Long Châu

Bụi phổi amiăng (abestosis) là bệnh gì? Nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh bụi phổi amiăng là bệnh phổi mãn tính thuộc nhóm bệnh bụi phổi mà nguyên nhân gây ra là do hít phải các hạt bụi khoáng amiăng có nguồn gốc nghề nghiệp. Sợi amiăng thường dùng trong các ngành công nghiệp xây dựng, cách nhiệt, cách điện, cách âm, má phanh, đóng tàu thủy…

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bụi phổi amiăng là gì? 

Bệnh bụi phổi amiăng (abestosis) là bệnh phổi mãn tính thuộc nhóm bệnh bụi phổi mà nguyên nhân gây ra là do hít phải các hạt bụi khoáng amiăng có nguồn gốc nghề nghiệp. Sợi amiăng thường dùng trong các ngành công nghiệp xây dựng, cách nhiệt, cách điện, cách âm, má phanh, đóng tàu thủy…

Ngoài ra, amiăng còn được sử dụng trong công nghệ quốc phòng, du hành vũ trụ, nhà máy điện hạt nhân. Tiếp xúc lâu dài với những sợi amiăng - một nguyên liệu thường gặp trong nhiều ngành công nghiệp - có thể gây ra xơ hoá phổi và dẫn đến các triệu chứng của bệnh bụi phổi amiăng. 

Các triệu chứng bệnh bụi phổi amiăng có thể từ nhẹ đến nặng và thường xuất hiện sau nhiều năm tiếp xúc, thường từ 10-40 năm sau lần tiếp xúc đầu tiên. Không có phương pháp điều trị nào để giúp hồi phục tổn thương xơ hoá phổi do bệnh bụi phổi amiăng. Điều trị chủ yếu nhằm làm chậm sự tiến triển của bệnh, giảm các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bụi phổi amiăng

Việc tiếp xúc lâu dài với amiăng thường không biểu hiện triệu chứng cho đến 10-40 năm sau lần tiếp xúc đầu tiên. Các triệu chứng có thể khác nhau về mức độ nghiêm trọng.

Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh bụi phổi amiang có thể bao gồm

  • Khó thở;

  • Ho khan dai dẳng;

  • Đau tức ngực; 

  • Ngón tay hình dùi trống.

Tác động của bệnh bụi phổi amiăng đối với sức khỏe

Bệnh nhân có thể bị viêm phế quản phối hợp với viêm tiểu phế quản, tràn dịch màng phổi, dày màng phổi, xơ phổi, xẹp phổi, có thể biến chứng tâm phế mạn đưa đến tử vong.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh bụi phổi amiăng

Người bị bệnh bụi phổi amiăng có nhiều nguy cơ mắc ung thư phổi - đặc biệt nếu bệnh nhân  hút thuốc hoặc có tiền sử hút thuốc. Hiếm gặp hơn, bệnh bụi phổi có thể gây ra u màng phổi (mesothelioma), một loại ung thư ác tính của mô quanh phổi và thường xảy ra nhiều năm sau khi tiếp xúc với amiăng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có tiền sử tiếp xúc với sợi amiăng, cảm thấy khó thở ngày càng tăng hoặc có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh bụi phổi amiăng

Tiếp xúc với bụi amiăng mức độ cao trong một thời gian dài có thể khiến sợi amiăng mắc lại trong các phế nang nơi phổi trao đổi oxy. Các sợi amiăng gây kích ứng và tạo xơ sẹo cho mô phổi khiến phổi bị xơ cứng, không thể dãn nở dễ dàng khi hít thở và gây ra tình trạng khó thở. 

Khi bệnh bụi phổi amiăng tiến triển, ngày càng nhiều mô phổi bị xơ sẹo. Cuối cùng, mô phổi trở nên xơ cứng và không còn khả năng giãn nở tự nhiên khi hít thở.

Hút thuốc lá có thể làm tăng sự bắt giữ các sợi amiăng trong phổi và khiến bệnh tiến triển nhanh hơn.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh bụi phổi amiăng?

Hiện nay nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã cấm lưu hành và tiêu thụ sợi amiăng dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, một số quốc gia đang phát triển như Việt Nam vẫn tiếp tục sử dụng.

Những người sau đây có nguy cơ mắc bệnh bụi phổi amiăng:

  • Công nhân làm việc hoặc người dân sống gần các nhà máy sản xuất các vật liệu chứa amiăng (tấm lợp, má phanh..).

  • Làm một số ngành nghề công việc phải tiếp xúc với amiăng như sản xuất vật liệu xây dựng, tấm lợp amiăng; tán, nghiền, sàng và thao tác khô với quặng hoặc đá có amiăng; chải sợi, kéo sợi và dệt vải amiăng; làm cách nhiệt bằng amiăng; tháo dỡ các công trình xây dựng có sử dụng amiang.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh bụi phổi amiăng

Hút thuốc lá có thể làm tăng sự bắt giữ các sợi amiăng trong phổi và khiến bệnh tiến triển nhanh hơn. Ngoài ra, hút thuốc lá có thể kết hợp với bệnh bụi phổi làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh bụi phổi amiăng

Bệnh bụi phổi amiăng rất khó chẩn đoán vì các dấu hiệu và triệu chứng của nó tương tự như nhiều bệnh đường hô hấp khác.

Chẩn đoán thường dựa trên bệnh sử và khám lâm sàng. Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị thêm các xét nghiệm khác như:

  • Chụp X-quang ngực hoăc CT scan: Có thể cho hình ảnh mờ dạng lưới biểu dấu hiệu của xơ phổi, thường ở thùy dưới. CT scan độ phân giải cao rất hữu ích khi nghi ngờ bệnh bụi phổi amiăng. CT scan cũng tốt hơn so với chụp X-quang ngực trong phát hiện những bất thường màng phổi.

  • Thăm dò chức năng hô hấp, đo độ bão hoà oxy trong máu: Có thể đánh giá các thông số thể tích phổi và đánh giá chức năng phổi.

  • Nội soi phế quản: Có thể soi và đánh giá tổn thương trong phổi, hút dịch trong phổi để tìm sợi amiăng hoặc các tế bào bất thường trong trường hợp nghi ngờ ung thư.

  • Chọc dò dịch màng phổi.

Phương pháp điều trị bệnh bụi phổi amiăng hiệu quả

Không có phương pháp điều trị nào để giúp hồi phục tổn thương xơ hoá phổi do bệnh bụi phổi amiăng. Điều trị chủ yếu nhằm làm chậm sự tiến triển của bệnh, giảm các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng.

Một số phương pháp điều trị có thể giúp ích chẳng hạn như:

  • Phục hồi chức năng phổi: một chương trình chương trình giáo dục và thể dục thể thao nhằm giúp kiểm soát hơi thở, điều hoà nhịp thở giúp giảm khó thở.

  • Thở Oxy có thể giúp cải thiện tình trạng khó thở nếu lượng oxy trong máu thấp.

  • Tiêm ngừa vaccine cúm và phế cầu để phòng ngừa tình trạng nhiễm khuẩn và các biến chứng hô hấp.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh bụi phổi amiăng

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Phương pháp phòng ngừa bệnh bụi phổi amiăng hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

Nếu vẫn làm việc trong môi trường có sợi amiăng thì việc tiếp xúc là không thể tránh khỏi. Người lao động được khuyên nên hạn chế tiếp xúc tối đa với sợi amiăng hoặc đổi môi trường làm việc nếu được.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.msdmanuals.com/
  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/asbestosis/symptoms-causes/syc-20354637
  3. https://www.nhs.uk/conditions/asbestosis/