Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Chấn thương khí quản là gì? Phương pháp phòng ngừa ra sao?

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chấn thương khí quản là tình trạng khí quản bị hẹp, bị chèn ép gây tắc nghẽn, bị bỏng hoặc rò khí… Chấn thương khí quản tùy theo mức độ tổn thương sẽ gây nên những ảnh hưởng nhất định đến hệ hô hấp. Cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay lập tức để được chăm sóc y tế thích hợp và tránh mắc phải các biến chứng đáng tiếc.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Chấn thương khí quản là gì?

Khí quản là một ống dài khoảng 10 – 15cm với đường kính dưới 2,54cm, có nhiệm vụ dẫn không khí. Khí quản cấu tạo bởi khoảng 20 vòng sụn, cơ và mô liên kết. Khí quản bắt đầu từ ngay phía dưới thanh quản, chạy xuống đến sau xương ức và chia thành hai ống nhỏ hơn gọi là phế quản.

Chấn thương khí quản là tình trạng khí quản bị tổn thương, không thể hoạt động một cách bình thường và gây ảnh hưởng đến khả năng hô hấp của bệnh nhân. Các chấn thương khí quản có thể gặp như:

  • Hẹp khí quản: Tình trạng viêm nhiễm trong khí quản có thể dẫn đến sẹo và gây hẹp khí quản. Nếu nghiêm trọng, có thể cần phải phẫu thuật hoặc nội soi để điều chỉnh tình trạng hẹp. 

  • Rò khí quản: Bất thường ở đường nối khí quản và thực quản khiến thức ăn từ thực quản lọt vào khí quản, có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về phổi.

  • Dị vật khí quản: Cần nội soi phế quản để lấy dị vật ra khỏi khí quản.

  • Ung thư khí quản: Khả năng này khá hiếm khi xảy ra. 

  • Bệnh nhuyễn khí quản: Đây là tình trạng hiếm gặp, khi này sụn khí quản mềm và yếu ớt hơn bình thường. Bệnh thường do dị tật bẩm sinh hoặc do chấn thương hay hút thuốc ở người lớn.

  • Tắc nghẽn khí quản: Khi có một khối u hoặc các dị vật khác chèn ép và làm hẹp khí quản, gây khó thở. Trường hợp này cần đặt stent hoặc phẫu thuật mở khí quản và cải thiện hô hấp.

  • Bỏng hô hấp: Khi hít phải khói, khí độc, tiếp xúc với nhiệt độ cao, các dây thần kinh cảm giác và vận mạch ở khí quản tiết ra các neuropeptide, gây phản ứng viêm, co thắt phế quản và tổng hợp oxid nitric (NOS) để tạo ra các gốc oxy phản ứng (ROS). Từ đó, bỏng hô hấp gây mất protein huyết tương, giảm thể tích tuần hoàn, giảm oxy máu, xẹp phế nang…

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của chấn thương khí quản

Chấn thương khí quản gây nên các triệu chứng chủ yếu trên hệ hô hấp:

  • Ho khan, ho dai dẳng;

  • Khó thở, thở khò khè, thở nhanh, thở nông;

  • Xanh xao, tím tái;

  • Dịch tiết đường thở có bồ hóng, tro (sau khi thoát khỏi đám cháy);

  • Ban đỏ;

  • Tăng ure huyết.

Tác động của Chấn thương khí quản đối với sức khỏe 

Chấn thương khí quản làm suy giảm khả năng hô hấp của bệnh nhân, thậm chí có thể làm bệnh nhân không thở được nếu không có biện pháp điều trị kịp thời.

Biến chứng có thể gặp khi bị Chấn thương khí quản

Chấn thương khí quản khi không điều trị kịp thời sẽ gây thiếu oxy trầm trọng, có thể dẫn đến ngưng thở, ngưng tim.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra chấn thương khí quản

Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến chấn thương khí quản:

  • Hít phải dị vật;

  • Dị ứng;

  • Chấn thương do tai nạn;

  • Bỏng hoặc hít một lượng lớn khói từ đám cháy;

  • Hít phải hóa chất, khí độc;

  • Nhiễm virus, vi khuẩn;

  • Mắc các bệnh đường hô hấp (viêm phổi, xơ phổi, hen suyễn, COPD…);

  • Có áp xe trong cổ họng hoặc amidan;

  • Khối u gần khí quản gây chèn ép khí quản;

  • Sưng lưỡi hoặc viêm nắp thanh quản;

  • Tràn khí màng phổi có thể làm tăng áp lực lên khí quản gây lệch khí quản.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ chấn thương khí quản?

Một số đối tượng có nguy cơ chấn thương khí quản bao gồm:

  • Trẻ em;
  • Người mắc các bệnh hô hấp mạn tính;
  • Người bị chấn thương do tai nạn hoặc va đập;
  • Người hít phải hóa chất độc hại hoặc bỏng do nhiệt;
  • Người có khối u chèn ép khí quản.

Yếu tố làm tăng nguy cơ Chấn thương khí quản

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ Chấn thương khí quản, bao gồm:

  • Thường xuyên hút thuốc lá hoặc hít khói thuốc từ người khác.

  • Bị dị ứng do côn trùng chích hoặc do thức ăn.

  • Bất thường về cấu trúc di truyền (bệnh nhuyễn khí quản).

  • Trẻ em thường dễ hít phải dị vật hơn người lớn.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán chấn thương khí quản

Nội soi khí phế quản.

Chụp CT, MRI, X quang để quan sát hình ảnh của khí quản (có bị lệch không, có dị vật không…).

Phương pháp điều trị Chấn thương khí quản hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp. 

Thủ thuật mở thông khí quản có thể được thực hiện, đặc biệt ở bệnh nhân phải thở máy trong thời gian dài.

Trường hợp tắc nghẽn khí quản, hẹp khí quản, có thể sử dụng phương pháp nong khí quản nội soi, đặt stent khí quản.

Phá hủy các khối u gây tắc nghẽn khí quản bằng tia laser, phẫu thuật hoặc liệu pháp lạnh.

Phẫu thuật để điều chỉnh lỗ rò khí quản.

Chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật để tránh nhiễm trùng và phù nề.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Chấn thương khí quản

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan: Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái. 

  • Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi ở nơi có không khí trong lành, thoáng mát, không hút thuốc cũng như tránh xa khói thuốc lá.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn thức ăn nhẹ, dễ nuốt, chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày.

  • Tránh ăn các thức ăn cay nóng, gây kích thích.

  • Nếu không ăn được, có thể bệnh nhân phải truyền dịch dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch.

  • Không uống rượu bia.

Phương pháp phòng ngừa Chấn thương khí quản hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Chú ý đến trẻ nhỏ nhiều hơn, ngăn trẻ đưa dị vật vào mũi hoặc ăn quá nhanh gây sặc.

  • Chú ý an toàn khi tham gia giao thông.

  • Không hút thuốc lá.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.webmd.com/
  2. https://www.uptodate.com/
  3. https://www.healthline.com/

Các bệnh liên quan

  1. Viêm xoang sàng

  2. Sốc

  3. Hội chứng hít phân su

  4. Bệnh Beryllium

  5. MERS

  6. Bụi phổi atbet (amiăng)

  7. Hen phế quản

  8. Viêm phổi kẽ lympho bào

  9. Ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn II

  10. Nhồi máu phổi