Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Xuất huyết tiêu hóa trên là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách xử trí

Ngày 19/05/2024
Kích thước chữ

Xuất huyết tiêu hóa trên là tình trạng phổ biến ở đường tiêu hóa. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo trước một bệnh lý nguy hiểm đang tiềm ẩn ở đường tiêu hóa như ung thư dạ dày, ung thư thực quản, viêm loét dạ dày, tá tràng,… Xuất huyết tiêu hóa trên nếu không được cấp cứu cầm máu kịp thời có thể đe dọa tính mạng của người bệnh.

Theo thống kê ở Việt Nam, cứ 100.000 người thì có khoảng 50 đến 150 người bị xuất huyết tiêu hóa, tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng hàng năm. Đặc biệt, tình trạng xuất huyết tiêu hóa chủ yếu gặp ở nam giới với tỷ lệ chiếm 60%. Nguyên nhân hàng đầu là do thói quen ăn uống không điều độ, thường xuyên sử dụng rượu, bia, hút thuốc lá.

Tìm hiểu chung về xuất huyết tiêu hóa

Xuất huyết tiêu hóa hay chảy máu tiêu hóa là tình trạng chảy máu nuôi dưỡng xảy ra ở đường tiêu hóa do một tổn thương nào đó. Máu nuôi dưỡng có thể chảy ra khỏi mạch, đi ra ngoài hoặc chảy vào trong lòng mạch gây ra những triệu chứng xuất huyết tiêu hóa điển hình.

Xuất huyết tiêu hóa trên là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách xử trí 1
Xuất huyết tiêu hóa rất nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời

Tình trạng xuất huyết tiêu hóa có thể xảy ra ở bất kỳ cơ quan nào trong đường tiêu hóa như thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, tá tràng, trực tràng, hậu môn. Tùy vào vị trí xảy ra chảy máu, xuất huyết tiêu hóa được chia làm 2 loại gồm xuất huyết tiêu hóa trên và xuất huyết tiêu hóa dưới. Trong đó, xuất huyết tiêu hóa trên là tình trạng xảy ra ở thực quản, dạ dày hoặc phần đầu của ruột non.

Xuất huyết tiêu hóa trên thường phổ biến hơn với tỷ lệ mắc cao gấp 4 lần so với xuất huyết tiêu hoá dưới. Tình trạng này chính là hệ quả của các bệnh lý có liên quan đến hệ thống tiêu hóa khi không được kiểm soát. Mức độ xuất huyết có thể từ nhẹ đến nặng, thậm chí gây sốc tùy vào mức độ tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa.

Xuất huyết tiêu hóa trên nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến rất nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Một số biến chứng thường gặp do xuất huyết tiêu hóa như:

  • Thiếu máu mãn tính: Nếu xuất huyết tiêu hóa kéo dài sẽ dẫn đến thiếu huyết sắc tố và hồng cầu, gây ra hội chứng thiếu máu mãn tính. Người bệnh sẽ thấy mệt mỏi, suy nhược cơ thể, đau ngực, chóng mặt, nhức đầu, khó thở, không minh mẫn, kém tập trung, giảm năng suất học tập và lao động.
  • Thiếu máu cấp tính: Tình trạng mất máu nghiêm trọng gây khó khăn cho việc bơm máu của tim. Người bệnh thường xuất hiện các dấu hiệu mất máu cấp tính như da xanh, người lạnh, vã mồ hôi, đầu óc lú lẫn, giảm nước tiểu, thở nhanh, mất ý thức,...
  • Sốc, tử vong: Xuất huyết tiêu hóa có thể làm tổn thương các cơ quan và gây suy nội tạng. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sốc mất máu có thể gây ra những tổn thương không thể phục hồi, đe dọa tính mạng của người bệnh. Khi bị sốc mất máu, người bệnh thường bị tụt huyết áp, không đo được huyết áp, môi và móng tay xanh tím, da xanh xao, giảm nước tiểu, mạch đập nhanh và yếu, thở nông, bất tỉnh,...

Dấu hiệu nhận diện xuất huyết tiêu hóa trên

Nôn ra máu

Đây là dấu hiệu điển hình của người bị xuất huyết tiêu hóa trên. Tùy thuộc vào mức độ xuất huyết mà lượng máu nôn và tần suất nôn ra máu sẽ khác nhau. Người bệnh có thể nôn ra máu đỏ, máu sẫm màu, máu lẫn với thức ăn,... Tình trạng này có thể bị nhầm lẫn với nôn do chảy máu cam, ho ra máu,... Trong trường hợp người bệnh nôn nhiều và liên tục thì đó là cảnh báo tình trạng xuất huyết nặng cần can thiệp cấp cứu để cầm máu.

Xuất huyết tiêu hóa trên là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách xử trí 2
Nôn ra máu là triệu chứng xuất huyết đường tiêu hóa

Đi ngoài phân đen

Trong một số trường hợp, người bệnh bị xuất huyết đường tiêu hóa trên nhưng không nôn ra máu mà máu này sẽ chảy xuống dưới và theo phân ra ngoài. Đây chính là nguyên nhân khiến phân có màu đen, mùi hôi tanh. Trường hợp chảy nhiều máu phân sẽ loãng và có màu đỏ tươi của máu.

Dấu hiệu cơ thể bị mất máu

Nếu chỉ xuất huyết tiêu hóa nhẹ, người bệnh sẽ không bị mất nhiều máu và không gây ra triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên nếu mất nhiều máu và chảy máu kéo dài sẽ gây ra các dấu hiệu như hoa mắt, chóng mặt, người mệt mỏi, niêm mạc nhợt, da xanh, mạch khó bắt, tụt huyết áp,...

Nguyên nhân gây ra xuất huyết tiêu hóa trên là gì?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất huyết tiêu hóa, trong đó phải kể đến:

  • Xuất huyết tiêu hóa do chảy máu ở thực quản: Chảy máu thực quản chủ yếu là do tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Tiền căn do gan có các mô xơ, sẹo nên lượng máu về gan giảm dẫn đến máu bị ứ lại ở ngoại biên, trong đó có tĩnh mạch thực quản. Khi lượng máu dồn ứ tăng lên gây ra áp lực đột ngột khiến các tĩnh mạch ở thực quản bị vỡ. Ngoài ra, viêm loét thực quản cấp, hội chứng Mallory Weiss, ung thư thực quản, polyp thực quản,... là một số nguyên nhân ít gặp hơn.
  • Xuất huyết tiêu hóa do chảy máu tại dạ dày - tá tràng: Tình trạng này chủ yếu do loét dạ dày - tá tràng gây ra. Ngoài ra, một số bệnh lý như polyp dạ dày - tá tràng, ung thư dạ dày, loạn sản mạch máu, thoát vị hoành,...
Xuất huyết tiêu hóa trên là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách xử trí 3
Ung thư dạ dày có thể là nguyên nhân dẫn đến xuất huyết tiêu hóa

Phương pháp chẩn đoán và điều trị xuất huyết tiêu hóa trên

Để chẩn đoán chính xác tình trạng xuất huyết tiêu hóa, ngoài các dấu hiệu lâm sàng như nôn ra máu, đi ngoài phân đen, mất máu,... các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng khác. Một số xét nghiệm chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa gồm xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, nội soi thực quản, nội soi dạ dày, chụp X-quang, chụp CT, sinh thiết,...

Tùy vào mức độ, vị trí xuất huyết và nguyên nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ xử trí và điều trị thích hợp. Bên cạnh việc điều trị triệu chứng và giảm tình trạng mất máu, người bệnh có thể phải dùng kết hợp các loại thuốc co mạch, kháng sinh, truyền dịch,... với mục tiêu chung là cầm máu và cải thiện tình trạng bệnh. Đồng thời điều trị theo nguyên nhân để tránh tái phát trong tương lai.

Xuất huyết tiêu hóa trên là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách xử trí 4
Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc để giảm tình trạng xuất huyết tiêu hóa

Bên cạnh đó, ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần lưu ý một số điều sau:

  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi ở tư thế nằm trên giường phẳng, hạn chế kê gối cao.
  • Không nên vận động mạnh hay làm việc nặng.
  • Thực hiện ăn đúng giờ, đủ bữa.
  • Ăn các món ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, canh hầm, sữa.
  • Nên chia nhỏ các bữa ăn để giảm áp lực cho hệ tiêu hóa, tránh ăn quá no hoặc để bụng quá đói.
  • Uống nhiều nước, bổ sung chất xơ, rau củ quả tươi.
  • Nên đi ngủ sớm, ngủ đủ giấc.
  • Tăng cường rèn luyện thể dục thể thao mỗi ngày để nâng cao đề kháng cho cơ thể.
  • Tránh xa các loại đồ ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn chế biến sẵn, ăn quá lạnh hoặc quá nóng.
  • Tránh xa các loại đồ uống chứa cồn, chất kích thích.

Trên đây là những thông tin chi tiết về tình trạng xuất huyết tiêu hóa trên. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về mức độ nguy hiểm của tình trạng này. Nếu gặp phải các dấu hiệu nghi ngờ xuất huyết tiêu hóa hoặc có bất kỳ vấn đề bất thường nào về sức khỏe, hãy đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được bác sĩ có chuyên môn thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời nhé.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin