Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Xem theo bộ phận cơ thể/
  4. Viêm amidan hốc mủ

Viêm amidan hốc mủ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Bác sĩ Chuyên khoa 1Nguyễn Thị Hương Lan

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp chương trình Sau Đại học Chuyên khoa I Nhi khoa tại Đại học Y Hà Nội. Bác sĩ có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khám và điều trị các bệnh lý Nhi khoa.

Xem thêm thông tin

Viêm amidan hốc mủ là một bệnh lý viêm cấp hoặc mạn tính amidan. Bệnh lý này khá phổ biến, chiếm 0,4% số ca khám ngoại trú tại Hoa Kỳ mỗi năm. Nguyên nhân của bệnh thường do nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Viêm amidan hốc mủ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như viêm cầu thận, viêm khớp, bệnh van tim hậu nhiễm liên cầu, áp xe họng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung viêm amidan hốc mủ

Viêm amidan hốc mủ là gì?

Amidan khẩu cái có chức năng sản xuất kháng thể để bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn xâm nhập qua thức ăn và đường hô hấp. Tuy nhiên, do cấu trúc có nhiều rãnh và hốc do đó thức ăn và vi khuẩn có thể dễ dàng đọng lại hoặc xâm nhập và gây viêm nhiễm. Khi xâm nhập, vi khuẩn ẩn náu tại amidan trong thời gian dài, tạo thành những khối mủ.

Do tác động của cơ bầu họng khi nhai và nuốt, kèm theo sự cọ xát của thức ăn khi đi qua thành họng, những khối mủ trong amidan khẩu cái có hình dạng giống như các hạt mủ màu xanh nhạt hoặc trắng vàng và có mùi hôi. Tình trạng này được gọi là viêm amidan hốc mủ.

Cấu tạo và chức năng của amidan

Tại ngã tư hầu họng có một tổ chức bạch huyết làm nhiệm vụ bảo vệ vùng hầu họng khỏi các tác nhân lạ từ môi trường như virus, vi khuẩn. Tổ chức này bao gồm:

  • Amidan vòm (VA - viết tắt của từ Végétations Adénoides): Là một khối tổ chức bạch huyết ở vòm mũi họng, phía trên lưỡi gà là phía sau mũi. VA có chức năng bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh xâm nhập qua đường mũi. VA hình thành từ tuần thứ 9 của thai kỳ và phát triển đầy đủ ở trẻ sơ sinh, sau đó teo lại dần khi trẻ đến tuổi dậy thì.
  • Amidan vòi (Gerlach): Là tổ chức bạch huyết nằm tại hố Rosenmuller quanh lỗ vòi Eustache, có chức năng ngăn chặn sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh qua lỗ vòi dẫn đến viêm tai giữa hoặc ngược lại.
  • Amidan khẩu cái: Là tổ chức bạch huyết lớn nhất ở vùng hầu họng, có hình hạt hạnh nhân, gồm hai khối ở hai bên thành họng giữa trụ trước và trụ sau. Amidan khẩu cái có các rãnh và hốc, giúp tăng bề mặt tiếp xúc. Tại các rãnh và hốc này diễn ra các hoạt động miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh xâm nhập qua đường họng.
  • Amidan lưỡi: Là những tổ chức bạch huyết nhỏ nằm phía dưới đáy lưỡi, sau V lưỡi, gồm 5 - 9 đám mô lympho, có chức năng bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh xâm nhập qua đường thở.

Triệu chứng viêm amidan hốc mủ

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm amidan hốc mủ

Viêm amidan thường gặp ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ trong độ tuổi mẫu giáo và người lớn trong độ tuổi trung niên. Các triệu chứng phổ biến của viêm amidan hốc mủ bao gồm:

  • Nuốt đau, đau họng đặc biệt là khi ăn uống;
  • Sốt cao hoặc có thể không sốt;
  • Amidan đỏ, sưng tấy;
  • Có nhiều mảng trắng hoặc vàng trên bề mặt amidan, có nhiều khối mủ trong các hốc của amidan;
  • Khô miệng, hôi miệng, hơi thở hôi do mủ tích tụ lâu ngày;
  • Đau đầu, đau bụng, đau nhức cơ thể;
  • Ho khan hoặc ho có đờm;
  • Đôi khi khi ho, hắt hơi, khạc ra những hạt nhỏ như hạt gạo, màu trắng xanh hoặc vàng, mùi rất hôi;
  • Đờm dính ở cổ, khó khạc nhổ, khó nuốt xuống;
  • Nổi hạch ở dưới hàm hoặc ở cổ;
  • Ở trẻ nhỏ có thể xuất hiện thêm: Chảy nước bọt do nuốt khó hoặc nuốt đau, chán ăn, quấy khóc nhiều,...
Viêm amidan hốc mủ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 1
Đau họng là triệu chứng phổ biến của viêm amidan hốc mủ

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm amidan hốc mủ

Người bệnh viêm amidan hốc mủ nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Những biến chứng của bệnh bao gồm:

  • Áp xe quanh amidan;
  • Viêm họng, viêm mũi xoang, viêm tai giữa do tai - mũi - họng có các đường thông nối với nhau;
  • Viêm thanh quản, khàn tiếng hoặc mất tiếng;
  • Viêm phế quản, viêm phổi;
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn;
  • Khó thở do bít tắc đường hô hấp;
  • Sốt thấp khớp (tình trạng viêm do nhiễm liên cầu khuẩn gây tổn thương tim, khớp, da và hệ thần kinh), viêm cầu thận, viêm khớp, bệnh van tim sau nhiễm liên cầu khuẩn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ ngay khi có các triệu chứng điển hình của viêm amidan hốc mủ như:

  • Đau họng kèm theo sốt;
  • Đau họng không thuyên giảm hoặc đau họng tăng dần trong vòng 24 đến 48 giờ;
  • Nuốt đau hoặc nuốt khó;
  • Khó thở, đặc biệt là hội chứng ngưng thở khi ngủ;
  • Mệt mỏi, đuối sức hoặc quấy khóc nhiều.

Nguyên nhân viêm amidan hốc mủ

Nguyên nhân dẫn đến viêm amidan hốc mủ

Amidan là hàng rào phòng thủ đầu tiên chống lại các tác nhân gây bệnh, vì thế đây là nơi dễ bị nhiễm trùng. Viêm amidan hốc mủ do virus hoặc vi khuẩn đều có thể lây truyền từ người này sang người khác. Tuy nhiên, đối với một số dạng viêm amidan do bệnh thứ phát như viêm mũi xoang hoặc viêm mũi dị ứng thì không có khả năng lây nhiễm.

Viêm amidan do virus: Là nguyên nhân phổ biến nhất. Những loại virus phổ biến nhất gây viêm amidan hốc mủ bao gồm:

  • Adenovirus, có thể gây cảm lạnh thông thường và đau họng;
  • Rhinovirus, là nguyên nhân phổ biến nhất gây cảm lạnh thông thường;
  • Influenza, gọi là bệnh cúm;
  • Virus hợp bào hô hấp (RSV - Respiratory syncytial virus), thường gây nhiễm trùng đường hô hấp cấp;
  • Hai loại coronavirus, trong đó một loại gây SARS;
  • Một số loại tác nhân hiếm gặp hơn như Epstein-Barr virus (EBV), Herpes simplex virus (HSV), Cytomegalovirus (CMV).

Viêm amidan do vi khuẩn: Loại vi khuẩn phổ biến nhất gây ra viêm amidan hốc mủ là Streptococcus pyogenes. Một số loại vi khuẩn khác ít gặp hơn gồm:

  • Staphylococcus aureus;
  • Mycoplasma pneumonia;
  • Chlamydia pneumonia;
  • Bordetella pertussis;
  • Fusobacterium;
  • Neisseria gonorrhoeae.
Viêm amidan hốc mủ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 2
Hình minh họa Streptococcus pyogenes
Chia sẻ:
Nguồn tham khảo

Hỏi đáp (0 bình luận)