Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Xét nghiệm ung thư tuyến giáp: Chìa khóa trong việc phát hiện sớm và điều trị bệnh

Ngày 25/07/2023
Kích thước chữ

Ung thư tuyến giáp là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới, ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng triệu người mỗi năm. Điều đáng lo ngại là các triệu chứng ban đầu của bệnh thường không rõ ràng, gây khó khăn cho việc chẩn đoán chính xác. Để tăng cơ hội chữa trị thành công, xét nghiệm ung thư tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong quá trình chẩn đoán và điều trị.

Hiện nay, số ca mắc ung thư tuyến giáp ngày càng tăng. Theo thống kê, ung thư tuyến giáp đứng thứ 6 trong các bệnh ung thư thường gặp ở nữ giới. Vì vậy việc tầm soát loại ung thư này ngày càng được nhiều người quan tâm. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về các loại xét nghiệm ung thư tuyến giáp qua bài viết dưới đây.

Khái quát về ung thư tuyến giáp

Tuyến giáp là một cơ quan nằm ở phía trước cổ. Nó là một phần quan trọng của hệ thống tuyến nội tiết trong cơ thể. Tuyến giáp chịu trách nhiệm sản xuất và tiết ra các hormone tuyến giáp, bao gồm thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3), các hormone quan trọng này có vai trò điều chỉnh quá trình trao đổi chất, tăng trưởng và phát triển cơ thể, chức năng tim mạch, hệ tiêu hóa và hệ thần kinh.

Ung thư tuyến giáp là một căn bệnh nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ung thư tuyến giáp xảy ra khi các tế bào tuyến giáp biến đổi không kiểm soát, tạo thành các khối u hoặc áp xe trong tuyến giáp. Khi ung thư phát triển, nó có thể ảnh hưởng đến chức năng bình thường của tuyến giáp và gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Xét nghiệm ung thư tuyến giáp: Chìa khóa trong việc phát hiện sớm và điều trị bệnh 1
Ung thư tuyến giáp là một loại ung thư phổ biến ở phụ nữ trên 25 tuổi

Ung thư tuyến giáp có hai loại:

  • Ung thư tuyến giáp thể biệt hoá: Chiếm phần lớn với tỷ lệ 90% trong số bệnh nhân. Loại ung thư này phát triển chậm và có tiên lượng tốt hơn.
  • Ung thư tuyến giáp thể không biệt hoá: Bao gồm hai loại là ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy và ung thư biểu mô tuyến giáp thể không biệt hoá. Loại ung thư này chiếm tỷ lệ khoảng 10% và có xu hướng tiến triển nhanh chóng, vì vậy rất nguy hiểm.

Một số triệu chứng thường gặp của ung thư tuyến giáp bao gồm:

  • Sưng cổ hoặc cổ to hơn bình thường.
  • Khó thở hoặc cảm giác nghẹn trong cổ.
  • Khó nuốt.
  • Cân nặng thay đổi không rõ nguyên nhân.
  • Cơ thể mệt mỏi, lo âu, khó chịu.

Yếu tố thời gian đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến giáp. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, ung thư tuyến giáp có thể lan rộng và gây ra những biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và hệ thống trong cơ thể. Vì vậy, việc phát hiện sớm và chữa trị kịp thời tăng cơ hội sống sót và giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống. Do đó, các chuyên gia y tế đề xuất rằng những người có nguy cơ cao nên thực hiện xét nghiệm ung thư tuyến giáp. Nếu có những dấu hiệu đáng ngờ, việc kiểm tra kịp thời sẽ giúp nhận biết bệnh và phòng ngừa biến chứng, đồng thời tăng cơ hội điều trị thành công.

Đối tượng cần xét nghiệm ung thư tuyến giáp

Xét nghiệm ung thư tuyến giáp thường được yêu cầu trong các trường hợp sau:

  • Những người bị cường giáp và có một số triệu chứng như giảm cân đột ngột, tăng huyết áp, chân tay run rẩy, mệt mỏi liên tục, nhịp tim tăng, khó tập trung, dễ cáu gắt, thay đổi tâm trạng, tiểu nhiều, rối loạn kinh nguyệt, tiêu chảy, và sưng vùng cổ...
  • Những trường hợp bị suy giáp có các biểu hiện như da tái, cơ thể lạnh, huyết áp và nhịp tim giảm, giọng nói khàn, triệu chứng trầm cảm, suy giảm trí nhớ, mệt mỏi liên tục, chậm chạp và chức năng tình dục suy giảm.

Ngoài ra, nếu bạn thuộc vào các nhóm đối tượng có nguy cơ sau đây, bạn cũng nên thực hiện các xét nghiệm:

  • Nữ giới có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn nam giới (phụ nữ lớn hơn 25 tuổi).
  • Những trường hợp có rối loạn về hệ miễn dịch.
  • Người tiếp xúc với phóng xạ hoặc sinh sống ở vùng có nhiều phóng xạ, ví dụ như lò phản ứng hạt nhân.
  • Người thân trong gia đình bị mắc ung thư tuyến giáp hoặc từng mắc các bệnh lý về tuyến giáp như bướu cổ, suy giáp hoặc cường giáp.
Xét nghiệm ung thư tuyến giáp: Chìa khóa trong việc phát hiện sớm và điều trị bệnh 2
Người có nguy cơ cao nên thực hiện các xét nghiệm để tầm soát ung thư tuyến giáp

Một số xét nghiệm ung thư tuyến giáp

Trong chẩn đoán ung thư tuyến giáp, bác sĩ thường sử dụng một số xét nghiệm để đánh giá sức khỏe của tuyến giáp và phát hiện các vấn đề liên quan đến bệnh ung thư này. Dưới đây là một số xét nghiệm phổ biến thường được sử dụng:

Xét nghiệm TSH

TSH (Thyroid Stimulating Hormone) là loại hormone kích thích tuyến giáp. Hormone này được sản xuất bởi tuyến yên trong não và có nhiệm vụ điều hòa việc tiết hormone tuyến giáp T3 và T4.

TSH được xem là xét nghiệm đầu tiên phải thực hiện trong xét nghiệm ung thư tuyến giáp vì nó cho phép kiểm tra chức năng hoạt động của tuyến giáp, xác định liệu nó có hoạt động bình thường hay bị rối loạn. Dựa trên kết quả này, có thể xác định nguyên nhân gây ra vấn đề và đề xuất phác đồ điều trị phù hợp.

Dưới đây là một số giá trị thường được sử dụng để đánh giá kết quả xét nghiệm TSH:

  • TSH bình thường: 0,4 - 5 mIU/L.
  • TSH < 0,4 mIU/L: Cho thấy dư thừa hormon tuyến giáp, có thể gây cường giáp.
  • TSH > 5 mIU/L: Cho thấy thiếu hormone tuyến giáp, có thể gây suy giáp.

Ngoài ra, chỉ số xét nghiệm TSH cũng có thể giúp tiên lượng và dự báo khả năng tái phát bệnh sau quá trình điều trị.

Xét nghiệm ung thư tuyến giáp: Chìa khóa trong việc phát hiện sớm và điều trị bệnh 3
TSH là xét nghiệm cần thực hiện đầu tiên khi xét nghiệm ung thư tuyến giáp

Xét nghiệm T3 và T4

T3 và T4 được tổng hợp và giải phóng vào máu dưới hai dạng: Gắn với protein huyết tương và dạng tự do (FT3, FT4). Do đó, để đo lường T3 và T4, chúng ta cần thực hiện xét nghiệm T3 và T4 toàn phần cũng như FT3 và FT4. Đây là các xét nghiệm quan trọng trong chẩn đoán tình trạng tuyến giáp với các thông số sau:

  • T4 toàn phần: Khoảng giá trị bình thường của T4 toàn phần nằm trong khoảng 5,0 - 12,0 ng/dL. Kết quả này giúp chẩn đoán cường giáp hoặc suy giáp, khi kết hợp với kết quả của TSH và FT4.
  • T4 tự do (FT4): Khoảng giá trị bình thường của FT4 nằm trong khoảng 0,8 - 1,8 ng/dL. Giá trị FT4 tăng cao chỉ ra tình trạng nhiễm độc giáp hoặc cường giáp. Nếu FT4 giảm thấp, có thể cho thấy khả năng chức năng tuyến giáp suy giảm hoặc bị rối loạn vùng dưới đồi - yên.
  • T3 toàn phần: Xét nghiệm T3 toàn phần được chỉ định khi có nghi ngờ về cường giáp mà kết quả FT4 nằm trong mức bình thường. Xét nghiệm này cho phép đánh giá và chẩn đoán tình trạng cường giáp do T3. Nếu kết quả T3 tăng cao, có thể là dấu hiệu của viêm tuyến giáp, cường giáp hoặc ung thư tuyến giáp.
  • T3 tự do (FT3): Xét nghiệm FT3 tương tự như T3 toàn phần, nhưng FT3 có độ nhạy cao hơn trong việc chẩn đoán cường giáp. FT3 và FT4 đều tăng ở bệnh nhân cường giáp, nhưng FT3 có xu hướng tăng nhiều hơn. Một số trường hợp, mặc dù FT3 bình thường, nhưng FT4 lại tăng, có thể do người bệnh bị các bệnh khác không phải liên quan đến tuyến giáp.

Xét nghiệm TG và anti TG

Các chỉ số xét nghiệm ung thư tuyến giáp là TG (thyroglobulin) và anti TG (anti thyroglobulin) được sử dụng để theo dõi và đánh giá hiệu quả điều trị phẫu thuật ung thư tuyến giáp. Đặc biệt là các thể ung thư tuyến giáp thể nang và thể nhú, hai thể có nồng độ TG cao nhất. Việc sử dụng anti TG kết hợp với TG giúp xác định chính xác giá trị của TG.

Giá trị bình thường của TG thường nằm trong khoảng 0,2 - 50 ng/mL, trong khi đó giá trị bình thường của anti TG là < 4 IU/mL. Mức thấp của cả TG và anti TG được coi là tốt. Khi TG tăng cao, có ý nghĩa như sau:

  • Người bệnh chưa được điều trị ung thư tuyến giáp.
  • Người bệnh đã điều trị, nhưng ung thư tuyến giáp (thể nang, thể nhú, tế bào Hurthle) đã di căn hoặc có nguy cơ tái phát.

Ngoài ra, TG tăng cũng thường được ghi nhận trong xét nghiệm ung thư giáp của các bệnh tuyến giáp lành tính như viêm tuyến giáp cấp, bệnh bướu cổ đa nhân, bệnh Basedow, u hạch lành tính…

Ở trẻ sơ sinh, mức thấp của TG có thể nằm trong khoảng 36 - 38 ng/mL. Do đó, khi TG giảm, có thể chẩn đoán suy giáp do bướu cổ ở trẻ em hoặc nhiễm độc giáp nhân tạo. Tuy nhiên, TG và anti TG không có ý nghĩa trong việc phát hiện ung thư tuyến giáp khi bệnh không có triệu chứng. Vì vậy, các xét nghiệm ung thư tuyến giáp thường bao gồm TSH, T3, T4, TG và anti TG.

Một số xét nghiệm khác

  • Calcitonin: Là một chỉ số đặc hiệu được sử dụng để chẩn đoán, phát hiện và theo dõi ung thư tuyến giáp thể tủy.
  • TPO - Ab (Kháng thể kháng Thyroperoxidase): Đây là một chỉ số cho thấy tình trạng "tự miễn tuyến giáp", trong đó cơ thể sản xuất kháng thể chống lại các thành phần của tuyến giáp, gây ra viêm tuyến giáp mãn tính, rối loạn chức năng tuyến giáp, suy giáp và có thể dẫn đến ung thư tuyến giáp nếu kéo dài.
  • TRAb (TSH Receptor Antibodies): Chỉ số này được sử dụng để đánh giá bệnh Basedow, một bệnh liên quan đến chức năng tuyến giáp.

Các xét nghiệm được giới thiệu bên trên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát hiện, chẩn đoán và theo dõi các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp. Chúng cung cấp thông tin chính xác về chức năng và sự bất thường của tuyến giáp, từ đó giúp đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và đảm bảo sự quan tâm sớm nhất đối với bệnh nhân.

Hãy luôn chú ý đến sức khỏe tuyến giáp và đề cao ý thức phòng ngừa để có một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc. Đừng ngần ngại đến bệnh viện thăm khám để được hỗ trợ và quan tâm tốt nhất về sức khỏe tuyến giáp của bạn. Hy vọng rằng qua bài viết trên, độc giả đã có nhiều thông tin hữu ích về các xét nghiệm ung thư tuyến giáp. Hãy theo dõi Nhà thuốc Long Châu để cập nhập thêm nhiều thông tin hữu ích về bệnh tuyến giáp!

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.