Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Co rút Dupuytren: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Ngày 30/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Co rút Dupuytren là một bệnh lý chủ yếu xuất hiện ở người da trắng, tỷ lệ mắc bệnh trên toàn thế giới vào khoảng 3 - 6%. Bệnh lý này diễn tiến kéo dài khiến cân gan tay co rút gây gập ngón tay vào bàn tay. Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn co rút Dupuytren. Các phương pháp điều trị có thể giúp người bệnh giảm triệu chứng và làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Co rút Dupuytren là gì?

Co rút Dupuytren là tình trạng rối loạn tăng sinh dạng sợi của mô liên kết, không ác tính, tiến triển chậm khiến cân gan tay trở nên dày lên và co rút dần. Kết quả của quá trình này là sự co rút và gập quá mức các ngón tay vào lòng bàn tay. Bệnh này thuộc nhóm bệnh xơ hóa, thường phát triển dưới dạng nốt (nodule) ở lòng bàn tay và dải mô phì đại.

Tình trạng gập các ngón tay trong co rút Dupuytren thường khởi đầu ở ngón út và ngón áp út, có thể ảnh hưởng đến chức năng của khớp liên ngón gần và khớp bàn ngón tay.

Bệnh lý trên được đặt tên theo bác sĩ Guillaume Dupuytren - người mô tả cơ chế bệnh sinh và thực hiện thành công ca phẫu thuật điều trị bệnh đầu tiên vào năm 1831.

Co rút Dupuytren thuộc nhóm bệnh xơ hóa (Fibromatoses) bao gồm các bệnh như xơ hóa gân (bệnh Ledderhose), xơ hóa dương vật (bệnh Peyronie) và xơ hóa mặt lưng khớp liên đốt ngón gần (hạt Garod).

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của co rút Dupuytren

Các triệu chứng lâm sàng điển hình của co rút Dupuytren bao gồm:

  • Hình thành nốt cứng và dải mô phì đại ở lòng bàn tay.
  • Co rút khớp ngón tay, gây giảm tầm vận động và sự khéo léo.
  • Cảm giác nổi cộm hoặc cứng ở lòng bàn tay.
  • Giảm khả năng sử dụng bàn tay hiệu quả.

Biến chứng có thể gặp phải khi mắc co rút Dupuytren

Biến chứng của co rút Dupuytren có thể bao gồm:

  • Sự co rút ngón tay trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chức năng gập duỗi của bàn tay và các ngón tay.
  • Tổn thương cấu trúc và chức năng các khớp ngón tay.
  • Khó khăn trong việc thực hiện các công việc hàng ngày và hoạt động tinh vi.
Co rút Dupuytren: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 5
Phân độ co rút Dupuytren

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có các triệu chứng của co rút Dupuytren, bạn có thể đến các cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa Cơ xương khớp để được bác sĩ thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời, giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh và làm chậm tiến triển của bệnh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến co rút Dupuytren

Tổn thương khởi điểm của co rút Dupuytren là một nốt (nodule) ở lòng bàn tay, ban đầu là một khối mô liên kết có kết cấu chắc được cố định vào da và cân mạc sâu. Về mô học, nó được đặc trưng bởi mô liên kết hỗn loạn, dày đặc, không viêm ở mặt trước cân gan tay.

Sự co rút mô trong bệnh Dupuytren chủ yếu liên quan đến hoạt hóa của nguyên bào sợi và quá trình biệt hóa nguyên bào sợi cơ. Sự kích hoạt này xảy ra phản ứng với các yếu tố như cytokine interleukin-1, prostaglandin F2 và E2, các yếu tố tăng trưởng từ tiểu cầu và mô liên kết, đặc biệt là yếu tố tăng trưởng chuyển dạng beta và yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi. Các microRNA như miR-29c, miR130b và miR-140-3p, đã được phát hiện trong các mẫu mô co rút Dupuytren, đóng vai trò điều chỉnh các gen quan trọng trong con đường chuyển hóa beta-catenin như WNT5A, ZIC1 và TGFB1.

Dần dần nốt xơ hóa này lan rộng, gây co rút và căng trên các dải cân dọc của cân gan tay, hình thành nên những dải mô phì đại giống như dây thừng. Mô học của dải dây này khác biệt rõ rệt so với nốt ban đầu, chứa ít nguyên bào sợi cơ và nguyên bào sợi, trong một môi trường collagen dày đặc và ít mạch máu. Những biến đổi ở da, bao gồm sự dày lên của da và mô dưới da ở lòng bàn tay, là những dấu hiệu sớm nhất của co rút Dupuytren. Nếp gợn sóng trên da lòng bàn tay có thể xuất hiện trước khi co rút và gập ngón tay phát triển.

Mặc dù vậy, co rút Dupuytren không phải lúc nào cũng tiếp tục tiến triển. Một nghiên cứu với 247 người mắc bệnh nguyên phát theo dõi định kỳ mỗi 3 - 6 tháng cho thấy 75% trong số họ có diễn tiến bệnh ổn định hoặc thậm chí có dấu hiệu thoái triển.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải co rút Dupuytren?

Đối tượng có một số đặc điểm sau có nguy cơ mắc co rút Dupuytren, bao gồm:

  • Tiền căn vi chấn thương, rung động hoặc chấn thương lớn ở bàn tay.
  • Người có tiền căn gãy đầu dưới xương quay (gãy Colles).
  • Người có tiền căn động kinh.
  • Người bệnh đái tháo đường.
  • Người uống nhiều rượu, nghiện rượu, hút thuốc lá.
  • Người nhiễm HIV.
Co rút Dupuytren: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 6
Nghiện rượu là yếu tố nguy cơ gây co rút Dupuytren

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải co rút Dupuytren

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc co rút Dupuytren:

  • Chủng tộc: Người da trắng có tỷ lệ bệnh chiếm 3 - 6%, người châu Á xấp xỉ 3% và ít gặp ở người Ấn Độ < 1%.
  • Tuổi tác: Co rút Dupuytren xảy ra phổ biến hơn ở người lớn > 50 tuổi và hiếm gặp ở trẻ nhỏ hơn 10 tuổi.
  • Giới tính: Nam giới mắc bệnh lý này nhiều hơn (khoảng 80%), diễn tiến nhanh và nghiêm trọng hơn nữ giới.
  • Di truyền: Những người có người thân trực hệ mắc bệnh có nguy cơ mắc co rút Dupuytren cao hơn những người khác.
  • Nghề nghiệp: Những nghề nghiệp đòi hỏi sự hoạt động liên tục của ngón tay và bàn tay như thợ thủ công, thợ may,... có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm co rút Dupuytren

Bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng một số đặc điểm sau:

  • Các nốt cứng ở lòng bàn tay, có thể đau khi sờ.
  • Dải dây xơ hóa không đau gần với các nốt.
  • Da gan tay trở nên trắng hơn khi duỗi các ngón tay.
  • Co rút khớp bàn ngón tay và khớp liên đốt gần, tiến hành ghi nhận tầm vận động của các động tác gập ngón và đánh giá quá duỗi bù trừ hoặc co rút của khớp liên đốt xa.
  • Nghiệm pháp mặt bàn Hueston: Yêu cầu người bệnh đặt bàn tay lên mặt bàn, nếu người bệnh không thể đặt lòng bàn tay sát mặt bàn là nghiệm pháp dương tính.

Bác sĩ cần chẩn đoán phân biệt co rút Dupuytren với một số bệnh cơ xương khớp khác thường gặp tại bàn tay và ngón tay như:

  • Ngón tay cò súng;
  • Viêm bao hoạt dịch gân gấp;
  • Viêm cân gan tay;
  • Sarcoma dạng biểu mô ở lòng bàn tay;
  • U mỡ hoặc u xơ;
  • Liệt dây thần kinh trụ
  • Hạt tophi trong viêm khớp gout.

Co rút Dupuytren chẩn đoán chủ yếu nhờ vào thăm khám lâm sàng. Các cận lâm sàng không được sử dụng thường quy để chẩn đoán. Một số cận lâm sàng có thể được chỉ định gồm:

  • Siêu âm bàn tay: Quan sát hình ảnh cân gan tay dày lên và xuất hiện các nốt.
  • Sinh thiết: Chỉ thực hiện khi không thể phân biệt tổn thương này là khối mô mềm ở lòng bàn tay hay sarcoma.
  • Đo điện cơ: Trong trường hợp theo dõi liệt dây thần kinh trụ.

Phương pháp điều trị co rút Dupuytren hiệu quả

Chiến lược điều trị co rút Dupuytren phụ thuộc vào độ nặng và diễn tiến của bệnh. Một số phương pháp đang được áp dụng để điều trị bao gồm:

Tiêm corticosteroid

Liệu pháp này sử dụng trước khi có sự co kéo xuất hiện. Tiêm corticosteroid vào các nốt xơ hóa có thể làm giảm kích thước của nốt ở một số người bệnh. Tuy nhiên, 50% trong số đó bị tái phát sau 1 - 3 năm trong nghiên cứu của Ketchum (2012). Tỉ lệ biến chứng của liệu pháp này khá cao như teo mô mỡ, loạn sắc tố da. Ngoài ra, tiêm corticosteroid cũng có nguy cơ làm rách, đứt gân cơ.

Tiêm collagenase clostridium histolyticum

Collagenase được tiêm vào dải xơ giúp làm vỡ các dải xơ sau khi làm thủ thuật ít xâm lấn. Hiệu quả của liệu pháp này tương đương với rạch cân bằng kim qua da, tỷ lệ thành công đạt khoảng 57%. Biến chứng của liệu pháp thường nhẹ và tự giới hạn như đau, sưng, bầm da tại chỗ.

Rạch cân bằng kim qua da (Percutaneous needle fasciotomy)

Là một thủ thuật ít xâm lấn, được thực hiện với gây tê cục bộ, bao gồm chọc nhiều mũi và tách các dải xơ Dupuytren bằng kim. Rạch cân bằng kim qua da có thể là can thiệp điều trị ban đầu hiệu quả với co rút Dupuytren, nhất là người lớn tuổi và co rút chủ yếu ở khớp bàn ngón tay. Tỉ lệ biến chứng nặng thấp (nhiễm trùng, rách gân gấp, tổn thương thần kinh ngón tay). Tỉ lệ tái phát cao. Có thể tiêm collagenase vào dải xơ Dupuytren vào ngày hôm sau. Chi phí của can thiệp này là rẻ tiền nhất.

Phẫu thuật

Phẫu thuật đối với co rút Dupuytren nếu co rút khớp bàn ngón tay từ 30 độ trở lên, phẫu thuật nhằm loại bỏ mô tổn thương. Mục tiêu nhằm cải thiện chức năng, giảm biến dạng và ngăn ngừa tái phát.

Co rút Dupuytren: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 4
Phẫu thuật điều trị co rút Dupuytren là biện pháp hiệu quả

Phục hồi chức năng vận động sau phẫu thuật

Thời gian phục hồi chức năng phụ thuộc vào mức độ xâm lấn của phẫu thuật: Các nốt nhỏ có giới hạn thường phục hồi trong 4 - 6 tuần, trong khi phẫu thuật rộng hơn có thể từ 3 - 6 tháng.

Các kĩ thuật chăm sóc hậu phẫu và phục hồi chức năng bao gồm: Chăm sóc vết thương, xoa bóp, kéo giãn thụ động, các bài tập ROM chủ động và thụ động. Đeo nẹp để kéo giãn các ngón tay liên tục 6 tuần và có thể đeo nẹp đến 4 tháng để giảm tình trạng co rút.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của co rút Dupuytren

Chế độ sinh hoạt:

Nếu bạn đang mắc co rút Dupuytren thể nhẹ, bạn có thể thực hiện một số phương pháp sau để hạn chế diễn tiến của bệnh:

  • Tránh cầm chặt các vật dụng hàng ngày.
  • Sử dụng các loại băng đệm, miếng lót quấn quanh các vật dụng nặng.
  • Sử dụng găng tay có lớp đệm dày khi thực hiện các công việc cầm nắm vật nặng.
  • Tập phục hồi sự co duỗi các ngón tay với quả bóng tennis.
  • Tự xoa bóp lòng bàn tay theo chiều kim đồng hồ.
  • Chườm nóng tại vùng co rút giúp giảm đau, tăng cường tuần hoàn, giảm co rút cân cơ.

Chế độ dinh dưỡng:

Một số nhóm chất dinh dưỡng nên được bổ sung ở người bệnh co rút Dupuytren gồm:

  • Các loại thực phẩm chứa nhiều nguyên tố vi lượng như natri, calci, magie hoặc kali.
  • Vitamin nhóm B như vitamin B1, B6, B12.
  • Uống tối thiểu 1,5 - 2 lít nước lọc mỗi ngày. Nếu tập thể dục nhiều hoặc làm việc ở nhiệt độ cao, đổ mồ hôi nhiều thì nên bổ sung nhiều hơn.
  • Bạn cần được bác sĩ tư vấn trước khi bổ sung bất kỳ loại vitamin và khoáng chất nào.

Phương pháp phòng ngừa co rút Dupuytren hiệu quả

Co rút Dupuytren là bệnh lý phức tạp và hiện nay chưa có phương pháp phòng ngừa. Một số thói quen sau giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

  • Không hút thuốc lá.
  • Hạn chế rượu bia và các loại đồ uống có cồn.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh.
  • Kiểm soát ổn định bệnh lý nền như đái tháo đường, béo phì, HIV,...
  • Luyện tập thể dục thể thao đều đặn giúp cơ thể khỏe mạnh và dẻo dai.
Co rút Dupuytren: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 7
Luyện tập thể dục thể thao đều đặn để phòng ngừa bệnh
Nguồn tham khảo
  1. McMillan C, Binhammer P. Steroid injection and needle aponeurotomy for Dupuytren contracture: a randomized, controlled study. J Hand Surg Am. 2012 Jul;37(7):1307-12. doi: 10.1016/j.jhsa.2012.04.026.
  2. Walthall J, Anand P, Rehman UH. Dupuytren Contracture. 2023 Feb 26. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2023 Jan–. PMID: 30252330.
  3. Home Remedies to Treat Dupuytren’s Disease: https://www.orthobethesda.com/blog/home-remedies-to-treat-dupuytrens-disease/
  4. Dupuytren's contracture: https://www.nhs.uk/conditions/dupuytrens-contracture/
  5. Dupuytren's Contracture: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/dupuytrens-contracture

Các bệnh liên quan