Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm động mạch chủ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 15/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm động mạch chủ là tình trạng viêm của thành động mạch chủ. Bệnh này tuy hiếm gặp nhưng có khả năng đe dọa tính mạng. Cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời để không xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng. 

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm động mạch chủ là gì?

Viêm động mạch chủ là tình trạng viêm của thành động mạch chủ. Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể và nó có các nhánh cung cấp lưu lượng máu đến tất cả các cơ quan và mô của cơ thể. Viêm động mạch chủ có thể hạn chế lưu lượng máu và làm tổn thương các cơ quan và mô quan trọng.

Nguyên nhân của viêm động mạch chủ có thể bao gồm ba nhóm nguyên nhân chính:

  • Không nhiễm trùng;
  • Nhiễm trùng;
  • Viêm động mạch chủ đơn độc.

Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm động mạch chủ là do nhóm bệnh lý không nhiễm trùng và thường gặp ở bệnh viêm động mạch Takayasu.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm động mạch chủ

Các triệu chứng viêm động mạch chủ có thể khác nhau ở mỗi người, tùy thuộc vào việc chúng xảy ra nguyên nhân nào. Trong một số trường hợp, người bị viêm động mạch chủ có thể không có bất kỳ triệu chứng nào.

Các triệu chứng viêm động mạch chủ có thể bao gồm:

Viêm động mạch chủ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Đau đầu là triệu chứng thường gặp của bệnh viêm động mạch chủ

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng của viêm động mạch chủ, hãy lập tức liên hệ ngay với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm động mạch chủ

Nguyên nhân chính xác của bệnh viêm động mạch chủ vẫn chưa được các nhà nghiên cứu giải thích đầy đủ. Viêm động mạch được phân loại là một rối loạn tự miễn dịch, một căn bệnh xảy ra khi hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể tấn công nhầm vào các mô khỏe mạnh.

Nguyên nhân gây viêm động mạch chủ có thể được chia thành ba loại:

  • Không nhiễm trùng: Gây ra bởi một bệnh thấp khớp (rối loạn tự miễn) - một thuật ngữ chung cho các rối loạn viêm gây đau mãn tính ở khớp, cơ và mô liên kết. Một số dạng viêm động mạch thuộc loại này, bao gồm viêm động mạch tế bào khổng lồ (GCA), viêm động mạch Takayasu, hội chứng Behcet và hội chứng Cogan. Các rối loạn viêm khác có thể ảnh hưởng đến động mạch chủ bao gồm bệnh lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, sarcoidosis và các bệnh khác.
  • Nhiễm trùng: Các bệnh nhiễm trùng liên quan đến viêm động mạch chủ bao gồm bệnh lao, khuẩn salmonella, bệnh giang mai, sốt mò, virus herpes, viêm gan B và viêm gan C, cùng nhiều bệnh khác.
  • Viêm động mạch chủ đơn độc: Đây là tình trạng viêm động mạch chủ mà không có nguyên nhân cơ bản nào có thể xác định được. Có thể kèm theo xơ hóa sau phúc mạc vô căn hoặc viêm phình động mạch chủ bụng.
Viêm động mạch chủ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Nguyên nhân nhiễm trùng tuy hiếm gặp nhưng khi mắc lại gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm động mạch chủ?

Bởi vì tình trạng này có thể phát triển từ nhiều nguyên nhân khác nhau nên nó có thể ảnh hưởng đến cả nam và nữ ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, viêm động mạch chủ phổ biến nhất ở những người từ 10 đến 40 tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm động mạch chủ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm động mạch chủ bao gồm:

  • Có hệ thống miễn dịch suy yếu, thường gặp nhất trong những trường hợp như ung thư, HIV, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
  • Sống hoặc đi đến những nơi phổ biến các bệnh truyền nhiễm gây viêm động mạch chủ.
  • Mắc các bệnh lý tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống,...

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm viêm động mạch chủ

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh viêm động mạch chủ bằng cách khám sức khỏe, hỏi bạn về các triệu chứng và làm thêm một vài xét nghiệm cần thiết.

Một số xét nghiệm mà bác sĩ có thể sử dụng để chẩn đoán viêm động mạch chủ bao gồm:

  • Siêu âm tim;
  • Siêu âm bụng;
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT);
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI);
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET);
  • Tốc độ lắng của máu;
  • Protein phản ứng C;
  • Sinh hóa máu để kiểm tra chức năng thận và gan;
  • Các xét nghiệm máu khác để tìm nguyên nhân viêm mạch hệ thống, các bệnh viêm nhiễm khác hoặc nhiễm trùng nếu cần thiết.
Viêm động mạch chủ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Chụp MRI là xét nghiệm thường được chỉ định để chẩn đoán viêm động mạch chủ

Điều trị viêm động mạch chủ

Nội khoa

Điều trị viêm động mạch chủ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Điều trị ban đầu khi nghi ngờ viêm động mạch chủ nhiễm trùng là dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch với phổ kháng khuẩn rộng đối với hầu hết các sinh vật gây bệnh. 

Ngược lại, liệu pháp ức chế miễn dịch là phương pháp điều trị chính cho viêm động mạch chủ không nhiễm trùng và bệnh nhân được điều trị bằng kết hợp nhiều phương pháp điều trị. Sau khi đã xác định được chẩn đoán viêm động mạch chủ không nhiễm trùng do viêm động mạch GCA hoặc Takayasu, nên bắt đầu điều trị bằng glucocorticoid đường uống. 

Thông thường, các thuốc ức chế miễn dịch bao gồm MethotrexateAzathioprine, được kết hợp với steroid để điều trị tình trạng bệnh khó chữa và ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng hơn.

Viêm động mạch chủ là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định thuốc phù hợp để điều trị bệnh

Ngoại khoa

Phẫu thuật đôi khi cần thiết để sửa chữa chứng phình động mạch hoặc bắc cầu nối các động mạch bị tắc.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của viêm động mạch chủ

Chế độ sinh hoạt:

  • Điều trị ổn định bệnh nền, uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
  • Tập thể dục mỗi ngày.
  • Tránh stress, tập luyện thư giãn.
  • Tự theo dõi các triệu chứng, nếu xuất hiện các triệu chứng mới hoặc có bất kỳ lo lắng nào về tình trạng của bản thân hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được điều trị kịp thời.

Chế độ dinh dưỡng: Không có chế độ dinh dưỡng cụ thể nào cho tình trạng viêm động mạch chủ, việc duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ là cần thiết cho sức khỏe chung của bản thân.

Phòng ngừa viêm động mạch chủ

Trong hầu hết các trường hợp, bạn không thể ngăn ngừa viêm động mạch chủ vì nó liên quan đến viêm mạch vô căn, bệnh tự miễn hoặc nhiễm trùng.

Việc giảm các yếu tố nguy cơ khác gây tổn thương mạch máu có thể góp phòng phòng ngừa viêm động mạch chủ. Bạn có thể thực hiện những điều sau:

  • Kiểm soát huyết áp cao.
  • Giảm cholesterol máu.
  • Ngừng hút thuốc lá.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  • Tiêm phòng các bệnh lý dễ lây nhiễm trong cộng đồng như Covid-19, cúm, zona...

Các câu hỏi thường gặp về viêm động mạch chủ

Viêm động mạch chủ có thể ảnh hưởng đến cơ thể tôi như thế nào?

Ngoài các triệu chứng gặp phải, người bị viêm động mạch chủ có thể bị các biến chứng, bao gồm:

  • Suy thận;
  • Đột quỵ;
  • Nhồi máu cơ tim;
  • Suy tim;
  • Vỡ hoặc rách động mạch chủ.

Tác dụng phụ khi điều trị thuốc chữa viêm động mạch chủ?

Các loại thuốc dùng để điều trị viêm động mạch chủ có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng, chẳng hạn như làm giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể và nguy cơ mất xương (loãng xương), cùng nhiều tác dụng phụ khác. Vì vậy, điều quan trọng là phải gặp bác sĩ để kiểm tra thường xuyên. Thuốc bổ sung có thể được kê toa để hạn chế tác dụng phụ. Việc phòng ngừa lây nhiễm cũng rất quan trọng. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về việc tiêm phòng cúm, tiêm phòng viêm phổi và/hoặc tiêm phòng bệnh zona, điều này có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Viêm động mạch chủ điều trị rồi có tái phát bệnh nữa không?

Viêm động mạch chủ đòi hỏi phải được chăm sóc y tế liên tục và xét nghiệm hình ảnh lặp đi lặp lại về tim và động mạch chủ. Bệnh nhân bị viêm động mạch chủ có thể bị tái phát các triệu chứng viêm mạch vì hầu hết các dạng viêm mạch đều là tình trạng mãn tính. Các triệu chứng mới hoặc quay trở lại nên được báo cáo cho bác sĩ càng sớm càng tốt.

Khi nào tôi cần phẫu thuật viêm động mạch chủ?

Bạn có thể cần phẫu thuật nếu bạn có:

  • Chứng phình động mạch chủ đủ lớn đến mức có nguy cơ bị vỡ hoặc chứng phình động mạch ảnh hưởng đến chức năng tim.
  • Tình trạng động mạch chủ bị thu hẹp làm giảm nghiêm trọng lượng máu cung cấp đến các vị trí quan trọng khác trong cơ thể.

Làm thế nào tôi có thể phòng ngừa viêm động mạch chủ?

Trong hầu hết các trường hợp, bạn không thể ngăn ngừa viêm động mạch chủ vì nó liên quan đến viêm mạch hệ thống, bệnh tự miễn, quá trình viêm đơn độc hoặc có khả năng bị nhiễm trùng.

Việc giảm các yếu tố nguy cơ khác gây tổn thương mạch máu có thể góp phòng phòng ngừa viêm động mạch chủ. Bạn có thể phòng ngừa bằng cách:

  • Kiểm soát huyết áp cao.
  • Giảm cholesterol máu.
  • Ngừng hút thuốc lá.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  • Tiêm phòng các bệnh lý dễ lây nhiễm trong cộng đồng như Covid-19, cúm, zona, phế cầu...
Nguồn tham khảo
  1. Inflammatory Aortic Disease (Aortitis): https://www.cedars-sinai.org/health-library/diseases-and-conditions/i/inflammatory-aortic-disease-aortitis.html
  2. Aortitis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2759760/
  3. Aortitis: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24264-aortitis
  4. Aortitis: https://www.vasculitisfoundation.org/education/forms/aortitis/
  5. Inflammatory and infectious aortic diseases: https://cdt.amegroups.org/article/view/16423/html
  6. Clinically isolated aortitis: pitfalls, progress, and possibilities: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S1054880717300935

Các bệnh liên quan

  1. Thiếu máu cục bộ đường mật

  2. U hạt mạn tính

  3. Tăng tiểu cầu

  4. Bệnh ưa chảy máu

  5. Bệnh Kawasaki ở trẻ em

  6. Thiếu máu não

  7. Thiếu máu do thiếu vitamin B12

  8. Rò động tĩnh mạch

  9. Thiếu máu

  10. huyết áp tâm trương cao