Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Yếu tố dạng thấp là gì? Ý nghĩa xét nghiệm yếu tố dạng thấp

Ngày 09/01/2025
Kích thước chữ

Yếu tố dạng thấp là một chỉ số quan trọng trong chẩn đoán các bệnh tự miễn, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp. Vậy yếu tố dạng thấp là gì? Xét nghiệm yếu tố dạng thấp có vai trò gì? Bài viết này của Long Châu sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn gây viêm các khớp, gây ra đau nhức và hạn chế vận động. Để chẩn đoán và theo dõi bệnh, các bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm yếu tố dạng thấp. Vậy yếu tố dạng thấp là gì và tại sao xét nghiệm này lại quan trọng? Bạn hãy cùng Long Châu tìm hiểu chi tiết về yếu tố dạng thấp ngay trong bài viết này!

Yếu tố dạng thấp là gì?

Yếu tố dạng thấp (Rheumatoid Factor - RF) là một loại kháng thể đặc biệt được hệ miễn dịch của cơ thể sản sinh ra. Thông thường, hệ miễn dịch có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus. Khi có vật thể lạ xâm nhập, hệ miễn dịch sẽ sản sinh ra các kháng thể để tiêu diệt chúng. Tuy nhiên, ở những người mắc bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, hệ miễn dịch lại "nhầm lẫn" các mô khỏe mạnh của cơ thể thành kẻ thù và tấn công chúng. Chính trong quá trình tấn công này, cơ thể sản sinh ra yếu tố dạng thấp.

Đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra vai trò sinh lý của yếu tố dạng thấp trong điều kiện bình thường. Một số nghiên cứu cho rằng RF có thể đóng vai trò trong việc điều hòa hệ miễn dịch hoặc tham gia vào các phản ứng viêm. Tuy nhiên, vai trò này vẫn còn nhiều tranh cãi và cần được nghiên cứu thêm.

Yếu tố dạng thấp là gì? Ý nghĩa xét nghiệm yếu tố dạng thấp 1
Yếu tố dạng thấp là gì là thông tin nhiều người muốn biết

Điều quan trọng cần lưu ý là sự hiện diện của yếu tố dạng thấp không đồng nghĩa với việc bạn mắc bệnh. Nhiều người khỏe mạnh vẫn có thể có một lượng nhỏ RF trong máu. Tuy nhiên, khi nồng độ RF tăng cao và đi kèm với các triệu chứng khác như đau khớp, sưng khớp, cứng khớp, đặc biệt là đối xứng hai bên, thì đó là một dấu hiệu cảnh báo có thể bạn đang mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.

Khi nào cần xét nghiệm yếu tố dạng thấp?

Xét nghiệm yếu tố dạng thấp (xét nghiệm RF) là một công cụ quan trọng trong chẩn đoán và quản lý các bệnh tự miễn, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp (RA).

Thực hiện xét nghiệm khi cần chẩn đoán bệnh

Theo Hiệp hội Thấp khớp Hoa Kỳ (ACR), RF dương tính xuất hiện ở khoảng 70-80% bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, giúp xác định chẩn đoán chính xác hơn. Triệu chứng gợi ý viêm khớp dạng thấp điển hình cần được xét nghiệm như:

  • Đau và sưng khớp kéo dài, đặc biệt ở các khớp nhỏ như bàn tay, cổ tay, bàn chân;
  • Cứng khớp buổi sáng, thường kéo dài trên 30 phút;
  • Các khớp có thể bị biến dạng khi bệnh tiến triển;
  • Người bệnh mệt mỏi, sốt nhẹ và giảm cân không rõ nguyên nhân.

Ngoài viêm khớp dạng thấp, yếu tố dạng thấp còn liên quan đến các bệnh tự miễn khác như: Bệnh lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, hoặc hội chứng Sjögren. Dưới đây là một số triệu chứng nghi ngờ các bệnh lý tự miễn khác cần xét nghiệm yếu tố dạng thấp:

  • Hội chứng Sjögren: Yếu tố dạng thấp thường tăng ở bệnh nhân có triệu chứng khô mắt, khô miệng;
  • Lupus ban đỏ hệ thống (SLE): Một số trường hợp bệnh nhân mắc căn bệnh này có thể có RF dương tính;
  • Viêm gan siêu vi, nhiễm trùng mạn tính: RF cũng có thể dương tính ở những bệnh này.
Yếu tố dạng thấp là gì? Ý nghĩa xét nghiệm yếu tố dạng thấp 2
Xét nghiệm yếu tố dạng thấp được chỉ định trong nhiều trường hợp

Xét nghiệm khi cần sàng lọc bệnh ở nhóm nguy cơ cao

Một số trường hợp chưa có triệu chứng bệnh, bác sĩ cũng có thể tư vấn thực hiện xét nghiệm để phát hiện sớm viêm khớp dạng thấp ở nhóm nguy cơ cao như: Người có tiền sử gia đình mắc bệnh tự miễn, người có triệu chứng sớm nhưng chưa rõ ràng, như đau khớp thoáng qua hoặc cứng khớp nhẹ.

Tuy nhiên cần lưu ý, xét nghiệm RF không phải là tiêu chuẩn duy nhất để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp. Khoảng 20% bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có RF âm tính (seronegative rheumatoid arthritis).

Thực hiện xét nghiệm khi cần theo dõi bệnh

Ngoài thực hiện xét nghiệm yếu tố dạng thấp để chẩn đoán các bệnh trên, bác sĩ cũng sẽ chỉ định xét nghiệm để theo dõi diễn biến bệnh. Với bệnh nhân đã được chẩn đoán viêm khớp dạng thấp, xét nghiệm RF có thể được sử dụng để đánh giá mức độ hoạt động của bệnh và hiệu quả điều trị.

Ý nghĩa xét nghiệm yếu tố dạng thấp

Yếu tố dạng thấp là gì có lẽ đến đây bạn biết. Vậy ý nghĩa của xét nghiệm yếu tố dạng thấp là gì? Xét nghiệm yếu tố dạng thấp (RF) không chỉ dừng lại ở việc xác định sự hiện diện của kháng thể này trong máu. Kết quả xét nghiệm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hướng dẫn điều trị, tư vấn bệnh nhân và nghiên cứu khoa học.

Về hướng điều trị

Kết quả xét nghiệm RF kết hợp với các xét nghiệm khác và biểu hiện lâm sàng sẽ giúp bác sĩ đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh và lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp. Nghiên cứu của Arthritis Foundation (2023) chỉ ra rằng mức RF cao thường liên quan đến tình trạng viêm nặng hơn và nguy cơ tổn thương khớp cao hơn. Với những bệnh nhân có chỉ số RF cao, thường đi kèm với các triệu chứng viêm khớp rõ rệt, bác sĩ có thể chỉ định các thuốc kháng viêm không steroid, thuốc ức chế miễn dịch hoặc các loại thuốc sinh học để giảm viêm, giảm đau và ngăn chặn tổn thương khớp.

Yếu tố dạng thấp là gì? Ý nghĩa xét nghiệm yếu tố dạng thấp 3
Xét nghiệm yếu tố dạng thấp có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán, điều trị bệnh

Đồng thời, xét nghiệm yếu tố dạng thấp hỗ trợ đánh giá hiệu quả điều trị. Giảm nồng độ RF sau liệu trình điều trị là một dấu hiệu tích cực, cho thấy tình trạng viêm đã được kiểm soát tốt. Điều này không chỉ giúp cải thiện triệu chứng mà còn hạn chế tổn thương lâu dài cho khớp và các cơ quan khác.

Đối với bệnh nhân

Hiểu rõ yếu tố dạng thấp là gì và kết quả xét nghiệm RF giúp bệnh nhân nhận thức rõ hơn về tình trạng sức khỏe của mình. Bệnh nhân sẽ nhận thức đúng tầm quan trọng của việc tuân thủ phác đồ điều trị và các biện pháp hỗ trợ khác. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ tư vấn cho bệnh nhân về chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp để giảm thiểu các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa, hạn chế các thực phẩm gây viêm, kết hợp với việc tập luyện thể dục nhẹ nhàng, nghỉ ngơi hợp lý sẽ rất có lợi cho người bệnh viêm khớp dạng thấp.

Về nghiên cứu khoa học

Xét nghiệm RF đóng vai trò quan trọng trong các nghiên cứu về cơ chế bệnh sinh của viêm khớp dạng thấp. Bằng cách phân tích mối liên quan giữa mức độ RF với các yếu tố nguy cơ, các biến đổi gen và đáp ứng với điều trị, các nhà khoa học có thể khám phá ra những cơ chế sâu xa gây bệnh, từ đó phát triển các phương pháp điều trị mới hiệu quả hơn. Ngoài ra, xét nghiệm RF còn được sử dụng để đánh giá hiệu quả của các loại thuốc mới trong các thử nghiệm lâm sàng.

Quy trình xét nghiệm yếu tố dạng thấp thế nào?

Quy trình thực hiện xét nghiệm này bắt đầu với việc thu thập mẫu máu của người bệnh. Máu được thu thập trong ống nghiệm vô trùng và gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích. Kỹ thuật phổ biến nhất là xét nghiệm miễn dịch enzym (ELISA test) hoặc phương pháp đo độ đục miễn dịch, cho phép định lượng nồng độ RF trong huyết thanh.

Yếu tố dạng thấp là gì? Ý nghĩa xét nghiệm yếu tố dạng thấp 4
Xét nghiệm yếu tố dạng thấp được thực hiện bằng mẫu máu của người bệnh

Thông thường, kết quả RF được báo cáo theo đơn vị IU/mL. Theo Hiệp hội Thấp khớp Hoa Kỳ (ACR), nồng độ RF bình thường thường dưới 14 IU/mL. Mức RF cao hơn giá trị này có thể là dấu hiệu của viêm khớp dạng thấp hoặc các bệnh lý tự miễn khác. Cũng có khi nó tăng trong một số tình trạng nhiễm trùng hoặc bệnh lý không tự miễn.

Hy vọng qua bài viết này bạn đã biết yếu tố dạng thấp là gì. Đây là một công cụ hữu ích trong chẩn đoán và theo dõi bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, cần kết hợp với các xét nghiệm khác và đánh giá lâm sàng để đưa ra chẩn đoán chính xác. Theo báo cáo của Mayo Clinic (2023), việc kết hợp xét nghiệm RF với các xét nghiệm khác như anti-CCP hoặc đánh giá lâm sàng giúp tăng độ nhạy và độ đặc hiệu lên đến 90% trong chẩn đoán viêm khớp dạng thấp.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin