụng được tính từ phần mũi ức đến phía trên xương mu. Theo đó, khoang bụng được chia làm các vùng như hạ sườn phải, hạ sườn trái, vùng thượng vị, hông phải, hông trái, quanh rốn, hố chậu phải, hố chậu trái và vùng hạ vị (dưới rốn) với các cơ quan nội tạng tương ứng. Trong đó, chúng ta thường nhắc đến các cơn đau vùng hạ vị nhưng không phải ai cũng hiểu rõ vùng hạ vị nằm ở đâu. Đặc biệt, những cơn đau ở vùng này cũng là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề bất thường không được xem nhẹ.
Khoang bụng là vùng quan trọng nơi tập trung các cơ quan nội tạng như dạ dày, gan, lách, tụy, thận, mật, hệ thống ruột, bàng quang, niệu quản,... và các cơ quan sinh sản như tử cung, buồng trứng, vòi trứng, âm đạo,... Vùng bụng cũng được chia ra thành các vùng nhỏ hơn tương ứng với các cơ quan trong ổ bụng, trong đó có vùng hạ vị.
Vùng hạ vị là vùng thấp nhất của khoang bụng và nằm ngay dưới rốn. Khi cơ thể xuất hiện các cơn đau ở vùng này thì được gọi là đau bụng hạ vị. Chúng ta thường lầm tưởng đau bụng liên quan đến tiêu hóa nhưng thực tế cơn đau hạ vị còn do rất nhiều nguyên nhân khác gây ra.
Đau hạ vị có thể xảy ra ở bất cứ ai với nhiều mức độ nhẹ đến dữ dội tùy vào nguyên nhân gây ra đau. Những cơn đau này có thể xuất phát từ hạ vị rồi lan sang các vị trí xung quanh như lưng, hông, vùng chậu,... Đặc điểm chung của những cơn đau này là đều ảnh hưởng đến sinh hoạt nhưng cơn đau ở nam giới và nữ giới lại là dấu hiệu của những vấn đề khác nhau.
Cơn đau vùng hạ vị được chia làm 2 loại gồm đau hạ vị cấp tính và mãn tính. Theo đó, đau hạ vị cấp tính là những cơn đau mới xảy ra và xuất hiện đột ngột. Còn những cơn đau hạ vị đã xảy ra thường xuyên và liên tục trong thời gian dài thì được gọi là mãn tính.
Những cơn đau xuất hiện ở hạ vị không phải là bệnh lý mà nó chỉ là triệu chứng của một bệnh lý nào đó trong cơ thể. Trong một vài trường hợp, cơn đau hạ vị do mắc bệnh đại tràng hoặc tiết niệu thì thường không phải tình trạng cấp cứu đáng lo ngại. Tuy nhiên, với trường hợp đau bụng hạ vị do viêm ruột thừa cấp, chửa ngoài tử cung, u nang buồng trứng xoắn,... thì cần phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Dưới đây là một số bệnh lý có thể gây ra đau bụng vùng hạ vị.
Đây là tình trạng phổ biến gây đau hạ vị với các triệu chứng đau âm ỉ bụng dưới, đau quặn từng cơn. Ngoài ra, người bệnh có thể kèm theo các triệu chứng khác ở đường tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng, phân cứng,... Đau bụng hạ vị do rối loạn tiêu hóa có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nguyên nhân là do hoạt động bất thường của hệ tiêu hóa dẫn đến tổn thương gây đau. Tình trạng này không chỉ khiến người bệnh mệt mỏi mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy sức khỏe như mất nước, tụt huyết áp, viêm ruột,...
Đau bụng do viêm đại tràng thường gây đau, khó chịu ở vùng bụng dưới kèm theo tiêu chảy, táo bón, phân lẫn máu,... Tình trạng này là do viêm nhiễm ở niêm mạc đại tràng gây ra, tùy vào mức độ tổn thương mà mức độ đau, viêm loét, xuất huyết sẽ khác nhau. Đau hạ vị do viêm đại tràng cần được phát hiện sớm và điều trị dứt điểm để tránh các biến chứng nguy hiểm như thủng đại tràng, ung thư đại tràng,...
Đau hạ vị do viêm ruột thừa là tình trạng cấp tính nguy hiểm với triệu chứng điển hình là đau bụng từ âm ỉ đến dữ dội, buồn nôn, có thể kèm theo sốt, chán ăn, táo bón,... Tình trạng này cần được xác định sớm, từ đó đưa ra phác đồ xử trí kịp thời.
Trong số các bệnh lý tiêu hóa gây đau vùng hạ vị thì ung thư đại tràng là bệnh nguy hiểm nhất. Những cơn đau do ung thư đại tràng thường khởi phát từ bụng trên và lan xuống vùng bụng dưới. Ngoài ra, một số dấu hiệu khác như đầy hơi, chướng bụng, đi ngoài ra máu, sụt cân không rõ nguyên nhân.
Vi khuẩn xâm nhập vào lỗ tiểu và đường tiết niệu có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm với các triệu chứng đau bụng dưới, sốt cao, người ớn lạnh, buồn nôn,... Đau hạ vị có thể do một số bệnh lý tiết niệu như viêm niệu đạo, viêm thận, viêm bàng quang,...
Không chỉ các bệnh lý ở đường tiêu hóa, tiết niệu, đau hạ vị còn có thể do tình trạng mang thai ngoài tử cung gây ra. Tình trạng này chỉ xảy ra ở nữ giới và có thể kèm theo các triệu chứng như mệt mỏi, xuất huyết âm đạo. Mang thai ngoài tử cung nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng đến thai phụ như chảy máu ồ ạt trong ổ bụng, ống dẫn trứng bị tổn thương,... Vì thế, ở những phụ nữ đang mang thai nếu xuất hiện các cơn đau hạ vị thì không nên chủ quan mà hãy thăm khám để phát hiện kịp thời các bất thường.
Đây là một trong những bệnh lý phụ khoa khá phổ biến ở nữ giới. U nang buồng trứng là các túi dịch xuất hiện buồng trứng gây ra những cơn đau ở vùng thắt lưng, vùng đùi và lan rộng ra các vị trí khác như vùng hạ vị. Bên cạnh đó, người có u nang buồng trứng sẽ thường kèm theo các biểu hiện như buồn nôn, chướng bụng, kinh nguyệt không đều,…
U xơ tử cung là bệnh lý thường gặp ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản, nhất là người sau 30 tuổi. Hầu hết ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.Trong đó đau tức bụng dưới là triệu chứng thường gặp nhất nhưng thường bị bỏ qua do nhầm lẫn với bệnh lý tiêu hóa.
Bất kỳ cơn đau bụng hạ vị nào cũng đều là dấu hiệu bất thường. Vì thế, để đảm bảo an toàn người bệnh không nên chủ quan tự chữa tại nhà mà hãy đi khám để được bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh lý tiềm ẩn, từ đó đưa ra phác đồ xử trí phù hợp nhất.
Trong thời gian chờ thăm khám, người bệnh nên bình tĩnh nhờ người thân hỗ trợ. Đồng thời, người bệnh có thể thực hiện các cách hỗ trợ cải thiện lưu thông máu và giảm đau tại chỗ như chườm ấm, nghỉ ngơi, ngồi thiền,...
Trên đây là những thông tin chi tiết về những cơn đau vùng hạ vị. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về vị trí và những vấn đề bệnh lý có thể gặp phải khi xuất hiện cơn đau bụng ở vùng này. Cơn đau hạ vị có thể do các bệnh lý khác nhau, vì thế người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền
Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.