Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Xét nghiệm HbA1c là gì? Lưu ý gì khi làm xét nghiệm HbA1c

Ngày 02/01/2023
Kích thước chữ

Xét nghiệm HbA1c giúp xác định một người có bị đái tháo đường không và giúp biết được chỉ số đường huyết tại thời điểm xét nghiệm để làm chậm tiến trình và cải thiện biến chứng của bệnh đái tháo đường. Vậy cụ thể xét nghiệm HbA1c là gì?

Đái tháo đường nói chung và đái tháo đường thai kỳ nói riêng đang ngày càng trở nên phổ biến. Khi bị đái tháo đường lâu dài sẽ gây nên nhiều biến chứng có hại cho cơ thể đặc biệt là ở mắt, tim, thận và thần kinh. Vì vậy chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường có tác dụng phòng ngừa biến chứng. Để chẩn đoán sớm, theo dõi hiệu quả điều trị và tiên lượng bệnh đái tháo đường, người bệnh cần làm xét nghiệm HbA1C. Vậy xét nghiệm HbA1c là gì và cần lưu ý gì khi thực hiện xét nghiệm này?

Xét nghiệm HbA1c là gì? Những điều cần biết

Bản chất của xét nghiệm HbA1c

Để biết xét nghiệm HbA1c là gì, bạn nên tìm hiểu về bệnh đái tháo đường (tiểu đường). Khi cơ thể không sản xuất đủ insulin, hoặc giảm đáp ứng với tác dụng của insulin sẽ gây nên đái tháo đường. Sau khi ăn glucose thường sẽ được hấp thụ vào máu. Insulin có chức năng vận chuyển glucose từ máu vào các tế bào để chuyển hóa và sinh ra năng lượng.

Khi bị đái tháo đường, glucose không được đưa vào các tế bào do thiếu Insulin tuyệt đối hoặc tương đối mà nó vẫn tồn tại trong máu làm cho nồng độ đường trong máu tăng lên quá mức bình thường.

Một trong những thành phần của tế bào hồng cầu là Hemoglobin (Hb), có vai trò vận chuyển oxy trong máu. Bình thường đường trong máu luôn gắn kết với Hb của hồng cầu.

Vậy định lượng HbA1c là gì? Hb đại diện cho tình trạng gắn kết của Glucose trên Hb hồng cầu và chiếm phần lớn ở người lớn.

Qua việc xét nghiệm HbA1c, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh lý đái tháo đường khi nghi ngờ bệnh nhân có bệnh đái tháo đường. Do HbA1c tồn tại suốt trong đời sống hồng cầu là 120 ngày, khi xét nghiệm HbA1c bạn sẽ biết mức đường huyết trung bình trong 2 - 3 tháng vừa qua.

Xét nghiệm HbA1c là gì? Lưu ý gì khi làm xét nghiệm HbA1c 1 Xét nghiệm HbA1c là dạng xét nghiệm được dùng để chẩn đoán bệnh đái tháo đường

Khi nào thực hiện xét nghiệm HbA1c?

Khi đã biết HbA1c là xét nghiệm gì, bạn sẽ muốn biết khi nào thực hiện xét nghiệm này. Tùy thuộc vào loại đái tháo đường, khả năng kiểm soát đường huyết của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm HbA1c, nhưng người bệnh được khuyến cáo nên tiến hành 2 - 4 lần mỗi năm.

Khi đã được chẩn đoán đái tháo đường, nếu bác sĩ thấy khả năng kiểm soát đường huyết của bệnh nhân không tốt thì những lần xét nghiệm tiếp theo có thể thường xuyên hơn.

Xét nghiệm HbA1c có thể được chỉ định để chẩn đoán và sàng lọc khi bệnh nhân khám sức khỏe định kỳ hoặc bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc đái tháo đường do bệnh nhân có các dấu hiệu của tăng nồng độ glucose máu như:

  • Khát nước, tiểu nhiều.
  • Mệt mỏi, mờ mắt.
  • Nhiễm trùng lâu lành.

Kết quả của xét nghiệm HbA1c

Sau khi xét nghiệm HbA1c, kết quả sẽ được phân thành các mức độ như sau:

  • Bình thường: Dưới 5,7%.
  • Nguy cơ đái tháo đường (Tiền đái tháo đường): 5,7 - 6,4%.
  • Đái tháo đường: Trên 6,5%.

Đối với hầu hết người mắc tiểu đường type 2 hoặc trưởng thành không mang thai thì mục tiêu hướng tới mức HbA1c là dưới 7%.

Một số bệnh lý có thể làm tăng nồng độ HbA1c nhưng kết quả lại vấn nằm trong phạm vi bình thường như u tủy thượng thận, hội chứng Cushing, hội chứng buồng trứng đa nang.

Xét nghiệm HbA1c là gì? Lưu ý gì khi làm xét nghiệm HbA1c 2 Trước khi xét nghiệm HbA1c, bệnh nhân nên uống đủ nước để kết quả được chính xác hơn

Khi nào chỉ số HbA1c bất thường?

Các trường hợp HbA1c có thể tăng cao:

  • Nồng độ glucose máu tăng.
  • Bệnh nhân mới được chẩn đoán đái tháo đường hoặc kiểm soát bệnh kém.
  • Thiếu máu thiếu sắt, suy thận mạn hoặc nghiện rượu.
  • Ngộ độc chì.

Các trường hợp HbA1c có thể giảm:

  • Thiếu máu mạn tính.
  • Thời gian sống của hồng cầu ngắn trong các bệnh lý như hồng cầu hình liềm, thiếu máu tan máu, bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia).
  • Sau cắt lách, sau truyền máu hoặc sau khi dùng lượng lớn vitamin C và E.
  • Phụ nữ mang thai.

Những lưu ý trước và sau khi xét nghiệm tiểu đường

Trước khi xét nghiệm, cần chuẩn bị gì?

Không chỉ thắc mắc xét nghiệm HbA1c là gì, người bệnh còn quan tâm đến quá trình xét nghiệm diễn ra như thế nào.

Người bệnh không cần phải có sự chuẩn bị đặc biệt nào khi xét nghiệm HbA1c. Nhất là người bệnh cũng không cần nhịn ăn như khi thực hiện xét nghiệm máu thông thường. Do đó người bệnh có thể làm xét nghiệm HbA1c vào bất kỳ lúc nào mà không gây ảnh hưởng đến kết quả.

Người bệnh cần lưu ý những điều sau trước khi tiến hành xét nghiệm:

  • Không cần thiết tạm ngưng sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh đái tháo đường.
  • Không uống bia, rượu, các đồ uống chứa cồn hoặc dùng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá...
  • Hạn chế ăn uống thức ăn chứa nhiều đạm, nhiều tinh bột, chất béo...
  • Nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, tạo tinh thần thoải mái.
  • Uống đầy đủ nước giúp cơ thể không bị mất nước và kết quả xét nghiệm chính xác hơn.

Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, người bệnh có thể sinh hoạt và ăn uống như bình thường.

Quy trình xét nghiệm HbA1c như thế nào?

Khi xét nghiệm HbA1c, nhân viên y tế sẽ:

  • Quấn băng garô xung quanh cánh tay bạn để chặn dòng chảy của máu, đồng thời giúp cho các tĩnh mạch nổi rõ hơn để dễ dàng đưa kim vào tĩnh mạch.
  • Dùng cồn làm sạch da.
  • Đưa kim vào tĩnh mạch.
  • Kéo pít-tông để lấy máu.
  • Tháo garô khỏi cánh tay khi thu thập đủ lượng máu.
  • Sau khi rút kim ra, đè miếng bông trên chỗ lấy máu, sau đó dán băng lại.

Sau khi xét nghiệm HbA1c

Nếu bạn cảm thấy khó chịu khi nhân viên y tế quấn garô quá chặt, bạn có thể gỡ garô ra nếu máu không còn chảy. Khi kim được đưa vào tĩnh mạch, bạn cũng có thể bị mất cảm giác, nhiều lúc cảm thấy tê hoặc như bị côn trùng cắn.

Sau đó, bác sĩ sẽ hẹn ngày để bạn lấy kết quả xét nghiệm HbA1c. Dựa vào kết quả, bác sĩ sẽ phân tích và giải thích với bạn xem chỉ số HbA1c có bình thường hay không.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về quy trình xét nghiệm, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

Xét nghiệm HbA1c là gì? Lưu ý gì khi làm xét nghiệm HbA1c 3 Nhờ xét nghiệm HbA1c, bệnh nhân kiểm soát được lượng đường, giúp ngăn ngừa biến chứng

Cách kiểm soát đường huyết trong máu

Khi chỉ số HbA1c < 6.5% có nghĩa là đường huyết được kiểm soát tốt nhất. Để giúp kiểm soát đường huyết tốt nhất, bạn thực hiện các cách như sau: 

  • Xây dựng chế độ luyện tập và rèn luyện sức khỏe phù hợp, điều độ.
  • Xây dựng chế độ ăn hợp lý, kiểm soát lượng tinh bột, lượng đạm trong thức ăn, tăng cường các thực phẩm nhiều chất xơ, bổ sung thêm trái cây.
  • Hạn chế gặp tình trạng căng thẳng hoặc stress, cân bằng thời gian nghỉ ngơi và làm việc, tránh làm việc quá sức, nên ngủ đủ giấc...

Bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát lượng đường trong máu tốt sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng tiểu đường xảy ra. Còn đối với người bình thường, việc kiểm soát lượng đường huyết tốt giúp phòng tránh bệnh đái tháo đường.

Tóm lại, xét nghiệm HbA1c là dạng xét nghiệm có giá trị chẩn đoán cũng như tầm soát sớm tiền đái tháo đường. Với người đã bị đái tháo đường, đây là một trong những chỉ số xét nghiệm rất quan trọng vì nó phản ánh tình trạng glucose máu trong 3 tháng vừa qua đã được kiểm soát như thế nào. Từ đó, bác sĩ điều trị cũng như người bệnh có kế hoạch điều trị kịp thời cũng như phòng ngừa các biến chứng do bệnh gây ra.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.