Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm khớp cùng chậu: Nguyên nhân gây bệnh và cách phòng ngừa

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm khớp cùng chậu là tình trạng viêm vùng khớp nối liền khối xương cùng cụt và hai xương cánh chậu. Bệnh lý này có thể do chấn thương, sai tư thế dáng đi, thoái hóa khớp hoặc do một số nguyên nhân khác. Tình trạng bệnh có thể nghiêm trọng hơn nếu bạn không được bác sĩ tư vấn hướng điều trị phù hợp.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Đặc điểm của khớp cùng chậu

Khớp cùng chậu là khớp có mặt cắt ngang lớn nhất trong cơ thể, là vùng tiếp nối khối xương cùng cụt và hai xương cánh chậu. Khớp được cấu tạo là khớp hoạt dịch, với sụn khớp gồm sụn sợi và sụn hyaline, bao quanh bởi bao xơ chứa nhiều dịch khớp bên trong.

Khớp cùng chậu được bảo vệ bởi nhiều dây chằng khỏe mạnh, mặt trước là nhóm dây chằng cùng chậu - bụng và mặt sau là nhóm dây chằng cùng chậu, dây chằng gian cốt và cùng gai - hông.

Viêm khớp cùng chậu: Nguyên nhân gây bệnh và cách phòng ngừa 1
Vị trí của khớp cùng chậu

Khớp cùng chậu có các chức năng:

  • Chịu tải và chống sốc cho cột sống;
  • Ổn định dáng đi khi di chuyển, khi thay đổi tư thế;
  • Kiểm soát và phân phối trọng lực mà cơ thể tác động lên hai chân;
  • Hỗ trợ nâng đỡ phần trên cơ thể;
  • Cơ sở giải phẫu phù hợp với phụ nữ trong việc mang thai và sinh con.

Viêm khớp cùng chậu là gì?

Viêm khớp cùng chậu là tình trạng viêm tiến triển tại vị trí khớp nối đã miêu tả, thường dẫn đến đau. Viêm khớp cùng chậu có thể khó chẩn đoán phân biệt khác vì triệu chứng của nó tương tự với các nguyên nhân gây đau lưng hoặc mông phổ biến khác.

Triệu chứng

Triệu chứng của viêm khớp cùng chậu

Các nghiên cứu đã báo cáo về mức độ của cơn đau do viêm khớp cùng chậu rất khác nhau. Một số nghiên cứu cho thấy có 10% đến 25% người bệnh có dấu hiệu đau thắt lưng.

Một nghiên cứu hồi cứu năm 2018 báo cáo rằng những người bệnh đã được chẩn đoán viêm khớp cùng chậu, kết quả biểu hiện đau ở mông cùng bên tổn thương là 94% và giữa thắt lưng là 74% và đau chi dưới là 50% trường hợp. Đau vùng bụng dưới, vùng bẹn, cẳng chân, bàn chân cũng có thể diễn ra.

Các dấu hiệu viêm khớp cùng chậu có một số đặc điểm sau:

  • Đau nghiêm trọng hơn khi người bệnh đứng lâu, bước đi nhiều, đứng dồn trọng lực không đều ở hai chân, leo cầu thang, tập các động tác xoay hông,...
  • Tê cứng chân khi ngồi hoặc đứng lâu;
  • Khó gập, duỗi chân, ngồi xếp bằng (ngồi khoanh chân);
  • Thay đổi dáng đi, hạn chế vận động do đau;
  • Vùng khớp viêm có tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau;
  • Có thể sốt nhẹ;
  • Đối với phụ nữ có thai, đau có thể xảy ra ở mọi tư thế và mức độ đau cũng báo động hơn.
Viêm khớp cùng chậu: Nguyên nhân gây bệnh và cách phòng ngừa 2
Viêm khớp cùng chậu gây đau lưng ở phụ nữ có thai

Biến chứng của viêm khớp cùng chậu

Viêm khớp cùng chậu có thể dẫn đến một số biến chứng sau:

  • Hạn chế vận động: Đối với người bệnh có tình trạng viêm khớp cùng chậu lâu năm, các tổn thương tại khớp cũng như các mô mềm quanh khớp và hệ thống dây thần kinh liên quan sẽ ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng vận động.
  • Yếu liệt chi dưới: Với những tình trạng tổn thương tiến triển, việc hạn chế vận động kết hợp với viêm khớp kéo dài có nguy cơ cao gây dính khớp, biến dạng khớp. Chức năng vận động chi dưới hạn chế dẫn đến teo cơ, yếu hoặc liệt.
  • Ảnh hưởng sinh sản, đặc biệt ở phụ nữ: Tỷ lệ mắc phải viêm khớp cùng chậu ở nữ giới cao hơn nam giới. Trong độ tuổi sinh sản, phụ nữ mắc bệnh lý này có nguy cơ viêm vùng chậu, viêm phần phụ (vòi trứng, buồng trứng), ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Viêm khớp cùng chậu ở phụ nữ có thai liên quan đến tình trạng ức chế miễn dịch trong thai kỳ, nguy cơ khung xương chậu không giãn trong quá trình chuyển dạ, khiến thai nhi khó đi qua tiểu khung bị hẹp.
  • Giảm chất lượng cuộc sống: Cơn đau ở khớp cùng chậu lan lên thắt lưng và mông, cơn đau dai dẳng khiến người bệnh luôn khó chịu, hạn chế hoạt động, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và tiêu tốn chi phí cho việc điều trị kéo dài.
Viêm khớp cùng chậu: Nguyên nhân gây bệnh và cách phòng ngừa 3
Viêm khớp cùng chậu gây giới hạn vận động

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến bác sĩ để thăm khám nếu có các triệu chứng sau:

  • Đau vùng thắt lưng, mông, hông, hoặc đau lan xuống chân, không cải thiện khi nghỉ ngơi và/hoặc dùng thuốc giảm đau.
  • Khó khăn khi đi lại hoặc thực hiện các động tác xoay hông, nâng cao gối, leo cầu thang, đau vùng thắt lưng - hông khi quan hệ tình dục.
  • Các triệu chứng nặng dần theo thời gian.
  • Có tiền sử gia đình mắc các bệnh lý tự miễn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp cùng chậu

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến viêm khớp cùng chậu. Một số nguyên nhân thường gặp là:

  • Chấn thương: Các tác động vật lý đột ngột tại vùng cột sống thắt lưng - cùng cụt và xương cánh chậu có thể chấn thương xương, khớp và các mô mềm quanh khớp cùng chậu, đặc biệt là hệ thống dây chằng tại đây. Các trường hợp như chấn thương khi chơi thể thao, sinh hoạt hàng ngày sai tư thế, tai nạn giao thông,... có thể dẫn đến bệnh lý này.
  • Thoái hóa khớp: Đây là một bệnh lý phổ biến, diễn tiến theo quá trình lão hóa. Thoái hóa khớp ảnh hưởng đến dáng đi, hệ thống xương khớp nâng đỡ như xương cột sống, xương cánh chậu, xương chi dưới.
  • Các bệnh lý viêm khớp: Viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vẩy nến, viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp gout (gút), viêm khớp lupus.
  • Phụ nữ có thai: Những thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ có thai tác động đến hệ thống cơ và dây chằng của vùng xương chậu, khiến chúng giãn ra và trở nên lỏng lẻo hơn, phù hợp cho việc sinh con. Ngoài ra, tình trạng tăng cân và thai nhi chèn ép cũng gây áp lực lên vùng chậu và các khớp ở đây.
  • Các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, béo phì,... cũng có thể dẫn đến viêm khớp cùng chậu.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm khớp cùng chậu

Dưới đây là một số đối tượng có nguy cơ mắc phải viêm khớp cùng chậu:

  • Béo phì;
  • Phụ nữ có thai;
  • Người lớn tuổi;
  • Chấn thương vùng hông lưng;
  • Các bệnh lý viêm vùng chậu;
  • Người có các bệnh lý tự miễn hoặc tiền sử gia đình có các bệnh lý tự miễn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm khớp cùng chậu

Tư thế sai trong sinh hoạt hàng ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc phải viêm khớp cùng chậu: Đứng dồn trọng lực nhiều một bên chân, chơi thể thao khi chưa khởi động các khớp, đi những bước đi dài, xoay hông đột ngột.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh lý viêm khớp cùng chậu, bác sĩ sẽ khai thác các triệu chứng bạn đang gặp phải, tiền sử bệnh lý của bạn và gia đình. Một số nghiệm pháp được bác sĩ dùng để thăm khám để kiểm tra mức độ nghiêm trọng của đau và khả năng chuyển động của khớp, bao gồm:

  • Nghiệm pháp ép khung chậu, giãn khung chậu;
  • Nghiệm pháp đẩy mạnh đùi;
  • Nghiệm pháp Patrick;
  • Nghiệm pháp Gillet;
  • Nghiệm pháp Schober.

Các xét nghiệm chẩn đoán

Một số phương pháp và xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán viêm khớp cùng chậu gồm:

  • Tiêm steroid nội khớp: Đây là một phương pháp vừa phục vụ cho việc chẩn đoán, vừa hỗ trợ giảm đau vùng khớp viêm cho người bệnh.
  • Các cận lâm sàng chẩn đoán hình ảnh: Chụp X quang, chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp hỗ trợ cho việc chẩn đoán bệnh hoặc chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác có biểu hiện đau tương tự.
  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra công thức máu có thể cung cấp một số thông tin về tình trạng viêm, nhiễm trùng đang hiện diện trong cơ thể bạn.

Tổng phân tích nước tiểu: Giúp tìm các nguyên nhân gây viêm khớp cùng chậu có nguồn gốc từ viêm vùng chậu do các vi khuẩn lây lan ở đường tiết niệu, sinh dục như Chlamydia trachomatis, Neisseria gonorrhoeae,...

Viêm khớp cùng chậu: Nguyên nhân gây bệnh và cách phòng ngừa 4
X quang hỗ trợ chẩn đoán viêm khớp cùng chậu

Phương pháp điều trị viêm khớp cùng chậu

Với từng trường hợp bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Có hai phương pháp điều trị chính đối với viêm khớp cùng chậu bao gồm phương pháp điều trị không dùng thuốc và phương pháp điều trị dùng thuốc.

Phương pháp điều trị không dùng thuốc bao gồm:

  • Ở giai đoạn đau cấp, người bệnh cần dành thời gian nghỉ ngơi, tránh những động tác làm tăng tải trọng lên khớp cùng chậu đang tổn thương.
  • Giảm cân nếu đang thừa cân, béo phì.
  • Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng: Tham khảo chuyên gia vật lý trị liệu về các bài tập tăng cường sự dẻo dai và độ linh hoạt cho khớp và dây chằng vùng thắt lưng-chậu. Bạn có thể luyện tập tại phòng tập hoặc tại nhà dưới sự hướng dẫn của chuyên viên vật lý trị liệu. Các liệu pháp như kích thích điện qua da, siêu âm trị liệu, tia hồng ngoại,... cũng được sử dụng hỗ trợ điều trị đau.
  • Châm cứu: Những nghiên cứu lâm sàng cho thấy châm cứu có hiệu quả trong việc cải thiện mức độ cao và hỗ trợ giảm viêm khớp, thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu cục bộ và tăng phục hồi chức năng mô mềm.
  • Xoa bóp - Bấm huyệt: Liệu pháp xoa bóp thường được kết hợp với các phương pháp điều trị không dùng thuốc khác có tác dụng giảm co thắt, cải thiện những rối loạn tại mô mềm, gân cơ, dây chằng của vùng khớp viêm. Bấm huyệt tăng cường tuần hoàn đến vùng bệnh, cải thiện chức năng vùng bệnh. Những liệu pháp này cần được thực hiện bởi các chuyên viên dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa giúp tránh làm nặng hơn tình trạng của người bệnh.
Viêm khớp cùng chậu: Nguyên nhân gây bệnh và cách phòng ngừa 5
Châm cứu hỗ trợ điều trị đau trong viêm khớp cùng chậu

Phương pháp điều trị dùng thuốc phải có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, bao gồm:

  • Điều trị các bệnh căn nguyên: Viêm nhiễm đường tiết niệu, viêm nhiễm bộ phận sinh dục, các bệnh lý tự miễn, viêm khớp nhiễm khuẩn,... với những phác đồ điều trị phù hợp được kê toa bởi bác sĩ chuyên khoa.
  • Nhóm thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ.

Nếu tình trạng viêm khớp cùng chậu không cải thiện sau điều trị bảo tồn với thuốc và các liệu pháp không dùng thuốc khoảng 8 đến 12 tuần, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Khớp cùng chậu có vai trò chịu tải cho trọng lượng của phần trên cơ thể khi đứng hoặc ngồi. Viêm khớp cùng chậu thường gặp ở nữ nhiều hơn nam, đặc biệt trong độ tuổi sinh sản. Bệnh lý này có thể phòng ngừa bằng cách cải thiện chế độ sinh hoạt như sau:

  • Khởi động kĩ các khớp trước khi chơi thể thao, có các biện pháp bảo hộ đầy đủ khi giao thông trên đường, khi chơi thể thao. Chú ý các hoạt động có thể gây đau như chạy bộ, leo cầu thang, bước đi dài,...
  • Điều trị đúng phác đồ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa về các bệnh lý viêm nhiễm đường niệu - dục, tiêu hóa, các bệnh tự miễn,...
  • Đối với phụ nữ có thai, cần theo dõi sức khỏe định kỳ đúng lịch hẹn của bác sĩ.
  • Xây dựng thực đơn với các nguồn thực phẩm đa dạng, lành mạnh, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, lo âu.
  • Giảm cân nếu có tình trạng thừa cân, béo phì.
Nguồn tham khảo
  1. https://www.healthline.com/health/sacroiliitis
  2. Baronio M, Sadia H, Paolacci S, Prestamburgo D, Miotti D, Guardamagna VA, Natalini G, Bertelli M. Etiopathogenesis of sacroiliitis: implications for assessment and management. Korean J Pain. 2020 Oct 1;33(4):294-304. doi: 10.3344/kjp.2020.33.4.294.
  3. Kocak O, Kocak AY, Sanal B, Kulan G. Bilateral Sacroiliitis Confirmed with Magnetic Resonance Imaging during Isotretinoin Treatment: Assessment of 11 Patients and a Review of the Literature. Acta Dermatovenerol Croat. 2017 Oct;25(3):228-233.

Các bệnh liên quan

  1. Viêm quanh khớp vai

  2. Đau cách hồi

  3. Đau cột sống

  4. U trong ống sống

  5. Đau cơ

  6. Đau cổ vai gáy

  7. Đau nhức toàn thân

  8. Trật khớp gối

  9. Thoái hóa khớp khuỷu tay

  10. Đau bả vai